04/04/2015 -

Văn Kiện

4103
BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH
SẮC LỆNH

***
PHẦN II
NGHỆ THUẬT GIẢNG THUYẾT

 
***
I. TAM NHẬT VƯỢT QUA VÀ MÙA PHỤC SINH

A. TAM NHẬT VƯỢT QUA

D. Các Bài Đọc Mùa Phục Sinh


51. “Bài Tin Mừng trong thánh lễ Phục Sinh được trích từ Tin Mừng Gioan thuật lại việc khám phá ra ngôi mộ trống. Tuy nhiên, cũng có thể dùng bản văn Tin Mừng từ lễ Vọng Phục Sinh, hoặc khi có lễ chiều Phục Sinh, có thể sử dụng trình thuật Luca về việc Chúa hiện ra với các môn đệ trên đường Emmaus. Bài đọc một trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, và trong suốt mùa Phục Sinh, sách này sẽ thay thế cho bài đọc Cựu Ước. Bài trích thư thánh Phaolô là một lời mời gọi sống mầu nhiệm Vượt Qua trong lòng Hội Thánh. Các bài đọc Tin Mừng của các Chúa Nhật II và III Phục Sinh thuật lại những lần hiện ra của Chúa Kitô Phục Sinh. Những bài đọc về Người Mục Tử Nhân Lành được chọn cho Chúa Nhật IV Phục Sinh. Từ Chúa Nhật thứ V đến VII Phục Sinh, các bài Tin Mừng được trích ra từ diễn từ sau bữa Tiệc Ly và lời nguyện hiến tế” (OLM 99-100). Chuỗi bài đọc phong phú từ Cựu Ước đến Tân Ước được lắng nghe trong Tam Nhật Thánh là một trong số những khoảnh khắc cao điểm của việc công bố Chúa Phục Sinh trong đời sống của Giáo Hội; nó cũng là một yếu tố quan trọng được dùng để giáo huấn dân Chúa trong suốt năm phụng vụ. Trong suốt Tuần Thánh và mùa Phục Sinh, dựa vào chính những bản văn Kinh Thánh, vị giảng thuyết có nhiều cơ hội nhấn mạnh cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô tức là trọng điểm của Kinh Thánh. Đây là mùa phụng vụ đặc biệt trong đó nhà giảng thuyết có thể và  phải làm nổi bật lên niềm tin của Giáo Hội về lời công bố nền tảng của mình: đó là Đức Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta “đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15, 3) và ngày thứ ba Người đã trỗi dậy “đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15,4).

52. Đầu tiên, trong mùa đặt biệt này, cần phải nắm lấy thời cơ để thông truyền những chiều kích khác nhau về luật tin tưởng của Giáo Hội, nhất là trong ba Chúa Nhật đầu tiên của mùa Phục Sinh. Thật vậy,  trong các số (từ số 638-658) của Sách Giáo Lý bàn về sự phục sinh người ta có thể tìm thấy nhiều lời giải thích các bản văn Thánh Kinh chính yếu được công bố trong mùa Phục Sinh. Các đoạn văn trên có thể là sự trợ giúp chắc chắn cho nhà giảng thuyết, là người có trách nhiệm giải thích cho dân Kitô giáo, trong khi dựa trên các bản văn Thánh Kinh về điều mà sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo qua những tiêu đề khác nhau gọi là “biến cố lịch sử và siêu việt” của sự Phục Sinh, ý nghĩa “những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh”, “trạng thái nhân tính đã phục sinh của Đức Kitô” và “Sự Phục Sinh - công trình của Ba Ngôi Chí Thánh”.

53. Thứ hai, trong các Chúa Nhật Phục Sinh, bài đọc một được trích từ sách Công vụ Tông đồ chứ không phải từ Cựu Ước. Nhiều bản văn là những mẫu giảng thuyết sớm nhất thời các tông đồ, trong đó chúng ta có thể thấy cách thức chính các tông đồ đã sử dụng Sách Thánh để loan báo ý nghĩa về cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Các bản văn khác đề cập đến những hệ quả phát xuất từ đấy và ảnh hưởng của chúng trong đời sống của cộng đoàn Kitô giáo. Từ những trình thuật này, nhà giảng thuyết có được phương thức vững chắc và căn bản nhất. Vị giảng thuyết thấy được cách các tông đồ đã dùng Sách Thánh thế nào để loan báo cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, thì ngài cũng theo cách thức ấy, không chỉ với bản văn đang cần đề cập đến, nhưng theo cùng một cách thức trong suốt năm phụng vụ. Thêm nữa, ngài cần phải nhận ra quyền năng sự sống của Đấng Phục Sinh, Đấng đã hoạt động trong những cộng đoàn tiên khởi, để rồi công bố cho người tín hữu niềm tin về quyền năng ấy vẫn còn đang hoạt động giữa chúng ta.

54. Thứ ba, cao điểm của tuần thánh với Tam Nhật Vượt Qua, tiếp sau đó là 50 ngày cử hành hân hoan có đỉnh điểm là ngày lễ Hiện Xuống; tất cả tạo thành một cơ hội tuyệt vời cho nhà giảng thuyết để thiết lập mối tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Lễ. Chính trong cử chỉ “bẻ bánh”, nhắc nhớ sự trao hiến trọn vẹn của Đức Giêsu tại Bữa Ăn Cuối Cùng, rồi trên Thập Giá, mà các môn đệ nhận ra rằng tâm hồn các ông bừng cháy khi Chúa Phục Sinh soi lòng mở trí để các ông hiểu Thánh Kinh. Ngày nay nữa, cũng cần chấp nhận một mô thức tương tự để hiểu Thánh Kinh. Vì vậy, nhà giảng thuyết cần phải biết giải thích Kinh Thánh cách kỹ càng và phù hợp, tuy nhiên ý nghĩa sâu xa do những lời ngài giảng dạy trong khi cử hành phụng vụ sẽ được nảy sinh từ việc “bẻ bánh”, với điều kiện là ngài phải làm khai triển rõ ràng mối tương quan này. (x VD 54). Tầm quan trọng của mối tương quan như thế đã được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhắc đến cách rõ ràng trong tông huấn Verbum Domini: “Những trình thuật này cho thấy chính Kinh Thánh đưa chúng ta đến chỗ nắm bắt được mối liên hệ không thể chia lìa của Kinh Thánh với Thánh Thể. “Chính vì thế phải luôn nhớ rằng Lời Thiên Chúa, được Giáo Hội đọc và loan báo trong phụng vụ, dẫn đến hy tế của Giao ước và bàn tiệc của ân sủng, nghĩa là Thánh Thể”. Lời và Thánh Thể liên kết mật thiết với nhau đến độ không thể hiểu cái này mà không có cái kia: Lời Thiên Chúa đã trở thành xác thể theo cách bí tích trong biến cố Thánh Thể. Thánh Thể giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh, cũng như Kinh Thánh đến phiên mình soi sáng và giải thích Mầu nhiệm Thánh Thể. (VD số 55).

55. Thứ tư, bắt từ Chúa Nhật V Phục Sinh, có sự thay đổi các bài đọc Thánh Kinh: thay vì chú tâm và việc cử hành sự sống lại của Chúa, các bài đọc này hướng đến việc chuẩn bị đỉnh điểm của mùa Phục Sinh, đó là Chúa Thánh Thần ngự đến vào ngày lễ Hiện Xuống. Các bài đọc Tin Mừng vào các Chúa Nhật này đều ​​được trích từ diễn từ của Đức Kitô vào cuối bữa Tiệc Ly, cho thấy ý nghĩa sâu xa về Thánh Thể. Các bài đọc và lời cầu nguyện cung cấp một cơ hội cho nhà giảng thuyết trình bày vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống và lịch sử của Giáo Hội. Các đoạn của Sách Giáo Lý liên quan đến “Thần Khí và Lời Thiên Chúa trong thời đại của các lời hứa” (số 702-716) quy chiếu về các bài đọc trong đêm vọng Phục Sinh, vốn bàn về công trình của Chúa Thánh Thần, còn các đoạn có tiêu đề là “Chúa Thánh Thần và Hội Thánh trong Phụng Vụ” (số 1091-1109) có thể giúp ích cho nhà giảng thuyết trong việc trình bày cách thức Chúa Thánh Thần làm cho mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô hiện diện trong phụng vụ.


56. Nhờ việc giảng thuyết biết vận dụng những nguyên tắc này và viễn cảnh mở rộng trong suốt mùa Phục sinh, dân Kitô giáo sẽ càng long trọng cử hành lễ lễ Hiện Xuống, nhờ đó Chúa Cha “trong Ngôi Lời của Ngài, Đấng đã nhập thể, chịu chết và sống lại vì chúng ta, Chúa Cha đổ tràn trên chúng ta những lời chúc lành của Ngài, và nhờ Ngôi Lời, Ngài tuôn đổ vào lòng chúng ta hồng ân chứa đựng mọi hồng ân: đó là Chúa Thánh Thần.” (Số 1082) Bài đọc trích sách Công Vụ Tông Đồ ngày hôm ấy thuật lại chính biến cố Hiện Xuống, trong khi bài Tin Mừng kể lại những gì đã xảy ra vào buổi chiều Phục Sinh. Chúa Phục Sinh thổi hơi trên các môn để và nói, “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Chúng ta có thể khẳng định rằng Phục Sinh và Hiện Xuống là một. Thật vậy, vào ngày Phục Sinh Chúa Thánh Thần đã được trao ban. Tuy nhiên lễ Hiện Xuống là mặc khải rõ ràng về Phục Sinh cho tất cả dân ngoại vì trong ngày này các ngôn ngữ khác nhau của các dân tộc này đã được quy tụ thành một một ngôn ngữ mới để công bố “những kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa” (Cv 2, 11) vốn đã được thể hiện và mặc khải trong cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Sau đó trong cử hành Thánh Thể, Hội Thánh đọc lên lời cầu nguyện này: “Lạy Chúa, xin thực hiện lời hứa của Thánh Tử Giêsu Kitô, mà gửi Thánh Thần đến giúp chúng con thấu hiểu mầu nhiệm hy lễ, và hướng dẫn chúng con đến chân lý vẹn toàn” (Lời nguyện tiến lễ). Đối với các tín hữu, việc Rước Lễ ngày hôm đó trở nên biến cố Hiện Xuống cho riêng họ. Đang khi họ tiến lên trong đoàn rước để đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa, họ đọc ca hiệp lễ là những câu được trích dẫn từ Kinh Thánh về lễ Ngũ Tuần “Ai nấy đều đầy tràn Chúa Thánh Thần, và loan báo những kỳ công của Thiên Chúa, Alleluia.” Câu Kinh Thánh này được hoàn trọn khi người tín hữu rước lễ. Theo nghĩa này, chúng ta có thể quả quyết Thánh Thể và Hiện Xuống là một.

 
114.864864865135.135135135250