01/04/2015 -

Văn Kiện

3966
BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH
SẮC LỆNH

***
 
PHẦN II
NGHỆ THUẬT GIẢNG THUYẾT


 
37. Khi mô tả về nhiệm vụ giảng thuyết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dạy rằng: “Tâm điểm và cốt lõi của sứ điệp rao giảng vẫn luôn là một: Thiên Chúa, Đấng mặc khải tình thương vô biên của Người nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh” (EG 11). Mục đích của phần thứ hai này trong Chỉ Nam Giảng Thuyết là để cung cấp những ví dụ và những đề nghị cụ thể nhằm giúp nhà giảng thuyết thực hành những nguyên tắc được trình bày trong văn kiện này bằng cách xem xét các bài đọc Kinh Thánh trong Phụng Vụ qua lăng kính mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Đây không phải là những bài giảng mẫu, nhưng là những phác thảo đưa ra những lối tiếp cận khác nhau về các chủ đề và bản văn trong suốt năm phụng vụ. Phần dẫn nhập trong Sách các bài đọc đưa ra những mô tả ngắn gọn liên quan đến việc chọn lựa các bài đọc “nhằm giúp các vị chủ chăn hiểu biết trật tự sắp xếp của các bài đọc, ngõ hầu việc sử dụng trở nên sinh động và đem lại nhiều hoa trái nơi các tín hữu” (OLM 92). Chính vì thế, tài liệu trên sẽ còn được trích dẫn trong văn kiện này. Trong các đề nghị liên quan đến toàn bộ các bản văn Thánh Kinh, phải luôn nhớ rằng “Bài đọc Tin Mừng là đỉnh điểm của phụng vụ Lời Chúa. Những bài đọc khác, theo trật tự truyền thống, tức là từ Cựu Ước đến Tân Ước, đều nhằm chuẩn bị cộng đoàn đón nhận Tin Mừng” (OLM 13).

38. Điểm xuất phát ở đây chính là các bài đọc của Tam Nhật Vượt Qua, vì đây chính là tâm điểm của năm phụng vụ, và một số bản văn quan trọng nhất trong cả Cựu và Tân Ước được công bố trong những ngày rất thánh này. Theo sau là những suy sư về mùa Phục Sinh và Hiện Xuống. Tiếp theo, các bài đọc trong các Chúa Nhật mùa Chay sẽ được xem xét. Các ví dụ khác được trích ra từ chu kỳ Mùa Vọng – Giáng Sinh- Hiển Linh. Cách tiến hành này theo điều mà Đức Biển Đức XVI gọi là “khoa sư phạm khôn ngoan của Giáo Hội, nghĩa là công bố và lắng nghe Sách Thánh theo nhịp điệu của năm phụng vụ.” ĐTC nói tiếp “Ở trung tâm của tất cả, mầu nhiệm Vượt Qua toả sáng và gắn liền với mầu nhiệm ấy là tất cả mầu nhiệm của Đức Kitô và lịch sử cứu độ được hiện tại hoá theo cách bí tích…” (VD 52). Vì thế, những gì được đề nghị ở đây không có tham vọng trình bày kỹ càng về các chủ đề, tức là những gì có thể nói về một cử hành cụ thể nào đó hay đi vào từng chi tiết trong cả năm phụng vụ. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm trung tâm Vượt Qua, văn kiện chỉ muốn đưa ra những chỉ dẫn về cách thức tiếp cận một số bài đọc phù hợp với một bài giảng nào đó. Những kiểu mẫu được gợi lên qua những ví dụ trong văn kiện này có thể được thích ứng cho các Chúa nhật Thường Niên và các dịp khác. Kiểu mẫu này cũng có giá trị và hữu ích cho cả những nghi lễ khác trong Giáo Hội Công Giáo dùng sách bài đọc khác với nghi lễ Rôma.

 
***
I. TAM NHẬT VƯỢT QUA VÀ MÙA PHỤC SINH

A. Bài đọc Cựu Ước Thứ Năm Tuần Thánh

39. “Thứ Năm Tuần Thánh, vào lễ chiều “Bữa ăn của Chúa”, việc tưởng niệm bữa ăn trước cuộc Xuất hành đem lại một ánh sáng đặc biệt cho gương mẫu của Đức Kitô khi rửa chân cho các môn đệ, cũng như cho các lời của thánh Phaolô về việc thiết lập lễ Vượt Qua của người Kitô hữu trong cử hành Thánh Thể" (OLM 99) . Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu với Thánh Lễ ban chiều, nơi phụng vụ tưởng nhớ việc Chúa lập bí tích Thánh Thể. Đức Giêsu bước vào cuộc Khổ Nạn của Người bằng cách cử hành bữa ăn tối như mô tả trong bài đọc I : từng từ ngữ, từng hình ảnh chỉ ra điều mà chính Đức Kitô đã báo trước tại bàn tiệc: cái chết của Người mang lại sự sống cho chúng ta. Trong bữa tiệc Vượt Qua này, cũng chính là bữa ăn chúng ta cử hành Thứ Năm Tuần Thánh, những lời trích từ sách Xuất Hành (Xh 12 : 1-8 , 11-14 ) đạt được ý nghĩa trọn vẹn của chúng.

40. “Mỗi gia đình hãy hiệp chung với gia đình láng giềng gần nhất để cùng ăn một con chiên.” Chiều hôm ấy, rất nhiều gia đình tụ họp cùng một nơi, và chúng tôi đã chuẩn bị được một con chiên. “Con chiên đó phải vẹn toàn, phải là con chiên đực, không quá một tuổi.” Con chiên không tì vết của chúng ta là chính Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa. “Với toàn thể đại hội cộng đồng Israel, con chiên sẽ được sát tế vào lúc xế chiều.” Khi nghe những lời đó, chúng ta hiểu rằng mình chính là cộng đồng Israel mới, quy tụ với nhau vào lúc mặt trời lặn; Đức Giêsu đã chịu sát tế khi Người trao ban cho chúng ta Mình và Máu của Người. “Họ lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên…còn thịt thì nướng lên và ăn ngay đêm ấy. “Chúng ta sẽ hoàn trọn mệnh lệnh này khi đón lấy máu của Chúa Giêsu nơi môi miệng và ăn thịt Con Chiên hiện diện trong bánh thánh.

41. Lệnh truyền phải ăn bữa ăn này với “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy, văn vội vã như những kẻ trốn chạy.” Điều này diễn tả đời sống của chúng ta trên thế giới. Lưng thắt gọn gợi lên việc mau chóng chạy trốn, đồng thời gợ leên bối cảnh của lệnh truyền được trình bảy trong bài Tin Mừng tối nay, và cử chỉ diễn ra sau bài giảng: chúng ta được mời gọi để phục vụ thế giới, nhưng như là những lữ khách, mà quê hương thực sự không phải là ở trần gian này. Từ điểm này của bài đọc, khi chúng ta được bảo phải ăn lễ này cách vội vã như thể sắp trốn chạy mà Chúa long trọng gợi lên tên của buổi lễ này: “Đây là lễ Vượt Qua (trong tiếng Do Thái Pesach) của Chúa! Đêm nay Ta sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai Cập... nhưng, thấy máu, Ta sẽ vượt qua.” Chúa chiến đấu vì chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể chiến thắng các thù địch là tội lỗi và sự chết, và bảo vệ chúng ta nhờ máu của Con Chiên.

42. Việc long trọng loan báo cuộc Vượt Qua kết thúc với một lệnh cuối cùng : “Ngày hôm nay sẽ là ngày tưởng niệm cho các ngươi... đó là luật cho đếnn muôn đời.” Việc trung thành tuân giữ lệnh truyền này không chỉ giúp duy trì nét sống động của lễ Vượt Qua trong mỗi thế hệ cho đến thời Đức Giêsu, nhưng còn giúp chúng ta trung thành với lệnh truyền riêng của Người, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, điều làm cho các thế hệ Kitô hữu nối tiếp nhau được hiệp thông với cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu. Đây chính là những gì chúng ta đang thực hiện khi hằng năm, bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua. Lễ này là một cuộc tưởng niệm do Chúa thiết lập, một nghi lễ được chu toàn từ đời này sang đời kia, một cuộc tái hiện tại hóa theo phụng vụ việc Đức Giêsu trao tặng chính Người cho chúng ta.


B. Bài đọc Cựu Ước Thứ Sáu Tuần Thánh

43. “Cử hành phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh Về cuộc Khổ Nạn của Chúa có đỉnh điểm là trình thuật của Gioan về cuộc Thương Khó của Đấng, như đã được loan báo trong sách Isaia như là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, và Người đã thực sự trở nên ThượngTế duy nhất qua việc hiến dâng chính mình cho Chúa Cha” . Bài đọc trích từ sách Isaia (Is 52:13 - 53:12 ) là một trong những bản văn Cựu Ước qua đó các Kitô hữu lần đầu tiên nhận ra được lời loan báo của các ngôn sứ về cái chết của Đức Kitô. Khi liên kết trích đoạn này với cuộc Thương Khó, chúng ta đi theo một truyền thống tông đồ rất cổ xưa, vì đó là điều tông đồ Philip đã làm trong cuộc đối thoại với viên hoạn quan người Ethiopia (Cv 8, 26-40).

44. Cộng đoàn tín hữu ý thức về lý do sâu xa vì thế họ tụ họp hôm nay: tưởng nhớ cái chết của Đức Giêsu. Cách nào đó lời của ngôn sứ là một cách giải thích, theo cái nhìn của Thiên Chúa, việc Đức Giêsu chịu đóng đinh. Chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng vinh quang ẩn giấu phát xuất từ Thập Giá: “ Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật và được suy tôn đến tột cùng.” Chính Đức Giêsu, trong Tin Mừng Gioan, đã nhiều lần nhắc đến Người sẽ được giương cao. Rõ ràng trong Tin Mừng, ba chiều kích của việc “giương cao” này hòa lẫn với nhau: trên Thập Giá, trong cuộc Phục Sinh và Thăng Thiên.

45. Nhưng ngay sau khởi đầu đầy vinh quang trong lời lý giải của Chúa Cha, điều tương phản được công bố: sự đau đớn tột cùng trên thập giá. Người tôi trung được mô tả là một người mà “mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa”. Trong Đức Giêsu, Ngôi Lời vĩnh cửu không những đã mặc lấy xác phàm của chúng ta, mà còn chấp nhận một cái chết nhục nhã và ghê tởm nhất. “Người sẽ làm cho muôn dân sững sờ, vua chúa phải câm miệng.” Những ngôn từ này diễn tả lịch sử thế giới từ ngày thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên cho đến ngày nay: trước cây Thập Giá nhiều dân tộc đã câm lặng và họ đã hoán cải, ngược lại một số dân khác thì kinh ngạc và muốn quay mặt đi. Những lời ngôn sứ này cũng có thể áp dụng cho cộng đoàn và nền văn hoá của chúng ta, và cho nhiều “dân ngoại” đang cư ngụ nơi mỗi chúng ta, tức là sự cứng lòng và những khuynh hướng xấu cần được Chúa biến đổi.

46. Điều người ta nghe tiếp sau đó không còn là lời của Chúa, nhưng là của vị ngôn sứ: “Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được?”. Tiếp đến là một mô tả với các chi tiết dẫn tới việc chiêm ngắm chung cuộc về Thập Giá bao gồm cả khổ nạn lẫn vượt qua, cả đau khổ lẫn vinh quang. Mức độ đau khổ được mô tả cách chính xác đến nỗi dễ nhận ra rằng, với các Kitô hữu thời đầu, thật là tự nhiên khi đọc những bản văn loại này và giải thích chúng  như là những lời tiên báo về Đức Kitô, vì họ nhận ra được vinh quang của Người ẩn giấu bên trong. Và như thế, theo lời vị ngôn sứ, hình ảnh bi thảm này đem lại cho chúng ta một ý nghĩa rất quan trọng: thật vậy “Chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta…đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.”

47. Bản văn cũng báo trước thái độ của Đức Giêsu trước cuộc khổ nạn: “Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca…như chiên bị đem đi làm thịt… Người chẳng hề mở miệng…” Tất cả những trải nghiệm này thật khác thường và gây kinh ngạc. Nhưng quả thật, cuộc Phục Sinh cũng được gián tiếp báo trước trong lời ngôn sứ: “Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ được thấy kẻ nối dõi được trường tồn.” Tất cả những tín hữu là những kẻ nối dõi, sự trường tồn của Người chính là sự sống vĩnh cửu do Chúa Cha ban khi làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Và giờ đây, Chúa Cha lại cất tiếng, tiếp tục công bố lời hứa Phục Sinh: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ được nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện…Vì thế, Ta sẽ ban cho người muôn dân làm gia sản và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, người sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì người đã hiến thân chịu chết…người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.”


C. Các Bài Đọc Cựu Ước Trong Đêm Vọng Phục Sinh

48. Trong đêm canh thức Vượt Qua, bảy bài đọc Cựu Ước được đề nghị, trong đó nhắc lại những kỳ công Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ. Tiếp đến có hai bài đọc Tân Ước, loan báo biến cố Phục Sinh dựa theo ba Tin Mừng Nhất Lãm, và một bài đọc trích thư thánh Phaolô về phép rửa Kitô giáo như là bí tích của Chúa Kitô Phục Sinh. Như sách lễ Rôma quả quyết, Đêm Vọng Phục Sinh là, “đêm quan trọng và cao quý nhất của mọi lễ trọng” (Vọng Phục Sinh, 2). Vì thời gian đêm Canh thức quá dài nên không thể diễn giải đầy đủ bảy bài đọc Cựu Ước. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng những bản văn này là thiết yếu vì chúng chứa đựng những điều nền tảng của nền thần học Cựu Ước, khởi đi từ công cuộc sáng tạo cho đến hy lễ của Ápraham, và đến bài đọc quan trọng nhất, là sách Xuất hành; bốn bài đọc sau đó công bố những chủ đề then chốt của các ngôn sứ. Hiểu biết về những bản văn này trong mối liên hệ tới mầu nhiệm Vượt Qua, được thể hiện rất rõ nét nhờ bối cảnh đêm Vọng Phục Sinh, có thể giúp cho nhà giảng thuyết có được nguồn cảm hứng khi gặp các bài đọc này hoặc những bài đọc tương tự vào những lúc khác nhau trong năm phụng vụ.

49. Trong bối cảnh phụng vụ đêm nay, qua các bài đọc này, Giáo Hội dẫn chúng ta đến đỉnh điểm là cuộc Phục Sinh của Chúa, được thuật lại trong bài Tin Mừng. Chúng ta được dìm vào dòng lịch sử cứu độ nhờ Những bí tích khai tâm Kitô giáo được cử hành trong đêm Canh Thức này, như thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta qua bản văn rất đẹp về Phép Rửa. Có thể có những móc nối rất rõ ràng giữ công trình sáng tạo và sự sống mới trong Đức Kitô, cũng như giữa cuộc Xuất hành xét như là một biến cố lịch sử, và cuộc Xuất hành chung cuộc, tức là Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu mà nhờ Phép Rửa, tất cả các tín hữu đều được dự phần; tương tự, cũng có những mối liên hệ rất rõ ràng giữa lời hứa của các ngôn sứ và việc thực hiện các lời hứa ấy nơi các mầu nhiệm được cử hành trong phụng vụ. Các liên hệ này có thể thường được nhắc lại trong suốt năm phụng vụ.

50. Để hiểu những mối liên hệ giữa các chủ đề trong Cựu Ước và việc thành toàn nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô có thể tìm thấy một phương thức tuyệt hảo để trợ giúp: tham chiếu các lời nguyện theo sau mỗi bài đọc. Các lời nguyện này diễn tả cách đơn sơ và rõ nét ý nghĩa sâu xa về Kitô học và bí tích của các bản văn Cựu Ước, vì chúng nói về sự tạo dựng, hy lễ, xuất hành, phép rửa, lòng thương xót của Thiên Chúa, giao ước vĩnh cửu, việc tha thứ tội lỗi, việc cứu chuộc và sự sống trong Đức Kitô. Đối với nhà giảng thuyết, các lời nguyện này có thể được xem như một trường dạy cầu nguyện không chỉ trong bối cảnh chuẩn bị bài giảng cho đêm Vọng Phục Sinh mà còn cho suốt cả năm khi gặp những bài đọc giống như đêm Vọng Phục Sinh. Một nguồn mạch hữu dụng khác để diễn giải những bản văn Kinh Thánh là các thánh vịnh đáp ca theo sau mỗi bảy bài đọc; những bài thơ này được hát lên do các Kitô hữu đã chết trong sự kết hiệp với Đức Kitô và nay đang tham dự vào sự sống phục sinh của Người. Trong cả năm, càng không nên lơ là những bản văn này vì chúng giúp hiểu rõ hơn rằng Giáo Hội là người giải thích toàn bộ Kinh Thánh dưới ánh sáng của Đức Kitô.

 

 
114.864864865135.135135135250