16/09/2023 -

Tỉnh dòng

762

Trung tuần tháng 8 năm 2023, Ban Thường huấn Tỉnh dòng đã tổ chức 2 ngày thường huấn cho các anh em đã lãnh tác vụ linh mục năm 1, 10, 11 và các anh em phó tế đang phục vụ tại các cộng đoàn (không tính anh em phó tế vừa kết thúc giai đoạn Học viện). Chương trình diễn ra trong 2 ngày (17–18/08/2023), tại Nhà hành hương giáo phận Sài Gòn ở Đức Mẹ Bãi Dâu, thành phố Vũng Tàu.

Ban tổ chức đã chọn chủ đề: “Làm sao để sống chứng nhân Tin Mừng theo như lòng Chúa mong muốn?” Ý tưởng cho chủ đề trên được chọn từ tác phẩm Alive in God A Christian Imagination (được anh em học viện Đa Minh dịch là: “Sống sinh động và dồi dào trong Thiên Chúa”) của cha Timothy Racliffe, O.P. Ban tổ chức đã mời cha giáo Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P, người hiệu đính bản dịch của tác phẩm trên, là người chia sẻ và thuyết trình đề tài trong 2 ngày thường huấn. Cũng dựa vào tác phẩm trên, cha giáo Giuse đã chọn ra 2 đề tài chính nằm trong 2 chương, để chia sẻ cho anh em trong 2 ngày. Đó là:
  • Cuộc phiêu lưu siêu việt,
  • Tình bằng hữu (tưởng chừng) bất khả thi.
Ngày thứ nhất, buổi sáng với đề tài “Cuộc phiêu lưu siêu việt”, cha giáo đã đưa anh em trở về với lịch sử ơn cứu độ,
Từ thời Cựu Ước, khởi đầu là “cuộc ra đi đầu tiên” của tổ phụ Abraham, ông đã “ra đi mà không biết mình đi đâu” (Hr 11,8); cho đến lúc ông hiến dâng con trai độc nhất của mình là Isaac cho Thiên Chúa mà không chút do dự. Hành động này cho thấy Abraham có đức tin vững chắc, tuyệt đối tin vào Thiên Chúa, nên Chúa gọi ông là “Tôi tớ của Ta” và “Ta ở với ngươi” (St 26,24). Vì thế, Chúa đã ban cho ông một dòng dõi đông đúc như cát biển và chúc lành cho dòng dõi đó (Hc 44,21). Cho nên, ông là cha của chúng ta trong đức tin. Tiếp đến thời Tân Ước, cha giáo gợi lại cho anh em hình ảnh người lữ hành mới - Đức Giêsu. Dựa trên Tin Mừng theo thánh Marcô, hình ảnh người lữ hành Giêsu được khắc hoạ sinh động, từ một “Người ta gặp giữa mọi người” nhưng lại là một con Người đặc biệt, khiến những ai từng tiếp xúc với Người phải luôn thắc mắc và tiến đến theo Người bằng một chọn lựa nhất định. Đức Giêsu lữ hành đã từng gặp gỡ mọi người, từ đủ các thành phần trong xã hội: Ngư phủ, ngư dân, đám đông dọc bờ biển, cho đến cô gái của một người dân trong thành sắp chết… Đức Giêsu là “Con người ta gặp trên đường đi” khi thánh Marcô trình thuật các cuộc di chuyển của Đức Giêsu liên tục từ vùng này qua vùng nọ. Người đi từ sáng sớm… ; “Người đi qua mà không dừng lại” một nơi chốn hay ranh giới địa lý nào vì sứ mệnh rao giảng Tin Mừng (Mc 1,21-38); Đức Giêsu còn là “Con người đi trước mọi người” trong các cuộc rao giảng và cả cuộc Tử nạn và Phục sinh (Mc 10,32; 16,7). Hơn thế nữa, Đức Giêsu là Người lữ hành mới bởi “Người vượt ra khỏi mọi ranh giới” hạn hẹp của lãnh địa, của sắc tộc, để đem Tin Mừng cho khắp nơi và cho mọi người.
Qua đó, cha giáo cũng chia sẻ thêm những kinh nghiệm đã trải qua, và gửi đến anh em thông điệp: Là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta cũng là những người lữ hành của Tin Mừng. Mang hình ảnh của Đức Giêsu, chúng ta phải sống chứng tá như Thầy của mình, phải xác tín mình là người lữ hành sống giữa mọi người, với mọi người nhưng luôn sẵn sàng ra đi, đi mãi và không chấp nhận dừng lại; đi trước mọi người và dám vượt qua mọi ranh giới của con người. Sống như Đức Giêsu “trong trần gian, nhưng không thuộc về trần gian”. Đó chính là một cuộc lữ hành siêu việt.
Buổi chiều, cha giáo chia sẻ thêm và gợi ý cho anh em thảo luận nhóm về các câu hỏi đã được đưa ra. Anh em được chia thành hai nhóm, thảo luận các câu hỏi liên quan đến đề tài buổi sáng. Sau khi thảo luận nhóm, anh em cùng toạ đàm, chia sẻ cho nhau phần đúc kết của nội dung từ các câu hỏi gợi ý.
Qua phần đúc kết, hầu hết anh em đều nhận ra được mặt đúng đắn trong lời nhận định của cha Timothy. Bởi khi chúng ta thực sự “sống tròn đầy và dồi dào” như Đức Giêsu đã sống là chúng ta bước vào một hành trình siêu việt, đầy nguy hiểm, không biết trước được điều gì có thể xảy ra. Vì hành trình ấy không đơn thuần là một con đường bằng phẳng, thuận lợi mà là một hành trình đức tin đầy thử thách, cam go. Để đi được hành trình ấy, đòi hỏi mỗi người phải có niềm tin vững mạnh và luôn trông cậy vào ơn Chúa, vào Đoàn sủng của Dòng; phải thực sự sống tinh thần dấn thân. Đôi khi, chúng ta cũng phải chấp nhận hy sinh, mất mát không chỉ là những giá trị trần thế mà có thể là cả mạng sống. Do vậy, bài học lớn nhất của người đi theo Chúa là bài học về sự tín thác tuyệt đối vào ơn Chúa. Điều quí giá nhất của người môn đệ là nhận ra được thánh ý Chúa trên từng biến cố của hành trình.


Ngày thứ hai
, buổi sáng với đề tài “Tình bằng hữu (tưởng chừng) bất khả thi”, cha giáo khởi đầu buổi chia sẻ với Mầu nhiệm Nhập thể của Đức Giêsu – Con Thiên Chúa làm người, trở thành Bạn của con người.
 Từ “bạn”, được hiểu theo quan điểm của các triết gia đương thời, đó là từ φίλος/ philós (φιλία/ philia - tình yêu bằng hữu, vị tha hay tình bạn). Theo đó, quan điểm của người đương thời về tình bạn giữa thế giới linh tượng và thế giới khả giác hay giữa thần linh và con người là không thể có được. Và hầu hết các triết gia hay các tôn giáo đều không bao giờ đề cập đến, nhưng đa số đều chỉ ra vai trò của người tín hữu là tuyên xưng và tùng phục với Đấng mà họ tin kính. Cho nên, việc khẳng định Đức Giêsu trở nên Bạn của mọi người chính là một mạc khải rất quan trọng của Kitô giáo. Theo dòng lịch sử, mạc khải này ngày càng được sáng tỏ hơn qua Kinh Thánh, qua suy tư, minh định của các nhà Thần học, các chứng nhân Tin Mừng. Kinh Thánh đã cho chúng ta biết bản tính của Thiên Chúa, Đấng “Caritas est” (1Ga 4,16). Chính Tình yêu làm cho Thiên Chúa duy nhất. Bản tính này được cụ thể hơn qua mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm này là khuôn mẫu cho tình bạn: Ba Ngôi nhưng Một Chúa. “Ai có tình bạn thì ở trong Chúa và Chúa ở trong người ấy” (Aelred, viện phụ). Những đặc tính của tình bạn theo khuôn mẫu Ba Ngôi đó là:
  • Thể hiện ở sự trao ban và làm vinh quang lẫn nhau
  • Thể hiện ở sự duy nhất của Thiên Chúa
  • Thể hiện qua sự hiểu biết lẫn nhau
Buổi chiều, cha giáo gợi ý cho anh em về các câu hỏi theo chủ đề và nhấn trọng tâm vào tình bạn trong nếp sống Đa Minh. Anh em tiến hành thảo luận theo nhóm đã phân chia và cử đại diện trình bày nội dung đúc kết.
Các buổi thảo luận chủ đề và buổi đúc kết chương trình diễn ra trong bầu khí cởi mở, vui vẻ dưới sự điều hành của cha Đặc trách thường huấn. Ngài đã tạo cơ hội cho anh em từ khắp nơi, với những trải nghiệm khác nhau, lĩnh vực mục vụ khác nhau đều được phát biểu những suy tư, ý kiến riêng và cả những đóng góp chân thành để các buổi thường huấn tiếp theo được tốt hơn.
Bên cạnh 2 ngày tham gia thường huấn, các anh em còn được tham dự 2 thánh lễ với ý chỉ cầu nguyện cho thân nhân, ân nhân và anh em trong Tỉnh dòng, những người còn sống cũng như đã qua đời. Anh em cũng có dịp tham dự giờ kinh nguyện chung; được gặp gỡ, chia sẻ tình huynh đệ trong các bữa cơm, giờ giải trí, tắm biển. Đây cũng là thời gian quí báu để hun đúc đời sống cộng đoàn cho những anh em đang thi hành sứ vụ tại các giáo xứ, hay những vùng sâu, vùng xa. Đa số anh em đều nhận thấy được sự nỗ lực, kiên trì và vất vả của Ban tổ chức, của cha Đặc trách Ban Thường huấn và những lợi ích từ các buổi thường huấn mang lại.
Mong rằng sau này các anh em trong toàn Tỉnh dòng sẽ được tham dự nhiều buổi thường huấn có chất lượng và ý nghĩa thiết thực hơn với từng lĩnh vực sứ vụ đa dạng của anh em.
                                                           
Tham dự viên thường huấn tường thuật
                       
114.864864865135.135135135250