28/05/2021 -

Tìm hiểu Kinh thánh

5412

Trong truyền thống Giáo hội, trong Phụng vụ chính thức cũng như lòng sùng kính bình dân, thánh Giuse được tôn kính dưới nhiều tước hiệu khác nhau: Thánh Giuse là Đấng công chính, là Đấng Bảo trợ Hội Thánh, là bạn Đức Trinh Nữ Maria v.v. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Redemptoris Custos[1], đề cao những nhân đức nổi bật nơi thánh Giuse: gương đức tin, gương trung thành với bổn phận, gương thinh lặng, chiêm niệm. Năm Thánh Giuse là dịp để chúng ta tìm hiểu, chiêm ngưỡng và học hỏi những gương nhân đức quý báu của thánh nhân. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu chân dung thánh Giuse dưới dáng dấp một người cha nuôi trung tín và khôn ngoan.
Trước khi trình bày vấn đề, chúng ta cùng tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của tên gọi “Giuse” và danh xưng “cha nuôi”.
  1. Ý nghĩa tên gọi Giuse và danh xưng cha nuôi Chúa Giêsu
Ý nghĩa tên gọi Giuse: Xét về tên gọi, theo nguyên ngữ, Giuse có nghĩa là “Thiên Chúa đã gia tăng thêm”[2] được dịch từ gốc Hipri “Yôsep”.  “Yôsep” là tên viết tắt của “Yehôsep” ghép bởi hai từ “Yhw” (Yahweh) và “ysp”: nguyện xin Thiên Chúa. [3]
Giuse là tên tiếng Việt được dịch ra từ tiếng Latin “I.O.S.E.P.H”. Mỗi chữ cái trong hạn từ này ứng với một nhân đức của thánh Giuse. Cha Isolani là người đầu tiên tán giải các nhân đức của thánh Giuse dựa theo những chữ cái ghép thành tên riêng “I.O.S.E.P.H”: Iustitia (công bằng), Oboedientia (vâng lời), Sapientia (khôn ngoan), Experientia (kinh nghiệm), Patientia (nhẫn nhục), Humilitas (khiêm nhường).[4]
Một tác giả khác là Anthony Le đã tán giải hạn từ “JOSEPH” trong Tiếng Anh qua các phẩm tính của thánh Giuse thể hiện trong Tin Mừng: Just (công chính), Obeient (vâng lời), Silence (thinh lặng), Example (gương mẫu), Patron (bảo trợ), Helper (người giúp đỡ).
Danh xưng cha nuôi Chúa Giêsu
Nói về tiểu sử của thánh Giuse, các nguồn sử liệu viết về thánh nhân không nhiều. Các sách Tin Mừng, những sử liệu chắc chắn và phổ biến nhất, cũng trình bày khá ít về Người. Chúng ta chỉ biết được một vài biến cố liên quan đến thánh nhân, ngang qua những chương đầu của Tin Mừng Matthêu và Luca. Thánh Giuse không được nhắc tới nữa sau khi tìm lại Chúa Giêsu trong đền thờ lúc 12 tuổi. Ngoài ra, thánh Giuse còn được nhắc đến hai lần nữa trong Tin Mừng Gioan.[5]
Tin Mừng không đề cập thánh Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu, mà chỉ cho biết Ngài là chồng bà Maria [6] và có sứ mạng đặt tên cho con trẻ là Giêsu.[7] “Cha nuôi của Chúa Giêsu” là danh xưng cao quí mà Giáo hội trao tặng cho thánh Giuse. Quả thực, mặc dù Đức Giêsu là con của thánh Giuse không phải bằng huyết nhục, nhưng thánh Giuse thực sự là cha của Người. Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu, bởi vì, theo Tin Mừng Matthêu, trước khi hai ông bà về chung sống, bà Maria đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần[8]. Ông là chồng của Maria, mẹ của Chúa Giêsu, và Thiên Chúa đã trao cho ông vai trò làm cha của Chúa Giêsu qua việc thi hành những bổn phận của người cha theo luật lệ đương thời:  đặt tên cho con trẻ, [9] đăng ký vào sổ kiểm tra, cắt bì, dâng con đầu lòng [10] v.v. Giuse là cha của Chúa Giêsu còn được dân chúng thời bây giờ công nhận. Cả Tin Mừng Matthêu và Luca đều ghi lại điều này. [11] Đức Giêsu là con ông Giuse, được nhắc đến trong bản gia phả. [12]
Như vậy, ta có thể gọi thánh Giuse là “cha của Chúa Giêsu” theo thể thức thánh nhân đã thi hành ý muốn của Thiên Chúa, còn việc diễn tả chính xác tình cha của thánh Giuse theo nghĩa nào thật là khó khăn. Thánh Giuse đã chấp nhận làm cha của Đức Giêsu do ý muốn của Thiên Chúa; và đồng thời, Người giữ một vai trò đặc biệt như là đại diện của Thiên Chúa đối với Đức Giêsu.
  1. Thánh Giuse, người cha nuôi trung tín
Có thể nói, đời sống của thánh Giuse là một sự thể hiện tròn đầy đức “trung tín” qua danh xưng mà Tin Mừng đặt cho Người là Đấng công chính.” [13]. Ở đây, tôi không có tham vọng trình bày sự công chính của thánh Giuse, nhưng chiêm ngưỡng thánh Giuse trong dáng dấp “người công chính” để thấy thánh nhân là “tôi tớ trung tín” một đời, sẵn sàng vâng nghe tiếng gọi và mau mắn thi hành.
Khởi đầu một đời tín trung ấy là việc thánh Giuse đón Đức Maria đang thụ thai về chung sống, sau khi Người được Sứ Thần truyền tin và mạc khải cho biết sứ mạng “cha nuôi của mình”. [14] Sự  trung tín, sẵn sàng vâng nghe tiếng gọi và mau mắn thi hành của thánh Giuse được thanh luyện và gia tăng qua các biến cố chính: Trước tiên là biến cố truyền tin cho thánh Giuse.[15] Kế đến là biến cố thánh Giuse đưa Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria trốn sang Ai Cập trong đêm tối. Thánh Mátthêu cho biết “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai cập.”[16] sau khi được Sứ Thần báo mộng là vua Hêrôđê đang tìm giết Hài Nhi Giêsu. Dầu khó khăn vất vả, nhưng thánh Giuse sẵn lòng đón nhận Thánh ý Chúa và trung tín thi hành. Nhìn bên ngoài thánh Giuse có vẻ yếu đuối qua hành động “dắt lừa cho Hài Nhi Giêsu và Đức Maria”, nhưng bên trong tâm hồn thánh nhân là sự mạnh mẽ tín trung. Cuối cùng là biến cố từ Ai Cập về đất Israel. Sau khi vua Hêrôđê băng hà, Sứ Thần Chúa lại hiện ra và báo mộng cho ông Giuse bên Ai Cập. Nhận lệnh dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trở về, “Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và Mẹ Người về đất Israel.”[17] với thái độ mau mắn và trong sự thinh lặng.
Sự trung tín của thánh Giuse còn được thể hiện trong vai trò làm cha của Chúa Giêsu qua việc thi hành những bổn phận của người cha theo luật lệ đương thời:  đặt tên cho con trẻ, [18] đăng ký vào sổ kiểm tra, cắt bì, dâng con đầu lòng [19]
Như vậy, thánh Giuse đã thi hành sứ mạng trong tinh thần vâng phục đức tin như một “tôi trung” của Thiên Chúa. Phụng vụ Công giáo khen ngợi thánh Giuse là người đầy tớ trung tín mà Thiên Chúa đã đặt lên trông coi gia đình Chúa.
  1. Thánh Giuse, người cha nuôi khôn ngoan
Giáo Hội ca tụng thánh Giuse là Đấng rất khôn ngoan. Khôn ngoan có lẽ bởi vì thánh nhân luôn trầm tư, ít nói, lắng nghe và hành động theo ý Chúa. Sách Châm Ngôn 1,5 dậy rằng: “Người khôn ngoan hãy nghe để được thêm kiến thức, người hiểu biết hãy nghe, và sẽ tìm được lời hướng dẫn.” Người khôn ngoan là người nghe nhiều hơn nói, như một tác giả khuyết danh trong tuyển tập danh ngôn cuộc sống cho biết “nghe nhiều thêm khôn ngoan, nói nhiều thêm hối hận”.
Tin Mừng diễn tả nhiều hành động của thánh Giuse, nhưng không thấy trích dẫn lời nói nào của Người. Dẫu rằng trong biến cố tìm gặp lại con trong đền thờ Giêrusalem, thánh Giuse có thể nói và cần nói nhiều với Chúa Giêsu, nhưng Người vẫn lặng im. Thánh Giacôbê nói: “Ai không sai lỗi trong lời nói, thì đó là người hoàn hảo. Người ấy có khả năng kiềm chế toàn thân” [20]. Thánh Giuse đã kiềm chế được lời nói, chứng tỏ Người hoàn toàn làm chủ được bản thân, là người rất khôn ngoan, bởi theo sách Châm ngôn “Người nói năng dè dặt là người hiểu biết, kẻ giữ được điềm tĩnh là kẻ khôn ngoan” [21]
Tại Nagiarét, thánh Giuse đã sống xứng đáng là một gia chủ khôn ngoan mà Chúa đã đặt lên trông coi, gìn giữ và bảo vệ gia đình Chúa. Người đã ân cần nuôi dưỡng Mẹ Maria, Chúa Giêsu bằng nghề thợ mộc của mình và đã chở che gia đình Nadarét một cách thánh thiện trong mọi hoàn cảnh. Cuộc sống của thánh Giuse làm nhiều hơn nói. Thiên Chúa đã dùng Người như cột trụ của gia đình Nagiarét, nhưng thái độ của thánh Giuse luôn khiêm nhượng, âm thầm, trầm lắng. Đức tính trầm lắng nói lên sự chín chắn, khôn ngoan, trung tín của thánh Giuse.
Tạm kết
Thánh Giuse là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan của Thiên Chúa nhờ sự trầm lắng, khiêm nhượng, trung tín, sẵn sàng vâng nghe tiếng gọi và mau mắn thi hành ý Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta tuỳ theo hoàn cảnh, vai trò, địa vị của mình luôn biết noi gương thánh Giuse và chạy đến cùng Người trong đời sống. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, chúng ta cũng được trở nên đầy tớ trung tín và khôn ngoan của Thiên Chúa, xứng đáng được Thiên Chúa mời gọi vào hưởng niềm vui của Người: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Hãy vào mà hưởng niềm vui của Chủ anh![22]
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Giới, OP.
 
[1] Xc. Gioan Phaolô II, Redemptoris Custos, 15/8/1989.
[2] St 30, 22-24.
[3] Xc. Phan Tấn Thành, Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Kitô và Hội Thánh, Rôma 2009, tr.48.
[4] Xc. Sđd, tr.109.
[5] Xc. Ga 1,45; 6,42.
[6] Mt 1, 16.
[7] Mt 1,21.
[8] Mt 1,18.
[9] Mt 1,25.
[10] Lc 2, 21-23.
[11] Mt 13,55 ; Lc 4 16-22.
[12] Mt 1,16 ; Lc 3,23.
[13] Mt 1,19.
[14] Mt 1, 18-25; Lc 2, 1-7
[15] Mt 1, 18-25
[16] Mt 2,14.
[17] Mt 2,21.
[18] Mt 1,25.
[19] Lc 2, 21-23.
[20] Gc 3,2.
[21] Cn 17,27.
[22]  Mt 25, 21,23.
114.864864865135.135135135250