28/03/2022 -

Tiếng nói Đức giáo hoàng

1114

Trưa Chúa nhật 27 tháng Ba năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 12.000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Kỳ này đại dịch giảm bớt, nên số tín hữu hành hương và du khách gia tăng, dần dần trở lại bình thường. Đức Thánh cha tái lên án chiến tranh tàn bạo tại Ucraina và kêu gọi các giới hữu trách hãy mau lẹ chấm dứt thảm trạng này.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA


Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ IV Mùa chay, thuật lại dụ ngôn người con hoang đàng trở về nhà Cha.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin mừng trong phụng vụ Chúa nhật này kể lại dụ ngôn gọi là người con hoang đàng (Xc Lc 15,11-32). Dụ ngôn đưa chúng ta vào tâm hồn Thiên Chúa, luôn tha thứ với lòng cảm thương và dịu dàng. Dụ ngôn nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Cha, Người không những đón nhận lại nhưng còn vui mừng mở tiệc vì người con trở về nhà sau khi đã tiêu tán mọi tiền của. Chính chúng ta là người con ấy, và chúng ta cảm động khi nghĩ đến Chúa Cha luôn yêu thương chúng ta dường nào và chờ đợi chúng ta.

Thái độ người con cả

Nhưng trong dụ ngôn cũng có người con cả, anh ta bị khủng hoảng đối với Người Cha này. Và điều này cũng có thể làm cho chúng ta bị khủng hoảng. Thực vậy, trong chúng ta cũng có người con cả ấy, và ít là phần nào, chúng ta bị cám dỗ cho rằng anh ta có lý: người con ấy luôn chu toàn nghĩa vụ, không đi khỏi nhà, vì thế anh phẫn nộ khi thấy Cha tái ôm người em đã cư xử xấu. Anh phản đối và nói: “Con đã phục vụ Cha từ bao năm và con không hề bất tuân lệnh của Cha”, thế mà, đối với “đứa con này”, thậm chí Cha còn mở tiệc mừng nữa! (vv. 29-30).

Từ những lời đó, ta thấy rõ vấn đề của người con cả. Trong tương quan với Cha, anh đặt mọi sự trên sự tuân giữ thuần túy các giới luật, trên cảm thức nghĩa vụ. Cũng có thể đó là vấn đề của chúng ta với Thiên Chúa: chúng ta không ý thức rằng Chúa là Cha và ta sống một thứ tôn giáo xa cách, với những cấm đoán và nghĩa vụ. Và hậu quả của sự xa cách này là thái độ cứng nhắc đối với tha nhân, mà anh ta không còn coi như em mình nữa. Thực vậy, trong dụ ngôn, người con cả không nói với Cha “đó là em con”, nhưng là “con của Cha”. Và sau cùng, chính anh ta có nguy cơ ở lại ngoài nhà. Thực vậy, văn bản Kinh thánh viết: “Anh ta không muốn vào nhà” (v.28).

Phản ứng của người Cha trước con cả

Khi thấy điều đó, người Cha ra và nài nỉ anh ta: “Hỡi con, con luôn ở với cha và tất cả những gì của cha là của con” (v.31). Người Cha tìm cách làm cho con cả hiểu rằng đối với ông, mỗi người con là tất cả cuộc sống của ông. Các cha mẹ biết rõ điều đó. Họ cảm thấy rất cần tâm tình của Thiên Chúa. Thật là đẹp, điều mà một người cha nói trong một cuốn truyện: “Khi tôi trở thành cha, tôi hiểu Thiên Chúa” (H. De Balzac, il padre Goriot, Milano 2004, 112). Đến chỗ này trong dụ ngôn, người Cha mở tâm hồn với người con cả và tỏ lộ với anh ta hai nhu cầu: “Cần phải mở tiệc và vui mừng, vì người em con đây đã chết nay sống lại” (v.32). Chúng ta thấy rằng cả trong tâm hồn chúng ta cũng có hai nhu cầu của Cha: mở tiệc và vui mừng.

Bài học cho chúng ta

Trước tiên là ăn mừng, nghĩa là biểu lộ sự gần gũi đối với người hối hận hoặc đang ở trên đường, người đang bị khủng hoảng hoặc xa cách. Tại sao cần làm như vậy? Thưa, vì điều này giúp vượt thắng sợ hãi và nản chí, khi chúng ta nhớ lại những lỗi lầm của mình. Ai đã sai lỗi, thường cảm thấy bị con tim của mình trách cứ; thái độ xa cách, dửng dưng và những lời chua cay không hữu ích. Vì thế, theo người Cha, cần tiếp đón nồng hậu người con hoang đàng, khuyến khích con tiếp tục tiến bước. Chúng ta có làm như thế không? Chúng ta có tìm kiếm những người xa cách và muốn mở tiệc mừng với người ấy không? Thật là điều tốt lành dường nào một con tim cởi mở, một sự lắng nghe chân thành, một nụ cười trong sáng có thể làm; mừng lễ, không cảm thấy khó chịu!

Đồng cảm với Thiên Chúa

Và rồi, theo người Cha, cần vui mừng. Ai có tâm hồn đồng cảm với Thiên Chúa, khi thấy sự thống hối của một người, dù những lỗi lầm của họ có nặng nề tới đâu, thì vui mừng vì điều ấy. Không dừng lại nơi những lỗi lầm, không chỉ tay chê trách, nhưng vui mừng vì điều thiện, vì điều thiện của người khác cũng là của tôi! Còn chúng ta, chúng ta có biết vui mừng vì những người khác không?

Rồi Đức Thánh cha kết luận: Xin Đức Trinh Nữ Maria dạy chúng con đón nhận lòng thương xót của Chúa, để trở thành ánh sáng, trong đó chúng con nhìn tha nhân của chúng con.


Chào thăm và kêu gọi


Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh cha tái đề cập đến thảm trạng chiến tranh và chết chóc đang đè nặng trên Ucraina từ hơn một tháng nay. Ngài gọi đích thị đó là một cuộc xâm lăng, một cuộc chiến tranh tàn ác và điên rồ, đồng thời xác quyết chiến tranh là một thất bại cho tất cả mọi người. Cần phải loại trừ và lên án chiến tranh, vì nó làm cho cả cha mẹ lẫn con cái chết chóc. Chiến tranh là điều man rợ, phạm thánh và dã man. Chiến tranh không phải là điều không thể tránh được. Sự phẫn nộ của chúng ta đối với chiến tranh phải trở thành quyết tâm xây dựng cho tương lai. Chiến tranh phải bị hủy bỏ, loại trừ khỏi lịch sử, và Đức Thánh cha kêu gọi tất cả các tín hữu hãy cầu nguyện cho mỗi vị lãnh đạo chính trị. Ngài cũng lặp lại rằng cần phải dừng lại, cần làm cho võ khí im tiếng và nghiêm túc hòa đàm.

Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm tất cả mọi người, các tín hữu Roma, Ý và các phái đoàn hành hương từ Ý và các nước khác. Ngài chúc mọi người một Chúa nhật an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org/%C4%91%E1%BB%A9c-gi%C3%A1o-ho%C3%A0ng/kinh-truy%E1%BB%81n-tin-v%E1%BB%9Bi-%C4%91%E1%BB%A9c-th%C3%A1nh-cha-xin-cho-ch%C3%BAng-ta-bi%E1%BA%BFt-%C4%91%C3%B3n-nh%E1%BA%ADn-l%C3%B2ng-th%C6%B0%C6%A1ng-x%C3%B3t-c%E1%BB%A7a

114.864864865135.135135135250