30/03/2015 -

Thông tin Jubile

4014
WĐM (30-03-2015) – Trong phạm vi chuẩn bị cho Tỉnh Hội, nối tiếp diễn đàn về "Đời Sống Thánh Hiến" được tổ chức trước đó, sáng ngày 28-03-2015, diễn đàn với chủ đề "Việc Đào Tạo" đã được tổ chức tại Tu viện Mân Côi - Gò Vấp.

Tham dự diễn đàn lần này, có sự hiện diện của Cha Giuse Ngô Sĩ Đình, OP., Giám tỉnh Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam; Cha Vinhsơn Phạm Xuân Hưng, OP., Chủ tịch Ủy Ban Tổ Chức Tỉnh Hội; Quý Cha Bề trên các Tu viện: Mân Côi, Mai Khôi, Martino (nhiếp chính), Vinhsơn Liêm; Quý Cha Giám Đốc, Giám sư đang giữ trọng trách trong các Trung Tâm Học Vấn và các giai đoạn đào tạo của Tỉnh Dòng; Quý Cha, Quý Thầy và đặc biệt các Anh Em sinh viên đang trong giai đoạn thụ huấn.

Đúng 08 giờ 00, buổi hội thảo diễn ra với phần thuyết trình gợi ý của Cha Phaolô Cao Chu Vũ, OP. Qua đề tài: "Trở Nên Người Đa Minh Trong Một Thế Giới Luôn Thay Đổi", mở đầu với nhận định: “Chúng ta không sinh ra là người Đa Minh, nhưng chúng ta trưởng thành và dần dần trở thành người Đa Minh”
[1] trong một thế giới luôn thay đổi từng ngày. Những dòng chảy liên tục xoáy siết của thời đại có thể cuốn phăng tất cả, xóa nhòa tất cả nếu chúng ta không có một chiếc neo vững chắc để bám vào. Vậy, trong một thế giới nhiều biến động như hôm nay, làm thế nào để trở thành người tu sĩ Đa Minh? Làm thế nào để chúng ta đánh mất căn tính “anh em giảng thuyết”? Làm thế nào để chúng ta có thể phục vụ Tin Mừng, phục vụ ơn cứu độ Anh Chị Em mình hơn tốt hơn? Đó là những câu hỏi được đặt ra cho tất cả anh em chúng ta hôm nay: những vị đang phụ trách đào tạo cũng như các anh em đang trong giai đoạn đào tạo hiến định."

Khởi đi từ gợi ý mở đầu, Cha Phaolô đi qua ba điểm chính yếu của việc đào tạo:

I. MỘT VÀI XÁC TÍN NỀN TẢNG CHO VIỆC ĐÀO TẠO
 
Trước hết, chúng ta cần nhắc lại một vài ý tưởng nền tảng, là cơ sở cho việc đào tạo những con người sống đời thánh hiến nói chung, cách riêng sống đặc sủng Đa Minh.

1. Việc đào tạo là việc thường hằng của mọi anh em. Thực vậy, để chia sẻ và trải nghiệm với nhau những cơn “đói khát” chân lý và tình thương của con người thời đại, và để điều đó thôi thúc chúng ta mang đến cho họ Lời Sự Sống, ngõ hầu căn tính giảng thuyết của chúng ta được hiện thực, thì những buổi thường huấn của cộng đoàn thật cần thiết và hữu ích. Tổng Hội Trogir số 124 viết: “Thường huấn là một công việc luôn cần thiết để nhận ra và hiểu được những mối bận tâm của thế giới và thực tại chính trị xã hội của thời đại; ngoài ra cũng để nuôi dưỡng niềm hy vọng và chia sẻ niềm tin; để phát triển chính bản thân trong tính nhân bản và cảm xúc con người; để xây dựng một cộng đoàn giảng thuyết phục vụ dân Thiên Chúa”.

2. Việc đào tạo là một tiến trình trưởng thành của mọi anh em (x. SHC 251 bis), không có điểm dừng. Thực vậy, chúng ta là người, nhưng còn phải thành người; là kitô hữu, nhưng còn phải trở thành kitô hữu, phải đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô; với việc tuyên khấn, chúng ta là tu sĩ Đa Minh, nhưng còn phải trở thành một tu sĩ Đa Minh. Mệnh đề “đã là nhưng còn phải hiện thực cái là, trở nên cái  là” trong những hoàn cảnh cụ thể của đời sống và sứ vụ chúng ta, thiết nghĩa, đó phải là lời nhắc nhở chúng ta luôn luôn mỗi sớm mai thức dậy. Về điểm này, Thánh GH Gioan Phaolô II viết: “Để kiện toàn con người cách toàn diện, thì trách nhiệm đào tạo không bao giờ cùng. Thực vậy, cần phải cống hiến cho những người sống đời thánh hiến những cơ hội trưởng thành để họ gắn bó với đoàn sủng và sứ vụ của Hội dòng mình”
[2].

3. Để quyết liệt sống và thực hiện đặc sủng Đa Minh, một yếu tố khác thật quan trọng và cần thiết đối với việc đào tạo tu sĩ Đa Minh, đó chính là niềm đam mê: đam mê Đức Kitô, đam mê loan báo Tin Mừng cứu độ. Có thể nói, đây là một yếu tố giúp nhận diện và biện phân ơn gọi Đa Minh nơi chính chúng ta và nơi các bạn trẻ tìm đến với chúng ta. Công vụ Tổng hội Trogir số 139 nhắn nhủ: “Lòng yêu mến giảng thuyết và sự sẵn sàng thi thành sứ vụ phải hiện diện ngay từ giai đoạn đầu của đời sống Đa Minh”. Thực vậy, đam mê là dấu chỉ biểu lộ rằng người ta đang tha thiết yêu mến một điều gì đó. Tu sĩ được mời gọi đi theo Đức Kitô một cách đầy đam mê, bởi vì tình yêu Đức Kitô thôi thúc họ (x. 2Cr 5,14). Người Đa Minh đam mê sứ vụ Lời, bởi vì chúng ta hiện hữu vì “được sai đi loan báo Tin Mừng”
[3]
. Đam mê gia tăng sinh lực cho đời sống và sứ vụ của chúng ta. Đam mê huy động mọi nguồn lực để chúng ta phục vụ Lời. Đam mê giúp chúng ta trung thành một cách sáng tạo với đặc sủng loan báo Lời. Đam mê làm cho chúng ta được thuộc về Đức Kitô và thuộc về Dòng một cách mật thiết hơn. Cuối cùng, đam mê giúp chúng ta vượt qua những giới hạn của bản thân, những rào cản về văn hóa và địa lý để đến với những biên cương của sứ vụ Lời. Giữ lửa đam mê và làm cho nó bừng cháy là trách nhiệm của mỗi người, không ai có thể làm thay. Nếu ngọn lửa đam mê giảng thuyết tàn lụi, thì có lẽ căn tính hiện hữu Đa Minh cũng sẽ nhạt nhòa.

4. Đời sống thánh hiến là một hồng ân trong Giáo Hội và cho Giáo Hội. Hiến Pháp của Dòng § III xác định: “Chúng ta được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa qua việc tuyên khấn kết nạp chúng ta vào Dòng và được dấn thân một cách mới mẻ cho Hội Thánh toàn cầu, nghĩa là hiến thân hoàn toàn vào việc loan báo trọn vẹn Lời Thiên Chúa”. Theo đó, việc đào tạo hiến định phải biết khơi gợi và kiện cường lòng yêu mến Giáo Hội phổ quát cũng như địa phương nơi các anh em đang trong giai đoạn thụ huấn. Lòng yêu mến ấy càng phải được nuôi dưỡng và kiện toàn nơi những anh em đang chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Lòng yêu mến Giáo Hội giúp chúng ta hăng say thực hiện sứ vụ ngôn sứ của Giáo Hội trong mọi thời khắc và mọi hoàn cảnh vì ơn cứu độ các linh hồn.

II. TÁI KHẲNG ĐỊNH CĂN TÍNH ĐỂ LUÔN LÀ CHÍNH MÌNH CÁCH MỚI MẺ VÀ PHÙ HỢP

Chúng ta là những “hữu thể trong sự đổi thay”, để luôn là chính mình ngang qua mọi đổi thay của những hoàn cảnh lịch sử, để phát triển mà không bị biến đổi tận căn, thì việc xác định và giữ lấy “bản tính”, giữ lấy điều cốt yếu làm nên hiện hữu người là yếu tố sinh tử. Cũng vậy, để còn là và hiện hữu như một tu sĩ Đa Minh, thì việc xác định lại và giữ lấy căn tính Đa Minh cần phải được thực hiện xuyên suốt và liên lỉ trong suốt cuộc đời chúng ta, đặc biệt trong giai đoạn đào tạo hiến định. Thực vậy, khi càng hiểu và xác tín chúng ta là ai, muốn trở thành điều gì, thì hẳn chúng ta biết mình cần phải làm gì.

Như đã biết, ba yếu tố cốt yếu làm nên căn tính Đa Minh, đó là: đối với Thiên Chúa, là chiêm niệm; đối với nhau, là đời sống huynh đệ cộng đoàn; đối với tha nhân, là sứ vụ giảng thuyết.

2.1. Chiêm niệm

Chiêm niệm là yếu tố nền tảng đầu tiên của đời sống thánh hiến nói chung, cách riêng đối với đời sống Đa Minh. Công vụ Tổng hội Trogir số 135 nhắn nhủ: “Hãy đào sâu chiều kích chiêm niệm của chúng ta, vì đó là nguồn cho tất cả đời sống và sứ vụ của chúng ta”. Nhờ thực hành và sống chiều kích chiêm niệm, chúng ta có được những trải nghiệm về Thiên Chúa.

Trong quá trình đào tạo, luôn phải chú ý cách đặc biệt đến chiều kích chiêm niệm, những trải nghiệm về Thiên Chúa nơi các anh em. Sự trải nghiệm về Thiên Chúa có một ý nghĩa đặc biệt đối với vị ngôn sứ, như Gióp nói: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (G 42,5). Một sự trải nghiệm nào đó về Thiên Chúa chắc chắn sẽ được khắc sâu nơi tâm trí chúng ta, và sẽ thôi thúc chúng ta: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay” (Hr 2,12).

Trải nghiệm về Thiên Chúa làm phát sinh nơi chúng ta một đức hy vọng kiên vững, giúp chúng ta bình an ngay cả khi đối diện với những tình huống tưởng chừng như tuyệt vọng, như thánh Phêrô đã bộc bạch với Chúa: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Đó là một sự tin tưởng vượt lên mọi lý lẽ, mọi sự bảo đảm và mọi nỗ lực cố gắng của con người. Sự tin tưởng này kiện cường sự trung tín của chúng ta để vững bước theo Chúa.

Trong quá trình đào tạo và tự đào tạo luôn mãi để trở thành tu sĩ Đa Minh “cum Deo et de Deo”, thì chúng ta không thể quên những lời sau: “Anh em phải theo gương thánh Đa Minh, dù ở nhà hay đi đường, ngày cũng như đêm, người vẫn chuyên chăm đọc kinh thần vụ, cầu nguyện và cử hành các mầu nhiệm thánh rất sốt sắng” (HP số 56). Và “cử hành phụng vụ long trọng và cộng đoàn phải được kể vào số những bổn phận chính của ơn gọi của chúng ta. [...] Việc cử hành phụng vụ là trung tâm và là trái tim của toàn thể đời sống chúng ta. Sự thống nhất của đời sống này đặc biệt bén rễ trong chính việc cử hành ấy” (HP số 57).

Để huấn luyện và canh tân đời sống Đa Minh của mỗi anh em, canh tân các tu viện, các cộng đoàn và Tỉnh dòng, thiết nghĩ, việc cần phải làm ngay là xem lại và canh tân việc cử hành phụng vụ. Phụng vụ là sự sống thần linh được ban tặng cho chúng ta; cử hành phụng vụ là “mối dây liên kết bác ái huynh đệ và là nguồn mạch đầu tiên của lòng hăng say tông đồ” (HP số 59).

2.2. Đời sống huynh đệ cộng đoàn

Đời sống huynh đệ được thể hiện trước tiên nơi chính những sinh hoạt thường nhật của cộng đoàn: mỗi anh em góp phần kiến tạo nên đời sống huynh đệ ấy, và ngược lại chính nó cũng góp phần làm trưởng thành đời sống Đa Minh của mỗi anh em. Vì thế, nó là trường huấn luyện thường hằng của mọi anh em. Xa tránh những sinh hoạt chung của cộng đoàn, có lẽ chúng ta đánh mất cơ hội để được lớn lên, được trưởng thành con người Đa Minh. Xa tránh hiện diện trong cộng đoàn, không dám chia sẻ vui buồn với anh em vì không tin tưởng lẫn nhau, thì đó là mối nguy đưa đẩy chúng ta đến hiện diện ở “đâu đó” để tìm kiếm niềm vui, để khuây khỏa giải sầu, rồi sa lầy lúc nào không hay. Thánh Phaolô nhắc chúng ta: “Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12).

Một yếu tố quan trọng khác trong việc đào tạo đời sống huynh đệ đó là yếu tố “bất đồng”. Với vẻ bên ngoài, sự bất đồng phản ánh một điều gì không đẹp trong đời sống cộng đoàn, nhưng xét sâu xa thì nó lại cho thấy một sự trưởng thành, sự nhạy bén, sự suy xét sâu sắc, có tinh thần trách nhiệm đối với viêc chung và tính trung thực giữa những anh em đang bất đồng với nhau. Những điều đó rất có ý nghĩa đối với việc đào tạo đời sống huynh đệ. Khi đối diện với những bất đồng, việc đào tạo giúp các anh em trẻ không phản ứng lại với thái độ tiêu cực như thoái thác, thỏa hiệp hay quyết đấu cho tới cùng, nhưng với thái độ cộng tác. Đây là thái độ của những người không loại trừ hay vô cảm trước những bất đồng, trái lại họ can đảm đối diện với chúng. Với tình huynh đệ chân thành, họ tôn trọng những ý kiến khác biệt, biết đối thoại và cộng tác với nhau, chân thành tìm kiếm những giải pháp khả dĩ để giải quyết những bất đồng.

Công vụ Tổng hội Trogir nhắn nhủ chúng ta: “Để trưởng thành nhân bản và đời sống Đa Minh, cần phải có một bầu khí và những mối tương quan tôn trọng nhau, khả năng sống các mối tương quan con người, tha thứ cho nhau và tin tưởng nhau” (số 136).

2.3. Sứ vụ giảng thuyết

Với tên hiệu “Anh Em giảng thuyết”, chúng ta không thể hiểu được căn tính hiện hữu của đời sống Đa Minh nếu không quy chiếu đến việc giảng thuyết: loan báo Lời Thiên Chúa, Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô cho con người thời đại.

Thực vậy, việc nhận biết hiện trạng của con người thời đại thật cần thiết để chúng ta có thể phục vụ họ một cách tốt nhất có thể. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã mô tả thực trạng của nhân loại hôm nay như là những kẻ đói khát ý nghĩa/giá trị sống đích thực. Nếu chúng ta được mời gọi trở nên những nhà giảng thuyết cho những người đang đói khát, đang thao thức tìm kiếm chân lý, giá trị sống đích thực, thì việc đào tạo cần phải trau dồi cho anh em một khả năng đam mê tìm kiếm và đối thoại về chân lý với tất cả những ai thành tâm thiện chí. Việc đối thoại với các nền văn hóa, các tín ngưỡng, các trào lưu xã hội, đòi chúng ta trước hết phải chuẩn bị cho mình một sự huấn luyện tốt về tri thức thần học và các khoa học nhân văn khác một cách chuyên chăm và sâu sắc. Nếu không có sự chuẩn bị tốt đó thì không thể có được cuộc đối thoại đích thực giữa đức tin và văn hóa, hoặc thậm chí có nguy cơ rơi vào chủ thuyết tương đối. Một sự chuẩn bị tốt về tri thức thần học và nhân văn thật quan trọng, nếu không muốn trở thành “những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” (Ep 4,14).

Chúng ta còn phải đối diện với những người dửng dưng với Thiên Chúa, với tha nhân đồng loại. Đây là một cám dỗ của thời đại, một thứ toàn cầu hóa thói vô cảm, như Đức Phanxicô nhận định trong Sứ điệp Mùa chay 2015. Thế nên, thách đố của chúng ta hiện nay là: nói Lời Thiên Chúa cho những người dửng dưng. Thiết nghĩ, lúc này chúng ta cần một nền đào tạo cho chúng ta một khả năng “mở ra”: trước hết, không để mình rơi vào cám dỗ “dửng dưng” của thời đại; không trở nên vô cảm, không thu mình lại, nhưng rộng mở cánh cửa tâm hồn mình, hầu có thể đi ra và bước đến gõ cửa tâm hồn của tha nhân.


Để kết luận, Cha Phaolô đưa ra các nhận định:

Việc đào tạo giữ vai trò quan trọng trong đời sống thánh hiến và sứ vụ của chúng ta: cho ta niềm đam mê sống giây phút hiện tại và khai mở một tương lai hy vọng, như thế cho ta một đời sống thánh hiến thật ý nghĩa. Việc đào tạo có một vai trò quyết định đối với những ai muốn “tìm lại tinh thần xông xáo, dám nghĩ dám làm, óc sáng tạo và sự thánh thiện của các đấng sáng lập” (VC 37), đồng thời đảm nhận những thách đố của thời đại để sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta (1Pr 3,15).

Chúng ta đang sống trong một thế giới “phẳng” (không có độ sâu) và thay đổi khôn lường. Vậy hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải sống chậm lại và tạo độ sâu cho chính mình, bởi vì mỗi người chỉ có thể xây dựng đời mình một cách chậm rãi và tiệm tiến. Theo đó, việc đào tạo cũng đòi hỏi một không-thời gian đủ rộng: trong đó qua những kinh nghiệm của đời sống huynh đệ, qua việc chuyên chăm chiệm niệm, qua việc miệt mài nghiên cứu thánh khoa và các tri thức nhân văn, các anh em thụ huấn dần dần trưởng thành, đạt tới sự viên mãn của đời sống và niềm đam mê sứ vụ Đa Minh, dưới sự hướng dẫn của các anh em phụ trách đào tạo (x. LCO số 154). Song song đó, các anh em được trao phó trách nhiệm đào tạo cũng được nhắc nhở rằng: họ phải là những người bước đi vững vàng trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, để có thể đồng hành với các anh em khác trong cuộc hành trình này; họ phải cho thấy vẻ đẹp của việc theo Chúa Kitô và giá trị của đặc sủng thể hiện việc theo Chúa (x. VC số 66).

Cuối cùng, cũng không quên rằng trách nhiệm đầu tiên của việc đào tạo Đa Minh thuộc về chính các anh em thụ huấn dưới sự hướng dẫn của các anh em phụ trách đào tạo (x. LCO số 156). Đồng thời, mọi anh em đều có trách nhiệm trong việc đào tạo các anh em trẻ (x. LCO số 161). Tóm lại, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc tự đào tạo chính mình và đào tạo các anh em trẻ khác. Tất cả chúng ta được mời gọi quảng đại cống hiến thời giờ và tất cả những gì tốt đẹp nhất cho việc đào tạo các anh em trẻ trở thành những người Đa Minh chân chính, những nhà giảng thuyết ân sủng đầy đam mê hiến thân cho Thiên Chúa và Hội Thánh trong đời sống Đa Minh.


Sau phần thuyết trình gợi ý, rất nhiều ý kiến từ phía Quý Cha Bề Trên, Quý Cha Giáo, Quý Cha đang đảm nhiệm các trách vụ của việc đào tạo đã nêu lên những thuận lợi, khó khăn hiện tại của Tỉnh Dòng. Cùng với đó, Quý Cha cũng đề nghị những hướng đi mới trong thời gian sắp tới của việc đào tạo, để không chỉ phục vụ cho Tỉnh Dòng, cho Dòng, nhưng còn cho Giáo Hội tại Việt Nam. Song song với những ý kiến của các vị hữu trách đào tạo, anh em sinh viên cũng nêu lên những gì anh em nhận định được từ khía cạnh người thụ huấn; qua đó, có thể nhìn rõ hơn bức tranh tổng thể cả hai phía "người đào tạo và "người thụ huấn", góp phần định hướng cho các nghị huynh đưa ra những quyết định trong Tỉnh Hội.

Kết thúc ngày hội thảo, vẫn còn nhiều thao thức, trăn trở cho việc đào tạo từ những anh em. Những thao thức đó chắc hẳn cũng sẽ được tỏ bày qua các diễn đàn, hội thảo tiếp theo.

 
Pet. Đình Phương, OP.
















































 
 
 
[1] Công Vụ Tổng Hội Trogir – 2013, số 139.
[2] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến (viết tắt: VC), số 65.
[3] Công Vụ Tổng Hội Trogir – 2013, số 40.
114.864864865135.135135135250