02/03/2016 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

853
Các giám mục của Giáo hội phải hiệp nhất với ĐTC, không chia bè kết phái, hồng y Wilfrid Napier của giáo phận Durban đã khẳng định như thế trong một khoá học, bàn về các bài học được đúc kết từ những nỗ lực của đất nước Nam Phi trong việc chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc.

Các giám mục “không nên được đánh giá, nhìn nhận như những đối thủ tranh đua trong một cuộc thi đấu, hay là những người có toàn quyền trên Giáo hội, nhưng đúng hơn, họ là một tập thể (college)” , hồng y Napier đã nói như vậy, hôm 18-02 ở Washington, D.C., nơi ngài đang chủ trì khoá học thường niên mang tên Cardinal John Francis Dearden của Đại học Công giáo Mỹ.

Khoá học này nhắm cổ võ các giáo huấn của Công đồng Vatican II, và hồng y Napier đặc biệt tập trung vào đề tài tập thể tính của các giám mục như được khai triển trong Hiến chế Lumen gentium, đây là hiến chế tín lý về Giáo hội của Công đồng được ban hành năm 1964.

Hồng y Napier khám phá ra sức mạnh của tập thể tính khi ngài tham dự vào một phiên họp của các giám mục Nam Phi, các vị đã đoàn kết Giáo hội để chống lại nạn phân biệt chủng tộc apartheid, một tệ nạn sau này trở thành quốc sách.

Tại phiên khoáng đại đầu tiên năm 1979, “Tôi kinh nghiệm được làm giám mục có nghĩa là gì”, ngài nói. Các giám mục Nam Phi đã “thực sự thi hành điều ĐTC Phanxicô hiện nay đang kêu gọi, đó là, các mục tử không những cần lắng nghe nhau một cách nghiêm túc, nhưng còn phải lắng nghe cả giáo dân nữa” .

Trong cuộc tranh đấu chống lại nạn phân biệt chủng tộc của Giáo hội, hồng y cho biết, vấn đề căn bản đặt ra là, “Giáo hội sẽ làm gì để cải biến xã hội?”

Các giám mục đã bắt tay vào cuộc. Các vị cho mở các trường Công giáo cho các học sinh thuộc tất cả mọi giai tầng, chủng tộc – là điều trái ngược lại với chính sách phân biệt chủng tộc của chính phủ khi đó.

Năm 1977, các giám mục Nam Phi đã ra một tuyên bố sẽ dấn thân cho công bằng xã hội và sự chung sống hoà bình giữa các sắc dân trong Giáo hội, khẳng định rằng, “Giáo hội Công giáo Nam Phi đã không theo kịp được đòi hỏi làm chứng cho Tin Mừng trong các vấn đề công bằng xã hội”, và cam kết Giáo hội sẽ dấn thân bài trừ sự phân biệt chủng tộc và dấn thân cho công bằng xã hội.

Các giám mục nhận ra thách đố mà họ phải đối diện, đó là phải làm sao để thay đổi nhận thức của tín hữu Công giáo, những người vốn đã chấp nhận ý thức hệ phân biệt đối xử phổ biến vào lúc ấy, để họ tin rằng “mỗi và từng con người… đều có phẩm giá và giá trị như nhau”. Hồng y Napier nhấn mạnh, điều này đã được thực hiện, bằng cách cổ võ, phổ biến quan điểm, lối nhìn về một Giáo hội là “một cộng đoàn phục vụ con người”.

Bởi thế, các giám mục và các tín hữu chung vai sát cánh để khắc chế sự kỳ thị lan tràn tại Nam Phi qua việc “trở nên một cộng đoàn các anh chị em thực sự” trong Chúa Kitô.

Cũng các nguyên tắc tập thể tính như vừa kể, phải được áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại,“khi canh tân Giáo hội, bắt đầu với định chế hôn nhân và gia đình”, hồng y cho biết. “Đây là là những viên đá nền giúp xây dựng Giáo hội và xã hội”.

Hồng y Napier không những đặc biệt lưu ý tới sự kiện các giám mục tham dự trong Thượng hội đồng về Gia đình gần đây, mà ngài còn có ý nói rộng hơn, tới toàn thể các giám mục nữa. Ngài nói, các giám mục cần phải “song hành với nhau trong một nỗ lực chung nhằm làm cho Giáo hội trở nên một nhân tố giúp mang lại thay đổi cho xã hội hiện đại”.

Trích lời thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Ut unum sint ban hành năm 1995 về vấn đề đại kết của ngài, hồng y khẳng định, “Tôi cho rằng, chúng ta phải hiệp nhất với nhau trước đã, từ các giám mục trở xuống”.

Ngài nói thêm, nếu các giám mục chia bè chia phái, thì các tín hữu cũng sẽ lập tức “bị tan đàn xẻ nghé như thế”.

Hồng y Napier cho biết, ĐTC Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh tới tập thể tính trong công cuộc “cải tổ và canh tân Giáo hội” của ngài.

Hồng y cho biết, ĐTC ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài, đã quyết định rằng “cách duy nhất để hiện thực hoá được việc cải cách, canh tân đó là phải có sự góp sức của tập thể các giám mục, các hồng y”.

Và hồng y kết luận, “Muốn dấn thân cống hiến cho xã hội cách hữu hiệu, chúng ta phải thực hiện với ý thức rằng, mình là một cộng đoàn phục vụ con người”.

Matt Hadro
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.catholicnewsagency.com
114.864864865135.135135135250