13/12/2011 -

Truyện ngắn

1535

 


 


Trả Nợ Đời


Thục Giang




Tờ mờ sáng, điện thoại di động của Quân reo. Sợ Ngân thức giấc, Quân nhẹ nhàng chỗi dậy, quơ vội cái phone và rón rén ra khỏi phòng. Giọng cô nhân viên trực đêm có vẻ khẩn cấp:


- Ông John muốn gặp anh. Ổng vừa qua cơn xúc động mạnh, cô y tá đã tiêm thuốc an thần rồi.


- Tôi sẽ đến ngay.


Quân thay áo quần trong bóng tối, nhưng Ngân đã tung mền nhỏm dậy:


- Gì vậy anh?


- Ông John muốn gặp anh.


- Ổng có điên chưa? Mới 5 giờ sáng. Anh có phải trực 24/24 đâu.


Quân vừa cài khuy, vừa dịu giọng:


- Chắc có chuyện.


- Anh có phải bác sĩ hay người nhà ổng đâu? Đã bảo tắt quách cái phone đi.


Ngân gắt gỏng, giọng còn ngái ngủ. Quân lẳng lặng bước ra, khép cửa. Giải thích với Ngân cũng bằng thừa. Từ sau cái chết của bà Jane, anh để điện thoại mở cả đêm,để nhỡ...?


Bà Jane qua đời cách đây hai tháng ở tuổi 70. So với những bệnh nhân khác, chăm sóc bà là một công việc khá vất vả. Bại nửa người, thân hình to lớn nặng nề, tính tình lại cáu gắt cho nên chẳng ai phục vụ được lâu. Bằng sự nhiệt thành và tận tâm Quân đã chiếm được cảm tình bà. Bà thích kể chuyện gia đình, về thời còn làm phóng viên cho một tờ báo có tiếng. Quân cảm phục tài viết văn sắc bén và học hỏi nơi bà rất nhiều về những kiến thức xã hội sâu rộng. Những trăn trở về bệnh tật, nỗi cô độc của tuổi già và niềm mong ước gặp lại con được bà diễn tả rất đậm nét và sống động qua những trang nhật ký cuối đời, mà lần nào đọc Quân cũng bồi hồi xúc động. Lúc hấp hối bà muốn gặp Quân nhưng điện thoại Quân tắt không liên lạc được. Họ trao lại cho Quân một hộp nhỏ, trong đó vỏn vẹn một cuốn sổ tiết kiệm, quyển nhật ký, một xấp ảnh úa màu và vài món nữ trang. Bà nhờ Quân liên lạc và gửi lại cho đứa con trai đang ở xa mà bà không gặp mặt từ khi bị đưa vào trung tâm săn sóc đặc biệt nầy!


Lúc Quân rời chỗ ông John, mặt trời đã lên cao. Ánh nắng tươi vui của một ngày mới làm Quân tỉnh táo hẳn. Quân cố hít thật sâu bầu không khí trong lành để xua tan sự mệt mỏi. Chỉ mới hơn 6 giờ sáng ! Quân sẽ tranh thủ về nhà tắm vội và ăn một bữa sáng nhẹ trước khi bắt đầu ca 9 giờ. Quân cho tay vào túi quần, chạm phải tờ $20 ông John biếu, lòng vừa vui vừa ái ngại. Quân đã cố từ chối:


- Họ trả lương để tôi giúp ông, ông không cần phải “tip”.


Nhưng ông John nhất quyết:


- Anh nhận đi cho tôi vui. Tôi đã phá giấc ngủ ngon của anh.


- Có gì đâu. Nghe họ gọi sớm quá tôi cũng lo.


- Máu tôi lên cao quá, tưởng xong rồi.


Rồi ông thở dài áo não, "Tôi muốn được chia tay với anh trước khi chết, mà Trời còn chưa muốn tôi đi..."


Suốt một tiếng đồng hồ, Quân ngồi im nghe ông kể lể . Hôm qua bệnh viện mới báo tin người em gái của ông mới qua đời do bệnh ung thư. Bà là người thân duy nhất hay lui tới viếng thăm. Vợ ông đã lấy chồng khác và các con ông chẳng bao giờ bén mãng. Đang tâm sự, thỉnh thoảng bị xúc động ông lại nức nở lên như một đứa con nít làm lòng Quân thắt lại. Ông John bị liệt cả hai chân và vào trung tâm nầy đã gần ba năm.


Đôi khi công việc của Quân nhàn rỗi như thế đấy!


Quân theo nghề chăm sóc những người tàn tật đã hơn mười năm. Lúc đầu chỉ làm cuối tuần để kiếm thêm chút ít thu nhập, bởi công việc chính của Quân là nhân viên kỹ thuật cho một hãng sản xuất đồ nhựa . Cửa hàng sửa áo quần của Ngân cũng tương đối ổn định nhưng Ngân luôn miệng cằn nhằn, kêu ca về sự chi phí cho ba đứa con. Khi kinh tế xuống dốc, hãng nhựa đóng cửa, Quân chuyển qua làm việc hẳn ở đây. Bạn bè Quân tỏ ý thương hại cứ giới thiệu Quân hết công việc nầy đến công việc khác nhưng Quân đều từ chối. Không ít người đã chế diễu:


- Quân nó thích làm nghề "vú em" hơn...


- Trả tôi $100 đồng một giờ tôi cũng chẳng ham. Quanh quẩn với những người tật nguyền, bệnh hoạn riết rồi cũng chán đời không muốn sống.


Quân chỉ cười hiền lành. Bao giờ cũng vậy khi người ta chế nhạo về cái nghề "tội nghiệp" nầy, Quân lại bồi hồi nhớ về thời gian khốn khổ của mình và thầm nhủ , "nếu trên đời nầy không có những tấm lòng..., thì không biết những người kém may mắn sẽ ra sao?” Tận đáy lòng Quân, một niềm vui dâng lên âm thầm khó tả.


Chưa bao giờ Quân thố lộ với ai về quãng đời nghiệt ngã đó. Ra trường với bằng tốt nghiệp đại học hạng ưu. Quân trẻ trung, đầy nhiệt huyết và tràn trề khát vọng để cống hiến. Những năm sau 1975, qua sự giới thiệu của một cán bộ cao cấp, ba của một người bạn thân, Quân cầm mảnh bằng Kỹ Sư từ Sài Gòn xuống Mỹ tho làm việc. Nhưng chỉ vài tháng ngắn ngủi, cái lý lịch “đen ngòm” của ba làm Quân mất việc. Quân chạy chọt khắp nơi, xoay xở một cách tuyệt vọng nhưng vẫn không tìm được một việc làm đúng với sở trường. Giữa tình thế nhiễu nhương, những đồng tiền cuối cùng đã cạn, Quân mất hết hy vọng! Trở lại Sài Gòn ư? Quân rùng mình nghĩ đến cái nhà trọ ọp ẹp vỏn vẹn chỉ mấy thước vuông, nơi má và ba đứa em gái chen chúc chật vật từng ngày kiếm sống. Lại thêm ông anh mới học tập ra, giờ đang chạy xích lô bữa đói bữa no.


Đang lúc rối rắm, người bạn gái lúc làm chung sở động lòng:


- Cứ về nhà em ở tạm, phụ ba em làm lúa rồi từ từ tính. Ba má em tử tế lắm.


Chưa lúc nào Quân thấm thía câu "một miếng khi đói bằng một gói khi no" như vậy. Nhà Vân cách thành phố Mỹ Tho chỉ hai tiếng lái xe nhưng Quân cứ ngỡ mình đang ở một vùng quê xa xôi hẻo lánh nào đó. Căn nhà lá vách đất chơ vơ giữa đồng, bao quanh bởi những lũy tre, hàng chuối, xa xa là những cánh đồng lúa trải dài mênh mông vô tận. Da Quân đen sạm do những ngày lam lũ với những thửa ruộng sau nhà. Đôi tay thư sinh chưa bao giờ lao động đã chai sần, nứt nẻ vì công việc nặng nhọc đồng áng từ việc trồng lúa, cấy mạ đến tát đìa,bắt cá, đào mương... Đêm về, nằm thao thức nhìn ngọn đèn dầu leo lét, lắng nghe tiếng côn trùng rỉ rả, Quân ngẫm nghĩ về tương lai đen tối mà thở dài não nuột. Niềm vui nhỏ bé của Quân là những ngày cuối tuần Vân về thăm, thơ thẩn với Vân trên bờ đê lộng gió, háo hức nghe Vân kể chuyện về công việc và đời sống bên ngoài. Như con thuyền trôi lênh đênh vô định bị đẩy đưa theo chiều gió, những bữa ăn đạm bạc với cá kho, canh rau muống, mồng tơi đậm tình người rồi cũng đến hồi chấm dứt. Một ngày sau bữa cơm chiều, bà Sáu lui cui dọn dẹp chén bát, ông Sáu, ba Vân cầm tách trà, tằng hắng:


- Quân à, bác có chuyện nầy thiệt là khó nói.


Đã đoán được phần nào sự việc, nhưng Quân cố trấn tĩnh:


- Bác cứ nói đi ạ.


- Có người cậy mai mối cưới con Vân. Cậu nầy làm việc trong ủy ban xã. Nhà người ta có của ăn của để. Con Vân về đó là có phước. Bác biết nó thương cháu, nhưng lấy cháu rồi làm gì ăn? Có cái bằng cấp là tốt nhưng lý lịch xấu cũng chết tươi, mà cháu thì đâu có chịu làm ruộng suốt đời, phải chưa? Cháu ở đây lâu chòm xóm biết dị nghị rồi lại khổ cho nó. Bác thương cháu lắm nhưng thiệt hổng biết tính làm sao?


Sáng hôm sau Quân từ giã mái nhà đã cưu mang mình hơn 6 tháng, lội bộ 3 cây số ra đường cái đón chuyến xe đò sớm nhất về Sài Gòn. Lòng Quân áy náy vì không kịp nói lời chia tay với Vân. Nhưng có lẽ như vậy sẽ tốt hơn. Ông Sáu dúi vào tay Quân ít tiền làm lộ phí, còn bà Sáu đứng bên giàn bầu khóc rấm rứt nhìn bóng Quân, vác cái túi lủi thủi trên con đường đê.


 


Quân về lại Sài Gòn trong những giọt nước mắt mừng tủi của má và các em. Mới hai hôm, ông anh lớn đã gặp Quân bàn bạc:


- Bác Hai, xui của má biểu anh về quê mở tiệm bán sinh tố. Thôi anh và má cũng xuống đó thử thời vận xem sao chứ ở thành phố hoài chắc chết đói cả lũ. Anh để lại chiếc xích lô cho em. Thôi dẹp cái bằng kỹ sư qua một bên đi. Không có tấm giấy lộn lưng, lý lịch của ba thì đen như đêm ba mươi, đừng hy vọng nữa.


Biết không còn cách nào khác, Quân buộc phải chạy xích lô kiếm sống. Suốt đời, Quân không thể nào quên được những buổi trưa nắng gắt, cong lưng hì hục đạp xe chở khách lên dốc cầu Bông. Cái nắng chang chang thiêu đốt, cái đói âm ỉ cồn cào cộng với niềm tủi nhục ê chề làm mặt Quân chan hòa mồ hôi và nước mắt.


Một buổi tối Quân đạp xích lô về đã thấy Vân ngồi chờ. Sáng sớm hôm sau Vân bỏ về quê bởi không chịu nổi những câu nói cay đắng phũ phàng của Quân. Nhìn đôi mắt đau khổ oán trách của Vân, lòng Quân đau xót nhưng Quân cố giết chết những cảm xúc mong manh còn sót lại.


Sau một năm vật lộn với cuộc sống, trốn chui trốn nhủi những cuộc kiểm tra hộ khẩu căng thẳng Quân hầu như đã mất niềm tin vào cuộc sống, thì bỗng dưng những tia sáng hy vọng lại lấp lánh. Má nhắn Quân về quê có việc. Quân cảm động đến nghẹn ngào khi bác Hai, người xui gia tốt bụng của má Quân to nhỏ:


- Bác đang lo chuyện vượt biên cho vợ chồng con Ái. Thấy tình cảnh của con bác thương quá, bác cũng muốn lo cho con, ý con ra sao? Phải cầu nguyện nhiều với ông Thánh Martino nghe.


Quân chưa bao giờ dám mơ đến chuyện vượt biên khi mà tự lo cho mình mỗi ngày một bữa ăn no đã là thử thách. Bác Hai bắt Quân ở lại quê phụ gia đình bác ,viện cớ Quân phải chờ đợi nghe ngóng ngày đi. Sự bảo bọc, xẻ chia của gia đình công giáo tốt bụng đó giúp Quân phục hồi dần sức khỏe, niềm tin vào cuộc sống và con người. Sau vài lần vượt biên thất bại, cuối cùng Quân cũng đến được Mã Lai, rồi đi định cư ở Montreal nơi Quân đi học, lập gia đình và về làm việc ở một hãng sản xuất đồ nhựa ở Edmonton.


Những năm đầu tiên mới tới, dù phải đối đầu với biết bao thử thách, Quân vẫn không để cho sự khó khăn làm nản lòng. Trong cuộc sống hiện tại, dù mãnh lực đồng tiền gần như là yếu tố quyết định, Quân vẫn tin tưởng rằng trên đời vẫn có những tấm lòng nhân ái sẵn sàng chia xẻ nỗi bất hạnh và xoa dịu những vết thương tâm hồn và thể xác với tha nhân.


 


Nắng lung linh chan hòa báo hiệu một ngày ấm áp. Chưa tới chín giờ Quân đã có mặt ở chỗ làm việc. Hôm nay trông Peter tươi tỉnh và yêu đời hơn. Peter chỉ mới ba mươi tuổi nhưng đôi chân đã bị cưa mất trong một tai nạn xe hơi. Đang ngồi xe lăn thấy Quân, anh mỉm cười hớn hở:


- Quân nầy, mình có job rồi, làm programer cho một hãng nhỏ, thứ hai là bắt đầu. Hôm nay tắm rửa xong, nhờ Quân chở mình đi cắt tóc và đi phố mua thêm ít DVD và những thứ lặt vặt cho computer nghe.


Lòng Quân rộn ràng:


- Chúc mừng, Peter đã báo cho mẹ biết chưa?


- Rồi, mẹ mừng lắm. Công việc nầy không khó bởi mình đã làm qua trước khi bị tai nạn.


Rồi Peter chợt đăm chiêu, ánh mắt xa xôi thoáng buồn:


- Nếu không bị tai nạn chắc mình đã làm đám cưới với Susan.


Quân vội vàng lãng sang chuyện khác để không làm hỏng niềm vui của Peter.


- Thôi! có việc làm là tốt rồi, lúc rảnh Peter phải chỉ bảo thêm cho mình nhé. Lâu quá không đụng đến computer mình thấy dốt hơn cả mấy đứa nhỏ ở nhà.


- Sẵn sàng! Nếu Quân muốn. Quân là bạn thân nhất của mình bây giờ mà!


Quân cười che giấu nỗi xúc động.


Lúc Quân ẳm Peter ra khỏi xe lăn để vào phòng tắm, hai cánh tay Peter quàng qua vai bám chặt cổ Quân. Nhìn nửa thân thể còn lại của Peter, lòng Quân dạt dào niềm thương cảm. Quân chạnh lòng nhớ lại cuộc đời và tâm hồn mình đã một lần què quặt như thế. Nếu không có những tấm lòng bao dung, những cánh tay cho Quân gượng dậy, chẳng biết cuộc đời Quân đã trôi dạt về đâu?


(Tập san Chân lý số 2.2011)


 


 

114.864864865135.135135135250