21/02/2015 -

Văn Kiện

4764
LTS: Ngày 10-02-2015, Bộ Phụng t và Kỷ luật các tích đã chính thức công bố Sắc Lệnh "Chỉ Nam giảng thuyết". Văn bản này đã được trình cho từng vị trong Bộ Phụng t và Kỷ luật các tích, và đã được xem xét và thông qua tại các Khoá họp thường lệ ngày 07 tháng Hai 20 tháng Năm, năm 2014. Sau đó đã được đệ trình Đức giáo hoàng Phanxicô, ngài đã phê chuẩn việc công bố Sắc Lệnh này. Bản dịch Sắc Lệnh này sang các ngôn ngữ chính do Bộ Phụng tự thực hiện. Nhân dịp bước vào tuần thứ I Mùa Chay, Ban Truyền Thông Tỉnh Dòng Đa Minh xin gửi tới quý đọc giả "từng phần" bản dịch Việt Ngữ của Sắc Lệnh "Chỉ Nam Giảng Thuyết" do Học Viện Đa Minh thực hiện.
 
***
LỜI MỞ ĐẦU SẮC LỆNH

Thật là ý nghĩa khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành một phần quan trọng trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng để nói về bài giảng. Đề tài này có những khoảng tối và khoảng sáng, đã được các giám mục trình bày trong  Thượng Hội Đồng, và qua các chỉ dẫn trong các tông huấn hậu Thượng Hội Đồng như các tông huấn Verbum Domini và Sacramentum Caritatis của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI.

Trong nhãn quan này, đồng thời lưu tâm đến các quy định của Hiến Chế về Phụng Vụ cũng như của quyền giáo huấn tiếp sau, với sự soi sáng của Praenotanda de l’Ordo lectionum Missae và Quy chế tổng Quát Sách Lễ Rôma, Tập chỉ Nam về bài giảng này đã được soản thảo với hai phần.
Trong phần I, được mang tên là Bài giảng và bối cảnh Phụng Vụ, Tập chỉ Nam trình bày bản chất, chức năng và bối cảnh đặc biệt của bài giảng, cũng như một số khía cạnh đặc trưng của nó, chẳng hạn như thừa tác viên có chức thánh, người thực hiện, việc quy chiếu vào Lời Chúa, việc chuẩn bị xa và gần, các thính giả.

Trong phần II, nghệ thuật giảng thuyết, văn kiện giải thích những liên hệ về cách thức và nội dung mà vị giảng thuyết cần phải biết, và do đó vị này phải lưu tâm trong việc soạn thảo và trong việc giảng thuyết. Phần này cũng đề nghị những ý tưởng chủ đạo trong các bản văn, có tính hướng dẫn, chứ không phải toàn bộ,  theo chu kỳ các Chúa nhật và ngày lễ theo Năm Phụng Vụ (Tam Nhật Thánh và Mùa Phục Sinh, Mùa Chay, Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Thường Niên), đồng thời cũng ám chỉ các thánh lễ trong tuần, thánh lễ hôn phối và an táng. Trong những ví dụ này, các tiêu chuẩn đã được đề cập đến trong phần I sẽ được đưa ra áp dụng, tức là mối liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước, tầm quan trọng của bài đọc Tin Mừng, cách xếp đặt các bản văn, mối liên hệ giữa sứ điệp Thánh Kinh và lời ca tụng, giữa cử hành và đời sống, giữa việc lắng nghe Thiên Chúa và cộng đoàn cụ thể.

Tiếp đến, tập Chỉ nam có hai phụ trương. Trong phụ trương thứ nhất, với mục đích cho thấy mối liên hệ giữa  bài giảng và giáo lý của Giáo hội, văn kiện trưng dẫn từ sách Giáo lý Hội thánh Công giáo những  đoạn liên quan đến một số chủ đề trong các bài đọc Chúa Nhật theo chu kỳ ba năm. Phụ trương thứ hai nêu lên những quy chuẩn vào các tài liệu huấn quyền liên quan đến bài giảng.

Văn kiện đã được các thành viên trong Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật xem xét và chấp thuận trong các phiên họp thường kỳ từ 7/2 đến 20/5/2014. Sau đấy, văn kiện được trình lên Đức Giáo hoàng Phanxicô và được ngài cho phép công bố với tên gọi “Chỉ nam giảng thuyết”. Vì vậy, Thánh Bộ rất vui mừng được công bố văn kiện này, với hy vọng rằng bài giảng sẽ là một trải  nghiệm sâu đậm và đầy niềm vui về Chúa Thánh Thần, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi  với  Lời  Thiên Ch úa, một nguồn mạch canh tân và tăng  triển thường xuyên (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 135). Ước mong mỗi vị giảng thuyết, nhờ việc nhận lấy những tâm tình của thánh Phaolô tông đồ làm của mình, sẽ luôn có được ý thức sống động rằng: “Chúa đã giao phó Tin Mừng cho chúng tôi, thì chúng tôi cứ vậy mà rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng thử luyện tâm hồn chúng tôi” (1Tx 2,4).

Các bản dịch theo những ngôn ngữ chính sẽ do Huấn quyền thực hiện, còn bản dịch ra các ngôn ngữ khác thuộc trách nhiệm của các Hội đồng Giám mục liên hệ.

Tất cả những gì trái ngược với văn kiện này phải bị hủy bỏ.

Văn phòng Thánh Bộ Phượng tự và Kỷ luật Bí tích
Ngày 24-06-2014
Lễ kính trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô

Hồng y Antonio Cañizares Llovera
Tổng trưởng

TGM Arthur Roche
Tổng Thư ký
***
BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH
SẮC LỆNH

 
II. CÁC CHÚA NHẬT MÙA CHAY

57. Nếu như Tam Nhật Vượt Qua và 50 ngày sau đó là trung tâm soi sáng toàn bộ Năm Phụng Vụ, thì Mùa Chay là khoảng thời gian chuẩn bị tinh thần và tâm hồn dân Ki-tô hữu để cử hành  những ngày thánh này cách xứng đáng. Đây cũng là khoảng thời gian diễn ra những chuẩn bị cuối cùng trước khi những người tân tòng được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trong đêm Vọng Phục Sinh. Trong tiến trình của mình, họ cần được toàn thể cộng đoàn Giáo Hội đồng hành trong đức tin, lời cầu nguyện và lời chứng. Các bài đọc Kinh Thánh trong Mùa Chay sẽ đạt được ý nghĩa sâu xa nhất của mình khi được nối kết với mầu nhiệm Phục Sinh, mà chúng ta đang chuẩn bị để cử hành. Hơn nữa, rõ ràng là các bài đọc này là dịp để thực hành một nguyên tắc nền tảng được trình bày trong tập Chỉ Nam này : xếp đặt các bài đọc trong thánh lễ ở trung tâm, được thiết lập do mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, mầu nhiệm mời gọi chúng ta đến sâu hơn nữa trong việc cử hành các bí tích Vượt Qua. Phần mở đầu dự liệu, trong hai Chúa Nhật đầu Mùa Chay, sẽ là các trình thuật về việc Đức Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa và biến cố Hiển Dung, và hai trình thuật này được nối kết với các bài đọc khác. Các bài đọc Cựu Ước quy hướng về lịch sử cứu độ vốn là một trong những chủ đề chính của huấn giáo Mùa Chay. Mỗi năm, loạt các bài đọc gợi lại những giai đoạn chính của lịch sử này, nguồn cội lời hứa của Giao Ước Mới. Các bài đọc trích từ các thư của thánh Phaolô tông đồ được chọn nhằm tương ứng với hai bài đọc kia, bảo đảm mối liên hệ bao nhiêu có thể giữa các bài đọc này.

A. Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay

58. Đối với các tín hữu, không khó để thiết lập mối liên hệ giữa việc Đức Giêsu trải qua 40 ngày trong hoang địa và 40 ngày Mùa Chay. Vị giảng thuyết cần giải thích mối liên hệ này ngõ hầu dân Kitô hữu hiểu rằng, mỗi năm, Mùa Chay giúp các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm Đức Giêsu trải qua bốn mươi ngày trong hoang địa, những đau khổ Người gánh chịu và những ân sủng phát sinh từ việc Người sống chay tịnh và chịu cám dỗ. Người ta biết rằng, trong thời gian đặc biệt của Mùa Chay, các Kitô hữu thường có thói quen thực hành những việc sám hối khác nhau cùng các việc đạo đức ; điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng, bên cạnh các thực hành này là thực tại mang tính bí tích sâu xa của toàn bộ Mùa Chay.

Thực vậy, trong lời tổng nguyện Chúa nhật I Mùa Chay, ta đọc được một diễn tả đầy ý nghĩa : “Hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày Chay Thánh để tôi luyện hồn xác chúng con”. Chính Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội và Người hoạt động trong suốt thời gian Mùa Chay thánh này: Việc Người tôi luyện hồn xác các thánh hơn trong Thân Mình Người hệ tại việc Người đem lại giá trị cứu độ cho các thực hành sám hối của chúng ta. Lời tiền tụng của Chúa nhật này cũng quả quyết rõ ràng ý tưởng trên : “Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh… nhờ cử hành mầu nhiệm vượt qua với tâm hồn trong sạch, chúng con có thể tới dự lễ Vượt Qua muôn đời”. Lối diễn tả của lời tiền tụng tạo nên mối liên kết giữa Thánh Kinh và Thánh Thể.

59. Bốn mươi ngày của Đức Giêsu trong hoang địa gợi lại hành trình bốn mươi năm của dân Dothái trong sa mạc, giai đoạn cô đọng của lịch sử dân này. Chính vì thế, lịch sử này là một trong những chủ đề chính được đề cập đến trong tập Chỉ Nam này : lịch sử Ítraen, tương ứng lịch sử của mỗi chúng ta, đạt được ý nghĩa chung cuộc trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Một cách nào đó, ta có thể khẳng định rằng cuộc khổ nạn đã được khởi đầu cách ẩn dụ trong sa mạc, khi Đức Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai. Như vậy, ngay từ khởi đầu, Đức Giêsu đã tiến về cuộc khổ nạn, và cũng bắt đầu từ đó, những gì theo sau đạt được ý nghĩa đích thực của mình.

60. Một đoạn văn trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có thể được xem là hữu ích trong việc soạn bài giảng, nhất là khi đề cập đến những đề tài giáo lý phát xuất từ bản văn Thánh Kinh. Về việc Đức Giêsu chịu cám dỗ, Sách Giáo Lý xác định:

“Các tác giả sách Tin Mừng nêu rõ ý nghĩa cứu độ của biến cố bí nhiệm này. Chúa Giêsu là Ađam mới, Người vững lòng trung thành ở chỗ Ađam cũ đã đầu hàng cơn cám dỗ. Chúa Giêsu thực hiện cách hoàn hảo ơn gọi của dân Ítraen : trái hẳn với những kẻ xưa kia đã thách thức Thiên Chúa suốt bốn mươi năm trong hoang địa, Chúa Giêsu được mặc khải như Người Tôi Trung của Thiên Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Trong việc này, Chúa Giêsu toàn thắng ma quỷ : Người đã trói kẻ mạnh và thu lại tài sản nó đã cướp. Chiến thắng của Chúa Giêsu trước kẻ cám dỗ trong hoang địa báo trước chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha (GLHTCG 539).
61. Những cám dỗ Đức Giêsu phải trải qua phản ánh cuộc chiến đấu chống lại quan niệm sai lầm về sứ mệnh cứu thế của Người. Ma quỷ quyết liệt khiêu khích Người bày tỏ quyền uy thần linh của Người : Ma quỷ, tên cám dỗ đã nói với Người : Nếu ông là Con Thiên Chúa ! Ta đọc thấy ở đây lời tiên tri về cuộc chiến quyết định mà Đức Giêsu phải đối đầu khi ở trên thập giá, khi Người nghe những tiếng chế diễu : “Hãy tự cứu mình đi, xuống khỏi thập giá xem nào”. Trước những cám dỗ của Satan, Đức Giêsu không nhượng bộ, và Người cũng sẽ không xuống khỏi thập giá. Khi hành động như thế, Đức Giêsu đưa ra chứng từ mà Người muốn tiến sâu hơn trong sa mạc là cuộc sống nhân loại, và Người từ khước sử dụng quyền uy thần linh của Người vì ích lợi riêng. Người đồng hành thực sự với chúng ta trong cuộc lữ hành trên trái đất và Người bày tỏ cho chúng ta quyền uy đích thực của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13,1).

62. Nhà giảng thuyết phải lưu tâm nhấn mạnh rằng Đức Giêsu phải trải qua những cơn cám dỗ và cái chết chính là vì liên đới với chúng ta. Tuy nhiên, Tin Mừng mà vị giảng thuyết loan báo không chỉ liên quan đến mối liên đới mà Đức Giêsu muốn bảy tỏ với chúng ta trong sự đau khổ, nhưng Tin Mừng ấy còn loan báo cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trên cám dỗ và trên sự chết, một chiến thắng mà Người muốn chia sẻ với tất cả những ai tin vào Người. Bảo đảm chắc về một chiến thắng như vậy mà các tín hữu được mời dự phần, được bao hàm trong việc cử hành các bí tích Vượt Qua trong đêm Vọng Phục Sinh. Ngay từ Chúa Nhật I Mùa Chay, người ta đã được mời gọi hướng đến điều đó. Việc giảng thuyết cũng phải hướng đến mục tiêu này.

63. Đức Giêsu đã từ chối cám dỗ của ma quỷ thách đố Người biến đá thành bánh, nhưng vào lúc kết thúc, theo một cách thức mà tâm trí con người không thể nghĩ ra, nhờ cuộc phục sinh, Đức Giêsu đã biến “đá” sự chết thành “bánh” cho chúng ta. Nhờ cái chết, Đức Giêsu trở thành bánh Thánh Thể. Vị giảng thuyết phải nhắc nhở cho cộng đoàn biết rằng họ được bánh từ trời này nuôi dưỡng, và cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trước cám dỗ cũng như trên sự chết cho họ biến đổi, qua bí tích, “trái tim chai đá thành trái tim bằng thịt”, như Lời Chúa hứa qua miệng ngôn sứ. Họ sẽ có những trái tim, từ nay, nỗ lực bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của mình. Khi ấy, đức tin Kitô giáo dần dần trở thành nắm men giữa lòng thế giới đang khao khát Thiên Chúa, vì những hòn đá đã thật sự trở nên của ăn làm no thoả khát khao cháy bỏng của tâm hồn con người.

 
(Còn tiếp)

Học Viện Đa Minh chuyển ngữ
114.864864865135.135135135250