22/09/2013 -

Tìm hiểu Kinh thánh

2911


Lm. Giuse Lê Minh Thông, O.P.


 

Ai “yêu mến Đức Giê-su” và “giữ các điều răn của Người” sẽ được Chúa Cha và Đức Giê-su yêu mến, đồng thời được “Chúa Cha”, “Đức Giê-su”, “Thánh Thần” đến và ở lại với người ấy.

 


 

 

Nội dung

 

I. Sự ở lại của Thánh Thần, Chúa Cha và Đức Giê-su

    nơi người yêu mến Đức Giê-su

     1. Sự ở lại của Đấng Pa-rác-lê,

         Thần Khí sự thật (14,15-17)

              a) Bản văn 14,15-17

              b) Phân tích

     2. Đức Giê-su và các môn đệ ở lại trong nhau (14,18-21)

              a) Bản văn 14,18-21

              b) Phân tích

     3. Đức Giê-su và Chúa Cha “ở lại” (14,21-24)

              a) Bản văn 14,22-24

              b) Phân tích

II. Yêu mến Đức Giê-su và tuân giữ các điều răn của Người

III. Kết luận




 

 

Trong đoạn văn Ga 14,15-24, Đức Giê-su cho các môn đệ biết rằng con người sẽ được Ba Đấng (Chúa Cha, Đức Giê-su và Thánh Thần) đến và ở lại nơi mình, với điều kiện người ấy “yêu mến Đức Giê-su” (14,15.21.23.24); “giữ các điều răn của Người” (14,15.21) và “giữ lời của Người” (14,23.24). Bài viết này sẽ phân tích đoạn văn 14,15-24 để hiểu lời mặc khải của Đức Giê-su về (I) sự hiện diện của Ba Đấng và về (II) tương quan giữa “yêu mến Đức Giê-su” và “giữ các điều răn của Người”.

 

I. Sự ở lại của Thánh Thần, Chúa Cha và Đức Giê-su nơi người yêu mến Đức Giê-su

 

Đoạn văn Ga 14,15-24 cấu trúc xoay quanh đề tài yêu mến Đức Giê-su và tuân giữ các điều răn của Người, qua ba tiểu đoạn và với những hiệu quả thiết thực như sau:

 


 

Đoạn văn 14,15-24 bao hàm nhiều đề tài phong phú, phần này chỉ giới hạn phân tích đề tài “ở lại” của ba Đấng: (1) Sự ở lại của Đấng Pa-rác-lê, Thần Khí sự thật, nơi các môn đệ (14,15-17). (2) Sự ở lại trong nhau giữa Đức Giê-su và các môn đệ (14,18-20). (3) Sự ở lại của Chúa Cha và Đức Giê-su nơi các môn đệ (14,21-24).

 

     1. Sự ở lại của Đấng Pa-rác-lê, Thần Khí sự thật (14,15-17)

 

          a) Bản văn Ga 14,15-17

 

Đức Giê-su nói với các môn đệ:

 

“15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy; 16 và chính Thầy sẽ can thiệp với Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Pa-rác-lê khác để Người ở với anh em mãi mãi. 17 Thần Khí sự thật Đấng thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy cũng chẳng biết Người. Còn anh em, anh em biết Người, vì Người ở lại giữa anh em và Người sẽ ở trong anh em.”

 

          b) Phân tích

 

“Đấng Pa-rác-lê” ở 14,16 là chuyển âm từ tiếng Hy-lạp: “paraklêtos” (xem bài viết: Đấng Pa-rác-lê là ai?). Chuyển âm chứ không dịch, bởi vì nếu dịch từ “paraklêtos” sang ngôn ngữ khác sẽ không diễn tả hết được các vai trò và hoạt động của Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thứ tư. Nhiều bản dịch đề nghị giữ nguyên ngữ từ (parakletos): “Paracletus” (VUL, 1983); “Le Paraclet” (TOB, 1998; BJ, 2000; OSTY, 1973), vì thế chúng tôi tạm phiên âm tiếng Việt: “Đấng Pa-rác-lê”. Trong Tin Mừng Gio-an Đấng này là “Thần Khí sự thật”, là “Thánh Thần”... Trong Tin Mừng thứ tư, vai trò và sứ vụ của Đấng Pa-rác-lê được trình bày trong năm đoạn văn (14,15-17; 14,25-26; 15,26-27; 16,7-11; 16,12-15) thuộc ba chương: Ga 14, 15, 16. Đề tài “ở lại” của Đấng Pa-rác-lê được nói đến trong đoạn văn thứ nhất (14,15-17).

 

Ga 14,15 nêu lên điều kiện để Đấng Pa-rác-lê đến, đó là “yêu mến Đức Giê-su” và “giữ các điều răn” (14,15). Đức Giê-su dùng thể điều kiện ở 14,15-16 để nói với các môn đệ: “15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy; 16 và chính Thầy sẽ can thiệp với Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Pa-rác-lê khác để Người ở với anh em mãi mãi” (14,15-16).

 

Tin Mừng thứ tư đề cao một trong các nhiệm vụ của Đấng Pa-rác-lê: “Ở lại nơi các môn đệ”. Đấng Pa-rác-lê là Đấng “ở với”, “ở giữa” và “ở trong” các môn đệ (14,16-17). Bản văn dùng ba giới từ: “với” (meta), “giữa” (para), “trong” (en) kèm theo động từ “eimi” (thì, là, ở) và động từ “menô” (ở lại) để trình bày đề tài “ở lại”. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,17: “Thần Khí sự thật là Đấng thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy, cũng chẳng biết Người; còn anh em, anh em biết Người, vì Người ở lại giữa anh em và Người sẽ ở trong anh em.”

 

Cách nói nhấn mạnh như trên cho thấy sự phong phú và quan trọng của đề tài “ở lại” của Đấng Pa-rác-lê nơi các môn đệ. Ở 14,16b, đặc điểm của sự “ở lại” này là “ở lại mãi mãi” như đã nói ở 14,16. Đây là sự ở lại của “Đấng Pa-rác-lê khác” tức là “Đấng Pa-rác-lê” sẽ được xác định ở 14,26. Đấng này là “Thần Khí sự thật”, “to pneuma tês alêtheias” (14,17), là “Thánh Thần”, “to pneuma to hagion” (14,26). Sau khi nói đến sự ở lại của Đấng Pa-rác-lê ở 14,16-17, Đức Giê-su nói đến sự ở lại của chính Người nơi các môn đệ trong tiểu đoạn 14,18-21.

 

2. Đức Giê-su và các môn đệ ở lại trong nhau (14,18-21)

 

     a) Bản văn Ga 14,18-21

 

Đức Giê-su nói với các môn đệ:

 

“18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến với anh em. 19 Một ít nữa, thế gian không còn thấy Thầy. Nhưng anh em, anh em thấy Thầy, vì chính Thầy sống và chính anh em sẽ sống. 20 Trong ngày đó, anh em sẽ biết rằng: Thầy trong Cha Thầy, anh em trong Thầy và Thầy trong anh em. 21 Ai có các điều răn của Thầy và giữ chúng, người ấy là người yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Chính Thầy sẽ yêu mến người ấy và Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

 

          b) Phân tích

 

Ngay sau đoạn văn nói về sự “ở lại” của Đấng Pa-rác-lê (14,15-17), Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (14,20a). Đọc thoáng qua, có thể hiểu là Đức Giê-su không để các môn đệ mồ côi vì Đấng Pa-rác-lê sẽ đến (14,16). Mạch văn không cho phép hiểu là Đấng Pa-rác-lê đến thay thế sự hiện diện của Đức Giê-su nơi các môn đệ, nghĩa là Đức Giê-su hiện diện qua Đấng Pa-rác-lê. Cách hiểu này không có trong bản văn và xa lạ với bối cảnh văn chương Ga 14–16. Thực ra, Đức Giê-su xác định rõ ở 14,16b: “Thầy đến với anh em”. Chính Đức Giê-su sẽ trở lại với các môn đệ. Cấu trúc đoạn văn trên đây cho biết tiểu đoạn thứ nhất (14,15-17) nói về sự ở lại của Đấng Pa-rác-lê nơi các môn đệ, còn tiểu đoạn thứ hai (14,18-21) nói về sự ở lại của Đức Giê-su trong các môn đệ. Sự ở lại này diễn tả qua ba bước: (1) “Đến” (erkhomai), (2) “Thấy” (theôreô) và (3) “Ở trong” (en).

 

(1) Bước thứ nhất diễn tả bằng động từ “đến”. Người nói với các môn đệ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến với anh em” (14,18). Ý tưởng “mồ côi” và “đến” hàm ẩn Đức Giê-su sẽ “ra đi” như Người đã nói ở 14,12: “Thầy đi về với Cha.” Biến cố Thương Khó sắp xảy ra là biến cố Đức Giê-su đi về với Cha của Người. Đức Giê-su ra đi và các môn đệ sẽ rơi vào khủng hoảng như Người báo trước: “Này đến giờ – và đã đến rồi – anh em sẽ bị phân tán mỗi người về nhà mình và bỏ lại Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình, vì Cha ở với Thầy” (16,31). Trong các ch. 13–17, ý tưởng “ra đi” sau đó lại “đến” ám chỉ giờ của Đức Giê-su, giờ này được thực hiện trong biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Đức Giê-su sẽ ra đi về với Cha trong sự chết của Người, và Người sẽ lại đến với các môn đệ sau khi Phục Sinh.

 

Thực vậy, sau biến cố Phục Sinh, Đức Giê-su đến gặp các môn đệ. Người thuật chuyện kể ở 20,19-20: “19 Chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ những người Do-thái, Đức Giê-su đến, Người đứng giữa các ông và nói với các ông: ‘Bình an cho anh em.’ 20 Nói xong điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn của Người. Các môn đệ vui mừng thấy Chúa.”

 

Trong thực tế, việc các môn đệ thấy lại Đức Giê-su sau Phục Sinh chỉ kéo dài một thời gian ngắn và Tin Mừng đã đề cao cái phúc của những người không thấy mà tin vào Đức Giê-su khi Người đã nói với Tô-ma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những người không thấy mà là những người tin” (20,29). Vì thế, đề tài Đức Giê-su “lại đến” với các môn đệ, “lại thấy” họ, không chỉ giới hạn trong việc “đến” và “thấy” thể lý, mà còn có ý nghĩa tâm linh, diễn tả sự hiện diện và hiệp thông giữa Đức Giê-su và các môn đệ, nghĩa là Đức Giê-su sẽ “ở lại” mãi mãi nơi các môn đệ. Phân tích sau đây về các đề tài “thấy” và “ở trong” sẽ xác nhận sự hiện diện tâm linh của Đức Giê-su nơi các môn đệ.

 

(2) Bước thứ hai (14,19) diễn tả sự gặp gỡ giữa Đức Giê-su và các môn đệ qua động từ “thấy” (theôreô). Người nói với các môn đệ: “Một ít nữa, thế gian không còn thấy Thầy. Nhưng anh em, anh em thấy Thầy, vì chính Thầy sống và chính anh em sẽ sống” (14,19). Trong Tin Mừng Gio-an, động từ “theôreô” (thấy) vừa mô tả “thấy” thần học (thấy với con mắt đức tin), vừa mô tả hành động “thấy” thể lý. Đức Giê-su nói về “thấy” hàm ẩn lòng tin ở 6,40: “Thật vậy, đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai thấy (theôrôn) Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời.” Trong câu 14,19, động từ “thấy” nối kết với động từ “đến” ở câu trước (14,18). Hai động từ này có hai chủ từ khác nhau: Về phía Đức Giê-su, Người “đến” với các môn đệ; về phía các môn đệ, họ “thấy” Đức Giê-su. Các động từ “đến” và “thấy” này có nghĩa thần học; nghĩa là diễn tả sự hiệp thông và sự hiện diện tâm linh của Đức Giê-su nơi các môn đệ.

 

Thực vậy, việc “thấy lại Đức Giê-su” sẽ làm nảy sinh “niềm vui không ai lấy mất được”, như Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 16,22: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ lại thấy anh em, và lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” Đây là niềm vui kéo dài và bền bỉ qua dòng thời gian. Hơn nữa, hành động “thấy” đích thực còn đem lại sự sống, như Đức Giê-su khẳng định ở 14,19b: “Nhưng anh em, anh em thấy Thầy, vì chính Thầy sống và chính anh em sẽ sống.” Câu này nói đến sự sống của Đức Giê-su (chính Thầy sống) và sự sống của các môn đệ (chính anh em sẽ sống). Như thế, “thấy lại nhau” ở 14,19 là bằng chứng của “sự sống”.

 

Vậy, “niềm vui không ai lấy mất được nơi các môn đệ” (16,22) và “sự sống nơi các môn đệ” (14,19) là kết quả của việc “thấy” Đức Giê-su. Điều quan trọng bản văn nhắm tới là sự hiện diện tâm linh của Đức Giê-su trong sự vắng mặt thể lý của Người. Câu hỏi đặt ra cho các môn đệ sau biến cố Phục Sinh và cho độc giả là liệu người tin có nhận ra và xác tín sự hiện diện của Đức Giê-su hay không? Vấn đề là  người tin có khả năng “thấy Đức Giê-su” bằng con mắt đức tin để đón nhận “niềm vui không ai lấy mất được” (16,22) và “sự sống” (14,19) mà Đấng Phục Sinh ban tặng hay không? Cách hiểu này sẽ được soi sáng trong bước thứ ba, trình bày tương quan giữa Đức Giê-su và các môn đệ qua đề tài “ở lại trong nhau”.

 

(3) Bước thứ ba diễn tả tương quan hiệp thông giữa Đức Giê-su và các môn đệ ở 14,20. Người nói: “Trong ngày đó, anh em sẽ biết rằng: Thầy trong Cha của Thầy (egô en tô patri mou), anh em trong Thầy (kai humeis en emoi) và Thầy trong anh em (kagô en humin)” (14,20).

 

Kiểu nói: “Trong ngày đó” (14,20; x. 16,23.26) ám chỉ thời gian sau biến cố “Giờ của Đức Giê-su”. Vào thời điểm trước biến cố Thương Khó, cụm từ: “Trong ngày đó” chỉ về tương lai. Nhưng đối với độc giả Tin Mừng sau biến cố Thương Khó – Phục Sinh thì “trong ngày đó” đã được thực hiện. Họ đang sống lời Đức Giê-su hứa, đó là “Đức Giê-su trong Chúa Cha, các môn đệ trong Đức Giê-su và Đức Giê-su trong các môn đệ”. Như thế, với lời hứa “trong ngày đó”, biến cố Thương Khó – Phục Sinh đã mở ra một kỷ nguyên mới. Người tin qua mọi thời đại đang sống trong sự hiệp thông sâu xa với Đức Giê-su và với Chúa Cha. Đó là sự ở lại trong nhau giữa: “Chúa Cha - Đức Giê-su - môn đệ”.

 

Trong viễn cảnh này, lời Đức Giê-su khẳng định ở 14,20b: “Anh em trong Thầy và Thầy trong anh em”, là lời nhắn gửi độc giả qua mọi thời đại. Lời này mang chiều kích thần học quan trọng, bởi vì “sự ở lại trong nhau” (l’inhabitation réciproque) giữa Đức Giê-su và các môn đệ được diễn tả cùng một cách thức như “sự ở lại trong nhau” giữa Đức Giê-su và Cha của Người. Đức Giê-su khẳng định nhiều lần ý tưởng này khi nói: “Thầy trong Cha và Cha trong Thầy” (14,10.11), cf. 10,38; 17,21. Đức Giê-su mặc khải điều này hai lần ở 14,10.11, trước khi áp dụng vào tương quan giữa Đức Giê-su và các môn đệ ở 14,20b: “Anh em trong Thầy và Thầy trong anh em.”

 

Sự ở lại trong nhau (l’inhabitation réciproque) giữa Đức Giê-su và Chúa Cha, giữa Đức Giê-su và các môn đệ được diễn tả bằng giới từ “en” (trong) và không dùng động từ. Kiểu nói này vừa nói lên sự hiệp thông giữa Đức Giê-su và Chúa Cha; sự hiệp thông giữa Đức Giê-su và các môn đệ theo cả hai chiều: Các môn đệ trong Đức Giê-su và Đức Giê-su trong các môn đệ (x. 14,20). Cấu trúc câu không dùng động từ, có nghĩa mạnh và đề cao sự “ở lại trong nhau” như là một chân lý vượt ra ngoài, vượt lên trên không gian và thời gian (không có động từ để diễn tả  yếu tố thời gian: Quá khứ, hiện tại, tương lai). Như thế, thực tại “các môn đệ trong Đức Giê-su” và “Đức Giê-su trong các môn đệ” luôn có giá trị. Nói cách khác, Đức Giê-su và các môn đệ mãi mãi “ở trong nhau”.

 

Tóm lại, lời Đức Giê-su ở 14,20b: “Anh em trong Thầy và Thầy trong anh em” là một khẳng định Ki-tô học quan trọng về tương quan: “Đức Giê-su - môn đệ”. Sự “ở lại trong nhau” trong cả hai chiều này không thể hiểu theo nghĩa vật lý, bởi vì nếu A ở trong B thì B ở ngoài A, chứ B không thể trong A được. Thực ra, lời của Đức Giê-su nhằm diễn tả tương quan nhân vị, diễn tả sự hiện diện tâm linh giữa những người yêu thương nhau, diễn tả sự hiệp thông trọn vẹn giữa Đức Giê-su và các môn đệ của Người. Từ nay, các môn đệ mọi nơi, mọi thời luôn luôn có sự hiện diện của Đấng Phục Sinh ở với mình. Đề tài “ở lại” còn được triển khai cách mạnh mẽ hơn ở 14,23, vì không chỉ Đấng Pa-rác-lê (14,16-17) và Đức Giê-su (14,20) mà cả Chúa Cha đến, hiện diện và ở lại với các môn đệ.

 

3. Đức Giê-su và Chúa Cha “ở lại” (14,21-24)

 

          a) Bản văn Ga 14,21-24

 

“22 Giu-đa, không phải Ít-ca-ri-ốt, nói với Người: ‘Thưa Thầy, tại sao lại xảy ra là Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con mà không cho thế gian?’ 23 Đức Giê-su trả lời và nói với ông ấy: ‘Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời của Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Tôi sẽ đến với người ấy và sẽ làm chỗ ở nơi người ấy. 24 Ai không yêu mến Thầy thì không giữ những lời của Thầy; và lời mà anh em nghe không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy.’”

 

          b) Phân tích

 

Sự ở lại của “Chúng Tôi” (Chúa Cha và Đức Giê-su) nơi người yêu mến Đức Giê-su (14,23c) được nhấn mạnh bằng cụm từ “đến với” và “làm chỗ ở”. Đức Giê-su khẳng định rằng: “Chúng Tôi sẽ đến với người ấy” và “sẽ làm chỗ ở nơi người ấy” (14,23c). Kiểu nói: “Làm chỗ ở nơi…” có nghĩa: “Làm chỗ để ở”, “làm chỗ ở để sống với”. Như thế, “người yêu mến Đức Giê-su” sẽ được Chúa Cha và Đức Giê-su “đến với”, “ở với” và “sống với” người ấy. Sự “hiện diện” và “ở lại” của hai Đấng như trên là do tình yêu mà hai Đấng dành cho người yêu mến Đức Giê-su (14,21.23).

 

Trong cụm từ: “Sẽ làm chỗ ở nơi người ấy” (14,23c), bản văn dùng danh từ “monê” (chỗ ở, nơi ở). Trong toàn bộ Tân Ước, danh từ “monê” chỉ xuất hiện 2 lần trong Ga 14 (14,2.23), nên hai lần này có thể liên hệ với nhau. Ở 14,2-3, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “2 Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở (monai); nếu không, Thầy đã chẳng nói với anh em là ‘Thầy đi dọn chỗ cho anh em’. 3 Và nếu Thầy đi và dọn chỗ cho anh em, Thầy lại đến và đem anh em theo với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (14,2-3).

 

Nếu tách 14,2-3 ra khỏi bối cảnh ch. 14, người ta có thể nghĩ: Đức Giê-su đi về với Cha để chuẩn bị chỗ ở cho các môn đệ trong nhà Cha; và sau khi chết các môn đệ sẽ về ở trong nhà Cha. Cách hiểu này không phù hợp với mạch văn ch. 14; vì ở 14,23c nói đến hướng ngược lại: Chính “Chúa Cha và Đức Giê-su” sẽ đến và làm chỗ ở, làm nhà để ở nơi “người yêu mến Đức Giê-su”, là những người đang sống trong trần gian này. Như thế, ngay bây giờ, ngay trong cuộc sống trần gian, “người yêu mến Đức Giê-su” đã ở với Chúa Cha và với Đức Giê-su rồi, không cần chờ lúc chết mới đi về với Chúa Cha.

 

Mạch văn ch. 14 cho phép nối kết 2 lần danh từ “monê” (chỗ ở) xuất hiện ở 14,2.23 lại với nhau. Câu Đức Giê-su nói ở 14,3b: “Thầy lại đến và đem anh em theo với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” Câu này không chỉ áp dụng khi các môn đệ chết, mà còn áp dụng cho thời kỳ sau biến cố Phục Sinh. Trong Tin Mừng thứ tư, biến cố Vượt Qua được trình bày qua hai giai đoạn nối tiếp nhau: “Đức Giê-su đi về với Cha” (biến cố Thương Khó) và “Người lại đến với các môn đệ” (biến cố Phục Sinh). Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,28a: “Anh em đã nghe chính Thầy đã nói với anh em: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em.’” Ở 14,18 Đức Giê-su báo trước việc Người trở lại: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến với anh em.” Người sẽ gặp lại các môn đệ sau khi Người Phục Sinh. Đồng thời hàm ẩn rằng, sau biến cố Phục Sinh, Đức Giê-su đến với và hiện diện nơi các môn đệ qua mọi thế hệ.

 

Trong viễn cảnh này, lời Đức Giê-su khẳng định ở 14,2: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” cần hiểu chung với lời Đức Giê-su nói ở 14,23b: “Chúng Tôi [Chúa Cha và Đức Giê-su] sẽ đến với người ấy và sẽ làm chỗ ở nơi người ấy.” Trong hai câu trên, “nhiều chỗ ở” trong nhà Cha (14,2) song song với “làm chỗ ở” nơi các môn đệ (14,23). Cả hai nơi (14,2.23) đều dùng từ “monê” (chỗ ở) với bổ ngữ khác nhau: “Chỗ ở trong nhà Cha” và “chỗ ở nơi ai yêu mến Đức Giê-su trong trần gian”. Song song giữa 14,2 và 14,23 như trên, cùng với nội dung đoạn văn 14,18-20 cho phép hiểu: Lời Đức Giê-su hứa ở 14,3b: “Thầy lại đến và đem anh em theo với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó sẽ được thực hiện sau khi Người Phục Sinh, chứ không phải chờ đến khi các môn đệ chết.

 

Cách hiểu này cho phép nối kết với điều Đức Giê-su nói với đám đông ở 12,32: “Phần Tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.” Với biến cố Đức Giê-su được giương cao, được tôn giương và tôn vinh, tất cả các môn đệ đã được ở với Người trong nhà Cha của Người (14,2-3). Đồng thời, chính Chúa Cha và Đức Giê-su đến với các môn đệ và làm chỗ ở nơi các môn đệ trong thế gian này (14,23). Đề tài “chỗ ở” trong ch. 14 được trình bày cách lạ lùng: Vừa là chỗ ở trong nhà Cha, vừa là chỗ ở nơi các môn đệ. Cách trình bày trên diễn tả sự hiệp thông trọn vẹn, và sự ở lại trong nhau giữa “Chúa Cha – Đức Giê-su – các môn đệ” ngay sau biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Mặc khải này là sự động viên và khích lệ lớn lao cho các môn đệ.

 

II. Yêu mến Đức Giê-su và tuân giữ các điều răn của Người

 

Trong đoạn văn 14,21-24, đề tài “ở lại” không thể tách rời với hai động từ “yêu mến” (agapaô) và “giữ” (têreô). Điều Đức Giê-su nói ở 14,21a: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy là người yêu mến Thầy”, nhắc lại điều Đức Giê-su đã nói ở 14,15: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.”

 

Yếu tố mới trong đoạn văn 14,22-24 so với phần trước đó (14,15-21) là “tình yêu của Cha” và “sự ở lại của Đức Giê-su và Chúa Cha” nơi những ai yêu mến Đức Giê-su và giữ các điều răn của Người. Để thấy liên hệ giữa: “yêu mến”, “giữ các điều răn”, “giữ lời” và “ở lại”, phần sau sẽ trình bày các yếu tố song song trong bốn câu: 14,15.21.23.24, qua hai bảng: Bảng 1, cho thấy liên hệ giữa “yêu mến” và “giữ các điều răn” (14,15 // 14,21); bảng 2, trình bày tương quan giữa “yêu mến” và “giữ lời” (14,23 // 14,24).

 


 

Hai câu song song Ga 14,15 // 14,21 cho thấy tương quan giữa (1) Yêu mến – giữ các điều răn(2) Giữ các điều răn – yêu mến, theo cấu trúc đồng tâm (A, B, B’, A’). Trong đó, A song song với A’, nói về “yêu mến Đức Giê-su”; B song song với B’, nói về “giữ các điều răn của Đức Giê-su”. Yếu tố C (14,21c) ở cuối cho biết hiệu quả của việc yêu mến và tuân giữ: Được Chúa Cha và Đức Giê-su yêu mến và được Đức Giê-su tỏ mình ra cho. Bảng 2 sau đây sẽ trình bày tương quan giữa “yêu mến” và “giữ lời” ở 14,23-24.

 


 

Tương quan giữa “yêu mến” và “giữ lời” trong hai câu song song (Ga14,23.24)được trình bày theo cấu trúc song song (A, B, C, A’, B’). Trong đó các yếu tố song song tương phản với nhau. Yếu tố A: “Yêu mến Đức Giê-su” tương phản với A’: “Không yêu mến Đức Giê-su”. Yếu tố B: “Giữ lời Đức Giê-su”, tương phản với B’: “Không giữ lời Đức Giê-su.” Yếu tố trọng tâm C (14,23c) lặp lại ý tưởng “được Chúa Cha yêu mến” đã nói ở 14,21c. Ý tưởng mới là mặc khải về sự ở lại của Chúa Cha và Đức Giê-su.

 

Trong ch. 14, động từ “agapaô” (yêu mến) xuất hiện 10 lần (14,15.21a.21b.21c.21d.23a.23b.24.28.31) và tập trung vào đoạn văn: 14,15-31 (nửa cuối ch. 14). Trong bốn câu (14,15.21.23.24) xuất hiện 8 lần động từ “agapaô” (yêu mến). Trong đó, 5 lần nói đến tình yêu dành cho Đức Giê-su: “Yêu mến Thầy” (14,15a.21b.21c.23a.24a); 2 lần nói đến tình yêu của Chúa Cha dành cho người yêu mến Đức Giê-su (14,21c.23c); và 1 lần nói đến tình yêu của Đức Giê-su dành cho ai yêu mến Người (14,21c).

 

Hai bảng trên làm rõ liên hệ chặt chẽ giữa hai động từ “yêu mến” (agapaô) và “tuân giữ” (têreô). Ở 14,21a, việc “giữ các điều răn của Đức Giê-su” chứng tỏ “người ấy yêu mến Người” (14,21b). Trong khi, 14,15.23.24 trình bày theo hướng ngược lại: “Người yêu mến Đức Giê-su” (14,15a.23a) là “người giữ các điều răn của Người” (14,15b), “giữ lời (ton logon) của Người” (14,23b). Điều này được khẳng định dưới dạng phủ định ở 14,24: “Không yêu mến Đức Giê-su” thì “không giữ các lời (tous logous) của Người”.

 

Lối trình bày đảo ngược hai động từ “yêu mến” (agapaô) và “giữ” (têreô): “Yêu mến” thì “giữ” (14,15.23.24) và “giữ” thì “yêu mến” (14,21) làm cho hai động từ “yêu mến” (agapaô) và “giữ” (têreô) liên hệ chặt chẽ với nhau. Hai hành động này không thể tách rời nhau, và hoán chuyển được cho nhau. Nói cách khác, “yêu mến Đức Giê-su” đã hàm ẩn việc “giữ các điều răn” và “giữ lời của Người”. Ngược lại, việc “giữ các điều răn” và “giữ lời Đức Giê-su” đã hàm chứa tình yêu dành cho Người. Như thế, theo thần học Tin Mừng thứ tư, “giữ các điều răn” và “giữ lời” là do “yêu mến”. Đó là cách bày tỏ “tình yêu”, chứ không phải vì bắt buộc phải “giữ”. Trong hai câu 14,21.23, “yêu mến Đức Giê-su” là điều kiện để được thừa hưởng bốn điều:

- Được Đức Giê-su yêu mến (14,21c.23c).

- Được Chúa Cha yêu mến (14,21c.23c).

- Được Đức Giê-su tỏ mình ra (14,21c).

- Được Chúa Cha và Đức Giê-su đến và ở lại nơi mình (14,23c).

 

III. Kết luận

 

Tóm lại, sự “ở lại” của ba Đấng (Đấng Pa-rác-lê, Đức Giê-su và Chúa Cha) trình bày trong đoạn văn 14,15-24 là câu trả lời mạnh mẽ cho lời Đức Giê-su hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (14,18a). Không chỉ có Đức Giê-su đến với các môn đệ: “Thầy đến với anh em” (14,18b), mà Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật, và Chúa Cha cũng đến và ở lại với các môn đệ. Đề tài “ở lại” của Ba Đấng được trình bày cách phong phú và đa đạng:

 

(1) Đấng Pa-rác-lê ở lại trong các môn đệ mãi mãi (14,15-17). Sự “ở lại” này được nhấn mạnh qua cách dùng ba giới từ khác nhau: Đấng Pa-rác-lê “ở với” (metha), “ở giữa” (para) và “ở trong” (en) những ai yêu mến Đức Giê-su; và hai động từ: “ở” (eimi) và “ở lại” (menô). Bản văn xác định sự “ở lại” của Đấng Pa-rác-lê là “mãi mãi” (aiôn), không giới hạn về thời gian. Cách trình bày trên làm nổi bật tầm quan trọng của đề tài này.

 

(2) Sự “ở lại trong nhau” giữa Đức Giê-su và các môn đệ được diễn tả qua kiểu nói: “Anh em trong Thầy và Thầy trong anh em” (14,20b). Cách diễn tả việc Đức Giê-su và các môn đệ ở lại trong nhau (l’inhabitation réciproque) giống với cách diễn tả tương quan giữa Đức Giê-su và Chúa Cha: “Thầy trong Cha và Cha trong Thầy” (14,11). Điều này cho thấy các môn đệ được hiệp thông sâu xa với Đức Giê-su theo cả hai chiều, và được tham dự vào tương quan mật thiết giữa Đức Giê-su với Cha của Người.

 

(3) Người yêu mến Đức Giê-su thì được Đức Giê-su và Chúa Cha yêu mến, và chính Chúa Cha và Đức Giê-su đến và làm chỗ ở nơi người ấy (14,23). Theo thần học Tin Mừng thứ tư, sau biến cố Phục Sinh, các môn đệ đã được ở trong nhà Cha (12,32; 14,2-3), đồng thời Chúa Cha và Đức Giê-su đến và ở lại nơi các môn đệ (14,23), với điều kiện là các môn đệ yêu mến Đức Giê-su. Bản văn trình bày cách nghịch lý như trên nhằm mô tả sự hiệp thông trọn vẹn và sự hiện diện liên lỷ của ba Đấng (Chúa Cha, Đức Giê-su và Thánh Thần) nơi các môn đệ.

 

Với sự “ở lại” của Đấng Pa-rác-lê, Đức Giê-su và Chúa Cha nơi các môn đệ, đề tài “ở lại” thực sự là mặc khải có nghĩa lớn lao cho các môn đệ trong hoàn cảnh bị khủng hoảng. Sự ở lại của ba Đấng là nguồn khích lệ và động viên cho các môn đệ. Sự hiện diện của ba Đấng nơi người yêu mến Đức Giê-su, sẽ làm cho đức tin của họ được vững mạnh. Từ nay, các môn đệ đã được hiệp thông, được ở với và sống với ba Đấng, vì thế không khó khăn nào có thể làm họ vấp ngã.

 

Phần còn lại cần thực hiện ở về phía các môn đệ, đó là “yêu mến Đức Giê-su”, “giữ các điều răn của Người” và “giữ lời của Người.” Những điều này thu gọn lại một trong hai động từ: “yêu mến” (agapaô) hay “tuân giữ” (têreô). Bởi vì “yêu mến” thì “tuân giữ” và “tuân giữ” thì “yêu mến”. Nói cách khác, “yêu mến” bao hàm “tuân giữ” và ngược lại. Vì thế chỉ cần “thực sự yêu mến Đức Giê-su” hay “thực sự tuân giữ giáo huấn của Người” đã đủ điều kiện để Đức Giê-su và Chúa Cha yêu mến và được cả ba Đấng ở với mình./.

 

 
114.864864865135.135135135250