TÌNH THẦY TRÒ GIỮA AN-BÊ-TÔ VÀ TÔ-MA
Minh Thông lược ghi
Trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam có những câu trở thành những nét đẹp truyền thống đi sâu vào tâm thức con ngừơi Việt Nam như : "Không thầy đố mày làm nên" hay "Trọng thầy mới được làm thầy"... Quả thực, không có người nào làm nên cơ nghiệp lại không nhờ thầy hướng dẫn, dìu dắt, trực tiếp hoặc gián tiếp. Đó là cả một truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của tinh thần Á Đông.
Tuy nhiên, đà phát triển của xã hội văn minh Tây Phương dường như đang muốn lấn áp các giá trị truyền thống tốt đẹp của người Á Đông nói chung và đặc biệt với riêng đất nước ta đang ở vào thời kỳ "mở cửa". Những giá trị cao đẹp đó đang lần hổi mai một dần. Tất nhiên mối quan hệ không đòi hỏi khắt khe như thời nghiêng hẳn về tinh thần Nho Giáo, nhưng rõ ràng tình cảm thầy trò ngày nay không được như xưa.
Để mừng kính Thánh Tô-ma, xin gợi lại một giai thoại mà tôi đã được nghe một nhà hùng biện có tiếng diễn thuyết, nói về một mối tình thầy trò thuộc loại siêu đẳng. Từ thầy đến trò đều là vĩ nhân. Thầy là nhà khảo bình, là nhà khoa học, là triết gia, là thần học gia. Trò cũng đi con đường đó mà vượt thầy quá xa. Cả hai nêu gương sư đệ cho hậu thế, mối tình đó là ai chắc mọi người đã biết, không ai ngoài mối tình thầy trò Thánh An-bê-tô Cả và Thánh Tô-ma.
Hy vọng rằng mỗi người chúng ta sẽ rút ra được ít nhiều kinh nghiệm từ giai thoại này, để có thể xây dựng một mối tình thầy trò cao đẹp, hữu ích cho xã hội đang bị Tây Phương hóa; và cũng cần thiết cho Giáo Hội như một mẫu gương sống chứng tá cho Tin Mừng.
* Thầy lo xa cho trò :
Như bạn đã biết, Thánh An-bê-tô Cả, trong thời đại ngài, là một ngôi sao trong lãnh vực khoa học, triết học và thần học. Riêng trong lãnh vực khoa học, ngài là người đầu tiên có những công lớn về hóa học như : lọc vàng, tác dụng a-xit trên kim loại, nghiên cứu diêm và pô-tát. Chuyện kể rằng ngài còn kiến tạo một hình người nộm đi được và nói được nữa. Dù các mẩu chuyện có được thêu dệt thêm thế nào, không ai không công nhận một An-bê-tô vĩ đại !
Tại Paris, ngài gặp môn sinh vừa thông minh vừa thánh thiện: Tô-ma A-qui-nô. Ngài đề nghị với Bề trên cho Tô-ma học thi các bằng cấp cần thiết để chuẩn bị làm giáo sư. Tô-ma muốn có bằng cử nhân và tiến sĩ để làm giáo sư thực thụ ở đại học. Nhưng lúc bấy giờ kinh sĩ Guillaume de Saint Amour vốn không muốn các tu sĩ dạy ở đại học. Cuộc xung đột bùng nỗ lớn. các tu sĩ Đa-Minh "nhảy vào vòng chiến" chống các giáo sư nào của chính phủ theo chủ trương bóp chẹt như thế.
Cuộc xung đột ác liệt đến nỗi có một sinh viên tử thương. Thánh Tô-ma viết cuốn "Contra impugnantes Dei cultum et Religionem" để đối đầu lại cuốn "De periclitaris novissimorum temporum" của Guillaume de Saint Amour. Khi Thánh Tô-ma "lâm chiến" như vậy thì Thánh An-bê-tô Cả ráo riết bênh vực cho học trò của mình. Vả lại, nếu từ trước Thánh An-bê-tô không lo cho Thánh Tô-ma thi cử thì cuộc xung đột này, "con ga" của ngài chắc cũng yếu thế. Mới hay trên đời, một lão sư phong phú, đầu óc tiên kiến tiên liệu là một kho báu.
* Thầy vun đắp cho trò :
Sở dĩ Thánh Tô-ma có được bộ óc làm việc theo khoa học, khúc chiết lẫn tổng hợp, và sở dĩ ngài đỡ tốn công buổi đầu trong việc khảo bình triết học, thần học là nhờ sự chuẩn bị lâu năm của Thánh An-bê-tô Cả. Etienne Gilson trong cuốn "Triết học Trung Cỗ" đã được Larousse du XXè siècle trích dẫn tư tưởng sau đây : "Nếu không có công phu phong phú, kinh khủng của thầy ông, thì nhà tổ chức sáng suốt về những tư tưởng, tức Thánh Tô-ma phải tốn một phần lớn nỗ lực trên đường nghiên cứu".
Những bài mà Thánh Tô-ma chống Averroès phần lớn dựa trên những lập luận của Thánh An-bê-tô Cả. Đọc hai bộ Summa của Thánh Tô-ma, những đoạn ngài nối kết chân lý đức tin với các chân lý của triết Platon, Aristote, người ta cảm thấy ngay dấu vết công việc của tôn sư ngài là Thánh An-bê-tô Cả, nhưng công trình của trò thì hơn hẳn thầy. Hơn nữa, mặc dầu trong hai bộ Tổng Luận, Thánh Tô-ma vay mượn nhiều ở thuyết Aristote, song cái khuôn lý luận vẫn còn giữ truyền thống của các giáo phụ Hy Lạp. Vốn giáo phụ học này đã được truyền lại cho Thánh Tô-ma, không từ ai khác ngoài Thánh An-bê-tô Cả. Ta thấy với tư cách khảo bình, Thánh Tô-ma đã làm lại nhiều việc tôn sư đã làm, nhưng đại qui mô hơn nhờ rút được kinh nghiệm và dựa trên tài liệu của thầy mình. Chẳng hạn, Thánh An-bê-tô Cả đã từng khảo bình Aristote, các tác giả Ả-rập, Do Thái, thì Thánh Tô-ma cũng khảo bình lại nhưng về nhiều phương diện hơn, phương pháp tân kỳ hơn. Mà phương pháp nghiên cứu này, Thánh Tô-ma cũng kết tinh từ tinh thần khoa học của sư phụ ngài vốn là một nhà khoa học tên tuỗi thời bấy giờ. Ta đừng quên từ đầu thế kỷ XIII, Thánh An-bê-tô Cả cùng Roger Bacon đã đề cao các phương pháp quan sát, thực nghiệm và qui nạp rồi. Riêng trong lãnh vực giảng huấn thì rõ rệt là Thánh Tô-ma đã được thầy trui luyện từ cả chục năm trở lên. Hàng ngày ngài chiêm nghiệm lối giảng dạy rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát của sư phụ. Về sau cộng thêm thiên tư cùng vốn học bao la nữa, Tô-ma trở thành một ngôi sao sư phạm là phải. Quả thực, chân sư đã dầy công đầu tư cho minh đệ vậy.
* Thầy trò bênh vực nhau tận tình :
Năm 1268, khi Thánh Tô-ma giảng dạy tại Paris và bị một giám mục chỉ trích, Thánh An-bê-tô Cả bấy giờ đang ở tại Đức, liền về Pháp diễn thuyết và bút chiến bênh vực học thuyết của môn sinh mình. Thực là hành vi can đảm và ân hậu phi thường. Ta biết lúc đó là lúc Thánh Tô-ma bị giám mục bản quyền và nhiều giáo sĩ cao cấp tấn công. Thánh An-bê-tô Cả cũng là giám mục, nếu không phải là phủ bênh phủ, huyện bênh huyện thì cũng gọi là giữ hòa khí với các đồng nghiệp. Hơn nữa, ta thấy ở đời mấy kẻ lớn gặp nguy mà dám chịu trách nhiệm cho kẻ dưới, dám bênh vực cho kẻ dưới bị bất công. Vậy mà Thánh An-bê-tô Cả biểu lộ tình thầy trò một cách quyết liệt. Ngài vừa sáng suốt, vừa nhất định bênh vực môn sinh của mình. Thì ra vĩ nhân có chung dòng máu, họ biết lựa con đường riêng cho vĩ nhân dễ đi, áp lực giai đoạn không dễ gì cám dỗ, mê hoặc họ được. Chẳng lạ gì ngày nay hễ nói đến Thánh Tô-ma là người ta nghĩ ngay đến Thánh An-bê-tô Cả hay ngược lại, cũng như hễ nói Platon thì người ta không bao giờ quên được Socrate.
* Trò là danh dự và nguồn an ủi tuổi già của thầy :
Từ hồi thanh xuân, Thánh Tô-ma đã được Thánh An-bê-tô Cả đào luyện tinh thần và tâm đức. Công gieo giống ấy đã sinh mùa màng rực rỡ nơi Thánh Tô-ma, chẳng những một thiên tài siêu đẳng, còn là một tâm hồn thánh thiện cao sâu. Bằng chứng là năm 1323, Đức Thánh Cha Gio-an XXII đã phong thánh cho ngài. Năm 1567, với danh hiệu Tiến sĩ Thiên Thần, ngài được tuyên nhận là Tiến Sĩ của Giáo Hội và là Đấng bảo trợ các học đường Công Giáo. Một môn sinh đã từng theo sát cánh mình, ngày đêm ở trong vòng ảnh hưởng của mình mà lên chót đỉnh thành công như vậy, ông thầy có tâm trạng làm sao chắc bạn cũng dư biết ? Không sợ sai lầm gì hết, trong trường hợp này ta có thể nói "coi quả biết cây, thầy nào trò nấy"
Sách tham khảo :
* Hoàng Xuân Việt, Gương Thầy Trò, NXB Trẻ Tp.HCM, 1990, trang 34-44
* S.Tugwell, Albert & Thomas Selected Writings, New York - Mahwah,1988.
* S.Tugwell, Early Dominicans, New York, 1982