01/03/2024 -

Tưởng nhớ anh em

1351
Bài đọc I :  St 22, 1-2.9a.10-13.15-18 - Tổ Phụ Abraham dâng lễ tế

Bài đọc II : Hr 10, 4-10 - “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”

Bài Tin Mừng : Ga 12, 20-26 - “… còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”


Kính thưa cộng đoàn,
 
* Linh mục Ignatio Nguyễn Ngọc Rao có một bảng tiểu sử, với những chức vụ và những đóng góp cho Giáo Hội và cho Dòng không phải là nhỏ; đặc biệt là việc đào tạo bao thế hệ học trò từ Tây Ban Nha, Phi Luật Tân và Việt Nam mà ta khó lòng đếm cho xuể. Trong số đó, chắc chắn có rất nhiều linh mục và nữ tu đang hiện diện nơi đây; và đức cha Phaolô chủ tế cũng là học trò của Cố Rao…

Tuy nhiên, trong giao tiếp hằng ngày, ở đâu ngài cũng được gọi là Cố Rao, một thứ tên gọi biểu lộ mối tương quan mang tính người với người nhiều hơn. Dáng dấp của Cha Cố không phải là nhân vật xã hội, nhưng là tương quan con người với nhau.

* Và hơn nữa, với những anh em đã từng sống với ngài trong quãng thời gian bần hàn nhất, lam lũ nhất ở Tam Hải và Tam Hà, thì tên gọi ban đầu của ngài là Cố Râu chứ không phải cố Rao. Bởi vì sau 1975, có thời ngài để râu và bộ râu khá đẹp. Tên gọi Cố Râu không diễn tả mối tương quan lịch sự lễ nghĩa của xã hội, và cũng sâu xa hơn mối tương quan giữa người với người. Cố Râu là tên gọi biểu lộ cá tính, biểu lộ một sự thân quen, diễn tả mối tương quan ở mức độ cá vị với cá vị… Ở mức độ này, con người thật của ai đó được thể hiện chân thật hơn cả và được chấp nhận cũng chính nơi “ruột gan” của con người chân thật ấy.

Được sống với ngài trong giai đoạn “Cố Râu” ấy, bốn anh em chúng tôi (Luật, Sáng, San, Viễn, với bốn danh hiệu Điếc Mù Gù Điên) bắt gặp được một ông Cố Râu vụng về, bỗ bã, khờ khạo trong chuyện đời thường; một con người như thể thu hút hết cái xui xẻo vào bản thân mình,… nhưng lại xây dựng được những mối thâm tình giữa cá nhân với cá nhân một cách thật tốt đẹp.

Cố Râu là con người vụng về chuyện tay chân, gần như không có tuần nào mà ngài không bị một tai nạn lớn nhỏ, xầy xước, bầm tím… Cha Đẩu có lần nói : người ta đã giấu cái cuốc dưới gầm giường mà cố Râu cũng ráng thò chân vào để vấp ngã. Và theo ngài kể, khi còn ở với nghĩa phụ là cố chính Thập, mỗi lần nghe tiếng xoảng, thì Cố Chính Thập lại thốt lên : lại thằng Rao làm vỡ cái gì rồi.

Cố Râu là con người ăn nói bỗ bã. Cố thường phát biểu bộc trực, cố nhận định về ai đó bằng những ngôn từ rất bỗ bã kiểu nhà quê… và với ai chưa hiểu ngài thường rất dễ bị sốc… Sống với ngài, anh em mới hiểu rằng cố Râu thuộc thế hệ những người đi tu quá sớm và có quá ít kinh nghiệm cũng như kiến thức đời thường. Cố không có trong kho ngôn ngữ của mình những từ ngữ xã giao, để diễn tả tư tưởng một cách tế nhị, khéo léo…

Cố Râu là con người khờ khạo trong chuyện đời thường. Cố không thể xem phim truyện, vì không có trong đầu những hiểu biết rất sơ đẳng về cuộc đời, nên cố không nghe kịp từng chữ của nhân vật, và luôn mồm hỏi : nó nói cái gì vậy ? Tại sao nó lại làm như thế ? Có lần cố đi một mình, từ Đà Lạt về Cái Sắn để thăm ông bác bị bệnh. Hành trình đi rồi về ngay, hơn một ngày, cố chỉ mua mấy chai nước để uống, và nhịn đói chứ không biết phải vào quán gọi nhân viên thế nào, gọi món gì hay gọi làm sao,...

Cố Râu là người luôn gặp xui xẻo. Thời đó, ăn cơm độn và cố thuờng bị nhai vào sạn. Cố nói không hiểu tụi mày nhai dối hay sao mà không bị sạn. Cố luôn bộp chộp, luống cuống nên thường bị những “sự cố” vô duyên…

Thế nhưng, con người quá mộc mạc ấy lại có một kho kiến thức Kinh Thánh sâu xa và tinh tế. Học trò cha Cố thường nói: nghe cha Rao dạy học thì buồn ngủ lắm, nhưng khi có ai khao khát hiẻu biết, thắc mắc hỏi han, thì thực sự sẽ nhận được nơi Cố những câu trả lời thường là rất sâu sắc…

Con người quá đỗi mộc mạc ấy lại xây dựng được, một cách rất tự nhiên, những mối tình thân đậm đà, ngọt ngào và Cố có cả một thế hệ con đàn cháu đống ít ai sánh bằng… Những ai biết quen thuộc hơn với cố Râu, sẽ thấy nơi cố là một con người mộc mạc mà rất chân thật, bỗ bã mà lại rất thân tình, bình thường nhút nhát nhưng khi cần lại là người có những lập trường cương quyết và bạo dạn.  

Nếu tượng trưng mối tương quan bằng sơ đồ A như chủ thể, X như cách diễn tả, và B là đối tượng hay một chủ thể khác, thì nơi Cố Râu, cái A khá độc đáo và không kém bạo dạn, có thể có chỉ số là 8. Cái X như là vật trung gian để diễn tả, chỉ số là 0 hoặc 1 là cùng. Và chỉ số gặp gỡ đạt được nơi B, như là tha nhân, chỉ số ấy đạt có thể là 6 hoặc 7…

Thưa cộng đoàn,

Như triết gia G. Marcel đã nói, đôi khi sự vắng mặt của tha nhân lại cho ta thấy con người toàn diện của tha nhân hơn. Đó là cách cảm nhận thoát được tình trạng “cây che mất rừng”. Khi tha nhân vắng mặt về thể lý, ta lại có cơ may đón nhận được tha nhân trong tính toàn vẹn, và tha nhân sẽ trở nên như một huyền nhiệm chứ không phải chỉ như một vấn đề.

Khi nhận được thiệp báo tang của Văn phòng Tỉnh dòng, tôi mới biết châm ngôn đời linh mục của cố Rao là đoạn văn trong thư Hip-ri : “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Hr 10,7).

Đó là đoạn trích mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc hai và tôi bỗng nhận ra có một sự ăn khớp giữa lý tưởng ước mong của Cố khi lãnh tác vụ linh mục và cuộc sống rất rất mộc mạc dễ thương của Cố Râu. Nói cách khác, khi mà Cố “vắng mặt” (cái X) thì con người toàn diện, với vóc dáng nhân bản và vóc dáng tâm linh, tỏ lộ được một sự hòa hợp thống nhất :

“Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”. (Hr 10, 5-7)

Đoạn văn thư Hip-ri ấy, nếu diễn tả theo sơ đồ A – X – B, ta cũng thấy một vóc dáng : A cao tuyệt đỉnh, B cao tuyệt đỉnh, và cái X cần phải hạ thấp để không che mất tầm nhìn của A với B, và B với A.

A là ý muốn của Chúa Cha

B là chính bản thân của Chúa Giêsu

Còn cái X là máu các con bò và con dê, để thực hiện hy tế và hiến tế theo luật Cựu Ước. Cái X là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Cái X ấy đã bị nề nếp tôn giáo, bị chứng hãnh tiến, bị cái nhìn lệch lạc của giới ưu tuyển trong Dân Do Thái dựng lên thật cao, để rồi vây bọc con người trong cái tôi, giam hãm con người trong tính tương đối cố hữu, và cắt đứt nẻo đường đến với Chúa cách chân thật.
Có một ý nghĩa xuyên suốt qua ba bài đọc trong thánh lễ hôm nay: con người không thể tìm tương quan với Chúa bằng nguyên lý trao đổi, nhưng chỉ có thể đón nhận ân huệ như một sự trao tặng của tình nghĩa.

- Con người muốn tìm một sự cân xứng nào đó trong cuộc trao đổi với Thượng Đế, con người dâng lễ vật là mạng người. Đây đó trong lịch sử, ta thấy có những tục lệ sát tế người, hoặc dâng các trinh nữ hoặc hiến tế trẻ em cho các thần linh là như vậy…

Nhưng Thiên Chúa đã phá vỡ sơ đồ trao đổi cân xứng giả tạo ấy, để tái lập lại một sự bất cân xứng căn bản giữa con người hữu hạn với Thượng Đế tuyệt đối. Một con cừu chết đi để thay cho mạng sống của Isaác.

Để rồi Thiên Chúa thiết lập lại mối tương quan đích thực bằng một sự bất cân xứng của tình nghĩa. Ở đây không phải con chiên hay con bò, mà chính là Chiên-Thiên-Chúa, là sự trao tặng hoàn toàn do lòng thương xót, là món quà tặng không chính Con Một của Ngài, đó là hồng ân vô giá mà con người không thể lấy bất cứ một điều gì để trao đổi sòng phẳng được.

Cái X bị tiêu hủy, hay nói đúng hơn, cái X được đặt ở đúng chỗ của nó, ở bên lề mối tương quan tình nghĩa. Cái X phải làm sao thực sự là sự vật trung gian, là phương tiện để chuyên chở A đến với B và B hòa nhập với A.

Khi không còn ẩn mình trong cái X được nữa, người ta sẽ được mời gọi để đưa chính bản thân mình vào cuộc chơi tình nghĩa. Đó cách thức chân thật nhất và chỉ có, đúng là chỉ có, cách thức ấy mới có thể cung cấp ý nghĩa và sinh lực để con người biết yêu thương thực sự bằng sự trao tặng chính mạng sống cho nhau, cách này hay cách khác. Chỉ cách thức gặp gỡ cá vị mới có thể cung cấp ý nghĩa và sinh lực để con người dám sống như Chúa Giêsu, như hạt lúa, thối đi, lấy chính “thịt máu” của mình để ươm mầm cho những cây lúa mới.

Cố Rao đã muốn bước theo Thầy Giêsu để thân thưa với Chúa Cha : “Này đây con đến, để thực thi ý Ngài”, Cố đã đến để đóng góp cho Giáo hội bằng vốn kiến thức Kinh Thánh, và Cố cũng đã đến dâng cho Chúa và anh chị em cả con người thật, con người mộc mạc, cù lần nhưng đậm đà tình nghĩa.

Kính thưa cộng đoàn,

Có phải không cung cách của  Đức Giêsu cũng biểu lộ trong một dáng dấp “Đầy Uy Quyền” (A), thường có những lời nói mạnh mẽ, những hành động gây sốc, không như các kinh sư (X), để sống hết mình với Thánh ý Chúa Cha, đến độ chấp nhận “uống chén” sự chết để làm vui lòng Cha (B) ?

Ngày nay, khi mà cuộc sống xã hội hiện đại của chúng ta, và thậm chí khi đời sống đức Tin của người Kitô hữu ngày nay như thể càng ngày càng bị giản lược vào lễ nghĩa, càng ngày càng bị đánh giá và nhận xét qua cái X, càng ngày càng bị chuẩn hóa theo phong cách “sống thế nào” chứ không còn là “sống với ai”, thì phải chăng chúng ta cần, cần lắm những lời chứng về một dáng dấp tương quan chân thật.

Thưa cha Cố,

Chúng con là học trò, là đàn em, là con là cháu của cha Cố, chúng con chân thành cám ơn Cha Cố vì những bài học, vì lối sống chân thật và thân tình của cha Cố như một lời chứng của một phong thái chân thật khác lạ. Chúng con cám ơn Thiên Chúa vì cha Cố vì bản thân và cuộc đời cha Cố đã trở nên như một món quà Thiên Chúa ban cho chúng con. Một cách nào đó, chính cung cách mộc mạc, cù lần nhưng thân tình của Cố đã tạo nên một môi sinh để anh em chúng con tìm được một cách sống chân tình với nhau, đó là hoa trái từ sự thối đi của hạt lúa gieo vào lòng đất.

Khi thiệp báo tang được gửi đi trên mạng, một tín hữu nhắn tin : “vậy bốn ông Tam Hà có đội tang không ?”, và cô ta nhắc lại bầu khí Tam Hà thời đó qua bài nhạc chế : “kìa nhìn xem ông thánh Đa Minh đơn sơ ra đi, làm nghề hàn xì, hút sách, lè phè vẫn vui…”. Chắc chắn rằng hoa trái ấy còn nẩy nở ở nhiều người khác nữa, nhất là nơi những người con, người cháu trong linh tộc của Cha Cố….
Chúng con chúc cha Cố lên đường bình an, mau đến bến bờ tình nghĩa chân thật, để cha Cố được thỏa lòng với thứ tình nghĩa chân thật và trọn vẹn nhất nơi Thiên Chúa Tình Thương. Amen.
29-2-2024
Điếc Mù Gù Điên
114.864864865135.135135135250