11/01/2022 -

Tiếng nói Đức giáo hoàng

729

Trưa Chúa nhật, ngày 09 tháng Giêng năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của hơn 2.000 tín hữu dưới bầu trời mưa nhẹ. Ngài mời gọi các tín hữu hãy noi gương Chúa Giêsu chuyên chăm cầu nguyện.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa một câu trong bài Tin mừng Chúa nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giordan.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thiên Chúa hạ mình chia sẻ thân phận phàm nhân

“Tin mừng phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta cảnh bắt đầu đời sống công khai của Chúa Giêsu: Ngài là Con Thiên Chúa và là Đấng Thiên Sai, đã đi tới bờ sông Giordan và để cho ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Sau ba mươi năm trong ẩn dật, Chúa Giêsu không xuất hiện với vài phép lạ hoặc leo lên bục để giảng dạy. Ngài xếp hàng với các tội nhân đến nhận phép rửa từ ông Gioan. Ngài chia sẻ số phận của chúng ta là những người tội lỗi, Ngài xuống nơi chúng ta: xuống sông như xuống trong lịch sử bị thương của nhân loại, dìm mình trong dòng nước của chúng ta để chữa lành chúng. Ngài không lên bên trên chúng ta, nhưng xuống nơi chúng ta.

Chúa cầu nguyện

“Chúng ta hãy dừng lại một điểm quan trọng: trong lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, văn bản Kinh thánh kể rằng “Ngài đang cầu nguyện” (Lc 3,21). Chúng ta nên chiêm ngắm điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện. Nhưng tại sao? Ngài là Chúa, là Con Thiên Chúa, mà cầu nguyện như chúng ta sao? Đúng vậy, Chúa Giêsu - như các sách Tin mừng lập lại nhiều lần - dành nhiều thời giờ để cầu nguyện: vào đầu mỗi ngày và thường ban đêm, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng... Kinh nguyện của Ngài là một cuộc đối thoại sinh động, một tương quan thân mật với Chúa Cha. Vì thế trong Tin mừng hôm nay, chúng ta có thể thấy “hai chuyển động” trong đời sống của Chúa Giêsu: một đàng, Ngài xuống nơi chúng ta, trong nước sông Giordan; và đàng khác, Ngài nâng cái nhìn và tâm hồn lên cầu nguyện với Chúa Cha.

Giáo huấn cho chúng ta về cầu nguyện

“Thật là một giáo huấn quan trọng cho chúng ta: tất cả chúng ta chìm ngập trong các vấn đề của cuộc sống và trong bao nhiêu trình trạng phức tạp, chúng ta được kêu gọi đương đầu với những lúc và những chọn lựa khó khăn, kéo chúng ta xuống. Nhưng nếu chúng ta không muốn bị đè bẹp, thì chúng ta cần nâng mọi sự lên cao. Và đó là điều mà kinh nguyện thực hiện, kinh nguyện không phải là một con đường trốn chạy, không phải là một nghi thức ma thuật hoặc một sự lập lại những bài ca thuộc lòng. Cầu nguyện là cách thức để cho Chúa hành động trong chúng ta, để đón nhận điều mà Chúa muốn thông truyền cho chúng ta cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, để được sức mạnh tiếp tục tiến bước. Kinh nguyện giúp chúng ta vì nó nối kết chúng ta với Thiên Chúa, mở cho chúng ta cuộc gặp gỡ với Chúa. Đúng vậy, kinh nguyện là chìa khóa mở tâm hồn cho Chúa. Đó là đối thoại với Thiên Chúa, là lắng nghe Lời Ngài, là thờ lạy: ở trong thinh lặng, phó thác cho Chúa điều chúng ta đang sống. Và đôi khi cầu nguyện cũng kêu lên Chúa, như ông Gióp, giãi bày, thổ lộ với Chúa.

Tầm quan trọng của kinh nguyện

Anh chị em thân mến, kinh nguyện - để dùng hình ảnh đẹp của Tin mừng hôm nay, “mở trời” (Xc v.21): mang lại dưỡng khí cho cuộc sống, và cũng là hô hấp giữa những vất vả và làm cho ta thấy những sự việc một cách bao quát hơn. Nhất là kinh nguyện giúp chúng ta có cùng kinh nghiệm của Chúa Giêsu tại sông Giordan: làm cho chúng ta cảm thấy mình là những người con được Chúa Cha yêu thương. Cả chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Cha cũng nói với chúng ta như với Chúa Giêsu trong Tin mừng: “Con là con Cha, người được yêu thương” (Xc v.22). Bản chất là con Chúa của chúng ta bắt đầu trong ngày chịu phép rửa, làm cho chúng ta được dìm mình trong Chúa Kitô và trở nên những người con được Chúa Cha yêu thương. Chúng ta đừng quên ngày chúng ta được rửa tội! Hôm nay, chúng ta tự hỏi: kinh nguyện của tôi như thế nào? Tôi cầu nguyện vì thói quen, vì miễn cưỡng, chỉ đọc các công thức? Hay tôi vun trồng sự thân mật với Thiên Chúa, đối thoại với Ngài, lắng nghe Lời Chúa? Giữa bao nhiêu điều chúng ta đang làm, đừng bỏ bê kinh nguyện: chúng ta hãy dành thời giờ, dùng những lời cầu khẩn ngắn thường lập lại, đọc Tin mừng mỗi ngày.

Và giờ đây chúng ta hướng về Đức Mẹ, Đức Trinh Nữ cầu nguyện, đã làm cho cuộc sống của Mẹ trở thành bài ca chúc tụng Thiên Chúa.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh cha bày tỏ đau buồn vì những vụ biểu tình phản đối bạo động trong những ngày qua tại Kazakhstan, gây ra nhiều nạn nhân. Ngài cầu nguyện cho họ và cầu nguyện cho cuộc đối thoại và sự tìm kiếm các giải pháp ôn hòa. Đức Thánh cha cũng nhắc đến lễ rửa tội cho các trẻ em ngài cử hành ban sáng trước đó và chúc mừng cả các trẻ em được rửa tội tại các nơi trên thế giới trong những ngày này. Đức Thánh cha cũng kêu gọi các tín hữu đừng quên ngày rửa tội là ngày tái sinh của mình trong Chúa. Nếu ai quên thì cố gắng tìm hiểu, hỏi cha mẹ và các họ hàng lớn tuổi để được biết ngày quan trọng này của mỗi người.

Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm tất cả mọi người, các tín hữu Roma, Ý và khách hành hương từ nhiều nước khác; đồng thời ngài cũng xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org/%C4%91%E1%BB%A9c-gi%C3%A1o-ho%C3%A0ng/kinh-truy%E1%BB%81n-tin-v%E1%BB%9Bi-%C4%91%E1%BB%A9c-th%C3%A1nh-cha-c%E1%BA%A7u-nguy%E1%BB%87n-l%C3%A0-m%E1%BB%9F-l%C3%B2ng-ch%C3%BAng-ta-v%E1%BB%9Bi-thi%C3%AAn-ch%C3%BAa

114.864864865135.135135135250