22/01/2020 -

Tiếng nói Đức giáo hoàng

1474

Sứ điệp Đức Thánh cha gửi đến Diễn Đàn Kinh Tế thế giới tại Davos

Diễn Đàn Kinh Tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ | ANSA

Trong Sứ điệp gửi các tham dự viên Diễn Đàn Kinh Tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi luôn đặt nặng nguyên tắc: tất cả chúng ta là thành phần của gia đình nhân loại duy nhất và cần đặt con người ở trung tâm của mọi chính sách và kế hoạch.

Năm nay là kỷ niệm 50 năm Diễn Đàn Kinh Tế thế giới ở Davos, đang tiến hành từ ngày 21 đến 24/01/2020 này về chủ đề: “Các bên liên quan (Stakeholders) phục vụ một thế giới gắn kết và bền vững”, nói lên sự cần thiết phải có sự dấn thân nhiều hơn của mọi người, trên mọi bình diện để đương đầu hữu hiệu hơn với những vấn đề khác nhau của nhân loại.

Tham dự Diễn đàn này có gần 3 ngàn người, đến từ 117 quốc gia, trong đó có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople.

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha cám ơn Ban điều hành diễn đàn đã mời ngài tham dự Diễn Đàn này, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Diễn Đàn, nhưng ngài không thể đến nên đã cử Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát Triển toàn diện, đến tham dự trong tư cách là Đại diện Tòa Thánh.

Những phát triển tích cực và tiêu cực

Đức Thánh cha ghi nhận rằng: “Trong 5 thập niên qua, thế giới đã trải qua nhiều biển chuyển về chính trị địa lý và có những thay đổi nhiều về kinh tế, thị trường lao động, kỹ thuật số và môi trường. Nhiều phát triển đã mang lại lợi ích cho nhân loại, nhưng cũng có những phát triển khác tạo nên những hậu quả tiêu cực và gây ra những thiếu sót trầm trọng trong việc phát triển. Tuy những thách đố ngày nay khác với trước kia, nhưng có nhiều khía cạnh vẫn giữ vai trò quan trọng, trong khi chúng ta bắt đầu thập niên mới”.

Hai nguyên tắc cơ bản

Trong chiều hướng đó, Đức Thánh cha viết: “Nhận định đầu tiên không bao giờ được quên, đó là tất cả chúng ta là thành phần của một gia đình nhân loại duy nhất. Nghĩa vụ luân lý phải chăm sóc nhau xuất phát từ sự kiện đó, cũng như nguyên tắc có liên hệ, đó là cần đặt con người ở vị trí trung tâm, thay vì chỉ tìm kiếm quyền hành hoặc lợi lộc trong chính sách công cộng. Đó là nghĩa vụ không những trong lãnh vực kinh doanh, nhưng cả trong các hoạt động của các chính quyền, và nó không thể bỏ qua trong việc tìm kiếm những giải pháp công chính cho những thách đố được đề ra”.

Phê bình những quan điểm duy vật và duy lợi ích

Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng: “Quá nhiều khi những quan điểm duy vật và duy lợi ích, nhiều khi tàng ẩn, nhưng cũng có khi rõ ràng, đưa tới những đường hướng thực hành và những cơ cấu do tư lợi thúc đẩy. Những người theo chủ trương đó chỉ nhìn người khác như những dụng cụ để đạt tới một mục tiêu và do đó, họ thiếu tình liên đới và bác ái, từ đó làm nảy sinh bất công thực sự; sự phát triển con người thực sự toàn diện chỉ có thể triển nở, khi tất cả mọi thành phần của gia đình nhân loại được bao gồm trong việc tìm kiếm công ích và có thể góp phần vào công trình này”.

G. Trần Đức Anh, O.P.

(SS Vat 21-1-2020)

114.864864865135.135135135250