Vào lúc 08:30 ngày 26/3/2024, tại Đền thánh Martinô, Hố Nai, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chủ tế thánh lễ an táng linh mục Giuse Đặng Chí San, OP. Thánh lễ được cử hành trong bầu khí trang trọng và sốt sáng.
Trước thánh lễ, vào lúc 08:00, đông đảo anh em trong Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam cùng quy tụ bên linh cữu Cha giáo Giuse để cử hành nghi thức tiễn biệt. Cha Phaolô Nguyễn Minh Tuấn đã thay cho cha Giám tỉnh Tôma Aquinô và anh em nói lên lời cảm thương sâu sắc trước sự ra đi của cha Giuse. Từ những ngày sinh hoạt nhóm trẻ Phanxicô Xavier ở giáo xứ Thánh Khang do cha cố Giuse thành lập, cha Phaolô đã được đánh động bởi hình ảnh một người thầy đầy nhiệt huyết, giọng nói luôn có sức lôi cuốn vì rực cháy lửa mến yêu: yêu Chúa, yêu người.
Cha cố Giuse Đặng Chí San luôn đau đáu với nỗi đau của nhân loại, và khao khát vươn lên cõi thẳm sâu nào đấy với Chúa, kể cả bằng con đường tu tập của truyền thống Á Đông. Một tu sĩ, một linh mục Thuyết giáo chính hiệu, nhưng cũng mang dáng dấp một chút trí thức, một chút ‘thiền định’, một chút lãng tử ‘nhập thế hữu vi’ với phận người và ‘xuất thế vô vi’ với cõi tiên, cõi trời.
Cả cuộc đời của cha cố Giuse luôn mong ước trở nên đôi bàn tay, trái tim của Chúa Giêsu, để nâng mọi người trên đĩa thánh. Ấy vậy mà phận người mong manh, yếu đuối, sự sống trần gian vẫn chập chùng níu kéo cha cố Giuse qua từng hơi thở đang dần lịm tắt trong cơn bạo bệnh những ngày tháng cuối đời, để rồi cha cố chỉ biết quỳ xuống giơ đôi tay phó thác lên Thiên Chúa, nhìn nhận mình chưa đủ nội lực, chưa thể biến đôi tay và con tim thành khí cụ cho Chúa Giêsu, và sẵn sàng trở về với Đấng đã kêu gọi cha cố Giuse.
Tiếp theo nghi thức tiễn biệt của anh em Đa Minh là thánh lễ An táng, với sự hiện diện của đông đảo các tu sĩ nam nữ, các thế hệ học trò, thân nhân, ân nhân, rất nhiều giáo dân, gia đình linh tông – huyết tộc, các thân hữu của cố linh mục Giuse, cùng quý khách xa gần.
Trước khi thánh lễ được bắt đầu, cộng đoàn phụng vụ cùng ôn lại tóm tắt tiểu sử cuộc đời của cha Giuse Đặng Chí San. Với hành trình dương thế 72 năm, 50 năm khấn Dòng, 31 năm trong thánh chức Linh mục, cha Giuse họa lên chân dung của một tu sĩ Đa Minh giảng thuyết Lời Thiên Chúa.
Mở đầu thánh lễ, Đức cha Phaolô đã tóm tắt đôi lời về cha cố Giuse Đặng Chí San, một con người Đa Minh đặc biệt đã xông pha vào lãnh vực văn hóa để mang Chúa vào đời, để thấy Chúa trong tôn giáo bạn và để gặp gỡ Chúa từ sâu thẳm nội tâm mình.
Sau bài Phúc Âm, cha Giuse Nguyễn Cao Luật đã chia sẻ lý do ngài chọn bài đọc Maccô 3,20-21, bởi trong đó thấp thoáng dáng dấp của một “người mất trí” mà ngay cả người thân và gia đình cũng không thể hiểu được. Nhưng đó lại là một người điên vì Chúa và vì Tin Mừng.
Cuộc đời Đức Giêsu là một dấu lạ, người không giống như bao kẻ khác, hăng say rao giảng Nước Thiên Chúa đến quên đi cả bản thân mình. Đến tận hậu phục sinh, các môn đệ và nhiều người đi theo Đức Giêsu vẫn không hiểu được Người. Họ chỉ có thể giải thích được điều ấy bằng hai chữ “Tình Yêu”. Chỉ vì yêu mà Chúa Giêsu đã chấp nhận trở nên một kẻ điên trong mắt người đời, để loan báo Tin Mừng và cứu độ nhân loại.
Vị giảng thuyết đã nối kết “cái điên” của Đức Giêsu để nói đến cái “chất điên” trong con người cha cố Giuse Đặng Chí San. Cha Giuse Luật kể lại những kỷ niệm ở mái nhà Tam Hải với cố Rao và bốn anh em trẻ Luật-Sáng-Viễn-San với lần lượt các biệt danh Điếc-Mù-Gù-Điên. Cái sự ngu ngơ đến khờ khạo và cái sự ngông cuồng tự do trong tư tưởng của cha cố Giuse San, cùng với quãng thời gian phục vụ tại trại trẻ tâm thần Phú Nhuận là nguyên cớ cho cái biệt danh Điên của ngài. Nhưng ẩn sâu trong con người ấy hẳn phải “tiềm tàng một cái gì đó” mà cả đời cha cố Giuse vẫn miệt mài khám phá khôn nguôi: kiêu hùng nhưng yếu đuối, phá phách nhưng rất nhạy cảm. Vẫn có thứ gì đó tiềm tàng như mạch máu nóng đang chảy rần rần trong con người yếu đuối và hay rơi lệ ấy.
Đằng sau cái xù xì, thô kệch, quê mùa của một con người rất đời Giuse Đặng Chí San là một tu sĩ Giảng thuyết, có khả năng cảm nhận được sự sống trong tính tinh khôi, trần trụi mà nguyên tuyền, mộc mạc mà sâu lắng. Đó là hình ảnh một con người hết lòng yêu mến Thiên Chúa, sống trong mối tương giao sống động và cá vị với Chúa Giêsu, có thể gọi Chúa Giêsu là Anh Hai, là Đồng chí, là ông, là anh, là thầy. Đó là hình ảnh một con người hết lòng yêu mến cuộc đời với hồn thơ bay bổng, hòa quyện với thiên nhiên, với hoa lá, cỏ cây, với sương đêm, gió chiều… Đó là hình ảnh một con người nhận biết mình yếu đuối, luôn tha thiết cầu xin “lòng thương xót của Chúa và của anh (chị) em” bằng câu nhắn gởi: “Xin cầu nguyện cho với”.
Để rồi, giờ đây, người lãng tử ấy đã dừng bước lãng du. Một kẻ lãng tử trong một tâm hồn luôn chơi vơi với một khát vọng gì khác… đó là khát vọng vươn tới siêu việt, vươn tới Thiên Chúa.
Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Phanxicô Xavier Bùi Quang Thảnh, Bề trên Tu viện thánh Martinô, thay lời cho Tỉnh dòng và gia quyến của cha cố Giuse Đặng Chí San, cảm ơn và tri ân Đức cha, quý cha, quý bề trên, quý tu sĩ nam nữ, cùng toàn thể cộng đoàn, vì tình thương mến dành cho cha cố, và mối liên hệ với các anh chị em con cháu của cha cố, đã gửi điện thư, vòng hoa, đã đến viếng thăm, phúng điếu, chia buồn, và cầu nguyện cho cha cố Giuse, cũng như bớt chút thời gian tham dự thánh lễ và tiễn đưa cha cố đến nơi an nghĩ cuối cùng.
Sau thánh lễ, cộng đoàn đã rước linh cữu của cha giáo Giuse sang nghĩa trang Tỉnh dòng, ngay cạnh đền thánh. Tại mộ phần, cha Phanxicô X. Bùi Quang Thảnh, Bề trên Tu viện thánh Martinô, đã chủ sự nghi thức tiễn biệt. Cha giáo Giuse được an nghỉ bên cạnh anh em của người, chờ ngày phục sinh.
Nguyện xin Thiên Chúa vì lòng từ bi và nhân hậu đoái thương đến cha Giuse, và xin sớm đưa người vào hưởng ánh sáng vinh quang bất tận nơi Thiên Quốc.
Tác giả một bài báo mới đây nói rằng hầu hết các học giả Tân Ước đều không tin Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Theo ông ta, một giáo sư chủng viện Công giáo nói ông không thấy một học giả Thánh Kinh đáng tin nào chủ trương Đức Giêsu sống lại.
Việc