09/01/2022 -

Tỉnh dòng

1426
   
Kính thưa anh chị em,
Cùng với đai gia đình Đa Minh trên thế giới, chúng ta hân hoan mừng 800 Năm châu phê Dòng Giảng Thuyết và sinh nhật của thánh Đa Minh trên Thiên quốc. Thiết tưởng đây là một cơ duyên để chúng ta kiểm điểm đời sống, đối chiếu giữa lý tưởng và thực tại, đồng thời suy nghĩ đôi điều về sứ vụ của tu sĩ Đa Minh tại mảnh đất thân yêu này.
            Theo Khâm Định Việt Sử thì năm 1533 đời Lê Trang Tông, có một dương nhân đi đường biển lên giảng đạo Gia-Tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh và làng Trà Lũ, Giao Thủy. Vài sử gia cho rằng dương nhân này là một linh mục Tây Ban Nha, dòng Đa Minh. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có cứ liệu lịch sử nào có sức thuyết phục.
            Điều chúng ta biết chắc là hai thừa sai Đa Minh đầu tiên đến Phố Hiến ngày 7.7.1676 là cha Juan de Santa Cruz và Juan de Arjona, theo lời mời của Đức Cha Fr. Pallu. Có thể coi Gm Juan de Santa Cruz, tên Việt là Thập, như là “tổ phụ miền truyền giáo Đa Minh tại Việt Nam”, vì ngài là thừa sai đầu tiên, hoạt động tại Việt Nam lâu nhất (45 năm) và hưởng thọ 75 tuổi.
            Trong giai đoạn khởi đầu, các vị thừa sai thường xuyên sống trong tình trạng bách hại, phải sống dưới thuyền hay ẩn nấp trong hang, trong rừng hoặc bụi rậm. Vì thiếu linh mục, đại đa số các vị phải đảm nhiệm công tác mục vụ của cha xứ và sống tại nhà xứ. Một số vị bị bắt, bị tra tấn, bị kết án, và đã được phong thánh... Thành công lớn của các vị là triệt để đầu tư cho mục vụ giáo xứ, thành lập các giáo xứ và phục vụ giáo phận nhiệt thành, năng động. Vào thời Đức cha Phêrô Trung, giáo phận Bùi Chu (bao gồm cả Gp Thái Bình) được Đức Thánh Cha Pio XI gọi là “giáo phận truyền giáo kiểu mẫu”.
            Tuy nhiên, hoa hồng nào mà chẳng có gai. Trong hơn 250 năm truyền giáo tại Bắc Việt, các cha Đa Minh Tây Ban Nha hoàn toàn sống tại các giáo xứ, như các cha xứ triều khác. Hầu như ít cảm nghiệm về nếp sống tu trì theo linh đạo Đa Minh. Ít nhất, hoàn toàn vắng bóng cái hứng khởi ban đầu của thánh Đa Minh khi thành lập Dòng: gửi anh em đến các Đại học để học tập, thiết lập cộng đoàn, sống đời tu trì và loan báo Tin Mừng.
            Tỉnh dòng Rất thánh Mân Côi là một Tỉnh dòng truyền giáo hùng mạnh về kinh tế, dồi dào nhân sự và địa bàn hoạt động trải rộng lớn. Tuy nhiên, mãi đến cuối thế kỷ XIX, khi dân Phi Luật Tân nổi lên lật đổ chính quyền Tây Ban Nha, lúc đó Tỉnh dòng mới quan tâm đến việc phát triển văn hóa giáo dục ở các miền truyền giáo xa xôi, đặc biệt tại các giáo phận Đông đàng ngoài.
          Năm 1924 khánh thành trường Saint Thomas, Nam Định. Năm 1930, khánh thành Giáo hoàng Chủng viện Alberto Cả. Mãi đến năm 1934, Tập viện Đa Minh mới thành lập tại Quần Phương, khởi đầu giai đoạn mới để đào tạo tu sĩ Đa Minh trên chính mảnh đất Việt Nam. Nói chung, về văn hóa và giáo dục, các giáo phận Dòng phát triển chậm hơn và trình độ thấp hơn một số giáo phận thuộc MEP.
Sau Hiệp định Genève (1954), sứ vụ của các cha Tây Ban Nha thuộc tỉnh Dòng Rất thánh Mân Côi tại Miền Bắc chính thức chấm dứt. Các tu sĩ Đa Minh người Việt di cư vào miền Nam với hai bàn tay trắng. Thật vậy, nếu các dòng khác như Phan Sinh, Chúa Cứu thế, Lasan… khi bỏ miền Bắc để ra đi, thì tại miền Nam đã có sẵn cơ sở. Dòng Đa Minh tuyệt nhiên không có chỗ nương thân nào ở miền Nam. Thế nhưng, “việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại”: thật là một cuộc đổi mới đối với Dòng Đa Minh.
            Gần bảy mươi năm sau, nhìn lại quá khứ, chúng ta thấy biến cố di cư vừa cơ rủi, lẫn cơ may: Dòng Đa Minh bỗng dưng được hay bị Việt-Nam-hoá hoặc cả hai. Sau những tháng đầu kinh hoàng, thất điên bát đảo, tan hàng, mạnh ai nấy chạy, dần anh em lại quy tụ bên nhau. Chỉ ít lâu sau, các giáo xứ và các cộng đoàn Đa Minh bắt đầu hình thành tại mảnh đất miền Nam xa lạ. Như một phép mầu, khoảng năm sáu năm sau, một vài tu viện Đa Minh đã được khánh thành tại chính “hòn ngọc Viễn Đông”. Và cứ thế các Trung tâm học vấn, các tu viện, các cơ sở đào tạo khang trang, hiện đại lần lượt theo nhau xuất hiện. Sau biến cố 30/4, tỉnh Dòng, một lần nữa, phải chịu tổn thất nặng về nhân sự, cũng như cơ sở và trường học. Tuy nhiên, nhờ ơn trên, công bằng mà nói, ít có Hội Dòng nào tại Việt Nam có cơ sở và nhân sự như Dòng Đa Minh. So sánh với các Tỉnh dòng Đa Minh trên thế giới thì Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam cũng được coi là một trong các Tỉnh dòng nhiều tu sĩ nhất. Tuy nhiên, nếu xét về phẩm chất, khả năng và đường hướng đào tạo, thì phải thú nhận là còn rất nhiều điều phải làm và phải phấn đấu.
Đào tạo nhân sự và định hướng tương lai. Không ai có thể cho điều mình không có. Nhiều anh em Đa Minh VN đã được đào tạo và kế thừa di sản của các thừa sai Đa Minh Tây Ban Nha. Chính vì vậy, do điều kiện lịch sử và định hướng mục vụ cụ thể, các vị đã không thể thực hiện được hứng khởi của thánh Đa Minh khi thành lập Dòng là: gửi anh em đi để học tập, rao giảng và thiết lập cộng đoàn. Hầu như các vị được đào tạo để thi hành mục vụ giáo xứ, sống lẻ loi ở các nhà xứ và  không có kinh nghiệm gì về nếp sống cộng đoàn, cũng như đời sống học hành. Nói một cách ngắn gọn, lối đào tạo sơ khởi đó chưa nhằm đào tạo các nhà giảng thuyết theo linh đạo và truyền thống Đa Minh.
             Về vấn đề này, không hẹn mà hò, Thư Đúc kết Kinh lý của cha cựu Bề trên Tổng quyền cũng như Công vụ Tổng hội Biên Hòa 2019 cung cấp cho chúng ta một số dữ kiện để suy tư và định hướng tương lai của Tỉnh dòng.
           -  Về vấn đề đào tạo sơ khởi
            Ơn gọi chúng ta đón nhận là ơn gọi cho Dòng, nhưng được đón nhận và tháp nhập vào Dòng trong môi trường Tỉnh dòng VN. Do đó, họ được đào tạo trước tiên cho các sứ vụ của Tỉnh dòng VN, nhưng đồng thời cũng có khả năng để sống ơn gọi Đa Minh đích thực. Vì vậy, Tỉnh dòng phải xác định tầm nhìn và đưa ra hướng đi rõ rệt.
            Chúa đã ban cho chúng ta số lượng ơn gọi dồi dào. Điều cần thiết là phải cải thiện chất lượng ơn gọi và chất lượng đào tạo. Điều này đòi hỏi: 1)- Quan tâm đào tạo các nhà đào tạo. 2)- Chương trình đào tạo đội ngũ giảng viên cho các Trung tâm. 3)- Chương trình học một trong ba sinh ngữ chính của Dòng.  
            * Tổng hội Bầu cử Biên Hòa 2019 đặc biệt nhấn mạnh đến sứ vụ tái cấu trúc Dòng, bằng cách thi hành hai tài liệu quan trọng là Quy chế Đào tạo và Quy chế Học vấn. Quy chế Đào tạo đóng vai trò quan trọng trong sứ vụ tái cấu trúc Dòng và đưa ra định hướng để thực hiện sứ vụ này: “Trong truyền thống của chúng ta, đào tạo có nghĩa là tăng trưởng trong việc làm môn sinh, bởi vì chúng ta bước theo Chúa Kitô trên con đường của thánh Đa Minh. Chương trình đào tạo không chỉ là học hành hàn lâm và không chỉ liên quan đến một giai đoạn trong cuộc đời. Đào tạo giả thiết đức khiêm tốn và thuần thục, chấp nhận rằng chúng ta cần phải luôn thăng tiến về kiến thức và nhân đức, cần phải hiểu biết thấu đáo hơn, và cần phải đổi mới. Dĩ nhiên, sâu xa hơn nữa, đào tạo là tác động của ân sủng của Chúa”.
            * Đặc biệt, Tổng hội “đã đưa ra một quyết định quan trọng là thiết lập một quỹ học bổng dành cho đào tạo sơ khởi, một trong những cách thế trọng yếu để đảm bảo rằng 800 anh em đang trong giai đoạn đào tạo sơ khởi mà chúng ta có vào thời điểm hiện nay sẽ nhận được một nền đào tạo có chất lượng. Mỗi một anh em, khi đáp lại lời mời gọi ân sủng của ơn gọi Đa Minh, đều có quyền nhận được một nền đào tạo Đa Minh đích thực. Vâng, chúng ta là con cái của các Tỉnh dòng khác nhau, nhưng chúng ta đều là anh em của nhau trong cùng một Dòng”. 
            *Đối với Dòng Đa Minh chúng ta, “Quy chế Đào tạo cần được đọc cùng với Quy chế Học vấn. Việc học hành là một thành phần cốt yếu của hình thức tu trì của chúng ta. Việc học hành không phải là một lựa chọn thay cho hoạt động tông đồ nhưng là một phần cần thiết cho việc phục vụ Lời Chúa. Bởi vì học hành là thành phần toàn diện của hình thức tu trì của chúng ta, cho nên nó liên quan với cầu nguyện và chiêm niệm, với tác vụ Lời, và với đời sống trong cộng đoàn. Vì thế không bao giờ được phép bàn đến việc đào tạo của chúng ta mà không quy chiếu về việc học hành, cũng như bàn đến việc học hành mà không quy chiếu đến những khía cạnh khác của việc đào tạo”.
             - Về mục vụ giáo xứ
Là tu sĩ Đa Minh chúng ta phải tìm ra những công việc khác hay những cách thế khác để phát triển và chăm sóc vườn nho ấy. Phải chăng chúng ta cần tìm ra những phương cách khác để hỗ trợ các giáo xứ, qua hình thức hỗ trợ mục vụ lưu động hay hỗ trợ đào sâu về đức tin, mà không nhất thiết phải tham gia vào việc quản trị giáo xứ và phải sống thường xuyên tại các giáo xứ?
            Cũng cần suy nghĩ thêm về loan báo Tin Mừng qua mục vụ giáo xứ. Một cách có chủ đích và ý thức, chúng ta có thể biến sứ vụ giáo xứ thành một cộng đoàn gồm các anh em thi hành sứ vụ mục tử nơi cộng đoàn giáo xứ?
            Thiết tưởng cần suy nghĩ về đề nghị loan báo Tin Mừng qua công tác mục vụ của cha nguyên BT Cadoré: “Mục vụ không chỉ là coi sóc giáo xứ, bởi vì ý nghĩa của hạn từ mục vụ rộng hơn so với mục vụ giáo xứ. “sứ vụ mục tử”, tức là mang lấy trái tim của vị Mục Tử Nhân Lành trong việc quản trị lưu xá sinh viên, nhà dưỡng lão, nâng đỡ nhóm nghệ sỹ, sống cùng các anh em dân tộc thiểu số, và những hình thức tương tự như thế, đều là những hình thức quan trọng của công tác mục vụ … Chúng tôi mời gọi anh em thực hiện các bước cần thiết và sáng tạo để làm cho hoạt động mục vụ của anh em trở nên đa dạng, phong phú hơn”.
           
114.864864865135.135135135250