17/03/2017 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

4784
Mặc dù cả Triều Tiên chỉ có duy nhất một linh mục trong suốt 50 năm đầu của Kitô giáo tại quốc gia này, anh Yi Byeok cùng bằng hữu đã quảng bá, đã loan báo đức tin, một đức tin hôm nay đây đang tiếp tục triển nở mạnh mẽ.


Lịch sử Giáo Hội ghi dấu bởi các nhà truyền giáo, là những người nam và người nữ can đảm bỏ lại đằng sau gia đình và quê hương, đi đến, dấn thân vào các nền văn hoá xa lạ, đánh liều cả mạng sống mình để giới thiệu cho những người xa lạ về tình yêu của Đức Giêsu. Mỗi quốc gia đều có vị hướng đạo riêng cho mình: thánh Phanxicô Xavier cho Nhật Bản thế kỷ XVI, thánh Augustinô Canterbury cho nước Anh thế kỷ thứ VI, thánh Tôma cho Ấn Độ thế kỷ I.

Còn ở Triều Tiên câu chuyện lại khác.

Triều Tiên bắt đầu đón nhận Tin Mừng chẳng phải do bởi một linh mục nhiệt thành hay là một cộng đoàn tu sĩ dấn thân nào cả. Trên thực tế, Triều Tiên là quốc gia duy nhất tự truyền giáo. Hơn hai thế kỷ sau khi thánh Phanxicô Xavier truyền rao Tin Mừng cho Nhật Bản và hơn một thiên niên kỷ kể từ khi Giáo hội Đông Phương lần đầu tiên rao giảng Đức Kitô cho Trung Hoa, vẫn chưa có bất kỳ nhà truyền giáo nào đến Triều Tiên. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có những người Kitô hữu ghé bán đảo này, nhưng chủ yếu là để buôn bán hay do thám, chứ vẫn chưa có ai rao giảng Đức Giêsu cho dân tộc này.

Tuy nhiên, một số sách vở Kitô giáo đã vào được Triều Tiên, được các bậc trí thức cả Phật giáo lẫn không Phật giáo nghiên cứu, do các vị này tò mò muốn tìm hiểu về Kitô giáo như là một thứ triết học ngoại lai chứ không phải là một tôn giáo. Trong số đó có một thanh niên tên là Yi Byeok, vào năm 1770, anh đã nghiên cứu một cuốn sách Công giáo tiếng Trung do vị Tôi tớ Chúa là Matteo Ricci chắp bút. Chỉ mới 16 tuổi, chàng thanh niên này đã dành trọn đời mình cho việc tìm hiểu đức tin, đồng thời quy tụ quanh mình những thanh niên khác (và cả người lớn nữa) tại Chon Jin Am, một địa điểm được biết đến như là nơi khai sinh Công giáo tại Triều Tiên.

Một buổi hội họp của các Kitô hữu tại tư gia anh Yi Byeok ở Hanseong (Seul), anh Yi Byeok là người đang giảng giải Kinh thánh.
14 năm trường, các trang nam tử này đã vật lộn với những câu hỏi căn cốt nhất về sự hiện hữu của con người, và chỉ được hướng dẫn nhờ vào một vài cuốn sách mang lén về từ Trung Hoa. Họ để lại mẹ, cha, thậm chí là cả vợ con (như trong trường hợp của anh Yi Byeok), để truy tìm chân lý. Họ dần xác tín rằng những gì họ được đọc là chân lý và bắt đầu thực hành những điều ấy. Cứ cách bảy ngày, họ lại cử hành một ngày kiểu như ngày Sa-bát, dầu chẳng có cách nào để biết được thực sự ngày Chúa nhật là ngày nào. Họ cùng nhau học hỏi, thảo luận và làm việc thờ phượng, và luôn có anh Yi Byeok, vốn nổi tiếng khắp vùng vì sự khôn ngoan lẫn sự hiểu biết của mình, dẫn dắt. Các vị cao niên thực hành theo anh, còn những người trẻ hơn cũng rất phấn khởi đến học hỏi với anh.

Cuối cùng, vào năm 1784, anh Yi Byeok được tin một người trong nhóm là anh Yi Seung Hun sắp sang Trung Hoa. Được xem là "Vương quốc Ẩn Mật", Triều Tiên hoàn toàn đóng cửa với thế giới bên ngoài, ngoại trừ việc hàng năm sai sứ sang Trung Hoa, và Yi Byeok đã nắm bắt ngay cơ hội này để liên lạc được với các tín hữu Kitô. Anh Yi Seung-hun đã được phái đi, với lời nhắn rằng, hãy cố gắng học hỏi tất cả những gì có thể, kiếm sách vở và mua các đồ thánh, xoay sở để được lãnh bí tích Thánh Tẩy. Được rửa tội với tên thánh Phêrô, anh Yi Seung-Hun trở về Triều Tiên để rửa tội cho những người khác, phải kể đến trước nhất là anh Yi Byeok, người tiên phong, người mà anh đã rửa tội với tên thánh là Gioan Tẩy Giả.

Rồi những người bạn cùng chí hướng đã xuống núi, họ ra đi rao giảng Tin Mừng và chọn Seul như địa điểm mới cho các buổi hội họp, để các Kitô hữu đang ngày càng tăng số có thể tham dự được. Các ghi chép cho thấy, trong vòng hơn một năm, Triều Tiên đã có hơn một nghìn Kitô hữu. Nhưng vua chúa, quan quyền Triều Tiên vốn cực kì bài ngoại sau khi nhìn thấy những ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc Tây phương đối với các quốc gia châu Á khác, đã nghi ngờ tôn giáo mới này. Năm 1785, Kitô giáo bị đặt ngoài vòng pháp luật, dù có vẻ, rất ít Kitô hữu bị tra tấn hay chịu tử đạo cho tới năm 1801.

Giống như trong nhiều việc, trong nhiều trường hợp khác, Yi Byeok thì khác, ông là một ngoại lệ. Là nhân vật trọng yếu của phong trào và cũng đương nhiên nắm giữ vai trò thủ lãnh của giáo hội non trẻ này, Yi Byeok phải chuốc lấy những lời chỉ trích mạnh mẽ từ vua chúa, quan quyền và từ chính gia đình của mình. Rốt cuộc, vì không chịu chối đạo, anh đã bị quản chế tại gia. Một số nguồn tin cho biết anh đã bị bỏ đói cho đến chết, người khác thì cho rằng, vì chay tịnh quá sức nên anh đã qua đời vì kiệt sức, nhưng rõ ràng, anh Yi Byeok đã chết như cái cách mà anh đã sống: tận hiến trọn vẹn cho Tin Mừng.

Sau khi anh Yi Byeok qua đời, Kitô giáo tiếp tục lan rộng. Mặc dù trong mười năm tiếp theo, trong khắp cả nước, không có linh mục nào, giáo dân ra đi, đảm nhận vai trò của các nhà truyền giáo, thậm chí còn cố gắng, cả dám cử hành thánh lễ và ngồi toà giải tội trước khi té ngửa vì biết được rằng, giáo dân không được phép thi hành các tác vụ này. Dẫu chỉ có một linh mục duy nhất ở Triều Tiên trong 50 năm đầu của Kitô giáo tại đây, và vị linh mục duy nhất đó cũng chỉ phục vụ có sáu năm trước khi ngài chịu tử đạo, thì đức tin vẫn tiếp tục lan rộng. Ngang qua những cuộc bách hại trong suốt thế kỷ XIX và một lần nữa bởi cộng sản trong Chiến tranh Triều Tiên, Giáo hội vẫn kiên vững, hiên ngang. Ngày nay, 10 phần trăm dân số Nam Hàn là người Công giáo và có cả trăm vị thánh, chân phước, hoặc tôi tớ Chúa.

Án tuyên thánh cho vị tôi tớ chúa là Gioan Tẩy Giả Yi Byeok cùng với 132 đồng bạn của ngài đã được xúc tiến. Chưa có ngày lễ mừng kính dành cho các ngài, nhưng cách đặc biệt vị tôi tớ chúa Gioan Tẩy Giả Yi Byeok sẽ là đấng chuyển cầu tuyệt vời cho những ai truy tầm chân lý, đặc biệt cho những ai ưa dùng đầu óc suy tư của mình, để họ cũng được dẫn dắt vào trong mối tương giao với Chúa Giêsu. Xin tôi tớ chúa Yi Byeok cầu cho chúng con!

Meg Hunter-Kilmer
Chuyển dịch: Sr. Vân Anh (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
http://aleteia.org
114.864864865135.135135135250