23/08/2022 -

Tưởng nhớ anh em

2238
Ngày này 9 năm trước (20/8/2013), cha giám đốc Giuse Lê Hoàng Thụy, O.P., đón anh em chúng tôi vào nội trú thỉnh viện để bắt đầu hành trình ơn gọi. Ngày này 9 năm sau, ngài đã nằm dưới nấm mồ. Đời người không biết được bao nhiêu lần 9 năm, và anh em chúng tôi cũng không biết còn được mấy lần 9 năm như thế?

Hôm nay 20/8/2022, Hội Thánh mừng kính thánh Bernađô. Ngày mừng kính thánh nhân cũng là ngày anh em chúng tôi chập chững bước vào đời tu. Vì thế, chúng tôi chọn ngài làm thánh bổn mạng của lớp. Năm nay, chúng tôi mừng bổn mạng bằng cách thực hiện một chuyến “Về nguồn”: viếng mộ các anh em đã đi trước, thăm các cha anh nhà hưu và các anh em tập sinh. Cha giám sư tập sinh nói với một trong số các anh em chúng tôi: “Anh chưa thấy lớp nào mừng bổn mạng theo kiểu đặc biệt như thế này.” Mà cũng đặc biệt thật và thật đặc biệt!


Trước hết, các cha nhà hưu là những giáo sư của chúng tôi. Chúng tôi thăm cha Giuse Đặng Chí San, O.P., trong một bầu khí thật đặc biệt. Vài năm trước, ngài dạy chúng tôi môn “Phật giáo” với sự say mê và kiến thức uyên bác của một người thực tập các pháp môn ấy. Vài năm trước, ngài còn nói, còn đùa, còn kể về kinh nghiệm tâm linh của cuộc đời, còn dặn dò lớp đàn em… Ngày hôm nay, ngài mệt nhiều: nói rất ít, chỉ nhìn và chỉ thở bằng những hơi thở chánh niệm. Chúng tôi hỏi ngài còn nhớ các em không, ngài lắc đầu. Ngài nhìn chúng tôi hoài. Ánh mắt của tuổi già gợi lên trong tôi một cái gì đó đượm buồn. Nghe người chăm sóc ngài nói: “Cha buồn mấy hôm nay vì nhớ cha cố Bùi Đức Sinh” (vừa qua đời không lâu).

Rồi chúng tôi thăm cha cố Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P. Ngài đã ngoài 90 tuổi và sức khỏe cũng yếu dần. Thấy anh em chúng tôi đông, ngài ngạc nhiên và cố ngồi dậy để nhìn. Điểm chung của các cha nghỉ hưu là thích nhìn những người đến thăm mình. Chúng tôi hỏi thăm ngài vài câu, nhưng ngài không còn hiểu được nhiều. Ngài từng là một giáo sư Kinh thánh lỗi lạc, viết khá nhiều đầu sách và giáo trình, là một trong những cột trụ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Đúng là mỗi người ai cũng có cái thời huy hoàng, nhưng sau cái thời ấy thì tuổi đà xế bóng sẽ dẫn họ bước vào cô tịch và biến họ trở thành những trẻ thơ.


Tiếp đó, chúng tôi cũng sang thăm các em tập sinh, những “mầm non” của Tỉnh dòng. Một cha giáo của chúng tôi từng nói rằng: tập viện là mùa xuân ơn gọi, học viện là mùa hạ nóng bức với kiến thức thánh khoa, thi hành sứ vụ là mùa thu êm đềm, và nghỉ hưu là mùa đông lạnh lẽo. Nhìn các anh em trẻ, chúng tôi cũng nhớ lại thời gian của mình. Thấm thoát mà đã qua 7 mùa xuân tập viện. Thời gian trôi nhanh hơn người ta tưởng, và khi nhìn lại thì đã thấy mình già đi lúc nào chẳng biết.

Sau khi thăm một số cha anh và các em Tập sinh, nghĩa trang Tỉnh dòng là điểm về nguồn cuối cùng của chúng tôi hôm nay. Nơi đây, một số anh em đã ra đi trước với những độ tuổi già trẻ khác nhau. Chúng tôi viếng mộ cha giám đốc Giuse Lê Hoàng Thụy, O.P., và các anh em khác. Trong lòng không khỏi bồi hồi. Những kỷ niệm với cha Giám đốc ngày nào vẫn còn rất sống động trong lòng mỗi anh em, chỉ có sự hữu hạn của kiếp người mới làm cho chúng tôi không còn mặt giáp mặt. Cuộc đời ngắn ngủi là thế. Mọi sự phù vân là thế. Phù vân của những phù vân cũng là thế (x. Gv 1,2-3). Nhưng cái chết không lấy đi của nhân loại tất cả: vẫn còn tình yêu. Tình mến mà chúng tôi dành cho ngài vẫn còn trong tâm trí, và ngài vẫn sống trong ký ức của chúng tôi. Quả thật, trong dòng Đa Minh, sau tất cả thì tình anh em là điều quan trọng bậc nhất. Nó sẽ còn hoài dù ai đó đã không còn ở thế giới này.


9 năm trước, cha Giuse vẫn còn hướng dẫn anh em chúng tôi. 9 năm sau ngài đã an giấc dưới nấm mồ. Không biết 9 năm sau nữa sẽ đến lượt ai? Rồi sẽ là ai trong 9 năm kế tiếp? Bản thân tôi không thấy sợ khi nhìn thấy kết cục của cuộc đời đang hiển hiện ngay trước mắt mình, vì tôi hiểu mọi sự là vô thường. Con người không bất biến nhưng luôn vận động, luôn tiếp nối để đi tới cái tốt đẹp nhất của nó. Ngày nào còn điều kiện để sinh tồn thì tôi còn sống. Ngày nào hết điều kiện ấy thì tôi sẽ chuyển sang một dạng thức khác (chết) với những điều kiện mới phù hợp hơn.
  1. “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
  2. tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
  3. một cơn gió thoảng là xong,
  4. chốn xưa mình ở cũng không biết mình.”
  5. (Tv 103,16-17)

Ngẫm về ngày sau cùng, tôi không sợ, nhưng thiết nghĩ sao mình còn ấu trĩ nhiều điều. Cuộc đời vắn vỏi, sao cứ mãi để trong lòng những giận hờn, ghen tương? Ghen ghét, oán hờn có nuôi dưỡng hoài được không? Hay đến khi một trong hai người qua đời thì mọi sự cũng chấm dứt? Cuộc đời vắn vỏi sao không chịu tha thứ và đón nhận nhau để cùng tạo ra những năng lượng tích cực? Cuộc đời vắn vỏi sao không dành thời gian để yêu nhau, để nói những lời dễ thương, để giúp đỡ và nâng đỡ nhau trong cuộc sống? Nuôi hận thù, nuôi cảm xúc tiêu cực thì có ích lợi gì! Đừng để khi đối phương không còn nữa thì mới nói lời tha thứ hay xin lỗi, muộn màng rồi.

Đứng trước nghĩa trang ngẫm về đời mình để thấy mình thật giới hạn và yếu đuối, từ đó mà biết cậy nhờ ơn Chúa biến đổi chúng ta mỗi ngày.

Ngày bổn mạng thật đặc biệt!
John Nguyễn
Một thành viên của lớp Bênađô,
Học viện Đa Minh.
114.864864865135.135135135250