30/10/2013 -

Tìm hiểu Kinh thánh

2904

 

Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

----------------------------


Nội dung

 

I. “Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình” (Ga 4,44b)

   1. Tin Mừng Gio-an (Ga 4,43-45)

   2. Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 6,1-6; Mt 13,53-58; Lc 4,14-39)

      a) Mc 6,1-6

      b) Mt 13,53-58

      c) Lc 4,14-39

   3. Ga 4,44 và Tin Mừng Nhất Lãm

II. Tìm hiểu Ga 4,44 trong bối cảnh Tin Mừng Gio-an

   1. Tình trạng bản văn Ga 4,44

   2. Đức Giê-su bị khước từ ở Ga-li-lê hay Giu-đê?

      a) Đức Giê-su bị khước từ ở Na-da-rét miền Ga-li-lê

      b) Đức Giê-su bị khước từ ở Giu-đê

   3. Đức Giê-su đến nhà mình, nhưng người nhà không đón nhận (Ga 1,11)

III. Kết Luận
--------------------------------------------------------------------
 


 

 


 

Đề tài “Đức Giê-su làm chứng rằng: ‘Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình’” (Ga 4,44) bổ túc cho bài viết “Lời chứng” và “làm chứng” của Đức Giê-su và của Chúa Cha trong Tin Mừng Gio-an, trong đó đã phân tích “lời chứng” và “làm chứng” ở các nơi: Ga 3,11.23-33; 5,30-40; 8,13-19. Bài viết này sẽ tìm hiểu việc “làm chứng” (martureô) của Đức Giê-su ở Ga 4,44.


 

I. “Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình” (Ga 4,44b)

 

Ga 4,44 trong bản văn Tin Mừng Gio-an hiện nay xem ra không ăn khớp với mạch văn. Bởi vì ở Ga 4,44b, Đức Giê-su nói: “Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình”, nhưng ở 4,45a, Đức Giê-su lại được tiếp đón tại Ga-li-lê. Phần sau sẽ trích dẫn đoạn văn Ga 4,43-35 và so sánh với trình thuật Đức Giê-su bị khước từ tại quê hương mình trong Tin Mừng Nhất Lãm.

 

   1. Tin Mừng Gio-an (Ga 4,43-45)

 

Sau trình thuật gặp gỡ người phụ nữ Sa-ma-ri và dân thành Xy-kha (Ga 4,1-42), những người Sa-ma-ri xin Đức Giê-su ở lại với họ và Người đã ở lại đó hai ngày (Ga 4,40). Người thuật chuyện kể tiếp ở Ga 4,43-45 như sau:

 

Ga 4,43-45: “43 Sau hai ngày, Người ra khỏi nơi đó đi Ga-li-lê. 44 Chính Đức Giê-su đã làm chứng (emarturêsen) rằng: Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình. 45 Vậy khi Người đến Ga-li-lê, những người Ga-li-lê đón tiếp Người, họ đã chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, vì chính họ đã đến dự lễ.”

 

Bản văn dùng đại từ nhấn mạnh “autos” (chính người ấy) để nói về hành động làm chứng của Đức Giê-su. “Chính Đức Giê-su đã làm chứng (emarturêsen) rằng:..” (4,44a). Nội dung lời chứng là “Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình” (4,44b). Xem ra lời này ngược với những gì người thuật chuyện cho biết ở 4,45a: “Vậy khi Người đến Ga-li-lê, những người Ga-li-lê đón tiếp Người.” Nghĩa là Đức Giê-su được tiếp đón tại quê hương mình (4,45a) chứ không phải là “không có thế giá tại quê hương mình” (4,44b). Để giải thích ý nghĩa lời chứng của Đức Giê-su ở Ga 4,44b, phần sau sẽ xem Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại việc Đức Giê-su bị khước từ tại quê nhà như thế nào.

 

   2. Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 6,1-6; Mt 13,53-58; Lc 4,14-39)

 



Cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14-39) đều thuật lại câu chuyện Đức Giê-su không được tiếp đón tại quê nhà và Đức Giê-su đều nói đến ý tưởng: “Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình” (Ga 4,44). Nhưng mỗi Tin Mừng thuật lại câu chuyện với các chi tiết khác nhau và đặt trong những bối cảnh văn chương khác nhau.

 

      a) Mc 6,1-6

 

Tin Mừng Mác-cô đặt trình thuật “Đức Giê-su bị rẻ rúng tại quê hương mình” (Mc 6,1-6) sau trình thuật “Đức Giê-su chữa lành người đàn bà bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại” (Mc 5,21-43). Câu chuyện được thuật lại ở Mc 6,1-6 như sau:

 

Mc 6,1-6: “1 Ra khỏi đó, Người [Đức Giê-su] đến quê quán của Người và các môn đệ của Người đi theo Người. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường, nhiều người nghe sửng sốt nói rằng: ‘Bởi đâu Ông ta được như thế? Sự khôn ngoan được ban cho Ông ấy và những phép lạ như thế nhờ tay Ông ấy nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a và anh em của Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của Ông ấy không là lối xóm với chúng ta sao?’ Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su nói với họ rằng: ‘Ngôn sứ không bị rẻ rúng ngoại trừ nơi quê hương mình, nơi những người thân thuộc và trong gia đình mình.’ 5 Ở đó, Người không thể làm phép lạ nào, ngoại trừ một ít bệnh nhân Người đã đặt tay chữa lành cho. 6 Người ngạc nhiên vì sự không tin của họ. Rồi Người đến các làng chung quanh mà giảng dạy.”

 

Câu Đức Giê-su nói với những kẻ đặt câu hỏi về sự khôn ngoan và gốc tích của Người như sau: “Ngôn sứ không bị rẻ rúng ngoại trừ nơi quê hương mình, nơi những người thân thuộc và trong gia đình mình” (Mc 6,4). Câu này áp dụng cho Đức Giê-su nhằm giải thích về việc những người ở quê nhà không tin và không đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su đến nỗi “Người ngạc nhiên vì sự không tin của họ” (Mc 6,6a).

 

      b) Mt 13,53-58

 

Trong Tin Mừng Mát-thêu, câu chuyện được đặt sau bài giảng của Đức Giê-su qua các dụ ngôn (Mt 13,1-52). Phần cuối chương 13 (Mt 13,53-58), thuật lại việc Đức Giê-su giảng dạy tại quê nhà.

 

Mt 13,53-58: “53 Khi Đức Giê-su kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó. 54 Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói : ‘Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế ? 55 Ông không phải là con bác thợ sao ? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a ; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao ? 56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao ? Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?’ 57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ : ‘Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.’ 58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.” (Trính dẫn lấy trong bản dịch Kinh Thánh ấn bản 2011 của Nhóm CGKPV).

 

Câu Đức Giê-su nói: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi” (Mt 13,57b), dịch sát theo Hy Lạp: “Ngôn sứ không bị rẻ rúng ngoại trừ nơi quê hương và trong gia đình mình” (Mt 13,57b). So với Mc 6,4 thì Mt 13,57b không có cụm từ: “nơi những người thân thuộc” (Mc 6,4c). Lời Đức Giê-su ở Mt 13,57b được áp dụng cho chính Người, vì dân chúng đã “vấp ngã vì Người” (Mt 13,57a) và “họ không tin” (Mt 13,58b). Nghĩa là họ không đón nhận lời Đức Giê-su giảng dạy và không nhận ra nguồn gốc thần linh của Người.

 

      c) Lc 4,14-39

 

Tin Mừng Lu-ca đặt sự kiện Đức Giê-su không được đón tiếp tại quê nhà trong trình thuật mở đầu sứ vụ công khai. Sau biến cố Đức Giê-su chịu cám dỗ trên núi (4,1-13), Tin Mừng Lu-ca mở đầu sứ vụ công khai ở Lc 4,14-39, trong đó có câu chuyện Đức Giê-su bị khước từ và bị chống đối tại quê nhà.

 

Lc 4,14-39: “14 Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. 15 Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. 16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Chúa. 20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ : ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.’ 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau : ‘Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao ?’ 23 Người nói với họ : ‘Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào !’ 24 Người nói tiếp : ‘Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người mắc bệnh phong ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.’ 28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.” (Trính dẫn lấy trong bản dịch Kinh Thánh ấn bản 2011 của Nhóm CGKPV).

 

So với Tin Mừng Mác-cô (Mc 6,1-6) và Mát-thêu (Mt 13,53-58), trình thuật Lu-ca (Lc 4,14-39) dài hơn và có nhiều chi tiết mới. Đồng thời cho thấy tình trạng bản văn Lu-ca khá phức tạp. Chẳng hạn Lc 4,22a cho biết: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”, câu này không có ý rẻ rúng lời Đức Giê-su. Trong Tin Mừng Lu-ca chỉ có một câu hỏi dẫn đến sự khước từ Đức Giê-su: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” (Lc 4,22b), trong khi Tin Mừng Mác-cô thuật lại bốn câu hỏi (Mc 6,2b-3) và Tin Mừng Mát-thêu kể năm câu hỏi (Mt 13,54b-56) liên quan đến sự khôn ngoan trong lời giảng dạy và gốc tích trần thế của Đức Giê-su.

 

Tiếp theo câu nói của Đức Giê-su ở Lc 4,24: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”, Đức Giê-su còn minh họa bằng hai câu chuyện ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa (Lc 4,25-27) để tố cáo họ. Vì thế, trình thuật kết thúc trong xung đột cao độ: “Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực” (Lc 4,29b). “Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,30). Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu không có những chi tiết của Lc 4,25-30.

 

   3. Ga 4,44 và Tin Mừng Nhất Lãm

 

Trích dẫn bốn sách Tin Mừng trên đây cho thấy có một truyền thống bản văn về việc Đức Giê-su bị khước từ tại quê nhà. Người dùng câu tục ngữ nói về ngôn sứ không được đón tiếp tại quê nhà để áp dụng cho Người. So sánh dưới đây cho thấy phần mở đầu lời nói của Đức Giê-su và nội dung câu tục ngữ có những chi tiết khác nhau và được đặt trong bối cảnh văn chương khác nhau:

 

+ Mc 6,4: “Đức Giê-su nói (elegen) với họ rằng: ‘Ngôn sứ không bị rẻ rúng (atimos) ngoại trừ nơi quê hương mình, nơi những người thân thuộc và trong gia đình mình.’” Câu chuyện đặt sau trình thuật “Đức Giê-su chữa lành người đàn bà bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại” (Mc 5,21-43).

 

+ Mt 13,57b: “Đức Giê-su bảo (eipen) họ: ‘Ngôn sứ không bị rẻ rúng (atimos) ngoại trừ nơi quê hương và trong gia đình mình’” (dịch sát theo Hy lạp). Trình thuật này đặt sau bài giảng bằng các dụ ngôn (Mt 13,1-52).

 

+ Lc 4,24: “Người [Đức Giê-su] nói tiếp: ‘Tôi bảo thật (amên legô) các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận (dektos) tại quê hương mình.” Bối cảnh câu này nằm trong bài giảng tại quê nhà, một phần của trình thuật mở đầu sứ vụ công khai của Đức Giê-su (Lc 4,14-22).

 

+ Ga 4,44: “Chính Đức Giê-su đã làm chứng (emarturêsen) rằng: ‘Ngôn sứ không có thế giá (timê) tại quê hương mình.’” Lời nói của Đức Giê-su đặt sau trình thuật Đức Giê-su gặp gỡ những người Sa-ma-ri và xem ra không ăn khớp với mạch văn, bởi vì câu tiếp theo cho biết: “Vậy khi Người đến Ga-li-lê, những người Ga-li-lê đón tiếp Người”(4,45a).

 

Để hiểu ý nghĩa Ga 4,44 cần quan sát tình trạng của câu này trong mạch văn và thử giải thích Ga 4,44  trong bối cảnh toàn bộ sách Tin Mừng Gio-an.

 

II. Tìm hiểu Ga 4,44 trong bối cảnh Tin Mừng Gio-an

 

Để tìm hiểu Ga 4,44, phần sau sẽ trình bày ba mục: (1) Tình trạng bản văn Ga 4,44. (2) Đức Giê-su bị khước từ ở Giu-đê hay ở Ga-li-lê? (3) Đức Giê-su đến nhà mình, nhưng người nhà không đón nhận (Ga 1,11).

 

   1. Tình trạng bản văn Ga 4,44

 

Trong câu mở đầu, Tin Mừng Gio-an (Ga 4,44) dùng động từ “martureô” (làm chứng), trong khi Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 6,4; Mt 13,57b; Lc 4,24) dùng động từ “legô” (nói bảo).

 

Trong câu tục ngữ, Tin Mừng Gio-an dùng danh từ “timê” (thế giá, giá trị) với động từ “có” ở thể phủ định: “Ngôn sứ không có thế giá (timên) tại quê hương mình” (Ga 4,44). Trong khi Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu dùng tính từ “atimos” (không kính trọng, rẻ rúng) với động từ “eimi” (là) ở thể phủ định: “Ngôn sứ không bị rẻ rúng ngoại trừ nơi quê hương mình…” (Mc 6,4 // Mt 13,57). Riêng Tin Mừng Lu-ca lại dùng tính từ “dektos” (chấp nhận, đón tiếp) với động từ “eimi” (là) ở thể phủ định và kèm theo chỉ định từ nhấn mạnh “oudeis” (không một ai): “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24).

 

Giải thích ý nghĩa Ga 4,44 là không đơn giản vì câu này xem ra không ăn khớp với câu trước (4,43) và câu (4,45) sau nó. Urban C. VON WAHLDE viết: “Câu này [Ga 4,44] là một trong những vấn đề nan giải hiển nhiên trong Tin Mừng [Gio-an] (This verse is one of the notorious cruxes of the Gospel)” (VON WAHLDE, Urban C., The Gospel of John and Letters of John, volume 2, Commentary on the Gospel of John, (Ederdmans Critical Commentary), Grand Rapids (MI) / Cambridge, U.K, W. B. Eerdmans Publishing Company, 2010, p. 202).

 

Trong tình trạng hiện nay, đoạn văn Ga 4,43-45 là phần chuyển tiếp từ trình thuật Đức Giê-su gặp gỡ những người Sa-ma-ri (4,1-43) sang trình thuật Đức Giê-su chữa lành con trai của một quan chức nhà vua (4,46-54). Tuy nhiên, có hai chi tiết cho thấy cách hành văn câu 44 không ở trong mạch văn của các câu 43 và 45.

 

(1) Câu 43 và 45 dùng đại từ ngôi thứ ba “Người” để nói về Đức Giê-su. Trong khi câu 44 nói rõ tên gọi “Đức Giê-su” với đại từ nhấn mạnh: “Chính Đức Giê-su (autos gar Iêsous) đã làm chứng rằng:...” làm cắt ngang mạch văn.

 

(2) Cuối câu 43 cho biết “Người ra khỏi nơi đó đi Ga-li-lê” (4,43b), ý này được nhắc lại đầu câu 45: “Vậy khi Người đến Ga-li-lê, những người Ga-li-lê đón tiếp Người” (4,45a). Như vậy, 4,45 tiếp nối tự nhiên với 4,43 hơn là 4,44. Đồng thời phần nhắc lại ở 4,45 “Vậy khi Người đến Ga-li-lê” cho thấy câu 44 đã được chèn vào sau.

 

Dựa vào tình trạng bản văn Ga 4,44 như trên, một số tác giả cho rằng, câu 44 được thêm vào sau làm cắt ngang mạch văn, câu thêm vào này (4,44) nhằm nối kết với truyền thống Nhất Lãm về việc Đức Giê-su không được tiếp đón tại quê hương mình. Câu hỏi đặt ra là có thể hiểu Ga 4,44 như thế nào trong mạch văn của toàn bộ sách Tin Mừng Gio-an.

 

   2. Đức Giê-su bị khước từ ở Ga-li-lê hay Giu-đê?

 

Theo truyền thống Nhất Lãm, Đức Giê-su bị khước từ tại quê hương của người ở Na-da-rét, miền Ga-li-lê; điều này chỉ được nói một cách gián tiếp ở Ga 4,44. Ngược lại Tin Mừng Gio-an nói rõ là Đức Giê-su bị khước từ ở Giu-đê.

 

      a) Đức Giê-su bị khước từ ở Na-da-rét miền Ga-li-lê

 

Tin Mừng Nhất Lãm xác định quê hương trần thế của Đức Giê-su ở Na-da-rét. Tin Mừng Gio-an cũng xác định Đức Giê-su là người Na-da-rét. Phi-líp-phê nói với Na-tha-na-en ở Ga 1,45: “Đấng mà Mô-sê trong sách Luật và các ngôn sứ đã viết, chúng tôi đã gặp, đó là Đức Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” (Xem Ga 7,41.52). Tin Mừng Nhất Lãm áp dụng từ “quê hương” (patris) trong câu tục ngữ (Mc 6,4 // Mt 13,57; Lc 4,24) vào bối cảnh Đức Giê-su giảng dạy trong hội đường ở quê nhà. Nghĩa là theo truyền thống Nhất Lãm, Đức Giê-su không được đón nhận tại quê nhà, thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Tuy nhiên, đề tài “Đức Giê-su bị khước từ nơi quê nhà” chỉ được thuật lại trong Tin Mừng Gio-an ngắn gọn trong một câu: “Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình” (Ga 4,44) và trong câu tiếp theo cho biết: “Những người Ga-li-lê đón tiếp Người” (Ga 4,45b). Vì thế, cần tìm hiểu xem trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su không có thế giá ở đâu? Ở Ga-li-lê hay ở Giu-đê?

 

      b) Đức Giê-su bị khước từ ở Giu-đê

 

Trong Ga 4, người thuật chuyện cho biết lý do khiến Đức Giê-su rời Giu-đê để về Ga-li-lê ở 4,1-3: “1 Vậy khi Đức Giê-su biết những người Pha-ri-sêu nghe rằng: Đức Giê-su thâu nạp nhiều môn đệ và làm phép rửa nhiều hơn Gio-an 2 – thực ra, chính Đức Giê-su không làm phép rửa, nhưng là các môn đệ của Người –, 3 Người rời bỏ Giu-đê và lại đi đến Ga-li-lê.” Như thế, để tránh sự thù địch của những người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su lánh về Ga-li-lê. Ở 7,1, người thuật chuyện cho biết: “Sau những điều đó, Đức Giê-su đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì những người Do Thái tìm Người để giết” (7,1). Những trích dẫn trên cho thấy những người Pha-ri-sêu và những người Do Thái ở Giu-đê bách hại Đức Giê-su và tìm giết Người.

 

Đặc biệt theo Ga 11,7-8.15-16, Đức Giê-su và các môn đệ đi về Giu-đê là đi vào chỗ chết. Thực vậy, sau khi Đức Giê-su nghe tin La-da-rô bị bệnh, Người còn ở lại nơi Người đang ở hai ngày (11,6), người thuật chuyện kể ở 11,7-8: “7 Sau điều đó, Người nói với các môn đệ: ‘Chúng ta cùng trở lại Giu-đê.’ 8 Các môn đệ nói với Người: ‘Thưa Ráp-bi, mới đây những người Do Thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại đi đến đó sao?’” Đến 11,15, Đức Giê-su quyết định đi đến với La-da-rô ở Giu-đê. Người nói với các môn đệ: “Thầy mừng cho anh em, để anh em tin, Thầy đã không có mặt ở đó. Nhưng chúng ta cùng đi đến với anh ấy” (11,15). Khi nghe câu nói này, “Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các đồng môn: ‘Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để chết với Thầy’” (11,16). Câu nói của Tô-ma cho thấy rằng ở Giu-đê, không chỉ Đức Giê-su có thể bị giết chết mà tính mạng của các môn đệ cũng bị lâm nguy. Tóm lại, theo thần học Tin Mừng Gio-an, Giu-đê là nơi Đức Giê-su bị khước từ, bị chống đối; Người không được đón nhận ở Giu-đê chứ không phải ở Ga-li-lê.

 

Trong viễn cảnh này, Giê-ru-sa-lem miền Giu-đê là quê hương của Đức Giê-su vì Người gọi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là “nhà Cha của Người”. Người nói với những kẻ bán bồ câu ở 2,16: “Đem những thứ này ra khỏi đây, đừng làm nhà Cha của Tôi thành nhà buôn bán” (2,16). Như vậy, nếu hiểu Giu-đê là nơi Đức Giê-su bị khước từ, thì Ga 4,44 có ý nghĩa trong bối cảnh chương 4. Đức Giê-su rời bỏ Giu-đê để tránh sự thù nghịch của những người Pha-ri-sêu (4,1-3), vì Người không được tiếp đón ở Giu-đê quê hương của Người (4,44) và khi Đức Giê-su đến Ga-li-lê thì “Những người Ga-li-lê đón tiếp Người” (Ga 4,45b).

 

Tuy nhiên, Tin Mừng Gio-an cũng nói đến sự khước từ của những người Ga-li-lê ở Ga 6 (sẽ được trình bày trong mục sau). Vì thế có thể hiểu sự khước từ Đức Giê-su theo nghĩa rộng hơn theo nghĩa trong lời tựa sách Tin Mừng: “Người đã đến nhà mình, và những kẻ thuộc về Người đã không đón nhận Người” (Ga 1,11).

 

   3. Đức Giê-su đến nhà mình, nhưng người nhà không đón nhận (Ga 1,11)

 

Những trích dẫn trên cho thấy, theo Tin Mừng Gio-an, Giê-ru-sa-lem là nơi Đức Giê-su bị chống đối, tuy nhiên Giê-ru-sa-lem cũng là nơi đón nhận Đức Giê-su. Chẳng hạn Ni-cô-đê-mô là người có thiện cảm với Đức Giê-su và đã đến gặp Người ban đêm (3,1-12). Anh mù từ thuở mới sinh được chữa lành và anh ta đã tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su (9,38). Ở Ga 11, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su sau khi chứng kiến Đức Giê-su thực hiện dấu lạ gọi La-da-rô ra khỏi mồ. Người thuật chuyện kể: “Nhiều người trong những người Do Thái – những người đến với Ma-ri-a – thấy những gì Người làm, đã tin vào Người” (11,45). Sự thành công của Đức Giê-su khiến cho các thượng tế đi đến “10 Quyết định giết cả La-da-rô, 11 vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ đi và tin vào Đức Giê-su” (11,10-11). Cuối sứ vụ công khai, có nhiều người đi theo Đức Giê-su đến nỗi người Pha-ri-sêu nói với nhau ở 12,19: “Kìa xem, cả thế gian đi theo Ông ấy.”

 

Ngược lại không phải lúc nào Đức Giê-su cũng được tiếp đón ở Ga-li-lê. Trong Ga 6, Người nói với đám đông đã chứng kiến dấu lạ bánh hóa nhiều ở bên kia biển hồ Ga-li-lê: “Nhưng Tôi đã nói với các ông: ‘Các ông đã thấy [Tôi] mà các ông không tin’” (6,36). Sau đó, có những người xầm xì về nguồn gốc của Đức Giê-su ở 6,41-42: “41 Những người Do Thái liền xầm xì vì Người đã nói rằng: ‘Chính Tôi là bánh xuống từ trời.’ 42 Họ nói: ‘Ông ta chẳng phải là Giê-su, con ông Giu-se, mà chúng ta biết cha và mẹ Ông ấy sao? Sao bây giờ Ông ta lại nói: ‘Tôi từ trời xuống’?”

 

Tóm lại, trong Tin Mừng Gio-an, có người tin vào Đức Giê-su và cũng có những người khước từ, ở cả Giu-đê lẫn Ga-li-lê. Tuy nhiên, phần kết luận sứ vụ công khai của Đức Giê-su vẫn nghiêng về sự khước từ Đức Giê-su. Người thuật chuyện tóm kết sứ vụ của Đức Giê-su ở 12,37: “Người [Đức Giê-su] đã làm quá nhiều dấu lạ trước mặt họ, họ không tin vào Người.” Vì thế, câu nói: “Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình” (Ga 4,44b) có thể hiểu trong viễn cảnh lời tựa sách Tin Mừng nói về sự khước từ của những người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem cũng như ở Ga-li-lê. Ga 1,11 viết: “Người đã đến nhà mình, và những kẻ thuộc về Người đã không đón nhận Người.”

 

“Nhà của người” (1,11a) là quê hương của Đức Giê-su bao gồm dân Giu-đê và dân Ga-li-lê. Tuy nhiên, sự khước từ Đức Giê-su trong Tin Mừng Gio-an tập trung vào giới lãnh đạo Do Thái, cụ thể là những người Pha-ri-sêu, những người Do Thái và các thượng tế, những nhóm này chống đối và tìm giết Đức Giê-su trong suốt Tin Mừng Gio-an.

 

Cách hiểu này không giải thích thỏa đáng vấn đề tương quan giữa câu 44 và 45, nhưng cho thấy câu nói “ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình” (Ga 4,44b) có thể được hiểu nhiều cách trong Tin Mừng Gio-an.

 

III. Kết Luận

 

Bối cảnh đoạn văn Ga 4,43-35 làm cho câu nói của Đức Giê-su ở 4,44b trở nên khó hiểu và khó giải thích. Những phân tích trên đề nghị ba cách hiểu câu 44:

 

1) Ga 4,44 được tác giả chèn vào sau làm cắt ngang mạch văn giữa 4,43 và 4,45. Việc chèn vào này có mục đích gợi lại truyền thống Nhất Lãm về sự kiện Đức Giê-su không được đón nhận tại quê hương của Người (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14-39).

 

2) Nếu hiểu quê hương của Đức Giê-su ở Giu-đê thì mạch văn 4,43-45 trở nên dễ hiểu hơn, nhưng cần hiểu quê hương này theo nghĩa thần học. Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là “nhà Cha của Đức Giê-su” (2,19) và ở nơi đó, Người bị những người Pha-ri-sêu và những người Do Thái khước từ, họ chống đối và tìm cách giết Đức Giê-su.

 

3) Sự không tin và không đón nhận Đức Giê-su cũng xảy ra ở Ga-li-lê nữa, đặc biệt trong Ga 6. Vì thế, có thể hiểu “quê hương” của Đức Giê-su theo nghĩa rộng hơn. Đó là dân của Người, dân Do Thái. Sự khước từ này đã được báo trước trong lời tựa (1,11) và được nhắc lại trong phần kết của sứ vụ công khai của Đức Giê-su (12,37). Sự khước từ này có cơ sở trong toàn bộ sách Tin Mừng nhưng không giải thích thỏa đáng liên hệ giữa 4,44 và 4,45.

 

Bài viết trên cho thấy phần nào sự phức tạp của Ga 4,44 trong mạch văn 4,43-35. Ngay cả trong Tin Mừng Nhất Lãm, ba trình thuật (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14-39) được kể lại với những chi tiết khác nhau và đặt trong những bối cảnh văn chương khác nhau. Riêng Ga 4,44 có thể giải thích nhiều cách khác nhau. Vì thế, đối với một số đoạn văn, không nên đóng khung trong một cách hiểu duy nhất, đồng thời chấp nhận sự phức tạp trong tình trạng hiện tại của bản văn. Đối với độc giả, câu Đức Giê-su nói: “Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình” (Ga 4,44b) là lời nhắn nhủ người tin qua mọi thời đại: Đức Giê-su có thể bị khước từ ngay trong Hội Thánh của Người, ngay trong nhà của Người./.

114.864864865135.135135135250