21/08/2024 -

Đời Sống Thánh Hiến

1476
HIỆP THÔNG TRONG CỘNG ĐOÀN: MỘT CHƯƠNG TRÌNH CANH TÂN CHO TU SĨ do cha Giuse Nguyễn Văn Chữ, O.P. chuyển ngữ từ nguyên tác: COMMUNION IN COMMUNITY: A RENEWAL PROGRAMME FOR RELIGIOUS của tác giả Dr George Kaitholil, SSP,  Nhà xuất bản St Pauls, Mumbai 2007. Ấn bản Việt Ngữ, 266 trang, phát hành năm 2015, bao gồm 12 chương:
  1. 1. Cộng đoàn tu trì
  2. 2. Sống cộng đoàn
  3. 3. Hiệp thông tâm hồn
  4. 4. Thánh Phaolô và đời sống cộng đoàn
  5. 5. Tương quan liên nhân vị
  6. 6. Tình bạn và sự chia sẻ
  7. 7. Tương quan bề trên - bề dưới
  8. 8. Tự do và vâng phục
  9. 9. Những nhân tố tâm lý - tâm linh
  10. 10. Xử lý cơn giận
  11. 11. Canh tân sự hiệp thông huynh đệ
  12. 12. Tự kiểm điểm về đời sống cộng đoàn

Hiện sách không bán tại Nhà sách. Với sự đồng ý của dịch giả, WĐM sẽ lần lượt trích đăng các chương của cuốn sách này để độc giả có thêm tư liệu tham khảo.

Xem thêm phần Giới thiệu tác phẩm đã được đăng trên website này => tại đây

 

1. CỘNG ĐOÀN TU TRÌ

Voltaire, một triết gia vô thần và chống Kitô giáo, định nghĩa tu sĩ “là những người qui tụ lại với nhau mà không biết nhau, sống chung với nhau mà không thương yêu nhau, và chết mà không khóc thương nhau!”

Có lẽ ông ta nói thế vì khinh bỉ hoặc giận ghét. Nhưng, biết đâu chẳng có đôi chút sự thật! Khi tìm hiểu cách thức các phần tử trong cộng đoàn tu trì sống với nhau, liệu chúng ta có thể thực lòng mà nói là Voltaire hoàn toàn sai lầm không? Phải chăng đó lại không phải là lời kêu gọi tu sĩ xem xét lại phẩm chất các mối tương quan của họ?

Người ta mong muốn một cộng đoàn tu trì phải ngược lại những gì Voltaire đã nói, nghĩa là, đó là một nhóm người
  1. sống chung với nhau,
  2. biết nhau,
  3. thương yêu nhau,
  4.  và thương khóc nhau khi có người chết.
Như đống gạch không làm nên một ngôi nhà, một nhóm chữ viết không làm thành một câu văn, nhiều âm thanh không làm thành một nốt nhạc, thì một đám đông những con người cũng không làm thành một cộng đoàn.

Theo tông huấn “Đời sống Thánh hiến” (Vita Consecrata 42), đời sống huynh đệ có nghĩa là sự sống được chia sẻ trong thương yêu. Đời sống ấy phải được quan tâm thực hành một cách đặc biệt trong các hội dòng. Tất cả các tu sĩ phải dấn thân để yêu thương nhau, theo gương Chúa Kitô, Đấng đã trao hiến chính mình cho đến hy sinh cao độ vì yêu thương. Không có tình yêu vô điều kiện đó, không thể có sự hiệp nhất đích thực nơi các môn đệ của Người.

Tình yêu đòi hỏi
  1. sẵn sàng phục vụ người khác một cách quảng đại,
  2. sẵn sàng đón nhận họ như bản chất của họ,
  3. có khả năng tha thứ bảy mươi lần bảy.

Những con người sống đời thánh hiến cảm nghiệm lời mời gọi chia sẻ mọi sự chung với nhau:
  1. của cải vật chất,
  2. kinh nghiệm thiêng liêng,
  3. hứng khởi,
  4. tài năng,
  5. lý tưởng tông đồ,
  6. công việc bác ái.

Đời sống cộng đoàn không là gì khác hơn một phương thế để thi hành sứ vụ của chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa phục sinh trong sự hiệp thông huynh đệ. Sự hiệp thông huynh đệ có là do tình yêu thương lẫn nhau giữa các phần tử của cộng đoàn.

Sự hiệp thông ấy phải là một tình yêu
  1. được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa,
  2. được thanh luyện bằng bí tích hòa giải,
  3. được nâng đỡ bằng kinh nguyện hiệp nhất.

Sự hiệp nhất là hồng ân đặc biệt Chúa Thánh thần ban cho những ai vâng phục Tin mừng. Người dẫn đưa các tín hữu đến chỗ cảm nghiệm sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa con. Sự hiệp thông vói Thiên Chúa là nguồn mạch của sự hiệp thông huynh đệ.

Trong thập niên 1970, người ta thực hiện một cuộc khảo sát giới hạn nơi các sinh viên và học sinh về các giáo viên của họ là các tu sĩ nam/nữ ở một tiểu bang miền Nam. Nhiều sinh viên nhận xét rằng các tu sĩ là những nhà giáo tốt, hăng say, chuẩn mực, và chí thú với công việc. Theo họ, các giáo viên này chuẩn bị bài vở kỹ lưỡng, lên lớp có kết quả. Tuy nhiên, sinh viên nhận thấy các tu sĩ này tỏ ra không thân thiện với nhau. Họ cảm thấy khó chịu khi chứng kiến sự ghen tị hay cạnh tranh nhau giữa các người thầy của họ khoác trên mình bộ áo nhà tu.

Đời sống cộng đoàn đòi hỏi sự hiện diện, cầu nguyện và tham gia. Sự hiện diện – không phải chỉ là thể lý mà còn là tinh thần, tình cảm và huynh đệ. Dùng bữa chung với nhau, làm việc chung với nhau và cầu nguyện chung với nhau là điều hữu ích và cần thiết, nhưng chỉ có thế thôi thì chưa đủ để xây dựng cộng đoàn. Chính từ ngữ “cộng đoàn” nói lên một nhóm người hiệp nhất với nhau. Hiệp nhất hay hiệp thông là điều thiết yếu đối với cộng đoàn. Tham gia vào niềm vui hay nỗi buồn, nhu cầu hay nỗi khó khăn, nỗi sợ, nỗi lo, thành công hay thất bại của nhau, sẵn lòng và vui vẻ chia sẻ gánh nặng cùng trách nhiệm trong cộng đoàn, đó là xây dựng sự hiệp thông.

Có rất nhiều điều đơn giản và bình thường rất hữu ích để giữ cho cộng đoàn được hiệp nhất và xây dựng tinh thần tham gia và huynh đệ. Sơ Regina đã cố gắng liệt kê những thứ đó:
  1. Cầu nguyện cộng đoàn.
  2. Bữa ăn cộng đoàn.
  3. Giải trí cộng đoàn.
  4. Cộng đoàn cùng mừng lễ.
  5. Cộng đoàn cùng chúc mừng.
  6. Sứ vụ tông đồ cộng đoàn.
  7. Hội họp cộng đoàn.
  8. Dự án cộng đoàn.
  9. Cộng đoàn lượng định.
  10. Dã ngoại chung.
  11. Họp mặt.
  12. Tĩnh tâm chung.
  13. Thảo kế hoạch chung.
  14. Phân định chung.

Năm 1953, Đấng đáng kính James Alberione[1] viết cho các con cái thiêng liêng của ngài như sau: “Trong bầu không khí chúng ta đang sống, chúng ta có các anh em theo đuổi cùng một mục tiêu, mang cùng một tu phục, tham gia cùng một đời sống chung, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, được sinh động bởi cùng những ý định và theo đuổi đường lối của chúng ta để đạt được triều thiên vinh quang. Sự hiệp thông trong những ý định này phải hiệp nhất chúng ta lại trong mối dây đức ái và biến nhà dòng thành những ốc đảo bình yên ngọt ngào… Tinh thần huynh đệ và sự hiệp nhất của Thiên Chúa vốn nối kết cộng đoàn thời sơ khai phải ngự trị ở giữa chúng ta, làm cho tâm hồn chúng ta phấn khởi, và chiếu sáng sự thanh thản trên nét mặt chúng ta. Tinh thần ấy phải đem vào trong linh hồn chúng ta ý nghĩa của sự an hòa làm đậm đà thêm sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa, là mục tiêu trực tiếp của đời tu. Khi tinh thần này phai nhạt đi, sẽ không thể có sự tịnh tâm, không có kinh nguyện, không có tình yêu thương chân thành, và không còn nhiệt tình trong đời sống thiêng liêng” (Các con rất yêu quý trong thánh Phaolô, 1065).

Anh Gervasis, một tu sĩ trẻ, chia sẻ với chúng tôi cái nhìn của anh về một cộng đoàn lý tưởng: “Tôi mường tượng một cộng đoàn nơi ấy mọi người sống trong tình yêu của Chúa Kitô. Đó là một cộng đoàn lý tưởng mà các mục tiêu đều hướng về thiện ích của mọi phần tử. Đời sống cầu nguyện nổi bật trong đời sống mọi người. Ai nấy đều cảm nghiệm được sức mạnh của lời cầu nguyện, và đến lượt lời cầu nguyện biến đổi thái độ và ứng xử của các phần tử. Sứ vụ tông đồ cùng với đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ sinh hoa trái tối đa. Mọi phần tử trong cộng đoàn đều sống Chúa Kitô và trao tặng Chúa Kitô cho người khác.”

TÌM KIẾM THIỆN ÍCH CHUNG

Các phần tử của cộng đoàn cần phải hiệp nhất vì lợi ích chung. Sự phân rẽ, những sức mạnh khác nhau xô đẩy về những hướng khác nhau sẽ chỉ phá hoại cộng đoàn. Việc nhấn mạnh đến phẩm giá con người không được làm lu mờ thực tại cộng đoàn. Nguyên tắc soi dẫn mọi cộng đoàn là tìm kiếm lợi ích chung, và việc tìm kiếm này sẽ hướng dẫn cách ứng xử của mọi phần tử.

Nếu không tìm kiếm thiện ích chung như thế, chúng ta sẽ chỉ có một nhóm đông người kề vai sát cánh, nhưng không phải là một cộng đoàn thực sự. Vì sự gắn kết và động lực của một cộng đoàn phải có một nguyên tắc để thống nhất, đó là thiện ích chung. Thiện ích của cá nhân và thiện ích của cộng đoàn liên hệ mật thiết với nhau. Một phần tử đạt được thiện ích của mình cùng với thiện ích của anh/chị em mình thông qua hành vi trao và nhận. Thiện ích của một cộng đòan tu trì là sự thịnh đạt của tất cả mọi phần tử để trung thành với Chúa Kitô, với đoàn sủng mà đấng sáng lập đã truyền lại, với linh đạo cộng đoàn và với sứ vụ tông đồ đã được ủy thác cho cộng đoàn.

Tất cả mọi phần tử đều có nhiệm vụ cộng tác một cách tích cực vào thiện ích chung của cộng đoàn, và hòa nhập nỗ lực cá nhân của mình vào mục tiêu này. Khi cần thiết, phải sẵn sàng hy sinh sở thích cá nhân vì lợi ích của cộng đoàn.

Lời khấn của người tu sĩ có giá trị cộng đoàn

Đức khiết tịnh, khi được tự do chọn lựa trong đời sống huynh đệ, làm chứng rằng tình yêu hiệp nhất anh/chị em với nhau không phát sinh từ máu huyết nhưng từ hành động của Thánh thần. Trong đời sống hôn nhân, đối tượng của tình yêu là người mà ta chọn để yêu và sống với. Trong đời sống tu trì, đó chính là anh/chị em mà Chúa Cha đã trao ban cho các phần tử để yêu thương và sống với. Đời sống chung là một biểu hiện tự nhiên của đức khiết tịnh xét như là sự cởi mở đối với anh/chị em.

Đức thanh bần làm chứng cho sự hiệp thông huynh đệ, mà hiệp thông huynh đệ là một hồng ân của Chúa Cha trong Chúa Kitô. Đó là sự liên thông các của cải. Mọi thứ đều được quảng đại để làm của chung: hồng ân thời gian và tài năng, kiến thức và tình cảm, công việc và của cải vật chất. Người ta làm việc, sản xuất, dè sẻn và dành dụm là để chia sẻ với những người cần thiếu. Những gì được dành lại và những gì được làm ra qua việc thực hành đức thanh bần là hồng ân đối với thiện ích chung.

Đức tuân phục hướng cộng đoàn đến chỗ phân định và thi hành ý Chúa. Trong một cộng đoàn tu trì, mọi phần tử đều được kêu gọi đảm nhận trách nhiệm trong nỗ lực tìm kiếm thiện ích chung. Như vậy, người ta biết quan tâm đến những sáng kiến, mong ước và khao khát của người khác và vui vẻ trao tặng chính mình để phục vụ người khác, thậm chí hy sinh cả những tiện nghi và sở thích của mình. Do đó, lời khấn tuân phục dễ dàng cho người tu sĩ phục vụ thiện ích chung.

QUAN TÂM VÀ CHIA SẺ

Không có sự quan tâm và chia sẻ, không có cộng đoàn thực sự. Nếu tôi chỉ để ý đến công việc của tôi và không để ý đến bất cứ ai khác, tôi là một cá nhân ích kỷ không biết đến tình yêu Kitô giáo là gì. Chia sẻ thì phải hai chiều. Trong khi tQUAôi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thời giờ, tài năng, và sự vật cho người khác, tôi phải để họ chia sẻ bản chất của tôi và sở hữu của tôi. Chịu đựng lẫn nhau, tỏ ra thông cảm với sự yếu đuối, thất bại, và khiếm khuyết của người khác, là phần cốt yếu của sự hiệp thông huynh đệ và sống cộng đoàn. Không biết hoặc dửng dưng, hoặc thậm chí kiên nhẫn và khoan dung với những sai sót của người khác cũng chưa đủ. Nếu tôi không tỏ ra nhân từ với những người thất bại, và không đem lại cho họ sự trợ giúp huynh đệ để giúp họ đứng vững trước thất bại, thì tôi không thực sự hiệp thông với họ.

Trong một cộng đoàn tu trì tốt, các phần tử phục tùng lẫn nhau và kính trọng lẫn nhau. Không ai lên mặt kẻ cả hoặc cố gắng tìm cách chi phối người khác trong khi thảo luận, trong khi quyết định hoặc làm việc. Không ai tìm cách khống chế người khác. Trái lại, tinh thần phục vụ phải nổi bật. Thánh Phaolô đã khuyến khích chúng ta, “Anh em phải nghĩ đến những điều tốt nhất cho kẻ khác và cho cộng đoàn” (1 Th 5:15).

Đó là điều lý tưởng. Thế nhưng, chúng ta thường thấy người tu sĩ làm hết việc này đến việc khác, cầu nguyện rồi lại cầu nguyện, và trong công việc bận bịu của họ, họ không gặp gỡ được người khác. Cũng có thể là họ không gặp được chính mình và Thiên Chúa của mình. Một tu sĩ trẻ viết, “Thường chúng ta chỉ sống mối tương quan với nhau một cách hời hợt. Có lẽ có người trong chúng ta nhìn người khác như là kẻ đe dọa mình và cố dìm mình xuống.”

Điều chính yếu trong cộng đoàn là các phần tử biết nhau, yêu thương nhau và quan tâm đến nhau. “Vì vậy, xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2:2-4).

Đức ái là bí quyết của đời sống cộng đoàn. Đức ái thì khoan dung, quan tâm đến người khác, giúp ích, sẵn sàng nhận lấy phiền toái vì người khác, kiên nhẫn, tha thứ, không ghen tương, luôn luôn cộng tác, hỗ trợ và tử tế.

Một cộng đoàn lành mạnh và hạnh phúc đòi hỏi các phần tử phải có một số đức tính nào đó.
  1. Cộng đoàn đòi hỏi phải có sự sẵn sàng, niềm nở và trách nhiệm.
  2. Cộng đoàn đòi hỏi phải hiện diện với nhau, thuộc về nhau và cùng nhau xây dựng.
  3. Cộng đoàn đòi hỏi phải có giao tiếp, quan tâm và cộng tác.
  4. Cộng đoàn đòi hỏi phải cởi mở, lạc quan và hướng tha.
  5. Cộng đoàn đòi hỏi phải khoan dung, tin tưởng và thành thực.

Một tu sĩ trở về sau nhiều năm làm việc truyền giáo ở hải ngoại viết, “Đặc tính quốc tế và đa văn hóa mà tôi từng sợ hãi đã trở thành một hồng ân mà tôi yêu quí trong suốt 18 năm truyền giáo của tôi. Tôi thấy đó là một thách đố lớn lao và là một sự thúc đẩy tăng tiến về mặt tâm linh và tâm lý. Tôi lãnh nhận được khá nhiều từ những người đến từ các nền văn hóa khác, và tôi tin rằng sự phong phú này có tính cách hỗ tương. Tôi bị hấp dẫn bởi nhiều khía cạnh trong nền văn hóa và linh đạo Ấn Độ, rất cởi mở và có tính tiếp nhận. Lúc này nếu có điều gì mà tôi nhớ nhất, thì đó là vẻ đẹp của một cộng đoàn quốc tế. Cho tôi chọn, ngày hôm nay tôi cũng vẫn chọn lại nó.”

LINH ĐẠO HIỆP THÔNG

Trong tông thư “Ngàn năm mới đang đến” (Novo Millenio Ineunte), số 43, ĐGH Gioan Phaolô II nói đến một vài điều có thể áp dụng cho các tu sĩ và cộng đoàn của họ:

“Linh đạo hiệp thông trước tiên hệ tại ở việc tâm hồn chiêm ngưỡng mầu nhiệm Ba Ngôi đang ngự trong chúng ta, và chúng ta cũng phải có khả năng thấy ánh sáng của Người chiếu toả trên khuôn mặt của anh chị em xung quanh chúng ta.

Linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là một khả năng chú ý đến anh chị em chúng ta trong đức tin, trong sự hiệp nhất sâu xa của Thân thể mầu nhiệm, và vì thế như ‘những chi thể của tôi’. Điều này làm cho chúng ta có khả năng chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của họ, cảm nhận những ước muốn của họ và chú ý đến những nhu cầu của họ, trao tặng cho họ tình bạn sâu sắc và chân thực.

Một linh đạo hiệp thông cũng bao gồm khả năng thấy điều tích cực nơi người khác, đón nhận và khen ngợi điều đó như là một quà tặng xuất phát từ Thiên Chúa: không chỉ như là một quà tặng cho người anh em hay chị em đã trực tiếp nhận lãnh, mà còn như là “một quà tặng cho tôi.”

 Cuối cùng, một linh đạo hiệp thông có nghĩa là biết “dành chỗ” cho các anh chị em chúng ta, bằng cách “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6:2) và chống lại những cám dỗ ích kỷ thường bao vây chúng ta và khơi dậy sự ganh đua, ham hố danh vọng, ngờ vực và ghen tương.”


MỘI VÀI ĐIỀU CẦN TRÁNH

Trong cộng đoàn tu trì, các phần tử cần sẵn lòng tránh hoặc từ bỏ những đặc quyền hoặc nhượng bộ đặc biệt trừ khi cần thiết bắt buộc. Tất cả mọi người đều có cùng một phẩm giá, quyền lợi, nhiệm vụ và đặc ân. Tất cả đều bình đẳng như là những con người và như là những phần tử của cộng đoàn. Những ngoại lệ không cần thiết có tính cách phân biệt, tạo nên sự phân rẽ và những cảm tưởng xấu. Không nên tìm kiếm những ưu đãi đặc biệt hay những đặc ân khác thường. Trong một cộng đoàn không nên có “giai cấp trên” và “giai cấp dưới.”

Cũng phải cực kỳ thận trọng để tránh chuyện bè nhóm. Hiện tượng ấy phạm vào sự bất công và bất bình đẳng trong cộng đoàn, gây chia rẽ và ganh đua. Nó hủy diệt tinh thần tu trì. Ngày nay, tinh thần phe nhóm, sự kình địch, đòi hỏi quyền lực và khống chế người khác đang thịnh hành. Hậu quả là sự tục hóa bi thảm cái thiêng thánh và chính trị hóa đời sống tu trì một cách vô nghĩa lý.

Tránh sao chép. Đây là vấn đề chân thành, sống thực với mình. Khi sự hàm hồ, lời nói hai ý xâm nhập vào cộng đoàn tu trì, thì tính xác thực và sự trong sáng biến mất. Chỉ nên nói những gì mình có ý nói. Mọi sự giấu diếm đều là giả dối, là tấm màn che đậy sự thật, nhưng khi dùng quá nhiều thì tấm màn sẽ rách bươm ra!

Chị Giám tỉnh đến thăm một tu viện để tổ chức bầu bề trên. Chị nghĩ rằng nữ tu A là một chọn lựa tốt nên hỏi chị, “Giả sử các chị em bầu chị, đừng từ chối nhé.” Nữ tu ấy trả lời rất khiêm nhường, “Thưa chị, em không xứng đáng đâu.” Chị Giám tỉnh nói, “Ồ, nếu chị không xứng đáng, chị em sẽ chọn người khác.” Kết quả bầu cử, nữ tu B được chọn làm bề trên, rồi chị Giám tỉnh ra về. Nữ tu A buồn và hờn dỗi. Chị cay đắng lẩm bẩm, “Các bà sơ này không biết nhận ra nhân đức thật là thế nào. Mình chỉ thực hành đức khiêm nhường, thế mà họ tin là thật!”

Một nết xấu khác cần được nhổ bỏ là thói thiên vị và gia đình trị. Đây là thói ban ân huệ quá đáng và bảo trợ quá mức cho bạn bè hoặc những mối tương quan cá nhân. Việc này rõ ràng hoàn toàn trái ngược với tinh thần của sự thánh hiến tu trì và hoàn toàn không có chỗ trong đời tu. Và khi việc này do bề trên hay người có quyền bính thực hiện, nó sẽ khiến cho sự hiệp thông huynh đệ đổ nát.

Tránh phân nhóm ngôn ngữ, miền, và sắc tộc. Chúng không giúp ích gì cho việc cổ võ sự hiệp nhất. Hãy đập bỏ rào cản của “những bức tường nội bộ chật hẹp” ấy, như Tagore thường nói, bước ra ngoài và đón nhận mọi phần tử của cộng đoàn. Nếu sự phân nhóm ấy cần thiết cho việc học hỏi, thảo luận, v.v… trong một thời gian ngắn, thì cần phải được chính thức tổ chức bởi những người có trách nhiệm, có một mục tiêu rõ rệt và một thời hạn xác định. Không nên chỉ là những con chim có lông cánh giống nhau tụ lại với nhau và do khuynh hướng tự nhiên mà loại trừ những con khác.

KINH NGHIỆP THÁP BABEL

Kinh nghiệm đầu tay của tôi như là một tu sĩ đã khá nhiều năm cho tôi biết rằng sử dụng ngôn ngữ có thể và thực sự trở thành vấn đề phức tạp trong các cộng đoàn tu trì khi các phần tử thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau sống chung với nhau. Người ta dễ dàng rơi vào cám dỗ, có khi vô ý thức và không có ý xấu, thành lập những nhóm dựa trên ngôn ngữ. Bạn hãy tưởng tượng có bao nhiêu nhóm như vậy trong một cộng đoàn! Mỗi nhóm thường loại trừ những nhóm khác, như vậy là tạo nên những “huynh đoàn” khác nhau trong cùng một cộng đoàn. Cuối cùng cộng đoàn trở thành một cái tháp Babel chính hiệu!

Trong một cộng đoàn đa ngôn ngữ, mọi phần tử cần phải thống nhất về một ngôn ngữ chung trong cộng đoàn. Ngôn ngữ này có thể thay thế cho ngôn ngữ mẹ đẻ hay ngôn ngữ của quốc gia. Bề trên có nhiệm vụ nhấn mạnh việc sử dụng ngôn ngữ chung và thuyết phục các phần tử về tầm quan trọng, và nhắc nhở họ sử dụng ngôn ngữ ấy mỗi khi cần thiết.

Trong cộng đoàn, trước mặt tôi, nếu bạn nói thứ tiếng mà tôi không hiểu, tôi có thể hiểu ứng xử của bạn nhiều cách khác nhau. Có thể là bạn đang giấu diếm tôi điều chi đó. Có thể bạn đang chế giễu tôi. Có thể bạn chỉ trích tôi hoặc đang âm mưu chống lại tôi. Có thể bạn đang tìm cách loại trừ tôi khỏi vòng bạn bè của bạn. Hoặc có thể bạn không đủ tin tưởng để chia sẻ ý nghĩ của bạn với tôi. Trong thực tế, có khi không có giả thuyết nào trên đây là đúng. Nhưng, bạn ở đó, cố ý hoặc vô tình, loại trừ tôi khỏi cuộc đối thoại với bạn, không căn cứ trên bản chất những gì bạn nói, nhưng căn cứ trên ngôn ngữ bạn dùng. Như thế là bạn xúc phạm, hạ nhục, làm tổn thương, và xua đuổi tôi. Bạn phải chịu trách nhiệm về việc này.

Qua nhiều năm, tôi đã từng phụ trách những nhóm nam tu sĩ trong thời gian đào tạo. Có những trường hợp một phần tử nói với tôi rằng anh ta cảm thấy bị tổn thương vì các đồng bạn vô tâm và thường nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ mà anh ta không hiểu. Có những sinh viên, lòng đau đớn và nước mắt chảy dài, nói với tôi, “Con cảm thấy thật là khó khăn. Con sẽ ra đi vì không thể chịu đựng nổi ở đây nữa. Con yêu mến hội dòng và sứ vụ tông đồ của hội dòng, nhưng vấn đề ngôn ngữ này là quá nặng nề đối với con.” Tôi cố gắng hết sức và thường sửa chữa điều xấu xa này, nhưng chỉ được một giới hạn nào đó. Tôi đã phải đau khổ mà thực hiện “nghi thức cuối cùng” trong cuộc chia ly những ứng sinh giỏi. Chúa kêu gọi họ đến đây, nhưng các đồng bạn đã làm cho họ ra đi! Tất nhiên, có thể Chúa có kế hoạch khác cho họ, nhưng chúng tôi có thể phủi bỏ trách nhiệm không?

Không phải tất cả những người bị tổn thương bởi cách cư xử ấy đều rời bỏ cộng đoàn. Nhiều người có đủ can đảm để chịu đựng, nhưng nếu họ bị lên án phải sống sự cay đắng này suốt đời họ thì đáng buồn và tệ quá!

Vì vậy, tôi yêu cầu trong cộng đoàn không nên sử dụng một ngôn ngữ nào khác ngoài ngôn ngữ chung. Đó là điều quan trọng để xây dựng cộng đoàn, và thường bị bỏ quên. Phá vỡ qui luật này là phá vỡ nhiều tâm hồn và phá vỡ cộng đoàn. Qui luật này làm cho sự hiệp thông thực sự giữa các cộng đoàn trở thành khả thi. Mong rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra trong bất cứ cộng đoàn nào nữa.
 
SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG
  1. 1. Đọc và suy niệm 1 Cr 13:1-13; Pl 2:1-4; Lc 10:25-37.
  2. 2. Đâu là lý tưởng của bạn về một cộng đoàn mà bạn trực thuộc? Mô tả loại cộng đoàn mà bạn muốn sống ở đó.
  3. 3. Cố gắng nhớ lại kinh nghiệm sâu xa nhất hay một kinh nghiệm mà bạn hài lòng nhất về tinh thần cộng đoàn.
  4. 4. Đâu là những đóng góp của bạn trong việc xây dựng cộng đoàn?
  5. 5. Xét mình một chút xem bạn có thận trọng sử dụng ngôn ngữ chung của cộng đoàn không?

[1] Cha James Alberione (4/4/1884 – 26/11/1971), linh mục người Ý, người sáng lập 10 hội dòng tu trì, những hội dòng này dùng kỹ thuật truyền thông hiện đại để loan báo Tin mừng và cổ võ đời sống đạo đức cá nhân. Ngài được tuyên phong là Đấng đáng kính vào ngày 25/6/1996, và được ĐGH Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước ngày 27/3/2003. (ND)
114.864864865135.135135135250