28/02/2015 -

Văn Kiện

4123
BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH
SẮC LỆNH

***
II. CÁC CHÚA NHẬT MÙA CHAY
 
A. Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay

B. Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay

64. Bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay luôn là trình thuật về biến cố Hiển Dung. Thật thú vị khi ghi nhận rằng biến cố Hiển Dung đầy vinh quang và lạ thường của thân xác Đức Giêsu, trước sự chứng kiến của ba người môn đệ do Người chọn, đã diễn ra ngay sau lần thứ nhất loan báo cuộc khổ nạn (cũng chính ba môn đệ này – Phêrô, Giacôbê và Gioan – sẽ có mặt bên cạnh Đức Giêsu trong vườn cây dầu, đêm trước cuộc khổ nạn). Trong cả ba Tin Mừng thuật lại biến cố này, ông Phêrô đều tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu thế. Đức Giêsu tích cực đón nhận lời tuyên xưng này, nhưng ngay sau đó, Người ngỏ lời để giải thích cho các ông biết Người là Đấng Cứu Thế như thế nào: “Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu  đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư  loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”. Tiếp đến, Người dạy các ông cách thức cụ thể để đi theo Đấng Mêsia: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo .” Chính khi ấy, Người chỉ định ba môn đệ và đưa các ông lên một núi cao, nơi đó, thân thể Người rực rỡ vinh quang Thiên Chúa; các ông Môsê và Êlia hiện đến, đàm đạo với Đức Giêsu. Khi một đám mây sáng ngời, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, giống như tại núi Sinai, bao phủ lấy các ông, các ông đã muốn lên tiếng nói. Từ trong đám mây có một tiếng nói, giống như khi ở trên núi Sinai, tiếng sấm sét cho biết Thiên Chúa đang nói với ông Môsê và ban lề luật cho ông, Torah. Đó là tiếng nói của Chúa Cha, và tiếng ấy mặc khải căn tính sâu xa của Đức Giêsu: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người!” (Mc 9,7).

65. Rất nhiều chủ đề và gương mẫu, được nêu lên trong tập Chỉ nam, đều tập trung vào biến cố quan trọng này. Rõ ràng là thập giá và vinh quang liên hệ chặt chẽ với nhau. Cũng thật rõ ràng là toàn bộ Cựu ước, với 2 đại diện là ông Môsê và ông Êlia, đều minh chứng mối liên hệ chặt chẽ giữa thập giá và vinh quang. Vị giảng thuyết phải đề cập và giải thích những đề tài này. Tổng hợp tuyệt vời về ý nghĩa của mầu nhiệm cao cả ấy có lẽ được bao hàm trong những lời rất hay của lời Tiền tụng Chúa Nhật II mùa Chay. Khởi đầu kinh nguyện Thánh Thể, linh mục - đại diện cho toàn dân, tạ ơn Thiên Chúa, qua Đức Kitô, Chúa chúng ta vì mầu nhiệm hiển dung: “Sau khi cho các môn đệ biết Người sẽ chịu chết, thì trên núi thánh, Người tỏ bày  vinh quang của Người cho các ông. Nhờ lề luật và ngôn sứ  làm chứng, Người đã cho các môn đệ hiểu rằng phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang phục sinh. Trong ngày này, các lời trên dẫn đưa cộng đoàn vào kinh nguyện Thánh Thể.

66. Trong cả ba trình thuật Nhất Lãm, tiếng Chúa Cha đều xác định Đức Giêsu là Con yêu dấu của Cha rồi sau đó mới đưa ra lệnh truyền: “Hãy vâng nghe lời Người”. Ở trung tâm của biến cố bày tỏ vinh quang siêu việt này, lệnh truyền của Chúa Cha là điều cần phải lưu tâm trên hành trình tiến đến vinh quang. Dường như lời ấy có ý nghĩa: “Hãy vâng nghe lời Người vì nơi Người là tất cả tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu sẽ được tỏ bày trên thập giá”. Lời dạy bảo này là một Torah mới, là luật mới của Tin Mừng, được thông ban trên núi thánh, và do đó, trọng tâm của luật này là ân sủng của Thánh Thần. Luật này được ban cho tất cả những ai bày tỏ niềm tin của mình vào Đức Giêsu và vào những công nghiệp của Người do thập giá đem lại. Trong khi tiếng nói ấy phát ra, thân xác Đức Giêsu chói ngời vinh quang của Thiên Chúa, và Chúa Cha mặc khải Đức Giêsu là Con chí ái. Chúng ta lại chẳng được đưa vào trọng tâm của mầu nhiệm Ba Ngôi này sao? Chúng ta chiêm ngắm vinh quang của Chúa Con trong vinh quang của Chúa Cha, và vinh quang này không thể tách rời khỏi thập giá. Trong biến cố Hiển Dung, Chúa Con được mặc khải là “Ánh sáng phát sinh từ ánh sáng”, như kinh Tin Kính quả quyết. Trong toàn bộ Kinh Thánh, công thức kinh Tin Kính tìm được nơi đoạn văn này một trong những nguồn mạch uy thế nhất.

67. Biến cố Hiển Dung chiếm vị thế nền tảng trong Mùa Chay. Thật vậy, toàn bộ các bài đọc Mùa Chay là một hướng dẫn  giúp những người tân tòng chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm vào đêm vọng Phục Sinh, đồng thời cũng mở đường cho các tín hữu dễ canh tân chính mình trong đời sống mới, tựa như một cuộc tái sinh. Nếu như Chúa Nhật I Mùa Chay gợi lại cách đặc biệt sự liên đới của Đức Giêsu với mỗi người chúng ta trong cơn cám dỗ, thì Chúa Nhật II nhắc nhở chúng ta rằng vinh quang đang tỏa rạng trên thân thể Đức Giêsu cũng chính là vinh quang mà Đức Giêsu mong muốn tất cả những người được thanh tẩy trong cái chết và phục sinh của Người tham dự vào. Để minh chứng cho lời này, vị giảng thuyết có thể cậy nhờ đến lời lẽ và uy thế của thánh Phaolô tông đồ; thánh nhân quả quyết: “Đức Giêsu sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Mặc dù câu văn này chi được sử dụng trong bài đọc II của năm C, nhưng vẫn có thể áp dụng cách vắn gọn trong mỗi năm.

68. Cũng trong Chúa Nhật này, đang khi các tín hữu xếp hàng lên rước lễ, Giáo hội hát lên trong ca hiệp lễ những lời của Chúa Cha được nghe trong Tin Mừng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Điều mà ba môn đệ đã nghe và chiêm ngắm trong biến cố Hiển Dung được tái hiện cách chính xác trong cử hành phụng vụ, trong đó các tín hữu lãnh nhận Mình và Máu Chúa Giêsu. Trong lời nguyện sau Hiệp lễ, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa “vì Chúa đã cho chúng con được nếm thử phúc lộc trên trời ngay khi còn ở dưới thế”. Mặc dù vẫn sống nơi dương thế, các tín hữu đã lãnh nhận Mình và Máu Người, và họ được nghe tiếng Chúa Cha ngỏ trong cõi sâu kín của tâm hồn: “Đây là Con Ta yêu dấu, nơi Người, Ta đặt tất cả tình yêu của Ta, hãy vâng nghe lời Người”.


 
114.864864865135.135135135250