08/01/2020 -

Video

2341


BÀI PHÁT BIỂU CỦA CHA RODEL ALIGAN, OP.  TRONG NGÀY  LỄ TRAO BẰNG TỐT NGHIỆP
 
Trước hết, tôi xin chúc mừng Trung tâm Học vấn Đa Minh, tại TP Hồ Chí Minh, vì đây là ngôi trường hàng đầu chuyên về thần học cùng với các môn học liên quan, dưới sự điều hành của vị Giám đốc và các cộng sự viên. Vị thế và tầm quan trọng của trường được chứng thực qua con số khá đông quý sinh viên từ mọi miền đất nước, háo hức đến kín múc những gì Trung tâm cung cấp để chuẩn bị cho việc truyền giảng Tin Mừng tại Á Châu.
Thành quả này có được bất kể biến cố 1975 khi mà tất cả các trường học, các trung tâm hoạt động xã hội, và các sơ sở đào tạo do các tu sĩ Đa Minh Việt Nam đảm trách, đều phải chuyển giao cho nhà nước quản lý; thế rồi các tu sĩ đang khi vừa phải lao động trên các trang trại vùng thôn quê, lại vừa phải tìm cách thích ứng đời sống tu trì và việc đào tạo tri thức của mình sao cho phù hợp với những điều kiện sống khó khăn hơn trước. Nhưng nhờ sự kiên trì và lòng tín thác của họ vào Thiên Chúa, Dòng Đa Minh tại đây vẫn tồn tại và phát triển. Nhờ vậy mà giờ đây chúng ta đang có Trung tâm Học vấn Đa Minh này với sứ mạng phục vụ toàn thể Giáo Hội Việt Nam.
Thế nhưng, Thánh Bộ Giáo dục còn yêu cầu chúng ta làm nhiều hơn thế.
Thánh Bộ Giáo dục của Toà thánh Vatican đã ghi nhận sự phát triển này tại Á Châu. Thế nên vào tháng 05 năm 2018 vừa qua, các vị đại diện của Bộ Giáo dục thuộc Toà Thánh đã có những cuộc họp với các vị khoa trưởng, các vị giám đốc của các phân khoa cũng như các trường thuộc Giáo Hội trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, để cùng nhau thảo luận về những chỉ thị của Toà Thánh, liên quan đến chương trình đào tạo ở các phân khoa thuộc Giáo Hội cũng như các trường được sát nhập, theo đúng đường hướng của Tông hiến Niềm vui Chân lý (Veritatis Gaudium). Điều này được thực hiện nhằm bảo đảm lòng trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, đồng thời cũng để trả lời cho những khuynh hướng truyền giáo hiện nay ở Á Châu.
Cho phép tôi đọc lên ở đây một vài chỉ dẫn và mối quan tâm trong Tông hiến có liên hệ đến tất cả chúng ta.
Số 169 nói như sau: “Giáo thuyết về luân lý, được hiểu như luật của sự tự do và đời sống theo Thánh Thần, được thành toàn trong ngành thần học về đời sống thiêng liêng. Điều này phải bao gồm cả việc nghiên cứu khía cạnh thần học cũng như linh đạo về tác vụ linh mục, về đời sống thánh hiến với việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, và về đời sống người tín hữu giáo dân. Nền luân lý Kitô giáo được mời gọi để đào luyện nên những người môn đệ, mỗi người tuỳ theo những đặc tính của ơn gọi riêng của mình, tiến bước trên đường nên thánh. Theo chiều hướng này, trong học trình cần cung cấp một giảng khoá về thần học Đời sống Thánh hiến, nhờ vậy các vị mục tử tương lai có thể thủ đắc những kiến thức cốt yếu cũng như nội dung thần học giúp phân biệt được thế nào là đời thánh hiến, vốn thuộc về đời sống và sự thánh thiện của chính Giáo Hội”.
Số 171 thì nói như sau: “Trong một bối cảnh mà nhân loại ngày càng lưu động, và thế giới trở thành như một ngôi làng toàn cầu, thì không thể bỏ qua một giảng khoá về thần học truyền giáo, xét như một phần của việc đào tạo đích thực về tính phổ quát của Giáo Hội và việc cổ võ sứ mạng loan báo Tin Mừng, không chỉ là việc truyền giáo cho lương dân mà còn là công cuộc Tân Phúc Âm hoá”.
Nghiên cứu Kinh Thánh là linh hồn của thần học. Do đó, việc đào tạo về Kinh Thánh phải luôn nắm giữ phần quan trọng ở mọi cấp độ, từ việc đọc bản văn cho đến việc chú giải.
Việc bảo vệ môi trường và chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại, tức Quả Đất này, cũng hoàn toàn nằm trong nhãn giới Kitô giáo về con người và thực tại. Có thể nói những điều ấy cấu thành nền tảng cho một khoa sinh thái học lành mạnh về các tương quan của con người. Vì thế, ngày nay hơn bao giờ hết, chúng đòi hỏi một cuộc hoán cải tận nơi sâu thẳm của lòng người. Điều chúng ta cần ở đây là một cuộc hoán cải trong lãnh vực sinh thái, nhờ vậy những hoa trái đến từ cuộc gặp gỡ của chúng ta với Đức Giêsu Kitô được biểu hiện ra cách minh nhiên trong các tương quan của chúng ta với thế giới xung quanh. Việc chúng ta sống ơn gọi trở nên “những người bảo vệ công trình của Thiên Chúa” là điều thiết yếu đối với một đời sống đức hạnh.
Tất cả những điều này, qua những chỉ thị của Huấn quyền cũng như hướng dẫn về mặt thần học, giúp chúng ta nhận thức được sự thôi thúc, tầm mức lớn lao và tính khẩn thiết của những thách thức mà chúng ta đang đối diện.
Đang khi các Giáo hội ở Á Châu bước vào thiên niên kỷ mới, không phải với não trạng đối đầu hay xâm chiếm thì chúng ta tin vào ý muốn và kế hoạch cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, cũng như sứ vụ độc nhất của Đức Kitô ở Á Châu. Việc không ngừng suy tư về các thực tại ở Á Châu, và nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, sẽ khai mở cho chúng ta một tầm nhìn mới và một sự nhận thức mới về chính các thực tại ở Á Châu, nhờ đó mà có được những định hướng mới, những ưu tiên mới; đồng thời điều đó cũng chỉ vẽ cho chúng ta những con đường mới để làm lan toả ánh sáng Đức Giêsu Kitô giữa một đại lục Á Châu đa tôn giáo và còn chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nghèo đói. Nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần vốn luôn tác hoạt ở Á Châu, chúng ta đang khám phá ra chính căn tính của mình như là những “Kitô hữu mang bản sắc Á Châu”, chứ không chỉ là những “Kitô hữu tại Á Châu” – cũng thế, có thể nói đến các Kitô hữu Philipino, các Kitô hữu Inđônêxia, các Kitô hữu Việt Nam, và các tu sĩ Đa Minh Việt Nam. Chúng ta nhìn nhận một trách nhiệm chung trong việc xác định cả những cơ hội cũng như những thách thức ở Á Châu, và trong việc trở nên một sự hiện diện toả chiếu Tin Mừng ở Á Châu.
Chúa Kitô của Á Châu đang ra hiệu vẫy gọi, và Thánh Thần của Á Châu đang thôi thúc chúng ta tiếp tục tiến bước. Trong bối cảnh này, chúng tôi mong sao Trung tâm Học vấn Đa Minh sẽ đi tiên phong, và với một đức tin can trường, Trung Tâm sẽ dám đối mặt với những cơn phong ba bão táp trong sứ vụ loan báo Tin mừng tại Á Châu.
Chúc mừng!
 
114.864864865135.135135135250