27/01/2016 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

1015
Hồng y Kurt Koch nói về sự hiệp nhất các Kitô hữu, về nguồn cội Kitô giáo của Châu Âu, về sự bách hại tôn giáo, và về viễn cảnh của cuộc đối thoại giữa Công giáo và Do-thái giáo.

Tính đại đồng, đại kết, hiệp nhất và “nhóm thiểu số mới trong Giáo hội và trong thế giới” là một số trong các chủ đề được đề cập tới trong cuộc trao đổi khá cởi mở mà phóng viên Armin Schwibach của trang tin Kath.net đã có dịp thực hiện với hồng y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng Cổ võ sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, nhân dịp mừng lễ Giáng sinh và cũng là những ngày cuối năm 2015.

Armin Schwibach: Thưa hồng y, ngày 15.11.2015, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm một nhà thờ thuộc Giáo hội Tin Lành Luther tại Rôma. Trước câu hỏi của một người phụ nữ thuộc Giáo hội Luther đã kết hôn với một người Công giáo rằng, làm sao để bà và chồng ba ta có thể cùng hiệp thông trong Bàn Tiệc Thánh, ĐTC đã có một câu trả lời ứng khẩu khá dài, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung thậm chí còn chạy tít: “Giáo hoàng khuyến khích các Kitô hữu tham dự tiệc Thánh Thể chung với nhau.”

ĐTC Phanxicô nhấn mạnh tới ý nghĩa lớn lao của việc chúng ta chịu chung một Phép Rửa: “Tôi và chồng mình có thể cùng làm gì, để Tiệc Thánh Thể có thể sinh ích cho tôi trên hành trình đời mình? Đây là một vấn đề mà ai cũng phải đối diện và trả lời. Nhưng một mục sư và cũng là bạn của tôi, nói với tôi thế này: ‘Chúng tôi tin là Thiên Chúa hiện diện ở đó. Người thực sự hiện diện. Và ông bạn cũng tin rằng, Thiên Chúa hiện diện. Vậy thì đâu là sự khác biệt?’ – ‘Quả thực, có nhiều lối giải thích, có nhiều cách hiểu…’ Sự sống thì lớn lao hơn bất kỳ sự giải thích hay cách hiểu nào. Hãy luôn quy chiếu về Phép Rửa: “Một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa,’ thánh Phaolô đã nói với chúng ta như thế, để rồi từ đó rút ra những hệ luận, những áp dụng. Tôi đâu dám chuẩn nhận điều này, bởi vì tôi không có thẩm quyền. Một Phép Rửa, một Chúa, một đức tin. Hãy thưa chuyện cùng Chúa và hãy tiếp tục. Tôi không nói thêm được gì nữa đâu.”

Theo hồng y, có thể hiểu những lời trích này như thế nào cho chính xác? Khi giáo hoàng nói “hãy tiếp tục” thì việc này bao hàm những gì vậy? Giáo huấn, quy định về việc này không phải là rõ ràng, rành mạch đấy sao? Và không phải quy định ấy thì có tính quyết định hơn là các trường hợp riêng tư, chủ quan đấy sao?

Hồng y Kurt Koch: Theo tôi, ĐTC muốn nhấn mạnh hai khía cạnh của trường hợp này. Một mặt, ngài nói rằng, ngài không thể chuẩn nhận vì nó vượt quá thẩm quyền của ngài, và khi nói như thế, ngài đang muốn nói đến quy định liên quan đến vấn đề này, tức là, những quy định hiện hành của Giáo hội, những quy định mà ngài chấp nhận. Mặt khác, ngài cũng nhấn mạnh rằng, người ta nên thân thưa cùng Chúa, và theo đó, thì yếu tố mang tính quyết định ở đây chính là một mối thân tình mật thiết và cá vị với Đức Kitô. Do vậy, ĐTC cũng có chung đường hướng với thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, đường hướng được tìm thấy trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia (2003). Trong đó, đức cố giáo hoàng đã khẳng định, không thể có việc hiệp thông Thánh Thể cho những cặp hôn phối mà người phối ngẫu thuộc các giáo hội Kitô khác nhau, nhưng cũng có luật trừ cho một số trường hợp đặc biệt nào đó: chẳng hạn, do nhu cầu thiêng liêng. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Không có trường hợp nào được đồng tế khi không có sự hiệp thông trọn vẹn, nhưng đối với việc cho chịu lễ, thì lại khác trong những hoàn cảnh đặc biệt, cho những người thuộc những giáo hội hay những cộng đoàn giáo hội không cùng hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo. Thật vậy, trong trường hợp này, mục đích là để thỏa mãn một nhu cầu thiêng liêng cần thiết cho sự cứu rỗi những người này, chứ không phải nhằm thực hiện một liên hệ hiệp thông bất khả, bao lâu những mối dây liên hệ hữu hình của hiệp thông Giáo hội chưa được thiết lập trọn vẹn” (số 45).

Những câu được trích này đặt nền trên một lối nhìn kép của Công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng, việc tham dự và bí tích Thánh Thể luôn phải bao hàm hai chiều kích: chiều kích Giáo hội và chiều kích cá nhân. Chiều kích Giáo hội hiểu là việc cùng hiệp thông Thánh Thể, tức là một dấu chỉ sự hiệp nhất của Giáo hội, thì lúc này đây vẫn chưa hiện thực được. Tuy nhiên, các bí tích cũng là những phương tiện truyền thông ân sủng cho những con người có nhu cầu thiêng liêng như đã nói. Chúng ta cần phải để ý đến sự phân biệt này. Theo tôi, ĐTC Phanxicô cũng trả lời theo hướng này. Và như vậy, thực ra câu trả lời này không có gì mới, nhưng tuân theo đúng những gì đã được huấn quyền Giáo hội chỉ dẫn cho đến nay.

Về những lời cường điệu, thêu dệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần phải hết sức lưu ý, chúng ta đừng nên thêm thắt bất kỳ điều gì vào câu trả lời của ĐTC, hãy tập trung vào những điều ngài đã thận trọng nói ra. Quả thực, ĐTC đã rất thận trọng khi chọn lối nói, ngài nhấn mạnh, ngài không có thẩm quyền để chuẩn nhận, và kết luận: “Tôi không nói thêm được gì nữa đâu.” Đây là một câu trả lời có tính mục vụ, và không có gì thay đổi trong giáo huấn của Giáo hội.

Schwibach: Vị đại sứ chính thức cho dịp kỷ niệm 500 năm phong trào Cải cách (Tin Lành) vào năm 2017, bà Margot Kässmann, ngày 05-12-2015, đã ca ngợi ĐTC Phanxicô là người “tài tình” trong việc “giúp chúng ta trải nghiệm năng lực sáng tạo của sự khác biệt giáo phái” nhờ qua “các biểu tượng”, khi nói thế, có thể bà đang muốn ám chỉ món quà là một chén thánh mà ĐTC đã gửi đến Đại hội Tin Lành Lutheran. Tuy vậy, nếu hồng y xem xét một cách kỹ càng hơn những việc, những chỉ dấu cụ thể trong việc thực hiện đại kết với các anh chị em Tin Lành, hồng y sẽ ngay lập tức nhận ra là tiến trình đó không có gì thay đổi – ngay cả sau ba năm triều giáo hoàng của ngài.

Như vậy, theo quan điểm của hồng y, có phải ĐTC Phanxicô thực sự đang dồn sức, nỗ lực để làm tươi mới lại liên hệ giữa các giáo hội? Không phải là ĐTC xem nhẹ việc “đại kết các Kitô hữu” và quan tâm đến việc “đại kết trong đức tin” hơn đấy chứ?

Hồng y Koch: Trước tiên, chúng ta cần lưu ý, những gì mà vị đại sứ đã nói thể hiện một quan niệm, một lối nhìn điển hình theo Tin Lành Luther về mục tiêu của việc đại kết, theo bà ấy, thì đó là cách duy nhất có thể giúp hiệp nhất các Kitô hữu. Bà ấy muốn nhìn thấy sự hiệp thông trong Tiệc Thánh Thể, nhưng không phải là sự hiệp nhất Giáo hội mà Giáo hội Công giáo mong muốn. Điều duy nhất bà ấy muốn là cả hai bên ý thức được sự khác biệt hiện tại, và đối với bà như thế là “hiệu quả”. Phát biểu của bà cho thấy tầm mức cấp bách và can hệ của việc hiểu cho đúng đắn hơn về mục tiêu của việc đại kết, là sự “hiệp nhất Giáo hội”. Lý do của việc, những năm vừa qua chúng ta chẳng đạt được một sự tiến triển đáng kể nào trong các cuộc đối thoại giữa Công giáo và Tin Lành, hệ tại chính yếu ở chỗ, chúng ta không có chung một mục tiêu khi thực hiện việc đại kết.

Với phần hai của câu hỏi mà ông đưa ra, tôi cho rằng, ĐTC Phanxicô rất mong muốn rằng, phong trào đại kết trước hết nhắm hướng đến việc chúng ta cùng rao giảng Tin Mừng. Đúng như những gì Đức Giêsu đã thốt ra trong lời cầu nguyện thánh hiến ở chương 17, Tin Mừng theo thánh Gioan: Đức Giêsu cầu nguyện để các môn đệ “nên một… để thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” Nghĩa là: sự hiệp nhất tự nó không phải là đích nhắm cuối cùng, nhưng để cho việc loan báo Tin Mừng trở nên khả tín.

Với ĐTC Phanxicô, việc chúng ta cùng nhau tuyên xưng đức tin là việc can hệ. Quan niệm đại kết của ngài gắn kết chặt chẽ với mối bận tâm nền tảng của ngài về một Giáo hội được sai đi. Đấy cũng là lý do khiến ngài luôn tìm cách gặp gỡ các cộng đoàn Tin Lành Phục Nguyên và Ngũ Tuần. Bởi lẽ, ngài nhận thấy đây là một cơ hội tốt để đem Tin Mừng đến cho thế giới và để cùng loan báo Tin Mừng với họ. ĐTC Phanxicô cũng coi trọng, điều mà chúng ta tạm gọi là “một cuộc đại kết mang tính thực tế, thực hành”, tức là: cùng dấn thân để giải quyết những vấn nạn lớn lao trong thế giới hiện nay.

Dĩ nhiên, ĐTC Phanxicô có những điểm nhấn riêng trong dấn thân đại kết của ngài. Nhưng trước hết, chúng ta cần lưu ý rằng, luôn có một sự tiếp nối, kế tục với những vị tiền nhiệm của ngài. Chính ĐTC đã nhấn mạnh điều này trong bài giảng của mình vào giờ Kinh Chiều hôm 25-01-2014, khi lần đầu tiên ngài chủ sự giờ kinh phụng vụ tại Đền thờ thánh Phaolô Ngoại Thành hôm kết thúc Tuần Bát Nhật cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Ngài đã chỉ ra những việc mà các vị giáo hoàng trước ngài đã làm được, và từ đó đưa ra kết luận rằng, giáo hoàng càng ngày càng phải đóng một vai trò lớn hơn trong việc cổ võ đại kết. ĐTC Phanxicô tiếp tục sứ mạng này, dĩ nhiên với những điểm nhấn riêng.

Schwibach: Hôm 17-10, trong bài diễn văn kỷ niệm 50 năm Thượng hội đồng giám mục Rôma, ĐTC Phanxicô đã giải thích rằng, “tập thể tính” là một chiều kích căn bản của Giáo hội, và là “một khung nền rõ ràng, chắc chắn nhất giúp hiểu được sứ mệnh của hàng giáo phẩm.” Từ “tập thể tính” ở đây bao gồm những gì vậy?

Vì năm 2014 và 2015 được mô tả bởi cụm từ “tập thể hoá”, cụm từ này đồng thời cũng gây ra nhiều hiểu lầm, bối rối, chúng ta có thể hình dung “một Giáo hội tập thể tính” trong tương lai, nó sẽ như thế nào? Điều ấy có đồng nghĩa với việc gia tăng quyền cho các hội đồng giám mục?

Hồng y Koch: Một điều căn cốt, đó là, về mặt cơ cấu, Giáo hội vừa có phẩm trật vừa có tập thể tính (synodality). Câu hỏi căn cốt là: Làm thế nào để vừa phẩm trật lại vừa có tập thể tính, và phải hiểu tập thể tính như thế nào? Bởi lẽ, không phải tất cả những gì được mô tả là “có tập thể tính” hiện nay đều đích thị là có tập thể tính theo đúng nghĩa thần học. “Sự lầm lẫn” mà ông nói tới có lẽ là dấu chỉ cho thấy, không có sự lãnh hội sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa của cụm từ “tập thể tính”.

Trên hết, có một sự khác biệt nền tảng giữa tập thể tính và dân chủ. Dân chủ là một diễn trình giúp tìm ra các đa số, để từ đó đưa ra các quyết định. Tập thể tính, trái lại, là một nỗ lực để cùng nhau tranh biện, đối thoại cho đến khi có được sự đồng thuận hoàn toàn cũng như không ai còn có thể tiếp tục bảo lưu những quan điểm mang hơi hướm đối nghịch lại với đức tin. Tập thể tính theo kiểu này rất là cam go, và nếu đem so sánh với nó, thì dân chủ thực ra chỉ là điều đơn giản. Minh giải như thế để thấy được tập thể tính trong Giáo hội nghĩa là như thế nào, dầu vậy, theo tôi, chúng ta vẫn cần phải tiếp tục nói thêm về những đề tài này nữa.

Tập thể tính không bao giờ lại đối nghịch với phẩm trật tính. Đúng hơn, phẩm trật tính là tiền đề đảm bảo cho tập thể tính. Điều này đã được thể hiện ra một cách rõ ràng, cụ thể trong Thượng hội đồng giám mục gần đây: Nếu mà các nghị phụ có thể có toàn quyền đưa ra các quyết định, một điều có thể khiến gia tăng các căng thẳng, thậm chí có thể gây ra chia rẽ, bè phái, thì các vị đã cố gắng để bảo vệ quan điểm cá nhân, giành phần thắng về mình. Tuy nhiên, tập thể tính là thế này, các nghị phụ cùng tranh luận, bàn thảo với nhau để trình lên ĐTC một kết quả tối ưu, để ngài có thể đưa ra một quyết định phải lẽ; do vậy, chính Thượng hội đồng cho thấy sự cần thiết của ngôi vị giáo hoàng, cũng như chứng tỏ rằng, tập thể tính và phẩm trật tính song hành, bổ túc cho nhau.

Cho đến giờ, ĐTC Phanxicô đã nói rất nhiều, và coi như đó là một ưu tiên, một chỉ nam rằng: Giáo hội cần thể hiện nhiều hơn nữa tính tập thể. Thế nhưng ngài chưa trình bày hay mô tả một cách cụ thể về điều này. Theo như tôi thấy, dư luận thường dựa vào các phát biểu của ĐTC mà cho rằng, ngài muốn tăng quyền cho các hội đồng giám mục cấp quốc gia. Tuy vậy, tôi có cảm giác rằng, ĐTC Phanxicô có ý nói về những kinh nghiệm trước đây của ngài về các hội đồng giám mục cấp khu vực mà cụ thể và chủ yếu là các hội đồng được tổ chức ở Puebla, Medellin và Aparecida.

Theo quan điểm cá nhân tôi, tập thể tính không nên chỉ hiểu riêng về các hội đồng giám mục cấp quốc gia, nhưng phải hiểu rộng hơn, vì “cấp quốc gia” thực ra không phải là một thuật ngữ được dùng trong Giáo hội. Ngoài ra, chúng ta cũng nên thẩm định kỹ càng hơn những yếu tố được coi là tập thể tính ở các cấp độ khu vực. Điều này tuyệt đối không được ảnh hưởng gì đến các vấn đề đức tin hay là vấn đề thừa tác vụ chức thánh trong Giáo hội. Trong chuyện này, chúng ta cần lưu ý đến bài học đã qua: ví dụ, Công đồng Vatican II, chỉ quyết định là cần phải phục hồi lại thừa tác vụ phó tế vĩnh viễn. Tuy vậy, thừa tác vụ mới này đã được các giáo hội địa phương và các hội đồng giám mục triển khai rất khác nhau. Chẳng hạn, thừa tác vụ này đã được triển khai hoàn toàn khác biệt tại Đức và Thuỵ Sĩ, do vậy, hầu như không có sự tương thích nếu ra khỏi biên giới quốc gia của các nước này. Như vậy là thiếu tính phổ quát (catholicity), là một kết quả không hề được mong chờ từ việc thể hiện tập thể tính.

Do đó, phát biểu của ĐTC về tập thể tính không phải là một giải đáp cho vấn đề, đúng hơn nó cho thấy đây là một công việc cần được nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng hơn nữa, đúng như chính ĐTC đã khẳng định. Sau nữa, cũng cần xem xét kỹ càng thế nào là “phân quyền”, và khi phân quyền rồi, thì đâu là những điều, những vấn đề người ta có thể có quyền quyết định. Trên hết, tập thể tính không bao giờ lại đối nghịch với nguyên tắc điều hành dựa theo phẩm trật trong Giáo hội. Kinh nghiệm cá nhân khi tham gia các cuộc đối thoại đại kết, đúng hơn, còn cho tôi thấy rằng, một tập thể tính lành mạnh thì cần đến một thẩm quyền tối thượng lành mạnh!

Schwibach: Hôm 12-10-2015, khi diễn ra Thượng hội đồng giám mục, tổng giám mục New York, hồng y Timothy Dolan, đã nhắc lại một bài viết trên blog của ngài rằng, hiện nay có một “nhóm thiểu số mới” trong thế giới, và thậm chí nơi chính Giáo hội. Khi nhắc lại như vậy, hồng y muốn nói đến những anh chị em đang phải ra sức nỗ lực để sống tốt lành, trung tín trong đời sống hôn nhân và gia đình của mình, họ là những người tin tưởng và ân sủng và lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Giữa một bối cảnh, cách riêng ở Bắc Mỹ, chỉ có một nửa số cặp tín hữu nam nữ sống chung với nhau là có phép đạo, thì những cặp có lãnh nhận bí tích hôn phối, là những cặp nhờ lắng nghe giáo huấn của Giáo hội về một hôn nhân vĩnh cửu, họ đang phải đối diện với nhiều thách đố; những cặp vợ chồng đón nhận hồng ân Chúa ban là nhiều con cái; là những người nam nữ trẻ đã quyết định không sống chung với nhau cho đến ngày cưới; là những người đồng tính nam hoặc nữ muốn sống đời khiết tịnh; những cặp vợ chồng mà người vợ quyết định hy sinh một chức nghiệp hứa hẹn để ở nhà nuôi dạy con cái – những cặp vợ chồng này, ngày nay họ thường cảm thấy rằng họ chỉ là một nhóm thiểu số. Đương nhiên họ là một thiểu số giữa một nền văn hoá như hiện nay, nhưng thậm chí, họ cũng có cảm giác như vậy khi ở giữa lòng Giáo hội nữa! Tôi cho rằng số lượng các anh chị như thế không ít ỏi như chúng ta vẫn nghĩ, nhưng dưới áp lực của xã hội hiện nay, họ thường có cảm giác như mình bị loại trừ.

Vấn đề “nhóm thiểu số mới” như được hồng y Dolan mô tả cũng xuất hiện nơi những vùng miền nói tiếng Đức: họ cảm thấy dường như bị các chủ chăn của họ (giám mục, linh mục) bỏ mặc. Hồng y có lời nào nhắn gửi tới các tín hữu Công giáo này?

Hồng y Koch: Tôi đồng ý và có cùng cảm nhận như hồng y Dolan. Các tín hữu Công giáo hàng ngày nỗ lực sống theo giáo huấn Giáo hội và những hiểu biết đức tin của mình, họ đáng được tán dương cũng như tri ân vì những chứng tá đức tin của mình. Nếu họ cảm giác mình chỉ là một thiểu số ngay giữa lòng Giáo hội, thì họ không được bỏ cuộc thối lui. Tuy nhiên họ thực sự cũng cần được trợ lực, giúp đỡ từ những thành viên khác trong Giáo hội, đặc biệt là các vị chủ chăn. Các chăm sóc mục vụ bình thường của các giám mục hướng đến các anh chị em sống trong những hoàn cảnh khó khăn, một số thậm chí còn sống trái ngược với giáo huấn của Giáo hội. Đấy là bổn phận của các vị. Tuy nhiên, khi thực hiện các công việc như thế, các vị không nên bỏ qua các anh chị em sống trung tín với đức tin của Giáo hội, nhưng phải khuyến khích, đồng thời cũng phải cung cấp các trợ giúp mục vụ để các anh chị em này có thể tiếp tục lối sống tốt đẹp của mình.

Có lẽ cũng có điều, tạm gọi là “vấn đề, đó là, các tín hữu trung tín và sống các giáo huấn của Giáo hội, họ thường chọn hành xử khá lặng lẽ, và làm chứng thông qua cuộc sống của họ hơn là qua ngôn từ, lời nói, trong khi đó, các nhóm khác thì ra sức kêu gào, lên tiếng để được lắng nghe nơi các công nghị, nơi công cộng. Điều này dĩ nhiên, cũng góp phần làm cho họ càng trở nên “thiểu số” hơn nữa. Do đó, họ cần được khích lệ để mạnh dạn lên tiếng, cho các linh mục, giám mục biết về những mối bận tâm, ưu tư của họ, về những trợ giúp mà họ muốn có.

Schwibach: Với tựa đề: “Các Kitô hữu bị bách hại và ý hướng đại kết các chứng nhân tử đạo”: hồng y đã bàn về đề tài này trong một bài thuyết trình thú vị hôm 17 tháng 11 vừa qua, còn trong Giáo lý Hội thánh Công giáo, các vị tử đạo được mô tả là “những văn khố chứa đựng sự thật và những dòng chữ trong đó được viết lên bằng máu đào”.

Phải chăng, có một ý hướng muốn thực hiện cuộc đại kết các Kitô hữu bị bách hại, giữ lúc ĐTC Phanxicô rất nhiều lần nhấn mạnh sự kiện, hiện nay các Kitô hữu bị bách hại vì đức tin còn nhiều hơn ở những thế kỷ đầu?

Hồng y Koch: Ý hướng hiệp nhất các Kitô hữu bị bách hại là một hệ quả dễ hiểu theo sau chủ trương đại kết các chứng nhân tử đạo. Bởi lẽ, sự kiện 80 phần trăm những người bị bách hại vì đức tin của mình là các Kitô hữu đã khiến cho các Kitô hữu thấy cần phải sát cánh bên nhau, lên tiếng bảo vệ các quyền lợi của các Kitô hữu trên toàn thế giới.

Dĩ nhiên, thậm chí cho đến hiện giờ, ý thức về việc đại kết các chứng nhân tử đạo xem ra vẫn còn chưa cao, dù đã được khởi sự từ khá lâu. Khởi sự với thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, chính ngài đã xác nhận, ngài phải kinh qua hai chế độ độc tài là chế độ phát xít và chế độ cộng sản, và thấy là, những kẻ độc tài này không phân biệt giữa tín đồ Chính thống giáo, tín đồ Tin lành hay tín hữu Công giáo; sự kiện này đã giúp ngài nhận ra rằng, các Kitô hữu là một toàn khối, các Kitô hữu thuộc về nhau một cách nào đó. Theo tôi, đây chính là cội rễ, và hứng khởi căn bản cho tất cả những nỗ lực, dấn thân đại kết không biết mệt mỏi của giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tiếp nối khởi hứng này, ĐTC Phanxicô ngày hôm nay cũng nói tới một “cuộc đại kết của các chứng nhân tử đạo”. Tuy vậy, tôi không thấy là các Kitô hữu ý thức và quan tâm đầy đủ tới hình thức đại kết quan trọng này. Ý thức dĩ nhiên là điều kiện tiên quyết để người ta có thể dấn thân cho công cuộc đại kết, và để có thể nắm tay, đứng về phía các Kitô hữu bị bách hại.

Tôi có cảm tưởng là dư luận tập trung quá nhiều vào những chuyện bê bối, giật gân trong Kitô giáo, thiết nghĩ, dư luận cũng nên quan tâm đến lịch sử nhiều chiến tranh đã xảy ra trong lòng Kitô giáo. Chắc chắn, không được phép giấu nhẹm đi những chuyện như thế. Khi chứng kiến ngày nay việc, những cuộc xung đột giữa các tín đồ phái Shiite và các tín đồ phái Sunny đã tạo nên căn cớ cho rất nhiều bạo động nơi Hồi giáo, chúng ta, những Kitô hữu, sẽ được gợi nhớ ngay về sự kiện, cũng đã từng có những cuộc xung đột quân sự ác liệt giữa các tín đồ Tin lành và các tín hữu Công giáo, đặc biệt là những cuộc chiến tôn giáo đẫm máu ở thế kỷ XVI và XVII, và trong Cuộc Chiến Ba Mươi Năm, đã nhấn chìm Châu âu trong biển máu. Chắc chắn, chúng ta không được lãng quên trang sử tang thương này, trong dịp kỷ niệm Phong trào Cải cách sắp tới. Mặt khác, những ký ức về lịch sử cũng không ngăn cản chúng ta cùng lên tiếng, để tạo thành một dư luận mạnh mẽ lên án việc bách hại các Kitô hữu, cũng như khẳng định tình đoàn kết, liên đới với các anh chị em đang bị bách hại. Việc này đã từng được thực hiện, và kinh nghiệm của người đi trước sẽ giúp chúng ta.

Tôi không cho rằng, các chính trị gia Châu âu nhận thấy và ý thức một cách đầy đủ thực trạng và mức độ bách hại mà các Kitô hữu phải chịu. Thiếu sót này chủ yếu có lẽ liên quan đến sự kiện Châu Âu ở một mức độ rộng khắp, đã không còn biết, thậm chí là muốn khước từ cội nguồn Kitô giáo của mình, và do vậy, rơi vào một cơn khủng hoảng căn tính trầm trọng. Một hậu quả của sự kiện này được nhận thấy qua việc thiếu sẵn sàng trong việc bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại trong thế giới ngày nay. Về vấn nạn này, việc tái xem xét nguồn cội Kitô giáo của Châu Âu là một tiền đề không thể thiếu nếu muốn kiện cường việc dấn thân cho các Kitô hữu bị bách hại.

Schwibach: Hôm 12 tháng 12, Uỷ ban các liên hệ tôn giáo với người Do-thái, một uỷ ban trực thuộc Hội đồng giáo hoàng do hồng y phụ trách, có cho xuất bản một tài liệu mới. Tựa đề của nó là “Ơn Thiên Chúa kêu gọi thì trước sau như một (Rm 11,29): Các suy tư thần học về các liên hệ giữa Công giáo – Do-thái giáo nhân dịp kỷ niệm 50 năm ban hành thông điệp Nostra Aetate.”

Đâu là những chủ đề tiêu biểu, mới hay được làm mới mà tài liệu này nêu lên liên quan đến các liên hệ giữa Kitô giáo và Do-thái giáo?

Hồng y Koch: Tài liệu trình bày hai vấn đề căn bản. Trước hết, nó duyệt xét lại cuộc đối thoại được thực hiện 50 năm qua giữa các tín hữu Công giáo và tín đồ Do-thái giáo, có thể nói, tài liệu này cũng cho thấy những thành quả gặt hái được trong cuộc đối thoại này. Thứ hai, tài liệu muốn cổ võ các cuộc đối thoại trong tương lai, mà cụ thể và quan trọng nhất là việc cùng nhau đào sâu các vấn đề thần học. Vấn đề thần học nền tảng nhất là thế này: xác tín đức tin của người Do-thái mà các Kitô hữu chúng ta chia sẻ rằng, giao ước mà Thiên Chúa đã lập với dân Do-thái chưa hề bị phá bỏ nhưng ngày nay vẫn còn nguyên hiệu lực, vậy xác tín ấy sẽ tương liên, ứng hạp thế nào với xác tín nền tảng của các Kitô hữu rằng, Đức Giêsu Kitô đến, Ngài đã canh tân thế giới này. Vấn đề là sự tương liên, ứng hạp sẽ được nhìn nhận ra sao để cả tín đồ Do-thái giáo và các Kitô hữu không cảm thấy bị chướng kỳ, trái ngược với xác tín đức tin của mình. Theo tôi, chúng ta chưa tìm được lời giải đáp thoả đáng cho vấn đề khó khăn và nhạy cảm này.

Bởi thế, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần đào sâu, nghiên cứu các vấn đề thần học liên quan đến cuộc đối thoại giữa Do-thái giáo và Công giáo. Tôi đã nhận thấy tính cấp bách của việc này khi chứng kiến các phản ứng trước lời cầu mới, cầu cho người Do-thái trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mà giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã gợi ý ở phần ngoại thường, sách lễ nghi Rôma. Đức Bênêđíctô trình bày, chuyển ý xác quyết đức tin của thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Rôma thành một lời nguyện, khẩn xin Thiên Chúa hành động trong thời cánh chung. Tuy vậy, lời nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh rất trong sáng này đã bị nhiều người hiểu lầm. Thay vì cẩn thận xem xét ý hướng thực sự mà giáo hoàng muốn nhắm đến, người ta đã hiểu lầm, diễn giải sai và không chấp nhận lời nguyện này. Sự việc này khiến tôi nhận ra rằng, rõ ràng trong cuộc đối thoại giữa Do-thái giáo và Công giáo, trước hết hai bên cần phải thảo luận những vấn đề nhạy cảm và khó khăn như thế một cách tin cẩn, một cách bác ái, trước khi đưa các vấn đề này ra bàn thảo một cách rộng rãi, công khai, khách quan hơn.

Tôi rất mừng, ngày nay có nhiều rabbi cũng có chung quan điểm cho rằng, việc thảo luận, đào sâu hơn nữa các chủ đề thần học là việc quan trọng. Điều này đã được nhận thấy trong một tài liệu bàn về đến việc đối thoại giữa Do-thái giáo và Kitô giáo được hơn 20 rabbi chính thống soạn ra. Bởi thế, tài liệu mới đây của Toà thánh không phải là đoạn kết cho một tiến trình, nhưng đúng hơn nó là khởi đầu mới cho một chặng đường mới đầy gian nan. Tuy nhiên, tự nó, tài liệu này không phải là tài liệu được ban hành bởi Huấn quyền Giáo hội, nhưng là tài liệu nghiên cứu của Uỷ ban các liên hệ tôn giáo với người Do-thái, nhắm giúp cho việc đối thoại giữa các tín hữu Công giáo và các tín đồ Do-thái giáo về những xác tín đức tin của họ được hữu hiệu hơn.

(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.catholicworldreport.com
114.864864865135.135135135250