16/10/2022 -

Truyền giáo

1935


Khi được bổ nhiệm sang Thái Lan, thực tình lúc ấy tôi cũng chẳng mấy hứng thú. Khi công việc ở Việt Nam đang ổn định, Tỉnh dòng lại bổ nhiệm tôi sang Thái Lan. Tôi phải bắt đầu làm quen môi trường mới, học một ngôn ngữ mới mà tôi đây thì không còn trẻ và công việc cũng chưa biết định hình ra sao. Tuy không vui vẻ lắm, nhưng cũng phải có vẻ vui để lên đường vì sứ vụ Dòng giao phó cho mình.

Tôi đến Thái Lan vào thời Covid đang bắt đầu thoái lui.[1] Dù vậy, phải mất đến 3 lượt làm thủ tục và mua vé mới qua Thái trót lọt.
Cứ ngỡ qua Thái Lan không nhiều việc, vì thế trước khi đi tôi đã scan nhiều sách vở để khi sang bên Thái có tài liệu nghiên cứu về lãnh vực mình ưa thích. Thế nhưng khi đến Thái,có cả khối việc cần phải giải quyết, nhiều công việc mục vụ phải làm và bên cạnh đó học tiếng Thái không phải là nhẹ.
Khi tình hình nhân sự và công việc tại tu xá tạm ổn định, tôi xắp xếp thời gian đi thăm các cộng đoàn anh em ở Thái Lan và Lào. Điều cần kíp nữa là đi trình diện các đức giám mục giáo phận, nơi anh em tu xá hiện diện. Khi thăm các cộng đoàn anh em, cũng như sau khi gặp các đức giám mục, tôi mới nhận ra rằng, sứ vụ truyền giáo tại Giáo Hội Thái Lan và Lào thật bát ngát bao la.


Tại cộng đoàn Samphran, ngoài những anh em phục vụ người Việt di dân, còn rất cần anh em thông thạo tiếng Thái để hội nhập và sinh hoạt với cộng đồng tín hữu và cả người dân nơi đây. Bên cạnh đó, nhiều dòng tu có cơ sở tại vùng đất này cũng là điểm đến để anh em cùng nâng đỡ và khích lệ nhau trong đời sống dâng hiến và vun trồng sứ vụ. Đại chủng viện Bangkok gần cộng đoàn, là nơi thuận lợi và đang mời gọi anh em trẻ dấn thân, học tiếp cao học, đóng góp cho giáo phận trong công tác giảng dạy. Cộng đoàn Samphran có thể là nơi thu nhận và đào tạo ơn gọi Đa Minh tại đất nước chùa vàng này.

Còn ở Thare, chỉ hai anh em Đa Minh: cha Phaolô Đỗ Bá Hoàng và cha Giuse Vũ Hải Vương nhưng coi sóc đến hai giáo xứ và ba giáo điểm. Giáo xứ và các giáo điểm cách xa nhau hàng chục cây số. Giám mục Giáo phận (The Most Reverend Anthony Weradet Chaiseri Archbishop of Thare and Nongseng) rất quý mến anh em và kêu mời anh em Đa Minh đến nơi đây càng nhiều càng tốt để phụ giúp cho giáo phận ngài.


Còn ở Lào, đức Hồng Y Linh (Louis-Marie Ling Cardinal Mangkhaekhoun, LV.D., Vicar Apostolic of Vientiane) giám mục giáo phận Vientiane rất vui khi chúng tôi đến thăm. Ngài càng phấn khởi hơn khi biết cha Phêrô Lê Chí Thời được cha Giám tỉnh Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam bổ nhiệm đến cộng đoàn Đa Minh Lào, nơi mà cha Laurenxô Nguyễn Trí Lộc đã hiện diện cả sáu năm nay. Ngài tỏ lộ rằng, có thêm anh em Đa Minh hiện diện, cộng tác với Giáo phận trong công cuộc truyền giáo là điều ngài mong mỏi nhiều năm. Nước Lào khoảng 6 triệu dân. Người theo Phật giáo chiếm khoảng 66,17%.[2]
Công giáo chưa tới 1%, với số linh mục ít ỏi,[3] còn lại là Hồi giáo, Baray và các tín ngưỡng khác.[4] Cánh đồng truyền giáo nơi đây thật mênh mông, bát ngát và rất đang chờ mong nhiều mục tử.


Khi đến thăm đức Hồng y Tổng giáo phận Bangkok (Francis Xavier Kriengsak Cardinal Kovithavanij Archbishop of Bangkok), niềm vui tràn ngập trong buổi gặp gỡ của vị cha chung và những linh mục cộng tác với ngài. Trong buổi gặp gỡ này, chúng tôi đã trình bày cho ngài sứ vụ của mình tại Thái Lan và cả Lào. Đức Hồng y vô cùng mừng rỡ vì sự nhiệt thành, hăng say của những linh mục trẻ trong sứ vụ vun trồng vườn nho cho Giáo hội tại đất nước của ngài và cả nước bạn Lào thân yêu. Đức Hồng y cũng kể cho chúng tôi những công việc của Giáo phận, và những mong mỏi của Giáo hội Thái trong công việc huấn luyện chủng sinh và truyền giáo. Ngài khích lệ và ủng hộ chúng tôi trong những sứ vụ mà chúng tôi đang thực hiện và ấp ủ. Ngài cũng tỏ cho chúng tôi những cộng đồng người Việt chưa có mục tử ghé thăm. Ngài nhắc nhở chúng tôi khuyến khích anh chị em Việt Nam tích cự sống đạo và giữ vững đức tin trong môi trường nhiều thay đổi. Cách đồng truyền giáo cũng thật bát ngát bao la tại đất nước chùa tháp này.



Từ một người được bổ nhiệm ra đi không mấy lấy làm phấn khởi, nhưng khi đặt chân đến mảnh đất chùa vàng và đất nước triệu voi cùng nhiều công việc chất đầy và và biết bao trăn trở, tôi luôn nghe Lời Chúa Giêsu nhắn nhủ văng vẳng bên tai: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38).

Những khó khăn, thách thức cho người ra đi gieo hạt giống còn đó. Khó khăn khách quan: gia hạn visa hằng tháng, những hạch hỏi của cơ quan nhà nước vì ở quá lâu, hay tình hình an ninh bên Lào....  những khó khăn chủ quan của của người gieo hạt: Ngại dấn thân, khó thích nghi môi trường mới, không đủ sức khoẻ, thiếu thốn phương tiện...... thì lời Chúa lại càng vang vọng: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói, đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,3-4). Anh em hãy biết rằng, làm môn đệ của Chúa Giêsu thì “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,20). Lên đường một cách thanh thản, buông bỏ để theo thầy Giêsu. Khi đã quyết, “đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).


Càng ra đi, càng cho đi, thì thấy hạt giống Chúa giao cho mình gieo vãi càng thâm đậm và đầy ý nghĩa.

Một vùng rộng lớn mở ra, chân trời sứ vụ ngày một nhiều. Đời tận hiến mênh mang.
Mong nhiều anh trẻ can đảm và sẵn sàng dấn thân trên những cánh đồng lúa bao la bất tận.



Bangkok ngày 14/10/2022
Phaolô Nguyễn Văn Quý, OP
 
[1] Đến Thái Lan 13g30 ngày 20/04/2022.
[2] Tạp Chí Lào Việt, Phật Giáo: tôn giáo gắn liền với người dân lào, 14/10/2020 trích ngày 12/10/2022 từ https://tapchilaoviet.org/tin-bai-noi-bat/phat-giao-ton-giao-gan-lien-voi-doi-song-nguoi-dan-lao-22346.html
[3] Vào thời điểm 2015, Giáo hội lào chỉ có 14 linh mục. Cho đến thời điểm này thì số linh mục nếu có thêm thì cũng chẳng bao nhiêu. Xem Minh Đức, Giáo Hội Lào sắp có thêm 3 Linh mục, 17/03/2015 trích ngày 12/10/2022 từ https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/giao-hoi-lao-sap-co-them-3-linh-muc-29761
[4] Tạp Chí Lào Việt, nơi đã trích dẫn.
114.864864865135.135135135250