BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH
SẮC LỆNH
***
II. CÁC CHÚA NHẬT MÙA CHAY
A. Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay
B. Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay
C. Các Chúa nhật III, IV, V Mùa Chay
69. Về ba Chúa nhật tiếp sau, cho năm A được sử dụng các bài Tin Mừng theo truyền thống nói về khai tâm Kitô giáo: Người phụ nữ Samari, người mù từ lúc mới sinh và ông Ladarô sống lại. Vì các bài Tin Mừng này có tầm quan trọng, nên cũng có thể được sử dụng cho các năm B và C, nhất là tại những nơi có anh chị em tân tòng. Tuy vậy, các bài đọc khác cũng được đề nghị : cho năm B, các bài Tin Mừng theo thánh Gioan loan báo việc tôn vinh Đức Kitô nhờ Thập Giá và Phục Sinh, và cho năm C, các bài về việc sám hối… Các bài đọc về người phụ nữ Samari, người mù từ lúc mới sinh và ông Ladarô sống lại, từ nay được đọc trong ngày Chúa nhật, nhưng chỉ buộc đọc một trong ba năm (năm A), còn trong các năm khác, có thể chọn đọc các bài này trong tuần nhờ ba “thánh lễ tuỳ nghi” mà người ta sẽ tự do sử dụng vào một ngày thích hợp trong tuần (OLM 97 và 98). Sự nhấn mạnh đến giáo lý là nét đặc thù của Mùa Chay được bày tỏ rõ ràng trong các bài đọc và lời cầu nguyện của năm A. Mối liên hệ giữa một bên là các chủ đề về nước, ánh sáng và sự sống, và một bên là phép thanh tẩy, thật rõ nét. Qua các bài đọc Thánh Kinh và lời nguyện Phụng Vụ, Giáo Hội hướng dẫn các anh chị em tân tòng đến việc khai tâm bí tích, điều sẽ được hoàn trọn trong lễ Phục Sinh. Giai đoạn cuối cùng này trong việc chuẩn bị có tầm quan trọng nền tảng, như có thể nhận thấy trong các lời nguyện được đọc vào dịp cử hành bỏ phiếu.
Còn các tín hữu khác thì sao ? Thật là hữu ích khi vị giảng thuyết có thể mời thính giả coi Mùa Chay như một khoảng thời gian để củng cố bí tích Thanh Tẩy của họ và thanh luyện đức tin. Tiến trình này có thể được giải thích dưới ánh sáng về quan niệm mà dân Ítraen đã thủ đắc từ kinh nghiệm của cuộc Xuất Hành. Đây là một biến cố mấu chốt để huấn luyện Ítraen thành Dân Thiên Chúa, tức là để khám phá ra những giới hạn và bất trung của họ, nhưng cũng để nhận ra tình yêu trung tín và vững bền Thiên Chúa dành cho họ. Tiếp đến, biến cố này còn được sử dụng như hình mẫu giải thích sự tiến bước với Thiên Chúa, trong suốt dòng lịch sử Ítraen. Như vậy, đối với chúng ta : Mùa Chay là thời gian, mà trong sa mạc là cuộc sống nơi trần thế, với những khó khăn, những sợ hãi và bất trung, chúng ta khám phá ra sự thân cận của Thiên Chúa, bất kể mọi thứ có thể gây cản trở, Người vẫn đưa dẫn chúng ta về Đất Hứa. Khoảnh khắc nền tảng cho đời sống đức tin của chúng ta tạo nên một thách đố. Các ân sủng đã lãnh nhận trong bí tích Thanh Tẩy, khi chúng ta được sinh ra, không thể bị lãng quên, cho dù tội lỗi chất chồng và những sai lầm của con người có thể che mờ những ân sủng đó. Sa mạc là nơi mà đức tin chúng ta bị thử thách, nhưng cũng tại đó, đức tin của chúng ta có thể được thanh tẩy và củng cố nếu chúng ta biết đặt đời sống của mình vào Thiên Chúa, mặc dù có những kinh nghiệm trái ngược. Ba Chúa nhật này đều có chủ đề chính là cách thức mà đức tin có thể được tăng cường liên tục, bất chấp tội lỗi (người phụ nữ Samari), sự ngu dốt (người mù từ thuở mới sinh) và cái chết (ông Ladarô). Đó là những “sa mạc” mà chúng ta được mời gọi vượt qua trong hành trình đời sống, và cũng là nơi chúng ta nhận ra mình không đơn độc, vì có Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
70. Mối liên hệ giữa những người chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy và các tín hữu làm cho Mùa Chay thêm sinh động, vì vậy, vị giảng thuyết cần phải cố gắng tạo nên mối liên kết giữa toàn bộ cộng đoàn và tiến trình chuẩn bị cho những người sắp được thanh tẩy. Khi cử hành các cuộc bỏ phiếu, rất nên đọc công thức liên quan đến người đỡ đầu, được ghi trong Kinh Nguyện Thánh Thể ; điều này có thể giúp mỗi người trong cộng đoàn nhớ lại rằng họ có vai trò chủ động phải thực thi là “người trợ giúp” cho người sắp chịu thanh tẩy, đồng thời họ có bổn phận dẫn đưa những người khác về với Đức Kitô. Chúng ta là các tín hữu, như người phụ nữ Samari, chúng ta được mời gọi chia sẻ đức tin của mình với người khác. Chính nhờ vậy, vào lễ Phục Sinh, những người tân tòng có thể thông báo với toàn thể cộng đoàn rằng : “Không còn phải vì lời các bạn kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng ta đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian”.
71. Chúa nhật III Mùa Chay một lần nữa đưa chúng ta vào sa mạc, cùng với Đức Giêsu, và trước Người, cùng với dân Ítraen. Dân Ítraen đã lâm cảnh khát nước và sự việc này đã làm họ nghi ngờ nền tảng vững chắc của hành trình họ đang thực hiện theo lời mời gọi của Thiên Chúa : Tình trạng có vẻ như tuyệt vọng, cho đến lúc một sự trợ giúp hoàn toàn bất ngờ : Ông Môsê đã lấy gậy đập vào tảng đá cứng, và nước đã vọt ra ! Tuy nhiên, vẫn còn một thứ rất cứng và không thể lay chuyển, đó là tâm hồn con người. Thánh vịnh đáp ca đưa ra lời kêu mời mạnh mẽ với tất cả những ai hát hay nghe : “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa ! Người phán : các người chớ cứng lòng”. Trong bài đọc II, thánh Phaolô tuyên bố rằng niềm tự hào duy nhất của chúng ta là đức tin, nhờ Đức Kitô, đức tin làm cho ta đạt được ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch hy vọng. Niềm hy vọng này không phai nhạt bởi vì Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta, và như thế làm cho tâm hồn chúng ta có thể yêu mến. Thiên Chúa thông ban tình yêu cho chúng ta, không phải để thưởng công, vì Người đã thông ban ngay khi chúng ta còn là tội nhân, và vì Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Trong những câu này, thánh Tông Đồ mời gọi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh cũng như các nhân đức hướng thần là tin, cậy, mến.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari diễn ra trong bối cảnh này, qua một cuộc đối thoại thân thiết gợi lên những thực tại nền tảng liên quan đến sự sống đời đời, và việc thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực. Đây là một cuộc đối thoại đầy ánh sáng, vì nó phản ánh việc huấn luyện đức tin. Khởi đầu cuộc gặp gỡ, cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và người phụ nữ diễn ra ở những mức độ khác nhau. Do tính khí thực dụng và cụ thể, người phụ nữ chú tâm vào nước và cái giếng. Đức Giêsu phớt lờ mối quan tâm cụ thể này, và Người nhấn mạnh đến nước ban sự sống là ân sủng… cho đến khi những mục tiêu rất khác biệt gặp nhau và hai người gặp gỡ nhau. Sau đó, Đức Giêsu đề cập đến câu chuyện đau thương nhất trong cuộc đời người phụ nữ, tình trạng hôn nhân bất hợp pháp của chị. Điều này làm cho chị nhận ra sự mỏng giòn của chị và ngay tức khắc, mở tâm trí của chị trước mầu nhiệm Thiên Chúa ; như chị cho thấy qua việc nêu lên những câu hỏi về việc thờ phượng phải có đối với Thiên Chúa : Vào lúc chị đón nhận lời mời tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia, chị được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa, và chị đã chạy về gặp những người trong thành để chia sẻ cho họ điều chị vừa được biết.
Khi đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng bởi lời Thiên Chúa, bí tích Thánh Thể và việc chu toàn thánh ý Chúa Cha, đức tin ấy sẽ giúp chúng ta mở ra trước mầu nhiệm Thiên Chúa, được minh hoạ qua hình ảnh “nước hằng sống”. Ông Môsê đã đập vào tảng đá và nước đã vọt ra ; người lính đã đâm vào cạnh sườn Đức Kitô, và máu cùng nước đã chảy ra. Và đó là điều mà Giáo Hội kính nhớ khi đặt trên môi miệng những người đang tiến lên rước lễ: “Chúa nói : “Ai uống nước tôi cho, thì nơi người ấy, nước đó sẽ thành một mạch nước chảy vọt, mang lại sự sống đời đời”.
72. Không chỉ có chúng ta là những người khát nước. Lời tiền tụng của ngày lễ này đọc như sau : “Khi xin người phụ nữ Samari nước uống, Người đã ban cho bà ơn đức tin. Vì Người tha thiết ước mong bà tin vững mạnh, nên đã đốt lên trong lòng bà ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa”. Đức Giêsu đã ngồi bên bờ giếng vì mỏi mệt và khát nước. (Thật vậy, vị giảng thuyết có thể nêu rõ sự kiện là các bài Tin Mừng của ba Chúa nhật Mùa Chay này cho thấy bản tính nhân loại của Đức Giêsu : sự mỏi mệt Người trải qua khi ngồi bên bờ giếng, cử chỉ Người lấy bùn trộn với nước miếng để chữa lành người mù từ thuở mới sinh, nước mắt Người chảy ra khi đứng trước mộ ông Ladarô). Cơn khát của Đức Giêsu đạt tới cao điểm vào những giây phút cuối đời khi Người kêu lên lúc đang bị treo trên thập giá : “Tôi khát !”. Điều này có nghĩa là Đức Giêsu muốn hoàn thành thánh ý của Đấng đã sai Người và hoàn tất công trình cứu độ. Rồi sự sống vĩnh cửu vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thủng của Người, và sự sống ấy được thông ban cho chúng ta qua các bí tích. Khi chúng ta thờ phượng trong thần khí và sự thật, thì lúc đó chúng ta lãnh nhận lương thực cần thiết để tiếp tục tiến bước trên hành trình của mình.