Tựa sách: Hiệp thông trong cộng đoàn - một chương trình canh tân cho tu sĩ
Tác giả: George Kaitholi, Ssp.
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Chữ, OP. Dưới đây là Lời giới thiệu cho cuốn sách:
Hiệp thông tâm hồn là yếu tố thiết yếu của sự thánh thiện và vui sống. Công đồng Vatican II coi đời sống cộng đoàn là bản chất cần thiết của đời sống tu trì (PC 15). Cũng vậy, các tài liệu sau này của Tòa thánh cho thấy “Cần phải cổ võ đời sống cộng đoàn bằng mọi phương tiện có thể, trong những cách thức phù hợp với ơn gọi của mỗi hội dòng. Điều quan trọng đặc biệt là các phần tử phải xây dựng một đời sống chung huynh đệ như là một gia đình hiệp nhất trong Chúa Kitô” (Ecclesiae Santae 25; Renovationis Causam 28; Evangelica Testificatio 39-41; Vita Consecrata 42; Ecclesia in Asia 23). Từ đó đến nay đã có nhiều sách vở, bài báo về đời sống cộng đoàn và việc thực hiện cụ thể cũng như hiệu qủa của đời sống ấy.
Trong số những tác phẩm loại này, cuốn sách hay nhất mà tôi thấy là cuốn HIỆP THÔNG TRONG CỘNG ĐOÀN của cha George Kaitholi, Ssp. Kinh nghiệm phong phú của một tác giả, một biên tập viên và một nhà giảng thuyết ở nhiều quốc gia trở thành nguồn mạch bổ sung giúp cho ngài chuẩn bị cuốn sách tuyệt vời này về đời sống cộng đoàn.
Một cộng đoàn tu trì đích thực có thể là một “thiên đàng dưới thế”, nơi đó mọi phần tử cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc, sự bình an và hòa hợp, yêu thương và hiểu biết, đón nhận và chấp nhận. Tất cả mọi phần tử đều phải cùng nhau xây dựng “thiên đàng” này. Đời sống huynh đệ, chia sẻ trong yêu thương, là dấu chỉ mạnh mẽ về sự hiệp thông trong Hội thánh. Trong một cộng đoàn tu trì lý tưởng, mọi phần tử cảm thấy thoải mái để suy nghĩ và làm việc, đồng thời vui sướng với tình yêu thương và sự nâng đỡ của những phần tử khác. Ở đó không có chỗ cho sự ích kỷ và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Trong một cộng đoàn như thế, mọi phần tử có thể sống trong sự hiệp nhất và quảng đại. Luôn luôn có tình yêu thương, hiểu biết lẫn nhau và nâng đỡ trong tinh thần cầu nguyện.
Nếu mọi phần tử dùng các nguồn lực và tài năng của mình để phục vụ cộng đoàn, cộng đoàn sẽ có nhiều tiềm năng để tăng trưởng về các lãnh vực tâm linh, trí thức và tông đồ. Một khi trách nhiệm được chia sẻ, trách nhiệm sẽ trở thành đồng trách nhiệm. Việc này đòi hỏi tất cả các phần tử của cộng đoàn hiệp nhất vì lợi ích chung. Những sức mạnh khác nhau lôi kéo về những hướng khác nhau sẽ hủy diệt cộng đoàn. Nguyên tắc hướng dẫn cộng đoàn là tìm kiếm thiện ích chung của cộng đoàn/hội dòng/Hội thánh. Mọi phần tử phải thành thực cố gắng để được hướng dẫn bởi mục tiêu này. Tác giả làm rõ những điểm này một cách hết sức thuyết phục.
Cha Kaitholil chỉ ra rằng không có hiệp thông thì không thể có cộng đoàn thực sự. Tham dự vào niềm vui và nỗi buồn, sự sợ hãi và lo âu, những nhu cầu và những vấn đề của nhau cũng như sẵn sàng chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm trong cộng đoàn sẽ xây dựng được sự hiệp thông đích thực. Noi gương Chúa Giêsu, mọi tu sĩ phải dấn thân để yêu thương nhau với thái độ phục vụ tha nhân một cách quảng đại và tha thứ luôn luôn.
Phẩm chất của sự hiệp thông tùy thuộc vào phẩm chất của các phần tử. Với một chút khôi hài, tác giả nêu bật những đặc điểm mà một cộng đoàn đích thực và sự hiệp thông chân thành cần có. Ngài mô tả một cách rõ ràng những phẩm chất của một cộng đoàn, của sự hiệp thông, những nguồn mạch của sự hiệp nhất, và cách thức xây dựng những mối tương quan liên vị lành mạnh. Tác giả cũng đề cập tới những yếu tố thiết yếu khác cần để kiến tạo một cộng đoàn đích thực và sự hiệp thông bổ ích, như hiệp thông và đối thoại, tình bạn và sự chia sẻ, quyền bính để phục vụ, tự do và vâng phục, những nhân tố tâm lý tâm linh trong việc sống cộng đoàn, làm thế nào để xử lý cơn giận, sự tha thứ và hòa giải trong cộng đoàn, ý nghĩa của những cuộc họp cộng đoàn. Chương cuối là một chỉ dẫn rất hữu ích nhằm nhằm lượng giá chức năng, tinh thần và bầu khí trong cộng đoàn.
Cuốn sách rải rác những kinh nghiệm và những mẩu chuyện lý thú làm cho sứ điệp được thêm màu sắc thực tiễn và cụ thể. Tôi không ngần ngại cho rằng cuốn sách này sẽ là một nguồn mạch tuyệt vời để suy suy tư về đời sống tu trì, đặc biệt là cho những ai đang nỗ lực kiến tạo một đời sống cộng đoàn đích thực, hạnh phúc. Tôi chắc chắn rằng những đề tài được giải thích khá cặn kẽ trong sách này sẽ giúp ích rất nhiều cho những người tham dự vào những cuộc “hội thảo xây dựng cộng đoàn”. Tôi vui mừng giới thiệu cuốn sách này như một kho tàng cho mọi cá nhân tu sĩ và như một bản văn để đọc sách thiêng liêng chung trong mọi cộng đoàn. Xin Chúa nhân lành chúc phúc cho cha George vì tất cả những đóng góp cha đã làm vì lợi ích của Hội thánh và của Dân Thiên Chúa, và cách riêng vì cuốn sách này, món quà quý giá cha tặng cho tất cả mọi tu sĩ nhân dịp kỷ niệm Lễ Bạc Linh mục của cha.
Tu sĩ Pius Kizhakkebhagam, CMSF
Bề trên Tổng quyền
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô