30/01/2012 -

Truyện ngắn

2312

 


Nắng ban mai


TRẦM THIÊN THU


Mấy hôm rồi chạy xe ôm chẳng được bao nhiêu tiền, dăm ba chục ngàn ở đất thành phố này có nghĩa lý gì đâu. Tôi ngượng ngùng với công việc mới, nói đúng ra là “nghề mới”. Thuở nào đến giờ tôi đâu có biết cảnh gian khổ như thế. Gặp khách, tôi không dám đon đả mời chào hoặc “giành giật”, nên thường phải chịu “ế”. Chân tay chỉ quen viên phấn, cây viết và sách vở. Nói chung là làm việc đầu óc. Trời ơi! Bây giờ…


Tôi cứ phải vật lộn với ý nghĩ, muốn quên đi mà không thể, cứ như kẻ thất tình vậy. Tôi đâu muốn, nhưng… Đúng vậy, hoàn cảnh là cái gì đó mà đôi khi người ta không thể cưỡng lại, như thúc thủ vậy! Phải chăng phóng lao thì phải theo lao? Trước khi chạy xe ôm, tôi đã phải đi may công nghiệp cho một cơ sở may mặc tư nhân để kiếm sống qua ngày. Công việc không đều, tôi lại chịu cảnh thất nghiệp. May có người quen cho mượn ít tiền mua chiếc xe máy cà tàng chạy để mưu sinh độ nhật.


Trong gian khó, đôi khi tôi thấy đức tin hình như đang… lung lay. Nhiều câu hỏi “tại sao” cứ chồng chất theo ngày tiếp tháng. Nhưng tôi chợt cảm thấy mình còn may mắn vì còn tiếp tục cầu nguyện, như một thánh nhân đã xác định: “Cầu nguyện là dấu hiệu chắc chắn Chúa đang thương”. Tôi nhớ đến chị thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, khi cảm thấy như không còn liên kết nào với Thiên Chúa, chị đã phải thốt lên: “Nếu có Chúa thật, xin tha thứ cho con”. Tôi cầu xin Chúa thêm đức tin để đủ sức vượt qua mọi nghịch cảnh, xin tín thác vào sự quan phòng của Chúa và Lòng Chúa Thương Xót. Từng ngày cứ nối tiếp nhau…


o0o


Trời còn sớm. Chỉ mới có vài tia nắng le lói. Trời đã vào mùa mưa, chạy xe sớm cũng thấy lạnh giữa đường phố sau một đêm mưa to. Tôi chợt nghĩ đến những người trực tiếp ảnh hưởng bão, họ thật đáng thương biết bao! Chưa có gì dằn bụng nên ruột gan đang “biểu tình” dữ dội. Chạy lên con dốc, tôi nghe có tiếng gọi:


– Xe ôm!


Tôi thắng xe theo phản xạ. Chậm rãi nhìn lên. Hai tà áo trắng vẫn không di chuyển, nói vói theo:


– Xe ôm! Cho tụi em tới trường H… đi. Bao nhiêu anh?


Tiếng Việt đôi khi thật là… “rách việc”. “Bao nhiêu anh” là sao? Tôi thấy “ngứa óc” nhưng vẫn ráng làm vẻ thản nhiên:


– Cho mười lăm ngàn.


Cô tóc ngắn ngoe nguẩy:


– Mắc quá!


Cô tóc dài tiếp:


– Mắc quá! Tụi em đi hàng ngày có mười ngàn thôi.


Tôi phân bua:


– Thông cảm mà hai cô. Vật giá leo thang quá, xe ôm tụi tôi đổ mồ hôi đổi lấy miếng ăn mà.


Cô tóc ngắn khăng khăng:


– Thôi. Đi xe khác mày!


Tôi xuống giọng:


– Thông cảm đi hai cô. Giúp nhau thôi, chứ tôi có lấy mắc gì đâu.


Cô tóc ngắn có vẻ “chảnh” và ra giá:


– Mười hai ngàn nghe anh?


– Cho mười lăm ngàn đi. Hai người mà. Tôi chạy liều chứ sợ gặp công an lắm.


Cô tóc dài nhẹ nhàng:


– Đi đi mày. Mày khó tính quá.


– Khó gì mày? Phải thôi chứ!


Tôi nói thêm:


– Mười lăm ngàn cũng phải thôi, hai cô. Vả lại, đi xe tôi thì tôi cảm ơn lắm. Hai cô lên xe đi!


Tôi không dám nhìn thẳng, vừa hơi cúi vừa kéo sụp mũ xuống trong lúc hai cô gái lên xe.


Đi hết một đoạn xa lộ, tôi phải sang số để leo dốc cầu Saigon. Mới “hành nghề” được mấy bữa, chưa chở đôi, đây là lần đầu tiên nên tôi thấy nặng nề quá. Tôi nghĩ thầm:


– Khó chạy quá!


Tôi cứ miên man nghĩ về ngày xưa…


o0o


Ngày ngày đến lớp. Có những buổi 5 tiết nói đến sùi bọt mép. Mệt. Nhưng có những niềm vui và những kỷ niệm rất đẹp. Lưu luyến lắm. Độc thân mà vẫn khó sống với đồng lương eo hẹp, mọi chuyện phải tự lo. Thiếu tiền thì không thể giải quyết được gì. Nắng sớm bao giờ cũng đẹp, nhưng hình như nắng sớm hôm nay rất khác. Tôi vẫn thấy đánh mất cái gì đó khi bỏ dạy học.


Hai cô nữ sinh chuyện trò sôi nổi. Tôi chỉ nghe rào rào với những tiếng cười giòn giã. Chẳng hiểu họ nói gì. Mà tính tôi cũng chẳng muốn nghe lỏm hoặc xía vào chuyện người khác. Mải suy nghĩ, đoạn đường dường như ngắn lại và cũng quên được cả nhọc nhằn.


– Dừng lại đi anh!


Tôi thắng xe thật nhanh, thế mà cũng trườn tới qua cổng trường. Hai cô nữ sinh xuống xe thoăn thoắt. Cổng trường còn mở. Từng đám học sinh như bướm trắng tung tăng làm tôi chợt hồi tưởng. Tôi chẳng thèm để ý khách, mắt cứ nhìn hút vào sân trường…


– Gởi tiền anh nè!


Tôi như không nghe. Một cô bé lại nói lần nữa lớn hơn. Tôi quay phắt lại. Tờ giấy năm mươi ngàn mới cứng trên tay cô bé tóc ngắn.


– Anh nhìn gì dữ vậy? Không sợ tụi em “xù” hả?


Tôi cười khẩy:


– Học sinh đâu có dám xù. Cô đi đổi đi. Mới sáng, tôi không có tiền thối.


Cô tóc dài nhìn tôi chăm chú từ lúc nào, mặt ngây ra, rồi thốt lên:


– Thầy!


Tôi ngớ ra. Ở đây tôi có bà con hay bạn bè với ai đâu. Không hiểu nổi.


– Thầy không nhận ra em sao?


Tôi tỉnh queo:


– Tôi có quen ai ở đây đâu?


Cô tóc dài vẫn có vẻ cương quyết và tươi cười:


– Em nhớ thầy mà. Giọng của thầy vẫn trầm đều.


– Chắc em lầm rồi. Tôi có dạy dỗ ai đâu. Chạy xe ôm đen người, vã mồ hôi nè.


– Thầy vẫn hài hước. Em là Tố Nga, học lớp 9A ở trường K… Còn thầy là thầy Long chứ còn ai nữa.


Sao Tố Nga lại ở đây? Tôi đã nhớ ra cô học sinh hiền dịu, lễ phép và học giỏi ấy. Tôi cố chối:


– Không phải đâu. Các em lầm rồi.


Cô tóc ngắn nghe Tố Nga gọi tôi là thầy, hết lên giọng, đứng im re, tay cuộn tròn tờ hai chục ngàn. Tố Nga vẫn cương quyết:


– Thầy cứ chối hoài. Thầy chứ còn ai nữa.


Rồi Tố Nga quay sang cô bạn và nói:


– Đây là thầy Nguyên dạy tao hồi lớp 10 đó.


Tố Nga nói tiếp luôn:


– Đây là Ngọc Thủy, bạn cùng lớp với em.


Ngọc Thủy khúm núm:


– Chào thầy!


Tôi cười, khẽ gật đầu. Thế là đành phải nhận. Tôi hỏi Tố Nga:


– Thế năm nay em đã học lớp 12 rồi?


Tố Nga khẽ gật đầu:


– Dạ. Thầy nghỉ dạy lâu chưa?


– Mới đầu năm nay. Thầy “mất dạy”.


Hai cô bé nhìn nhau cười. Tôi hỏi:


– Em về đây từ năm lớp 11 à? Hồi đó thầy tưởng em nghỉ học.


– Dạ. Em theo ba má về đây hồi đầu năm lớp 11. Chủ nhật này mời thầy lại nhà em chơi. Nhà em ở ngay chỗ hồi sáng đó thầy.


– Tôi tới mà ăn mặc lôi thôi vậy được không?


Tố Nga cười lảng:


– À, mà sao thầy nghỉ dạy?


– Hoàn cảnh, em à. Có dịp thầy sẽ kể cho nghe.


– Thầy ở mãi đâu?


– Thủ đức. Xa quá!


– Thầy có làm gì thêm không?


– Tối về dạy thêm. Cho đỡ lụt nghề ấy mà. Vả lại, xa học sinh cũng thấy nhớ và thiếu cái gì đó. Rảnh thì viết báo cho đỡ buồn, và cũng để kiếm thêm chút tiền nhuận bút. Người ta viết cho vui, tôi viết vì sinh kế nữa.


Trống trường vừa điểm. Hai cô bé tươi cười chào:


– Chào thầy. Chúng em vô học.


Rồi Tố Nga nói vội:


– Thầy cho em mail hoặc số điện thoại đi. Liên lạc vậy cho mau thầy ha?


– Em ghi mau đi kẻo trễ học. Em ghi đi: LangTuXeOm@Gmail.com.


– Sao nghe “bụi” vậy thầy? Cảm ơn thầy. Em sẽ mail cho thầy. Em chào thầy!


– Chào các em. Ráng học nghe các em. Năm cuối đó.


– Dạ.


Hai chiếc áo trắng quấn quýt bên nhau. Tôi nhìn theo cho đến khi hai cô học trò mất hút vào lớp. Tôi từ từ quay đầu xe…


o0o


Công việc cứ thế. Một ngày như mọi ngày. Sáng đi sớm, tối về trễ. Có khi chẳng kịp nghỉ ngơi lại phải chạy “sô” dạy thêm. Thời giờ thật hiếm, mệt quá cũng khó có thể đọc sách báo. Ngủ như chết!


Một buổi tối, về đã hơn 9 giờ tối. Tôi tranh thủ lên mạng một chút. Thật ra mỗi lần muốn truy cập internet thì tôi phải ra tiệm. May có người bạn mới cho cái 3G, khi cần vào mạng gởi mail hoặc kiểm tra thông tin mỗi buổi tối thì cũng rất tiện. Vừa mở mail ra, tôi thấy có mail của Tố Nga:


From: ToNgaTranNguyen@Yahoo.com


To: LangTuXeOm@Gmail.com


Kính thăm thầy,


Chủ nhật vừa qua em chờ mãi mà không thấy thầy tới. Chiều nay, em và Ngọc Thủy tìm đến chỗ thầy ở mà thầy đi vắng. Xin gởi lại thầy tiền xe hôm trước. Chủ nhật tới, nếu không có gì thay đổi, hai đứa em sẽ tới thăm thầy. Thầy nhớ ở nhà nha!


Kính thư,


Trần Nguyễn Tố Nga


Cầm tờ 100 ngàn xanh biếc, tôi ngây người ra: “Tiền xe hôm trước có mười lăm ngàn mà?”. Tôi cười… Tôi buột miệng như máy được nhấn nút play: “Tạ ơn Chúa”. Tôi lại cười khi nhớ lời Thánh vinh: “Chúa đày xuống âm phủ rồi Chúa lại kéo lên”. Và tôi nhủ lòng hãy vững tin: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.


Mái trường và những tà áo trắng như đang vây quanh tôi. Mong có ngày trở lại bục giảng để hàng ngày thấy được những tia nắng sớm tô thắm sân trường…

114.864864865135.135135135250