15/09/2013 -

Tìm hiểu Kinh thánh

2811

Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

 



Nội dung

      1. Danh từ “tình yêu” (agapê).

      2. Động từ “yêu mến” (agapaô).

      3. Danh từ “bạn hữu” (philos).

      4. Động từ “thương mến” (phileô).

 

st johnapostalTin mừng Gio-an dùng cả danh từ và động từ để diễn tả đề tài “tình yêu” và “tình bạn”. Bài viết này sẽ liệt kê những nơi bốn từ sau đây xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an: (1) Danh từ “tình yêu” (agapê); (2) Động từ “yêu mến” (agapaô); (3) Danh từ “bạn hữu” (philos); (4) Động từ “thương mến” (phileô). Quan sát về cách dùng các từ ngữ này sẽ giúp nhận ra nội dung và tầm quan trọng của đề tài “tình yêu” và “tình bạn” theo thần học Tin Mừng Gio-an.

 

1. Danh từ “tình yêu” (agapê).

 

Trong Tin Mừng Gio-an, danh từ “tình yêu” (tiếng Hy Lạp: agapê; Anh: love; Pháp: amour) xuất hiện 7 lần ở các nơi: 5,42; 13,35; 15,9.10a.10b.13; 17,26.

 

Trong phần đầu của Tin Mừng Gio-an (Ga 1–12), danh từ “agapê” (tình yêu) chỉ xuất hiện 1 lần ở 5,42. Đức Giê-su nói với những người Do Thái: “Các ông không có tình yêu của Thiên Chúa trong các ông” (5,42). Còn lại 6 lần khác tập trung vào các ch. 13–17.

 

Lần thứ hai danh từ “agapê” (tình yêu) xuất hiện ở 13,35. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ở điều này mọi người sẽ nhận biết rằng: Anh em là môn đệ của Thầy nếu anh em có tình yêu thương (agapên) lẫn nhau.”

 

Riêng ở 15,9-13, chỉ trong ba câu này, xuất hiện 4 lần danh từ “agapê” (tình yêu) ở 15,9.10a.10b.13. Trong đó, 3 lần danh từ “agapê” (tình yêu) được dùng với động từ “ở lại” (menô) ở 15,9.10a.10b. Đức Giê-su mời gọi các môn đệ ở lại trong tình yêu của Người (15,9b.10a), như Người ở lại trong tình yêu của Chúa Cha (15,10b). Ở 15,13, danh từ “agapê” (tình yêu) xuất hiện trong câu nói quan trọng của Đức Giê-su về cách thức Người bày tỏ tình yêu đối với các môn đệ: “Không ai có tình yêu cao cả hơn người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình” (15,13).

 

Lần cuối cùng danh từ “agapê” (tình yêu) xuất hiện trong Tin Mừng thứ tư ở 17,26. Đức Giê-su nói với Cha của Người: “Con đã làm cho họ biết danh của Cha, và Con sẽ còn làm cho họ biết, để tình yêu (agapê) mà Cha đã yêu thương Con ở trong họ và Con trong họ” (17,26). Ước muốn cuối cùng của Đức Giê-su trước khi bước vào cuộc Thương Khó là tình yêu của Chúa Cha hiện diện nơi các môn đệ.

 

Tóm lại, trong 7 lần danh từ “agapê” (tình yêu) xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an đã có 6 lần trong Ga 13–17. Trong đó, 1 lần trong ch. 13 (13,35), 1 lần ở cuối ch. 17 (17,26) và 4 lần trong đoạn văn 15,9-13 (15,9.10a.10b.13). Trong 12 chương đầu của sách Tin Mừng Gio-an, danh từ “agapê” (tình yêu) chỉ xuất hiện 1 lần ở 5,42.

 

Danh từ “agapê” (tình yêu) xuất hiện 7 lần và động từ “agapaô” (yêu mến), xuất hiện 37 lần, làm cho “tình yêu” trở thành đề tài quan trọng trong Tin Mừng Gio-an.

  

2. Động từ “yêu mến” (agapaô).

 

Trong Tin Mừng Gio-an, động từ “yêu mến” (tiếng Hy Lạp: agapaô; Anh: to love; Pháp: aimer) xuất hiện 37 lần và được phân bổ như sau:

 

Ga 1–12 xuất hiện 7 lần động từ “agapaô” (yêu mến). Trong đó, 5 lần có nghĩa tích cực (3,16.35; 8,42; 10,17; 11,5) và 2 lần có nghĩa tiêu cực (3,19; 12,43).

 

Ga 13–17 xuất hiện 25 lần động từ “agapaô” (yêu mến). Trong đó:

 

- Ch. 13 xuất hiện 6 lần: 13,1a.1b; 13,23; 13,34a.34b.34c (13,23 nói về người môn đệ Đức Giê-su yêu mến).

 

- Ch. 14 xuất hiện 10 lần, tập trung vào đoạn văn14,15-31: 14,15.21a.21b.21c.21d.23a.23b.24.28.31. Đặc biệt động từ “agapaô” (yêu mến) xuất hiện 4 lần ở 14,21 và 2 lần ở 14,23.

 

- Ch. 15, xuất hiện 5 lần, tập trung vào đoạn văn 15,9-17: 15,9a.9b.12a.12b.17. Trong đó 2 lần ở 15,9 và 2 lần ở 15,12.

 

- Ch. 16 không có động từ “agapaô”.

 

- Ch. 17 xuất hiện 4 lần, tập trung vào đoạn văn kết: 17,23-26: 17,23a.23b.24.26.

 

Ga 18–21 xuất hiện 5 lần động từ “agapaô” (yêu mến). Trong đó 3 lần nói về người môn đệ Đức Giê-su yêu mến(19,26; 21,7.20) và 2 lần trong lời Đức Giê-su hỏi Phê-rô: “Anh có yêu mến Thầy không?” (21,15.16).

 

Động từ “agapaô” (yêu mến) xuất hiện 34 lần trong 1Ga; xuất hiện 2 lần trong 2Ga và xuất hiện 5 lần trong 3Ga.

 

Tóm lại, danh từ “agapê” (tình yêu) và động từ “agapaô” (yêu mến) được dùng nhiều lần trong các ch. 13–17 và tập trung vào 4 đoạn văn sau đây:

 

(1) 13,34-35: 3 lần động từ “agapaô” (yêu mến) và 1 lần danh từ “agapê” (tình yêu).

(2) 14,15-31: 10 lần động từ “agapaô” (yêu mến).

(3) 15,9-17:  5 lần động từ “agapaô” (yêu mến) và 4 lần danh từ “agapê” (tình yêu).

(4) 17,23-26: 4 lần động từ “agapaô” (yêu mến) và 1 lần danh từ “agapê” (tình yêu).

 

Trong toàn bộ Tin Mừng thứ tư, có hai lần động từ “agapaô” (yêu mến) được dùng theo nghĩa tiêu cực: “Yêu mến bóng tối” (3,19) và “Yêu mến vinh quang của con người” (12,43). Hai lần động từ “phileô” (thương mến) theo nghĩa tiêu cực tìm thấy ở 12,25a: “Ai yêu (ho philôn) mạng sống mình sẽ mất nó...” và ở 15,19b: “Nếu anh em thuộc về thế gian, thế gian đã yêu thích (ephilei) cái gì là của riêng nó.” Xem bài viết : Động từ “phileô” (thương mến). Riêng ở 20,2, động từ “phileô” (thương mến) được dùng để gọi người môn đệ Đức Giê-su yêu mến: “Người Đức Giê-su yêu mến (hon ephilei ho Yêsous)” (20,2).

 

Hai lần đầu tiên động từ “agapaô”(yêu mến) xuất hiện trong Tin Mừng thứ tư có ý nghĩa quan trọng. Lần đầu tiên động từ “agapaô”khẳng định tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian: “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một” (3,16). Lần thứ hai động từ “agapaô”xuất hiện khi nói đến tình yêu của con người dành cho sự tối tăm và ghét ánh sáng. Đức Giê-su nói ở 3,19-20: “19 Đây là án xử: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã yêu mến bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc của họ là xấu xa. 20 Vì mọi kẻ làm sự dữ thì ghét ánh sáng và không đến với ánh sáng, để các việc của họ khỏi bị chê trách.”

 

Đề tài tình yêu trong Tin Mừng Gio-an còn được nhấn mạnh thêm với đề tài “tình bạn” với động từ “phileô” (thương mến) và danh từ “philos” (bạn hữu).

 

3. Danh từ “bạn hữu” (philos).

  

Trong Tin Mừng Gio-an, danh từ “bạn hữu” (tiếng Hy Lạp: philos; Anh: friend; Pháp: ami) xuất hiện 6 lần ở các nơi: 3,29 (bạn của chú rể); 11,11 (La-da-rô bạn của Đức Giê-su và các môn đệ); 15,13.14.15 (bạn hữu của Đức Giê-su); 19,12 (bạn của Xê-da).

 

Gio-an Tẩy Giả dùng hình ảnh “bạn của chú rể” để nói về tương quan giữa Gio-an với Đức Giê-su. Gio-an Tẩy Giả nói với các môn đệ của mình ở 3,29-30: “29 Người có cô dâu mới là chú rể. Còn bạn (ho philos) của chú rể là người đứng đó và nghe chàng thì hớn hở vui mừng vì tiếng nói của chú rể. Đó là niềm vui của thầy đã được nên trọn. 30 Đấng ấy phải lớn lên, còn thầy phải suy giảm.”

 

Trong câu chuyện gia đình ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a ở Ga 11, Đức Giê-su gọi La-da-rô là “bạn của  chúng ta” (11,11) khi Người nói với các môn đệ. Đức Giê-su còn cố ý xem việc La-da-rô chết chỉ là một giấc ngủ, nên Người nói với các môn đệ: “La-da-rô, bạn (ho philos) của chúng ta, đang yên giấc; nhưng Thầy đi để đánh thức anh ấy” (11,11).

 

Ở ch. 15, Đức Giê-su gọi các môn đệ là bạn hữu của Người trong ba câu: 15,13.14.15: “13 Không ai có tình yêu cao cả hơn người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu (tôn philôn) của mình. 14 Anh em là bạn hữu (philoi) của Thầy, nếu anh em làm những điều Thầy truyền dạy anh em. 15 Thầy không gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết điều chủ mình làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu (philous), vì tất cả những gì Thầy nghe nơi Cha của Thầy, Thầy đã làm cho anh em biết” (15,13-15).

 

Trong đoạn văn Đức Giê-su xuất hiện trước Phi-la-tô (18,28–19,16a), những người Do Thái làm áp lực khi kêu lên với Phi-la-tô rằng: “Nếu ông tha người này, ông không là bạn của Xê-da. Bất cứ ai tự cho mình là vua thì chống lại Xê-da” (19,12).

 

4. Động từ “thương mến” (phileô).

 

Trong Tin Mừng Gio-an, động từ “thương mến” (tiếng Hy Lạp: phileô; Anh: to love [friendly]; Pháp: aimer [d’amitié]) xuất hiện 13 lần ở các nơi: 5,20; 11,3.36; 12,25; 15,19; 16,27a.27b; 20,2; 21,15.16.17a.17b.17c.

 

Trong đó, 2 lần động từ “phileô” (thương mến) có nghĩa tiêu cực: 12,25 (yêu mạng sống mình) và 15,19 (thế gian yêu thích cái thuộc về nó); 11 lần có nghĩa tích cực (5,20; 11,3.36; 16,27a.27b; 20,2; 21,15.16.17a.17b.17c). Trong 11 lần này, có 5 lần động từ “phileô” (thương mến) xuất hiện trong đoạn văn 21,15-17. Trong đoạn văn này Đức Giê-su hỏi Phê-rô 3 lần: “Anh có yêu mến thầy không?”

 

Cùng gốc với danh từ “philos” (bạn hữu), động từ “phileô” có nghĩa: “thương”, “thương mến” trong tình bằng hữu (aimer d’amitié). Trong tiếng Việt, tùy văn mạch và âm điệu của câu văn, động từ “phileô” có thể dịch là “thương mến”, “thương”, “yêu” hay “yêu thích”. Chẳng hạn: Khi La-da-rô bị bệnh, hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a sai người đến nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến (phileis) bị bệnh” (11,3). Ở 11,36, những người Do Thái nói: “Xem kìa! Ông ta [Đức Giê-su] thương (ephilei) anh ấy [La-da-rô] biết mấy” (11,36). Trong ch. 12, sau khi dùng hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất, chết đi để sinh hoa trái, Đức Giê-su tuyên bố: “Ai yêu (ho philôn) mạng sống mình thì mất nó; ai ghét mạng sống mình trong thế gian này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (12,25). Ở 15,19, Đức Giê-su nói với các môn đệ về sự thù ghét của thế gian như sau: “Nếu anh em thuộc về thế gian, thế gian đã yêu thích (ephilei) cái gì là của riêng nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, vì điều này, thế gian ghét anh em” (15,19).

 

Ba lần động từ “phileô” (thương mến) ở 5,20; 16,27a.27b liên quan đến tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ. Đó là tình yêu Chúa Cha dành cho Đức Giê-su. Người nói với những người Do Thái: “Cha thương mến (philei) Con và tỏ bày cho Người mọi điều mình làm” (5,20a). Ở 16,27, Đức Giê-su nói đến tình thương Chúa Cha dành cho các môn đệ và tình thương các môn đệ dành cho Đức Giê-su: “Thật vậy, chính Cha thương mến (philei) anh em, vì anh em đã thương mến (pephilêkate) Thầy và tin rằng: Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (16,27).

 

Trong Tin Mừng Gio-an, động từ “phileô” (thương mến) được dùng 8 lần (5,20; 16,27a.27b; 21,15.16.17a.17b.17c) để diễn tả ba tương quan tình yêu: (1) Tình yêu giữa Chúa Cha và Đức Giê-su (5,20); (2) Tình yêu giữa Chúa Cha và các môn đệ (16,27a); (3) Tình yêu của các môn đệ và Đức Giê-su (16,27b; 21,15.16.17a.17b.17c). Các nơi khác trong Tin Mừng dùng động từ “agapaô” (yêu mến) để nói về những tương quan tình yêu này. Những sách khác của Tân Ước không dùng động từ “phileô” (thương mến) để diễn tả các tương quan tình yêu trên đây./.

 

 

Ngày14tháng 09năm 2013.

Giuse Lê Minh Thông, O.P.


114.864864865135.135135135250