Ngôi làng nằm lọt thỏm giữa rừng thông xanh trải dài thăm thẳm. Chiều tàn! Những con chim kéo nhau về tổ, để lại bầu trời trơ trọi với gam màu tối. Những ánh lửa le lói sáng lên giữa màu đen của đại ngàn chiều hôm. “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ”[1], hi vọng ánh lên từ đêm đen!
Trong căn nhà nhỏ mới dựng tạm bợ sơ sài ở một góc làng, cha Tâm đang trầm tư trước Thánh thể. Dường như cha đang suy nghĩ nhiều lắm. Một tuần nay, cứ đêm về, khi những công việc bộn bề của một ngày kết thúc, cha Tâm lại ngồi trầm tư thất thần như vậy. Cha đang nói gì với Chúa? Có lẽ chỉ có cha và Chúa biết thôi. Ngoài kia, nhóm giáo dân ít ỏi đang tập trung cầu nguyện chung ở đài Đức Mẹ được đặt ngay giữa làng. Họ có biết những suy nghĩ của cha lúc này chăng?
– Cha, sao mấy hôm nay cha không cầu nguyện chung với bà con?
– Già đó hả! Già hướng dẫn mọi người đọc kinh giúp con, mấy nay con…con…
– Cha bị bệnh sao hả? Tui kêu mấy thằng thanh niên chở cha đi bệnh viện nghen!
– Không sao đâu già, con hơi mệt chút thôi! Cám ơn già!
– Dạ! Cha nghỉ ngơi, tui ra với bà con!
Tiếng của ông già Lý làm cha Tâm giật mình quay lại, trên gương mặt vẫn còn chút bần thần. Điều đó làm cho ông già lo vị linh mục trẻ bị bệnh nên mới hỏi “Cha bị bệnh sao hả? Tui nói mấy thằng thanh niên chở cha đi bệnh viện nghen?” Có lẽ ông không biết những ưu tư đang đan xen trong tâm hồn vị linh mục lúc này thật. Nhìn ông già lọm khọm bước về phía bà con giáo dân, cha thấy thương! Cha Tâm không biết nói sao với bà con đây! “Có nên nói cho họ suy nghĩ của mình không”, câu hỏi đó cứ vang mãi trong đầu vị linh mục trẻ. Nó bắt cha Tâm phải đắn đo, phải suy nghĩ, phải dằn vặt, phải lựa chọn! Giá như không xảy ra cơ sự như thế này thì…
Ngôi làng nhỏ, nơi cha Tâm về gieo hạt giống Tin Mừng vốn dĩ bình yên, người dân tuy nghèo nhưng chung sống với nhau chan hòa, đoàn kết. Hơn năm năm cha về đây, không có một cuộc ẩu đả, có chăng là ánh mắt hờn giận, vài lời nặng nhẹ giữa mấy chị em phụ nữ rồi thôi. Tưởng như cuộc sống êm ả trôi…. Ai ngờ đâu vào một ngày trung tuần tháng tư, một bọn côn đồ ở đâu đến đây, hà hiếp, cướp bóc tài sản của bà con nghèo. Nghĩ đến mà cha Tâm còn giật mình: Tiếng la hét thất thanh của chị em phụ nữ, tiếng ré khóc của mấy đứa trẻ, người già cầm tràng chuỗi lo lắng cầu xin cùng Đức Mẹ. Chỉ có đàn ông, trai tráng của làng ra chống cự với bọn chúng, nhưng cũng không làm gì được, bởi bọn chúng quá đông lại hung hãn. Lúc đó, đang cầu nguyện, cha cũng đành bỏ tràng chuỗi chạy ra ngoài xem có việc gì. Thấy cha, chúng bỏ đi. Đó là lần đầu tiên chúng đến gây sự.
Trời về khuya, mọi người đã về ngủ từ khi nào, ngôi làng chìm vào thinh lặng, chỉ còn nghe tiếng côn trùng rả rích, tiếng thở đều đặn của những con người hiền lành đang say ngủ sau một ngày lao động mệt nhọc. Có lắng tai tập trung lắm mới nhận ra tiếng thở đều đặn an nhiên ấy. Con cún nhà ai ngủ mớ kêu ăng ẳng! Vòm trời về đêm, trong trong, đôi ba chòm sao lấp lánh dõi về nhân thế, vạn vật. Một làn gió mát, êm dịu thổi qua làm cha Tâm cảm thấy dễ chịu hơn chút. Giá như cứ mãi thanh bình như đêm nay thì hay biết mấy! Đời là hạnh phúc khi ta vui vẻ đón nhận, là hạnh phúc khi ta thấy hạnh phúc. Vị linh mục trở về chiếc giường của mình, nhưng ngài không thể nào chợp mắt. Những hình ảnh đau thương, những tiếng hét thất thanh, tiếng trẻ con khóc lại kéo về chật tâm trí của vị mục tử trẻ. Nó làm đầu ngài đau buốt!
Sau cái lần đầu tiên ấy, thi thoảng chúng lại đến cướp phá xóm nghèo, lần sau hung hăng hơn lần trước! Có lần, chúng đánh cả cha Tâm, chỉ vì cha cố sức can ngăn không cho chúng hạ tượng Đức Mẹ, may mà thời còn ở chủng viện, cha có tham gia câu lạc bộ võ thuật nên không bị sao. Một hôm, cha gợi ý với dân làng chuyển đi nơi khác lập nghiệp, thì ngay đêm ấy, vừa ăn tối xong, già Lý xin gặp:
– Thưa cha, tui muốn thưa cha chuyện này, tui để trong bụng không được cha hà!
– Già cứ nói, con nghe hết!
– Hồi trưa, cha có gợi cho dân làng đi nơi khác lập nghiệp, nhưng mà…!
– Nhưng mà sao già?
– Cha cho tui nói thì tui mới dám nói
– Già cứ nói đi, con nghe mà, tuy mọi người gọi con là “cha” nhưng với con, con coi mọi người là anh chị em, già như ngoại của con vậy.
– Dạ, cám ơn cha, tụi tui ở đây thôi, không đi đâu cha à!
– Sao vậy?! (Cha Tâm tỏ vẻ ngạc nhiên)
– Thực sự dân làng không thể xa cái nương, cái rẫy, con nước được cha à! Huống hồ chi ở đây còn mồ mả ông cha mấy đời. Bỏ đi, tội các cụ lắm cha à.
– …..
– Tui biết, cha thương dân làng, cha sợ dân làng chịu khổ cực, mất mát bởi lũ mất dạy kia. Nhưng mà ông cha à, dân làng tụi tui không sợ khổ cực, không sợ chúng, mình còn Chúa, còn Đức Mẹ, có Chúa là có hết. Tui tin mình sẽ thắng cha hà!
– Cám ơn già, nghe già nói con cũng thấy vui chút đỉnh.
Hàn huyên với cha chán, ông già về, chỉ còn lại mình cha Tâm. Một ánh lửa vui lóe lên trong trái tim của vị mục tử trẻ, ngài thầm cầu nguyện “Tạ ơn Chúa, con không ngờ dân làng có đức tin vững vàng đến vậy”.
Dân làng không đi, cha Tâm cũng ở lại với bà con. Họ cùng sống trong Đức Tin, cùng đấu tranh chống lại côn đồ quấy rối. Đã mấy lần cha nhờ chính quyền can thiệp. Họ cũng đã đến trợ giúp vài lần, rồi thì họ cũng nản. Một lần ông Tư Bòn, bí thư xã, đến nói với cha:
– Chuyện của ông cha và giáo dân của ông cha, ông cha tự giải quyết đi, chúng tôi mệt rồi. Chúng tôi không can thiệp chuyện giáo hội của ông nữa đâu. Chúng tôi còn nhiều việc phải lo lắm. Ông cha thông cảm nghen!
Không phải cái thiện lúc nào cũng chiến thắng, có khi cái thiện phải thất bại, thất bại tạm thời, cái ác chiến thắng, chiến thắng tạm thời. Những cuộc “vật lộn” giữa chính và tà ngày một nhiều hơn. Xóm nhỏ không còn chút bình yên vốn có, không còn những đêm bình an cầu nguyện. Bọn côn đồ đó quá hung hăng, có lần chúng gọi cha Tâm bằng “thằng” và chúng dọa, nếu cha không đi khỏi cái làng này, nếu cha còn ở đây và can ngăn thì chúng sẽ san bằng nhà nguyện của cha. Một thằng trong bọn còn lộng ngôn thách thức “để thử Chúa của thằng Tâm mạnh hơn hay cái búa của tao mạnh hơn”. Vậy là chúng nhằm vào cha! Nhưng cha có thù oán với ai đâu, hay là chúng ghét bởi cha đã cảm hóa nhiều thanh niên hư hỏng, giúp các em hoàn lương?!
Những tưởng chúng chỉ nói rồi thôi, ai ngờ! Cũng vào một buổi chiều như chiều nay, khi những con chim bắt đầu bay về tổ. Cha Tâm đang dọn bàn thánh chuẩn bị cho thánh lễ thì nghe huyên náo, tiếng chửi bới, ... Chúng lại đến!
Từ trong nhà nguyện, cha bình tĩnh bước ra và… Một cú đấm bất ngờ như trời giáng vô giữa mặt người mục tử, ngài ngã xuống. Đâu chỉ thế, chúng còn thi nhau đá vào người cha Tâm, vừa đá vừa văng tục. Cha chỉ còn biết ôm đầu quằn quại. Nhóm giáo dân ít ỏi, những hoa quả đầu mùa của cha như tức nước vỡ bờ, nhào lên chống chọi với chúng, số khác hối hả đưa cha về nhà già Lý, băng bó vết thương, những kỹ năng sơ cứu người bị thương mà cha đã từng dạy họ trước đó và đưa cha đi bệnh viện. Khi cha xuất viện về thì mọi sự đã rồi, ngôi nhà nguyện nhỏ giờ chỉ còn là một đống gạch vụn nát. Thế là hết! Mọi công sức của những con người lam lũ nơi đây bỏ ra vì yêu Chúa… thế là hết! Cha Tâm nhớ lại, lúc đó cha như không thể đứng trên đôi chân của mình nữa khi nhóm giáo dân ít ỏi của cha rơi những giọt nước mắt
– Chúng đông quá cha à, mình chống không lại (bà Sáu thưa)
– Con đã cố hết sức để bảo vệ nhà nguyện nhưng…(Anh Tư Sậu ngậm ngùi)
– Đám thanh niên cũng bị chúng đánh tơi tả, thằng A Nay bị gãy tay, thằng An mấy nay còn ê ẩm mình mẩy… ( già Lý nói)
Đây quả là một cú sốc lớn đối với một linh mục trẻ! Lúc đó, vòm trời như thể đổ sập xuống đầu cha Tâm. Ngày còn ở đệ tử viện cho đến khi được trao thánh chức linh mục, cha Tâm vẫn mơ về một tương lai đẹp đẽ, một hành trình truyền giáo theo lý tưởng của riêng mình. Cha vẫn mơ về ngôi làng, tiếng trẻ con đọc kinh ê a, người lớn hăng say cầu nguyện. Ở nơi đó, cha sẽ truyền đạt cho giáo dân hết những gì cha hiểu, cha học khi còn ở nhà dòng. Nhưng sự thật, công cuộc truyền giáo khó khăn hơn nhiều với suy nghĩ của cha. Nơi cha đến cũng có tiếng trẻ ê a kinh kệ, mọi người cũng hăng say cầu nguyện. Nhưng cha đâu lường trước được những khó khăn, những tai ương, những thử thách đón đường cha bất cứ lúc nào.
Tiếng đồng hồ tít tít báo mười hai giờ khuya, cha vẫn không thể ngủ được, tất cả những sự việc diễn ra mấy tháng nay cứ ám ảnh cha, cứ mỗi lần chợp mắt là những hình ảnh đau thương ấy lại hiện về. Nó làm đầu cha đau, nó làm cha có cảm giác như khó thở, thiếu oxi trong lồng ngực và nhói lên như một vết dao cứa vào con tim. Lá đơn xin thuyên chuyển đi nơi khác đã để sẵn trên bàn. Một tuần nay, cha cứ đắn đo mãi. Chiều nay, trong một phút chùng lòng, cha Tâm đã viết nó. “Ta không thể ở lại đây nữa, nếu ở đây, với cái đà này, ta có thể bị mất mạng bất cứ lúc nào. Dân làng không đi, ta sẽ ra đi. Ở đâu mà không truyền đạo được chứ!” cha đã thầm nghĩ như vậy. Nằm vắt tay lên trán, cha Tâm thầm mơ về một chân trời đầy tương lai, có nhà thờ, nhà xứ đàng hoàng “ngày mai, mình sẽ gởi đơn này lên xin với bề trên”.
Tiếng ông già Lý hôm nào chợt vang lên mơ hồ trong tâm trí: “mình còn Chúa, còn Đức Mẹ, có Chúa là có hết” làm cha Tâm chợt khựng lại và cảm thấy xấu hổ với những suy nghĩ của mình, “Sao mình đê hèn đến vậy! Sao mình ích kỉ vậy! Sao mình có thể…! Không thể được, mình phải ở lại…”. Hai khóe mắt cha chợt nhòe ướt. Lương tâm một mục tử của Chúa, không cho phép vị mục tử thoái lui trước khó khăn. Những hình ảnh của quá khứ lại kéo về đầy tâm trí của vị linh mục, trước mắt cha là hình ảnh của chính mình hơn năm năm về trước. Cái ngày được lãnh nhận thiên chức linh mục thật đẹp biết bao. Cha nhớ lại tất cả, những cử chỉ, những lời tuyên hứa. Lời nguyện thầm khi sấp mình trước cung thánh rõ như in “Chúa ơi, con mỏng dòn yếu đuối, nhưng con sẽ sẵn sàng đem tình yêu của Chúa đến với mọi người, con không sợ áp bức, con không sợ khó khăn, con chỉ sợ con lùi bước. Chúa ơi gìn giữ con.” Rồi cái ngày đầu tiên mới về ngôi làng nhỏ đơn sơ này, những ánh mắt lạ lẫm của trẻ thơ, những lời chào xã giao, câu làm quen, những phút giây bị “khớp” khi nói về Chúa cho mọi người... Thật dễ thương biết bao! Rồi những đêm cầu nguyện chung, những ngày cùng bà con gánh nước khiêng cây xây nhà nguyện, tiếng bi bô của mấy đứa trẻ tập nói…Tất cả những hình ảnh đó hiện lên trong cha rõ nét. Hình ảnh thằng cu Tin làm cha bật cười một mình. Thằng cu Tin thương “ông cố” lắm. lúc nào cũng chạy qua nhà “ông cố” để chơi, để chọc con nhồng kiểng của cha. Nó chưa gọi được “ông cố” bằng cái giọng ngọng líu của trẻ con ba tuổi, nó gọi cha là “ông chó”. Nhưng được cái nó ngoan ngoãn và vâng lời. Một điều đặc biệt làm cha nhớ mãi, đó là cái ngày cha xuất viện sau trận đánh nhau kinh hoàng kia. Đứng trước ngôi làng tan hoang vì bị phá, đứng trước ngôi nhà của Chúa bị đập nát, cha quặn thắt lòng. Một bạn trẻ ngập ngừng nhìn cha rồi nói:
– Con xin lỗi, con không thể bảo vệ nhà Chúa. Nhưng, cha yên tâm, nhà nguyện mất ta sẽ dựng lại, nhà bị phá, ta sẽ xây lai, còn niềm tin là còn tất cả, còn Chúa là còn tất cả cha à. Con tin Chúa, dân làng mình tin Chúa. Con tin Ngài không bỏ rơi chúng ta. Ông Trời có mắt cha à!
Nghĩ lại, cha thấy vừa xấu hổ vừa thấy vui! Nhìn lên tượng Giêsu chịu nạn, nhìn nét hiền dịu của Mẹ Maria, cha cảm thấy bình an hơn bao giờ hết. Từ giây phút đó, cha Tâm thấy mình có tất cả dù cha vừa mất tất cả. Câu nói của người thanh niên hôm nào cứ vang mãi trong tim, nó như quyện hòa vào máu vị linh mục, nó trở thành điều xác tín “còn niềm tin là còn tất cả, còn Chúa là còn tất cả”. Cha nhẹ nhàng xé lá đơn trên bàn và thiếp đi trong bình an.
Cha Tâm nghe có tiếng chim hót ngoài kia, tiếng trẻ con cười, tiếng ông già Lý hô một hai cho mấy đứa con nít tập thể dục. Cha Tâm tỉnh giấc, hơn tháng nay, cha mới có được một giấc ngủ ngon đến vậy. Cha nhìn lại mình, vừa xấu hổ, vừa hi vọng. Rồi đây, cha và bà con sẽ xây lại nhà nguyện mới, sẽ lại phải chống chọi với côn đồ kia. Nhưng điều đó có sao, có Chúa là có tất cả. Cha mở cửa, bước ra ngoài. Thằng Tin không biết từ đâu chạy đến bi bô “ông chó ơi ông chó, xíu nữa ông chó ạy con làm ấu Ánh Giá như anh hai hen ông chó”. Cha Tâm mỉm cười: “Ừ, ông cố sẽ dạy Tin làm dấu…” Mặt trời đã lên cao, những tia nắng của một ngày mới lại bắt đầu, những tia nắng chứa đựng hạnh phúc và hy vọng.
N.M