11/03/2012 -

Tìm hiểu Kinh thánh

913

 


 


Phương pháp đọc KT: Cấu trúc một đoạn văn


 


Như đã trình bày trong bài viết: “Ba phương pháp phân tích, ba cách đặt câu hỏi”, hai phương pháp phân tích bản văn Kinh Thánh phổ biến hiện nay là phân tích thuật chuyện và phân tích cấu trúc. Bài viết này sẽ tìm hiểu các kiểu cấu trúc một đoạn văn. Tìm hiểu cấu trúc đoạn văn là bước quan trọng để xem các ý tưởng trong đoạn văn được sắp xếp và xây dựng như thế nào. Trong đoạn văn được chọn để phân tích, điều gì nói trước, điều gì nói sau, và các ý tưởng tiến triển theo thứ tự nào. Độc giả cần chú ý xem có các ý tưởng song song hay có các từ ngữ lặp đi lặp lại không. Mục đích của việc tìm hiểu cấu trúc là để biết đoạn văn được xây dựng như thế nào, có bao nhiêu ý, đề tài nào được nhấn mạnh, câu chuyện dùng từ ngữ nào v.v…


Bất cứ đoạn văn nào cũng có thể xếp vào ba loại cấu trúc tổng quát như sau: (1) Cấu trúc đồng tâm; (2) Cấu trúc song song; (3) Cấu trúc theo tiểu đoạn.


1. Cấu trúc đồng tâm


Một đoạn văn có cấu trúc đồng tâm sẽ có các tiểu đoạn trong đoạn văn ấy được sắp xếp theo kiểu đồng tâm. Trong cấu trúc đồng tâm, nếu có yếu tố trung tâm, các tiểu đoạn sẽ được sắp xếp theo thứ tự: A, B, C, B’, A’. Nếu cấu trúc đồng tâm không có yếu tố trung tâm, các tiểu đoạn được sắp xếp theo thứ tự: A, B, C, C’, B’, A’. Cấu trúc đồng tâm có các tiểu đoạn song song: A // A’, B // B’, C // C’… Cấu trúc đồng tâm có thể được xây dựng trong một đoạn văn dài gồm nhiều trình thuật nối tiếp nhau, hay đồng tâm chỉ trong một câu. Sau đây là ví dụ hai hình thức cấu trúc đồng tâm này.


Mc 2,1–3,6 là một đoạn văn dài gồm năm trình thuật nối tiếp nhau, được cấu trúc theo dạng đồng tâm như sau:



 


Năm trình thuật Tin Mừng Mác-cô trên đây có cấu trúc đồng tâm với yếu tố trung tâm (C): A, B, C, B’ A’. Trong đó A // A’ vì đều là trình thuật chữa lành. B // B’ vì có chung đề tài ăn uống. Yếu tố trọng tâm C: Ăn chay. Trong tiểu đoạn trung tâm này, Đức Giê-su nói đến đề tài quan trọng: “Cũ” (Cựu Ước) và “mới” (Tân Ước). Tất cả những đoạn văn song song: A // A’ và B // B’ soi sáng cho đề tài “cũ” và “mới” này. Đó là cũ và mới giữa Cựu Ước và Tân Ước, cũ và mới giữa trước khi Đức Giê-su xuất hiện và sau khi Đức Giê-su xuất hiện. Cũ và mới liên quan đến quyền tha tội của Đức Giê-su và việc giữ ngày sa-bát… Bảng cấu trúc trên cho thấy mỗi trình thuật vừa nối kết, vừa soi sáng cho các trình thuật khác, nhờ đó độc giả có thể đọc ra được ý nghĩa của chúng trong mạch văn.


Có trường hợp cấu trúc đồng tâm xuất hiện chỉ trong một câu như ở Mc 4,13. Sau khi kể dụ ngôn hạt giống (Mc 4,1-9), Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em không hiểu biết dụ ngôn này sao? Vậy làm sao anh em hiểu biết được tất cả các dụ ngôn? (Mc 4,13). Câu này cấu trúc đồng tâm:



 


Mc 4,13 có cấu trúc đồng tâm không có yếu tố trung tâm: A, B, C, C’, A’, B’. A: “Không hiểu biết” // A’: “Làm sao biết?”. B: “Dụ ngôn” (số ít) // B’: “Các dụ ngôn” (số nhiều). C: (Dụ ngôn) “này” // C’: “Tất cả” (các dụ ngôn). Cấu trúc này đề cao hai ý tưởng: (1) Dụ ngôn hạt giống giúp hiểu ý nghĩa các dụ ngôn khác. (2) Sự tương phản giữa số ít (A, B, C) và số nhiều (C’, A’, B’) làm cho dụ ngôn hạt giống được kể trước đó (Mc 4,1-9) trở thành dụ ngôn quan trọng. Nếu không hiểu dụ ngôn hạt giống thì cũng không hiểu tất cả các dụ ngôn khác. Cấu trúc đồng tâm Mc 4,13 mời gọi độc giả dành thời gian để tìm hiểu kỹ hai đoạn văn liên quan đến dụ ngôn hạt giống: “Dụ ngôn” (Mc 4,3-9) và “Áp dụng dụ ngôn” (4,13-20).


2. Cấu trúc song song


Một đoạn văn có cấu trúc song song, khi các ý tưởng được sắp xếp theo dạng song song: A, B, C, A’, B’, C’.  Trong đó, A // A’, B // B’, C // C’. Cấu trúc song song cũng có thể tìm thấy trong một vài câu hay trong nhiều đoạn văn.


Chẳng hạn, lời rao giảng của Đức Giê-su ở Mc 1,15: “Thời gian đã viên mãn, và Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và hãy tin vào tin mừng” có cấu trúc song song A, B, A’, B’ như sau:



 


Yếu tố A: “Thời kỳ đã mãn” // A’: Lời mời gọi “sám hối”. B: “Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần” // B’: Lời mời gọi “tin vào tin mừng”. Cấu trúc trên làm rõ hai lời mời gọi tương ứng với hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là “sám hối” quay lưng lại với những gì đã cũ. Giai đoạn thứ hai là “tin vào tin mừng” vì “Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần”. Mc 1,15 thuộc lời tựa sách Tin Mừng Mác-cô (Mc 1,1-15), là phần nói về mục đích sứ vụ công khai của Đức Giê-su. Tất cả những gì thuật lại trong Tin Mừng Mác-cô nhằm mục đích dẫn độc giả đến hành động “sám hối” và “tin vào tin mừng”. Nếu đọc hết sách Tin Mừng mà độc giả chưa bước vào tiến trình “sám hối” và “tin vào tin mừng” thì vẫn chưa đáp trả trọn vẹn lời mời gọi của sách Tin Mừng Mác-cô.


Đoạn văn dài trong Tin Mừng Gio-an (Ga 10,1-21) dùng hai hình ảnh “cửa ràn chiên” và “mục tử” có cấu trúc song song: A, B, C, A’, B’, C’. Dụ ngôn cửa ràn chiên và mục tử tốt (Ga 10,1-21) có cấu trúc song song với hai phần: (I) Đức Giê-su kể dụ ngôn. (II) Đức Giê-su giải thích dụ ngôn. Đoạn văn Ga 10,1-21 được cấu trúc như sau:



 


Phần I: “Dụ ngôn” (Đức Giê-su dùng đại từ ngôi thứ ba) song song với Phần II: “Giải thích dụ ngôn” (Đức Giê-su dùng đại từ ngôi thứ nhất). Mỗi phần gồm ba yếu tố, vừa song song, vừa soi sáng lẫn nhau. Nếu như trong yếu tố A, Đức Giê-su nói về “cửa ràn chiên” thì trong yếu tố A’ Đức Giê-su cho biết “cửa” đó là chính Người. Nếu như trong yếu tố B Đức Giê-su nói về “mục tử và người lạ” thì trong yếu tố B’ Đức Giê-su cho biết chính Người là “Mục tử tốt”. Nếu như trong yếu tố C người thuật chuyện cho độc giả biết “những người Pha-ri-sêu không hiểu” thì trong yếu tố C’ người thuật chuyện cho biết: “Những người Do Thái chia rẽ”, nghĩa là có những người Do Thái đón nhận Đức Giê-su và có những người Do Thái không đón nhận Người.


3. Cấu trúc theo tiểu đoạn


Trong trường hợp không có các yếu tố đồng tâm hay song song trong đoạn văn, độc giả có thể xây dựng cấu trúc theo các đề tài. Chẳng hạn, bốn trình thuật khởi đầu sứ vụ của Đức Giê-su trong Mác-cô (Mc 1,21-45) có cấu trúc:



 


Sau khi chọn bốn môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20), Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ công khai qua bốn đoạn văn như trong bảng cấu trúc trên. Cấu trúc này làm lộ ra những hoạt động chính trong sứ vụ Đức Giê-su: “giảng dạy”, “trừ quỷ”, “chữa lành” và “cầu nguyện”.


Ở cuối hai tiểu đoạn 1, 2 (1,32-33) và cuối hai tiểu đoạn 3, 4 (1,45), bản văn nói đến sự thành công của Đức Giê-su. Thành công giai đoạn 1 (1,32-33) xảy ra ở Ca-pha-na-um, cụ thể là mọi người tụ tập trước cửa nhà ông Si-môn. Thành công giai đoạn 2 (1,39.45) xảy ra khi dân chúng khắp vùng Ga-li-lê đến với Người. Sự thành công ngày càng lan rộng theo hướng: Ca-pha-na-um à Ga-li-lê à Vùng lân cận. Cấu trúc trên cho thấy tiến triển thần học Tin Mừng Mác-cô: Giới thiệu căn tính của Đức Giê-su và niềm vui lớn lao của dân chúng được gặp gỡ Người. Liệu độc giả có hăm hở tìm đến với Đức Giê-su để được nghe Người giảng, được Người chữa lành và được ở với Người như dân chúng khắp vùng Ga-li-lê không?


Tin Mừng Gio-an, chương 17 cũng có cấu trúc theo các đề tài như sau:



Ga 17 được chia thành năm tiểu đoạn với những đề tài cụ thể cho từng tiểu đoạn. Qua cấu trúc trên, độc giả nhận ra ý tưởng chính của Ga 17 không phải là “Lời nguyện hiến tế” như người ta gán cho Ga 17 mà dựa vào nội dung, Ga 17 là “Lời nguyện sứ vụ”. Trong Ga 17, Đức Giê-su trình bày với Cha về sứ vụ của Người. Người đã hoàn thành sứ vụ Cha giao phó (Ga 17,4). Tiếp đến, Đức Giê-su ngỏ lời với Cha về sứ vụ của các môn đệ trong thế gian. Người xin cho các môn đệ qua mọi thời đại được hiệp nhất nên một (Ga 17,21-23). Sự hiệp nhất giữa các môn đệ là lời chứng sống động có khả năng làm cho thế gian “nhận biết” Đức Giê-su là ai và “tin” vào Người (Ga 17,21.23).


Kết luận


Mục đích của việc tìm hiểu cấu trúc bản văn là để biết câu chuyện được xây dựng và kết cấu như thế nào. Phần cấu trúc đoạn văn thường được trình bày trong một bảng đóng khung gồm các tiểu đoạn theo trình tự câu chuyện (không đảo lộn thứ tự các câu văn). Tiếp đến là lý giải cấu trúc bằng cách trả lời các câu hỏi: Bản văn được chia làm mấy phần? Tại sao chia các tiểu đoạn như thế? Đề tài chính của mỗi tiểu đoạn là gì? Các đề tài được diễn tả bằng từ ngữ nào? Các ý tưởng tiến triển và liên kết với nhau ra sao? Vấn đề đặt ra ở đầu trình thuật được giải quyết như thế nào ở cuối trình thuật?


Những quan sát trên giúp độc giả hiểu rõ bản văn trước khi phân tích bản văn. Trong quá trình phân tích chi tiết bản văn có thể dẫn đến chỉnh sửa cấu trúc, nhằm làm cho phần cấu trúc có sức thuyết phục hơn và rõ ràng hơn. Như thế, trong tinh thần tôn trọng bản văn, tìm hiểu cấu trúc là một phần quan trọng trong tiến trình tìm hiểu bản văn. Các bước chuẩn bị khác để tìm hiểu bản văn là tìm hiểu phân đoạn, bối cảnh văn chương và các yếu tố nhân vật, thời gian và không gian. Những yếu tố này sẽ được trình bày trong các bài viết khác. Xem đề tài này trong tập sách Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư./.


Ngày 11 tháng 03 năm 2012.


Giu-se Lê Minh Thông, O.P.


http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2012/03/phuong-phap-oc-kt-cau-truc-mot-oan-van.html


Email: josleminhthong@gmail.com


 

114.864864865135.135135135250