11/11/2024 -

Thánh dòng Đa Minh

1389
_Irven M. Resnick_

Đối với những sinh viên chuyên về lịch sử tư tưởng Trung đại, thánh Tôma Aquinô dường như là toà tháp sừng sững, che phủ mọi khuôn mặt khác. Tuy nhiên trên thực tế, đối với những người cùng thời với thánh Tôma, chính thánh Albertô Cả (Albertus Magnus) mới là người có tầm vóc phủ bóng lên cả danh tiếng của vị môn đệ trẻ tuổi và xuất sắc của mình. Về sau, không phải vì lòng tự hào dân tộc đơn thuần mà triết gia người Đức G.W.F Hegel thế kỷ XIX mô tả thánh Albertô Cả là nhà kinh viện người Đức lỗi lạc nhất.[1]


Trong suốt cuộc đời của mình, hoạt động giảng dạy của thánh Albertô trở nên có thế giá trong nhiều ngôi trường, có thể sánh ngang thế giá của những tác giả cổ đại. Một trong những sinh viên của thánh Albertô, Ulrich xứ Strasbourg (mất năm 1277), miêu tả ngài “giống như thần linh trong mọi ngành tri thức đến nỗi ngài được gọi là kỳ diệu và tuyệt vời trong thời đại chúng ta”[2]. Rudolph xứ Nijmegen, người viết tiểu sử vào thế kỷ XV nhận xét rằng, trí tuệ uyên bác của thánh Albertô chiếu sáng toàn bộ thế giới.[3] Sự ca ngợi và danh tiếng mà thánh Albertô nhận được trong suốt cuộc đời ngài chỉ gia tăng sau khi ngài về với Chúa. Lời văn trên mộ chí của ngài tại nhà thờ của anh em Đa Minh ở Cologne mô tả ngài như một bậc quân vương giữa các triết gia, vĩ đại hơn cả Plato và không hề thua kém vua Salômôn về sự khôn ngoan.[4] James A. Weisheipl lưu ý rằng “thánh Albertô không chỉ là người duy nhất của thời Trung đại thịnh kỳ được gọi là “Cả”, mà tước hiệu này là được sử dụng ngay cả trước khi ngài qua đời. Trước Tôma Aquinô được phong thánh vào năm 1323, danh tiếng của thánh Albertô đã vượt xa danh tiếng của mọi nhà kinh viện khác của thế kỷ XIII[5]”.

Danh tiếng của thánh Albertô một phần đến từ những đóng góp của ngài đối với thần học Kitô giáo, và tập sách này sẽ xem xét một vài trong số đó. Nhưng di sản của ngài cũng cho ta biết ngài là một nhà khoa học tự nhiên và một triết gia, vì thế Lynn Thorndike đã rất đúng khi gọi thánh Albertô là “khuôn mặt nổi bật trong giới học thuật và khoa học tự nhiên Latin thế kỷ XIII[6]”. 

Bernhard Geyer, vị cố Giám đốc của Viện Albertô Cả từng nhận xét rằng thánh Albertô là “độc nhất trong thời đại của ngài vì khả năng tiếp cận tri thức của Aristotle về giới tự nhiên và cũng sở hữu được tri thức này (tri thức về Aristotle đã được các học giả Ả-Rập bổ sung). Nhưng ngài còn làm giàu tri thức đó bằng những nhận định riêng trong mọi ngành tự nhiên. Vị trí hàng đầu trong lịch sử khoa học phải vĩnh viễn được dành cho ngài”[7]. Hơn nữa, theo William Wallace, “thánh Albertô Cả cũng xứng đáng được xem là một trong những nhà tiên phong xuất sắc của khoa học hiện đại vào thời Trung đại thịnh kỳ”[8]. Về sau, với một lý do chính đáng, sau khi Đức Giáo hoàng Pi-ô XI nâng thánh Albertô lên hàng hiển thánh và là tiến sĩ Hội thánh, Đức Giáo hoàng Pi-ô thứ XII đã tuyên bố thánh Albertô là thánh bổn mạng của các nhà khoa học[9].

Có lẽ vì ta thường nghĩ về thời đại của các nhà Kinh viện là “thời đại của đức tin”, nên thánh Albertô Cả thường không được đánh giá đúng, và danh tiếng về sau của ngài chủ yếu dựa trên vai trò là triết gia và nhà tự nhiên luận hơn là một thần học gia. Tuy nhiên, ta tìm thấy một đánh giá cao dành cho nhiều đóng góp quan trọng của vị Tiến sĩ Phổ quát này đối với lịch sử trí tuệ của phương Tây, phần lớn ở châu Âu và nhất là ở các vùng nói tiếng Đức hơn là ở Mỹ. Ta chỉ cần lướt qua một tiểu sử gần đây trong các công trình học thuật nghiên cứu về thánh Albertô[10]. Do đó, một trong những mục tiêu của tập sách này là giới thiệu cho các sinh viên triết học, khoa học và thần học nhất là ở Mỹ về tình trạng nghiên cứu hiện nay đối với các lĩnh vực khác nhau trong công trình của thánh Albertô Cả. Tuy nhiên, giống như nhiều lời mở đầu khác, trước hết ta sẽ trình bày ngắn gọn cuộc đời ngài.

Thời trẻ

Có rất nhiều nguồn tư liệu cho việc nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của thánh Albertô. Bên cạnh, những phát biểu của chính ngài rải rác trong các tác phẩm, cũng có những tư liệu văn khố bao gồm những hoạt động liên quan đến sứ vụ của Giám mục, thư từ liên quan đến hoạt động của ngài đại diện cho Dòng Đa Minh, và những tư liệu nơi ngài sinh sống v.v. Một mô tả tiểu sử khá sớm, dù ngắn gọn, được tìm thấy trong cuốn Vita Fratrum Ordinis Praedicatorum (khoảng năm 1260)[11]. Tuy nhiên, những nguồn tư liệu hàng đầu ở thời Trung đại về toàn bộ cuộc đời của thánh Albertô lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV và thế kỷ XV. Những tài liệu này bao gồm Liber de Rebus Memorabilibu của Henry xứ Herford (khoảng năm1355)[12], Tabula Alberti Magni (1414)[13], Legenda Coloniensis (giữa thế kỷ XV)[14] của Luis xứ Valladolid, Vita B. Alberti Doctoris Magni (khoảng năm 1485)[15] của Peter xứ Prussia và Legenda Alberti Magni (khoảng năm 1488)[16] của Rudolph xứ Nijmegen.

Những nguồn tư liệu này phản ánh một sự đồng thuận về ngày qua đời của thánh Albertô là ngày 15 tháng 11 năm 1280. Tuy nhiên, ngày tháng năm sinh của ngài vẫn còn chưa chắc chắn, các học giả cho rằng ngài sinh trong khoảng thời gian từ năm 1193 đến năm 1207, mặc dù năm sinh của thánh Albertô được chấp nhận rộng rãi nhất là năm 1200[17].

Ta không chỉ không biết chắc về năm sinh của ngài mà cả nơi sinh và họ của ngài cũng vậy. Bản thân thánh Albertô cũng góp phần vào sự không chắc chắn này, có lúc ngài gọi mình là Albertô xứ Lauingen. Lauigen là một thị trấn nhỏ của vùng Schwaben, gần sông Danube, lúc khác ngài gọi mình là Albertô xứ Cologne[18].

Các tư liệu đương thời làm cho vấn đề trở nên phức tạp thêm khi chúng xác định ngài như là Albertô xứ German (Albertus Teutonicus) hay đơn giản là Albertô Cả (Albertus Magnus)[19]. Mặc dù phần lớn những nhà viết biên niên sử thời Trung đại cho rằng Lauingen là nơi sinh của thánh Albertô nhưng một vài sử gia hiện đại lại chủ trương rằng Launigen là tên họ của ngài chứ không phải nơi sinh[20]. Trong khi đó, có những học giả khác lại xem Lauingen là nơi ngài chào đời[21].

Ta không biết gì về tên của song thân ngài. Tuy nhiên, một số nguồn ở thời Trung đại gợi ý rằng, thánh Albertô được sinh ra trong một gia đình hiệp sĩ, và có lẽ có mối liên hệ với lâu đài của làng Bollstadt[22]. Phần lớn các sử gia đều nhất trí rằng khi còn trẻ, ngài được gửi đến Padua, và được một người bác chăm sóc[23]. Ngài học những môn học khai phóng, vốn là những môn học dự bị trước khi vào Đại học Padua. Trong suốt mùa hè năm 1233, chân phước Jordan Saxony, bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, [người kế vị thánh Đa Minh] thăm viếng Padua để tuyển sinh ơn gọi mới cho Dòng. Sau một khoảng thời gian, chân phước Jordan nhận xét, chỉ có mười người được tuyển chọn vào Dòng[24], trong đó có hai người là con của lãnh chúa người Đức. Một vài nguồn tư liệu Trung đại xác định thánh Albertô như là một trong những sinh viên của Đại học Padua. Điều này đã khiến Weisheipl, người có tiếng là cẩn trọng đi đến nhận xét rằng “chắc chắn thánh Albertô gia nhập Dòng Đa Minh khi còn là sinh viên ở Padua và nhận tu phục từ chân phước Jordan Saxony vào dịp Lễ Phục Sinh năm 1223…[25]” Tuy nhiên, có những nguồn tư liệu Trung đại khác cho rằng thánh Albertô gia nhập Dòng không phải ở Padua mà ở Cologne, điều này tạo ra một “truyền thống kép … khiến cho những người viết tiểu sử về thánh Albertô phải lúng túng”[26]. 

Bấy giờ những truyền thống dường như mâu thuẫn nhau trong các nguồn tư liệu Trung đại, khiến ta khó xác định chắc chắn thánh Albertô gia nhập Dòng Đa Minh khi nào và ở đâu. 

Từ chính các tác phẩm của thánh Albertô ta có thể xác định ngài từng sống ở Italy[27], ở Lobardy[28] năm 1222 và ở Padua. Nhưng không thể khẳng định chắc chắn rằng ngài gia nhập Dòng Giảng Thuyết vào năm 1223 ở Padua.

Sau khi đánh giá tình trạng phức tạp này, cha Simon Tugwell kết luận rằng nhiều khả năng thánh Albertô gặp chân phước Jordan Saxony ở Padua và sau đó hầu như ngay lập tức được gửi đến Cologne, tại đây ngài được cha bề trên Leo đón nhận. Tuy nhiên, cha Tugwell bác bỏ năm 1223 là thời gian thánh Albertô vào Dòng, thay vào đó cha phục hồi một khẳng định trước đây rằng trước hết thánh Albertô đã nghe chân phước Jordan thuyết giảng vào năm 1229, trong thời gian đó ngài vẫn đang học ở Padua, và vì thế cha Tugwell đề xuất rằng thánh Albertô đến Cologne vào cuối năm 1229 và đầu năm 1230[29]. Theo biên niên sử này, thời điểm thánh Albertô vào Dòng là lúc ngài khoảng 30 tuổi, hoặc thậm chí có thể lớn tuổi hơn.[30]

Khi thánh Albertô Cả đến Cologne, một thành phố nằm ở bờ Tây sông Rhine, ngài đã khám phá ra một thành phố lớn nhất nước Đức, có lẽ khoảng 40,000 dân cư. Có thể ngài được gửi đến đây để nghiên cứu thần học, và trở thành một giảng sư (vai trò của ngài là mang lại những bài giảng thần học cho các thành viên trong cộng đoàn này dựa trên một cuốn sách của Kinh Thánh). Tuy nhiên, vì vẫn còn những tranh cãi về thời gian chính xác ngài gia nhập Dòng, nên ta vẫn khó xác định các mốc thời gian chính xác về giai đoạn ngài học ở Cologne và sứ vụ liền sau đó. Theo Henry xứ Herford, thánh Albertô xuất hiện với tư cách giảng sư ở Hildesheim, và sau đó ngài giảng dạy tại Freiburg, Regensburg, Strasbourg và cuối cùng là đến Paris.[31] Ngày thánh Albertô đến Paris cũng không chắc chắn, Weisheip cho rằng vào năm 1243 hoặc năm 1244[32], trong khi đó cha Tugwell cho rằng thánh Albertô đến Paris vào đầu năm 1240.
 
Ở Paris

Việc Dòng Đa Minh gửi thánh Albertô đến Paris vào khoảng năm 1240, ở đó ngài giảng về cuốn Sentences [của Peter Lombard] và sau đó nhận được bằng tiến sĩ thần học, có thể được hiểu là sự tôn trọng dành cho ngài. Ở Paris những cơ hội về việc nghiên cứu chỉ dành cho những người có lời tuyên thệ vĩ đại nhất. Nếu việc trở thành sinh viên là rất khó, thì việc trở thành giáo sư thần học ở đây lại khó khăn gấp bội[33]. Vào thời điểm thánh Albertô đến Paris, anh em Đa Minh chỉ giữ hai ghế thần học, đó là Godfrey xứ Bléneau và Gueric xứ Saint-Quetin.

Tại Paris, thánh Albertô giảng về Kinh Thánh, chuẩn bị bình giảng về cuốn Sentences, và thiết lập một cộng đoàn các sinh viên và giáo sư bao gồm Ambrose xứ Siena, Dionysius xứ Viterbo, và Odericus Francigenus. Trong môi trường trí thức triển vọng ở Paris, thánh Albertô bắt gặp một kho tư liệu triết học mới, quyết định cho sự phát triển đời sống tri thức của chính ngài: tức là, những bản dịch về tác phẩm của Aristotle cùng với những bình giải của các học giả Do thái và Islam. Thánh Albertô hẳn cũng tìm thấy ở Paris một thuyết Plato đã được phục hồi (hay là thuyết Plato mới) trong tác phẩm Liber de causis của tác giả nguỵ danh Aristotle, cũng như trong sự quan tâm mới mẻ dành cho các tác phẩm được gán một cách không đúng cho Dionysius xứ Areopagite. Có lẽ vì ngài hiểu rõ rằng “Không thể trở thành một triết gia hoàn hảo mà không biết gì về triết học của Aristotle và Plato”[34], thánh Albertô chú giải những trước tác của Pseudo-Dionysius, và những chú giải về tác phẩm Divine Names của Pseudo-Dionysius chính là công trình quan trọng nhất của phái Plato mới trong kỷ nguyên kinh viện[35]. Thánh Albertô là học giả kinh viện duy nhất không chỉ chú giải các tác phẩm của Pseudo-Dionysius mà còn toàn bộ tác phẩm của Aristotle.

Những bài giảng về toàn bộ tác phẩm của Dionysius đã bắt đầu ngay khi ngài đảm nhiệm chức vụ giáo sư ở Paris, có lẽ là tiếp quản ghế giáo sư do Guerric xứ Saint-Quentin (mất khoảng năm 1244 hoặc 1245) để lại. Thánh Albertô là người anh em Đa Minh người Đức đầu tiên giữ ghế này, và ngài vẫn ở Paris với tư cách là giáo sư thực thụ cho đến năm 1248[36]. Ngài nghiên cứu và giảng dạy ở Paris bên cạnh những nhóm học giả thực sự nổi bật bao gồm Roger Bacon, Robert Kilwardby, William xứ Auvergne, Jean de la Roche, Odo Rigaud, và John xứ Fidanza (tức thánh Bonaventura), sự hiện diện của thánh Bonaventura ở đây cho thấy chất lượng đời sống tri thức ở một Đại học mà số lượng sinh viên và phân khoa của Đại học này chưa đầy 200 hay 250 người[37].

Chàng trai trẻ Tôma Aquinô mới 20 tuổi cũng là một trong những sinh viên của thánh Albertô, Tôma đến Paris vào cuối năm 1245. Chắc chắn, thánh Tôma cũng đã nghe những bài giảng của thánh Albertô bàn về các tác phẩm của Pseudo-Dionysius, mà về sau Tôma đã chép lại[38]. Những bản chép tay này vẫn còn được lưu lại ở Naples, Bibl. Naz. I B54. Người ta truyền tai nhau về những đánh giá của thánh Albertô đối với tiềm năng trí tuệ của thánh Tôma, ở đó ngài khẳng định rằng mặc dù Tôma là người lầm lì ít nói, và thường được  gọi là “con bò câm”, nhưng một ngày nào đó tiếng rống của nó sẽ vang dội khắp thế giới này[39]. Mặc dù thánh Tôma được phong thánh vào đầu thế kỷ XIV, nhưng phải gần bảy thể kỷ sau thì thánh Albertô mới được phong thánh, vào năm 1931, có lẽ bởi vì tên tuổi của ngài được gắn liền với những cáo buộc sai lạc về phép thuật, thuật gọi hồn và ma thuật, bắt nguồn từ các tác phẩm đáng ngờ hay giả mạo được gán cho ngài vào cuối thời Trung đại. Việc Peter của nước Phổ, người viết sử thế kỷ XV về thánh Albertô, đã hao tâm tổn sức để bảo vệ ngài chống lại những cáo buộc này cho thấy những cáo buộc đó thật sự trầm trọng đến mức nào[40].

Khởi hành tới Cologne

Sau ba năm làm việc với tư cách là giáo sư thực thụ ở Paris, thánh Albertô được gửi đến Cologne để mở một studium generale, một học viện nghiên cứu bậc cao dành cho anh em Đa Minh. Một studium generale khác được mở ở Oxford, Bologna, và Montpellier. Thánh Tôma Aquinô đồng hành với ngài đến Cologne, ở đó Ulrich xứ Strasbourg và Giles xứ Lessines trở thành môn sinh của thánh Albertô.

Kể từ đây, thánh Albertô xuất hiện ngày càng nhiều trước công chúng, điều này giúp chúng ta có nhiều tư liệu về những hoạt động của ngài. Vào năm 1252 thánh nhân cùng với Hugh xứ Saint-Cher giải quyết một cuộc tranh cãi giữa Tổng giám mục của thành phố Cologne (Conrad xứ Hochstaden) và người dân của thành phố này. Vào năm 1254, thánh Albertô được bầu làm bề trên Giám tỉnh của anh em Đa Minh Đức và chịu trách nhiệm cho một Dòng tu rải rác ở Thuỵ Sĩ, Áo, Bỉ, Hà Lan, Đức và các khu vực của nước Pháp, và thậm chí là cả phía bắc Riga. Hơn nữa, thánh Albertô còn chủ trì các Tỉnh hội ở Regensburg và Erfurt (lần lượt vào năm 1255 và 1256), ngài cũng từng tham dự Tổng hội diễn ra ở Milan năm 1255 và ở Paris năm 1256.

Sau khi đảm nhận chức vụ bề trên Giám tỉnh từ năm 1254 đến năm 1257, thánh Albertô trở lại với trách vụ giảng dạy tại studium generale ở Cologne. Tuy nhiên, sứ vụ giảng dạy của ngài một lần nữa bị gián đoạn vào tháng 2 năm 1260 khi Giáo hoàng Alexander IV bổ nhiệm ngài làm Giám mục Regensburg. Toà Giám mục Regensburg không đem lại ưu thế cho thánh Albertô[41]. [Bởi vì] giáo phận này gần như bị phá sản và đầy rẫy những bê bối. Thánh Albertô phải giải quyết cả hai vấn đề này, ngài nỗ lực vực dậy tinh thần rệu rã của các giáo sĩ thuộc Giáo phận và cải thiện điều kiện tài chính tốt hơn so với khi ngài mới đặt chân đến đây. Chỉ có điều, vào năm 1261 ngài rời khỏi Giáo phận để đến Rôma gặp Đức Giáo hoàng Urban IV, người kế nhiệm Giáo hoàng Alexander IV (qua đời năm 1261). Đức giáo hoàng Urban IV cho phép thánh Albertô từ nhiệm chức vụ Giám mục, vào năm 1262. Tuy nhiên, vào năm sau đó, vị Giáo hoàng này chỉ định thánh Albertô giảng thuyết về cuộc thập tự chinh trong tất cả vùng đất nói tiếng Đức, để huy động sự ủng hộ cho một kế hoạch giải phóng vùng đất thánh ở phương Đông. Thêm vào đó, thánh Albertô trở thành người chuyên giải quyết những vấn đề khó khăn cho Giáo hoàng ở Đức, và phục vụ như vị Tổng đại diện cho Tổng giáo phận Cologne. Mặc dù lúc bấy giờ tuổi đã cao, nhưng thánh Albertô vẫn phải đi lại rất nhiều nơi để làm thoả lòng cả chỉ thị và tinh thần của uỷ ban Giáo hoàng.

Khi Đức Giáo hoàng Urban IV qua đời năm 1264, công việc giảng thuyết về thập tự chinh cũng chấm dứt. Từ năm 1264 mãi đến năm 1267 thánh Albertô dường như sống giữa những anh em Đa Minh ở Würzburg. Vào năm 1267 thánh Albertô chuyển đến một Đan viện của các nữ đan sĩ ở Burtscheid, và năm 1268 ngài cung hiến một ngôi thánh đường của anh em Đa Minh ở Esslingen. Sau đó, ngài xuất hiện tại Strasbourg (theo thỉnh cầu của Clement IV) để giải quyết cuộc tranh cãi giữa Giám mục và những người dân của thành phố này.

Từ năm 1269 hoặc 1270 thánh Albertô cư trú lâu hơn tại Tu viện Holy Cross (Heiliges Kreuz) ở Cologne của những anh em Đa Minh, tại đây ngài phục vụ như một giáo sư danh dự. Đó hẳn là nơi ngài đã lưu lại cho đến khi qua đời vào năm 1280.

Thi hài của thánh Albertô được an táng ở tu viện của anh em Đa Minh ở Cologne và ngài yên nghỉ ở đây cho đến năm 1482, khi Đức Giáo hoàng Sixtus IV ra lệnh mở ngôi mộ của ngài. Cánh tay phải của thánh Albertô được gửi đến cho Đức Giáo hoàng, trong khi những thánh tích khác được lưu giữ ở Cologne, đặt trong một hòm kính, để khách hành hương có thể chiêm ngắm. Năm 1804 ngôi mộ của ngài lại được mở ra một lần nữa, và thi hài được chuyển đến nhà thờ giáo xứ thánh Anrê trước khi Cologne bị Napoleon xâm chiếm[42].

Khi ngôi thánh đường này bị bom đạn phá huỷ trong thế chiến thứ hai, thi hài của thánh Albertô được dời đến một ngôi nhà nguyện màu trắng đơn giản được xây dựng trong một hầm mộ phía dưới nhà ca đoàn và được đặt vào một quan tài theo kiểu La Mã thế kỷ thứ III bên dưới một bàn thờ.
 
Tác phẩm

Công trình của thánh Albertô Cả khá đồ sộ. Meersseman xác định trên 470 nhan đề riêng biệt (gồm các bài giảng) được xem là của thánh Albertô[43], bao gồm khoảng 70 khảo luận về triết học, khoa học và thần học, với hơn 20.000 trang bản thảo[44]. Mặc dù trong tính toán của Meersseman bao gồm những khảo luận mà về sau được phát hiện là không phải của thánh Albertô, nhưng Fernand van Steenberghen không quá lời khi nhận xét rằng thánh Albertô là một tác giả có bút lực dồi dào nhất của toàn bộ thời Trung đại[45]. Hai ấn bản chưa hoàn tất của tác phẩm opera omnia của ngài đã được xuất bản. Ấn bản thứ nhất do Peter Jammy, O.P biên tập năm 1651, và ấn bản thứ hai do Abbé Auguste Borgnet biên tập vào năm 1890-1899. Một ấn bản khảo chứng dự định có 40 tập, tức ấn bản Cologne, đang trong quá trình chuẩn bị dưới sự hướng dẫn của Viện thánh Albertô Cả ở Bonn.
Trọng tâm trong tác phẩm của thánh Albertô là những chú giải về Aristotle. Bắt đầu từ khoảng năm 1250, thánh Albertô đã tiến hành một cách cẩn trọng và có hệ thống để diễn đạt lại và chú giải toàn bộ tác phẩm của Aristotle, nhằm tạo ra một “sổ tay đầy đủ” cho các giáo sư về triết học Aristotle và các nhà Tiêu dao (Peripatetics) cho các thính giả Latin. Trong thực tế, thánh Albertô đã đưa vào trong dự án này một số bản văn được gán cho Aristotle, nhưng thực ra không phải vậy, chẳng hạn tác phẩm Liber de causis proprietatum elementorum[46] và De plantis.

Tuy nhiên, thành tựu này là đáng kinh ngạc và việc ngài chấp nhận một số khảo luận như là các công trình của chính Aristotle, nhưng về sau bị phát hiện là của những tác giả khác không làm mất đi tầm quan trọng trong những thành tựu của ngài.

Giống như các trước tác của Aristotle được xếp vào những phạm trù khác nhau như logic học, triết học tự nhiên, đạo đức học, triết học tư biện và siêu hình học, thì các tác phẩm của thánh Albertô cũng được sắp xếp như vậy. Tuy nhiên, thánh Albertô là một trong số rất ít các nhà kinh viện không chỉ chú giải về logic học, siêu hình học của Aristotle mà thậm chí còn chú giải về các tác phẩm triết học tự nhiên của Aristotle được lưu hành dưới nhan đề là De animalibus, cũng như tác phẩm De plantis[47] tức một tác phẩm về sau được cho là không phải của Aristotle.

Trong khi chỉ cần chú giải về Aristotle đã mang lại cho ngài một vị thế hàng đầu trong số các nhà kinh viện, thánh Albertô không giới hạn nỗ lực của mình vào việc diễn giải những tác phẩm của “một bậc thầy mà ai cũng biết tới” [tức Aristotle]. Ngài còn chú giải các tác phẩm của Pseudo-Dionysius xứ Areopagite[48]. Hơn nữa, ngài dành hết tâm huyết cho việc biên soạn các bải giảng, các khảo luận thần học, các tác phẩm liên quan đến phụng vụ, bình giải và chú giải Kinh Thánh, bao gồm những bình giải về từng cuốn sách Tin Mừng, cũng như các sách ngôn sứ thời Cựu Ước. Hơn nữa, ở đây thánh Albertô cũng xúc động bởi những lời nài xin của các anh em, nên ngài viết tác phẩm Summa theologiae để đáp lại lời khẩn cầu của họ[49].

Mặc dù thánh Albertô có thể nghĩ mình là một thần học gia nhiều hơn là một triết gia[50], nhưng các tác phẩm của ngài có phần nặng về khoa học và triết học hơn. Danh tiếng và sự nổi tiếng của ngài lúc sinh thời và sau khi qua đời đã phản ánh điều này. Weisheipl rất đúng khi nhận xét rằng “thánh Albertô nổi tiếng như một triết gia hơn là một thần học gia đối với những người đồng hương của mình… Trong thực tế, ngài nổi tiếng hơn cả thánh Tôma Aquinô trong quãng đời ngắn ngủi của mình”[51].
 
Lm. Micae Trần Văn Thành, O.P chuyển ngữ từ bài viết “Albert the Great: Biographical Introduction” trong cuốn A Companion to Albert the Great-Theology, Philosohy and the Sciences, Irven M. Resnick biên tập (Brill:2013), tr. 1-10.

[1] Georg Wilhelm Frederick Hegel, Các bài giảng của Hegel về sử học triết học, E.S. Haldane và Frances H.Simson dịch, 3 tập (London: 1892-96), tập 3: trang 75.
[2]  Vir in omni scientia adeo divinus, ut nostri temporis stupor et miraculum congrue vocari possit.” Trích trong Hieronymus Wilms, Albert the Great: Saint and Doctor of the Church, Adrian English và Philip Hereford dịch (London: 1933), 136.
[3] “Mundo luxisti/ quia totum scibile scisti.” Rudolph of Nijmegen, Legenda Beati Alberti Magni, Heribert C. Scheeben biên tập (Cologne: 1928), 16.
[4] “Philosophorum Princeps . . . Maior Platone/ vix inferius Salomone . . .”. sđd, 94
[5] James A. Weisheipl, “Albertus Magnus,” in Dictionary of the Middle Ages, tập 1, Joseph R. Strayer biên tập (New York: 1982–89), tr. 126–130, xem thêm tr. 129.
[6] Lynn Thorndike, A History of Magic and Experimental Science, 8 tập (New York: 1923–58), tập. 2: 521.
[7] Bernhard Geyer, “Albertus Magnus,” Encyclopedia Britannica, ấn bản thứ 14., 24 tập (New York: 1973), tập. 1, trang 529.
[8] William Wallace, “Galileo’s Citations of Albert the Great,” trong Albert the Great: Commemorative Essays, Francis J. Kovach và Robert W. Shahan biên tập (Norman, Okla.: 1980), 261–83, trích trang 261.
[9] Hai sắc lệnh Giáo hoàng là sắc lệnh In thesauris sapientiae của Đức Giáo hoàng Pi-ô XI (ngày 16 tháng 12 năm 1931) trong sắc lệnh này thánh Albertô được phong lên hàng hiển thánh và được tuyên phong làm Tiến sĩ Hội Thánh, và sắc lệnh Ad Deum của Đức Giáo hoàng Pi-ô XII (ngày 16 tháng 12 năm 1941) [trong sắc lệnh này Đức Giáo hoàng Piô XII đã đặt ngài làm bổn mạng của các nhà khoa học và cũng gọi ngài là vị“Tiến sĩ phổ quát,” vì ngài có kiến thức uyên bác trong nhiều lãnh vực].
[10] Xem Irven M. Resnick và Kenneth F. Kitchell, Jr, Albert the Great: A Selectively Annotated Bibliography (1900–2000), (Medieval and Renaissance Texts and Studies) 269 (Tempe, Ariz.: 2004); và Bruno Tremblay, “Modern Scholarship (1900–2000) on Albertus Magnus: A Complement”, Bochumer Philosophisches Jahrbuch für Antike und Mittelalter 11 (2006), 159–194.
[11] Xem Gerard of Fracheto, Vitae fratrum Ordinis Praedicatorum, Benedictus Maria Reichert biên tập (Louvain: 1896).
[12] Henry of Herford, Liber de rebus memorabilioribus sive chronicon Henrici de Hervordia, A. Potthast biên tập (Göttingen: 1859).
[13] Luis of Valladolid, “Tabula Alberti Magni,” in Catalogus codicum hagiographicorum Bibl. Regia Bruxellensis, 1.2 (Brussels: 1889).
[14] Bản văn này do Paul von Loë xuất bản trong bài viết “De vita et scriptis B. Alberti Magni” trong cuốn sách Analecta Bollandiana 20 (1900), 272–284.
[15] Được biên tập cùng với De adhaerendo Deo trong De adhaerendo Deo libellvs. Accedit eiusdem Alberti vita, Deo adhaerentis exemplar (Antwerp: 1621), 61–341.
[16] Xem Rudolph of Nijmegen, Legenda Beati Alberti Magni, Heribert C. Scheeben biên tập (Cologne: 1928).
[17] Trong bài viết “The Life and Works of St. Albert the Great”, trong cuốn  Albertus Magnus and the Sciences 1980, James A. Weisheipl biên tập (Toronto: 1980), 13–51, Weisheipl đánh giá bằng chứng này để xác định năm sinh của thánh Albertô và đề nghị rằng năm sinh hợp lý duy nhất phù hợp với phần còn lại của biên niên sử về thánh Albertô là khoảng năm 1200, trang 17.
[18] Trong Paradiso X, 98 Dante đề cập đến thánh Albertô như là Alberto di Cologna, đặt ngài cùng với môn sinh của ngài là thánh Tôma Aquinô.
[19] Hoặc đôi khi được gọi một cách đơn giản là Tiến sĩ phổ quát hay Tiến sĩ chuyên môn. Đối với những tước hiệu khác nhau này, đặc biệt xem Adolf Layer, “Namen und Ehrennamen Alberts des Grossen”, Jahrbuch des historischen Vereins Dillingen an der Donau 81 (1979), 41–43.
[20] Xem John B. Freed, The Friars and German Society in the 13th Century, (Mediaeval Academy of America) 86 (Cambridge, Mass.: 1979), 63.
[21] Xem Adolf Layer, “Albert der Grosse und seine Schwäbische Heimat”, Jahrbuch des historischen Vereins Dillingen an der Donau 81 (1979), 47–52.
[22] Ví dụ, Rudolph of Nijmegen (Legenda Beati Alberti Magni, 8) nhận xét rằng thánh  Albertô là “ex piis parentibus de militari familia de Bolsteter dicta . . .”.
[23] Xem Adolf Layer, trong bài viết “Namen und Ehrennamen Alberts des Grossen,” 42, đã phỏng đoán rằng người bác này là một thương gia hoặc làm công chức của thành phố Italian.
[24] Epist. 20. Xem Beati Iordani de Saxonia Epistulae, Angelus Walz biên tập (Monumenta Ordinis Fratrum Praedicatorum Historica) 23 (Rome: 1951), 24.
[25] Weisheipl, “The Life and Works of St. Albert the Great,” 19.
[26] Simon Tugwell, Albert and Thomas: Selected Writings (New York: 1988), 4.
[27] Alb., Mineral. 2.3.1, Borgn. 5, 48.
[28] Thánh Albertô mô tả một trận động đất tàn phá khu vực này vào mùa Đông năm 1222. Xem Meteora 3.2.12, Borgn. 4, 629
[29] Simon Tugwell, Albert and Thomas: Selected Writings, 7.
[30] Và chú thích 16, như Henry xứ Herford, Peter xứ Prussia, và những người khác nhấn mạnh. Đối với những đoạn văn liên quan xem Paul von Loë, “De vita et scriptis B. Alberti Magni,” Analecta Bollandiana 20  (1901), 276–277.
[31] “In Hildenshem primo fuit lector, post in Vriburgo, post in Ratisbona duobus annis, et post in Argentina; et exinde Parisius ivit . . .”. Henry xứ Herford, Liber de Rebus Memorabilioribus, cap. 94, 201.
[32]  Ta cần lưu ý rằng Weisheipl dường như cũng không tán thánh năm 1243/44 về việc thánh Albertô đến Paris. Trong tác phẩm thời đầu “Albert the Great,”  trong The New Catholic Encyclopedia, tập. 1 (Washington, D.C.: 1967), 254–258, trích trang 254— Weilsheip đề xuất năm 1241 là năm thánh Albertô được gửi đến Paris để chuẩn bị cho việc trở thành tôn sư thần học.
[33] Về lịch sử việc hình thành này ở Paris, sự mở đầu của một nghiên cứu phổ quát khác và những đòi hỏi và quá trình nghiên cứu cần thiết để được chấp nhận như là tôn sư thần học, xem William A. Hinnebusch, The History of the Dominican Order, 2 tập (New York: 1966–73), tập. 2: 37–82.
[34] Metaph. 1.5.15, trích trong Tugwell, Albert and Thomas: Selected Writings, 31.
[35] Martin Grabmann, “Zur philosophischen und naturwissenschaftlichen Methode in den Aristotelskommentaren Alberts des Grossen,” Angelicum 21 (1944), 50–64, trích trang 46.
[36] Về ngày tiếp nhận thánh Albertô không thể xác định một cách chính xác . Henry xứ Herford chỉ ra rằng ngài rời khỏi Paris đến Cologne sau khi thi làm giáo sư ba năm tại đây. Nếu lúc ngài rời đi là năm 1248, thì ta có thể giả định rằng ngài được tiếp nhận trong năm 1245.
[37] Về đánh giá này, xem James A. Weisheipl, “The Structure of the Arts Faculty in the Medieval University,” British Journal of Educational Studies 19 (1971), 263–271, trích trang 266.
[38] Weisheipl, trong “The Life and Works of St. Albert the Great,” 29, lưu ý rằng “ thánh Albertô viết và giảng về De caelesti hierarchia lúc ngài vẫn còn ở Paris trước mùa hè 1248, ngài cũng giảng về De divinis nominibus trong năm 1249–50 . . .[và] kết thúc phân tích của ngài về tác phẩm của Dionysian vào thời điểm thánh Tôma rời [Cologne] đến Paris vào mùa thu năm 1252.
[39] “Nos vocamus istum bovem mutum, sed ipse adhuc talem dabit in doctrina mugitum, quod in toto mundo sonabit.” Điều này được trình bày trong rất nhiều nguồn tài liệu thời Trung đại về hạnh các thánh, bao gồm các tác phẩm về những người viết tiểu sử đầu tiên của thánh Tôma, William of Tocco, cha bề trên Tu viện Benevento vào thế kỷ thứ XIV. Về những trích dẫn này, xem, Paul von Loë, “De vita et scriptis B. Alberti Magni,” Analecta Bollandiana 20 (1901), 280.
[40]  Peter xứ Prussia, Vita B. Alberti Doctoris Magni, caps. 10–16, in De adhaerendo Deo libellvs. Accedit eiusdem Alberti vita, Deo adhaerentis exemplar, 123–161.
[41] Về vai trò của thánh Albertô ở Regensburg, xem tuyển tập những bài tiểu luận trong Albertus Magnus. Bischof von Regensburg und Kirchenlehrer Gedenkschrift zum 700. Todestag, Georg Schwaiger và Paul Mai biên tập (Regensburg: 1980).
[42] Về lịch sử ngôi mộ và số phận các thánh tích của thánh Albertô, xem Melchior Weiss, Reliquiengeschichte Alberts des Grossen (Munich: 1930). Bản văn này bao gồm rất nhiều hình ảnh.
[43] Xem Gilles Gerard Meersseman, Introductio in opera omnia B. Alberti Magni, O.P. (Bruges: 1931), 151–164.
[44] Về số lượng này, xem Paul Hossfeld, Albertus Magnus als Naturphilosoph und Naturwissenschaftler (Bonn: 1983), 5.
[45] Xem Fernand van Steenberghen, “Saint Albert le Grand Docteur de Église,” Collecteana Mechliniensia 21 (1932), 518–534, trích dẫn 529.
[46] Đối với bản văn này trong bản dịch có phần thảo luận, xem Albert the Great’s On the Causes of the Properties of the Elements (Liber de causis proprietatum elementorum), Irven M. Resnic dịch và chú thích (Mediaeval Philosophical Texts in Translation) 46 (Milwaukee, Wis.: 2010).
[47] Giống như các học giả đương thời, thánh Albertô tin rằng De plantis là do chính Aristotle viết và bình luận trong chính tác phẩm De vegetabilibus et plantis của ngài. Tuy nhiên, vào thế kỷ XVII, Haggi Halifa cho thấy rằng De plantis là một tác phẩm của Nicholas xứ Damascus. Nhưng sai sót của thánh Albertô trong việc gán tác phẩm này cho Aristotle không gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với chú giải của ngài. Về một thảo luận của bản văn này, đặc biệt xem bài viết "“Albert the Great and His Botany” của Gilla Wöllme trong cuốn sách này. 
[48] Đặc biệt xem thảo luận của Henryk Anzulewic và Markus trong bài viết “Albert the Great and Mystical Epistemology”.  
[49] Summa de mir. scient. dei 1.1.prol., Colon. Biên tập, 34/1, 1.
[50] Những quan tâm thần học là đúng thật và lâu dài. Trong “Albert—der Theologe,” Wilhelm Breuning nhấn mạnh rằng “Albert war mit ganzer Seele Theologe”. Xem Albertus Magnus. Sein Leben und seine Bedeutung, Manfred Entrich biên tập (Graz: 1982), 83.
[51] James A. Weisheipl, “Albert the Great and Medieval Culture,” Thomist 44/4 (1980), 481–501, trích trang 499.
114.864864865135.135135135250