08/05/2024 -

Thần học

1667
GIỚI THIỆU

Văn kiện của Bộ Giáo Lý Đức Tin, bắt đầu với hai từ Iuvenescit Ecclesia, mang hình thức một bức thư gửi các Giám mục trên thế giới về mối tương quan giữa các ơn phẩm trật và các ơn charisma, được ban hành vào Lễ Hiện Xuống (15/5/2016).

Bố cục nội dung được chia làm 5 phần, không kể Nhập đề và Kết luận.

Nhập đề (số 1-3)

I. Các charisma theo Tân Ước (số 4-8)

II. Tương quan giữa ân huệ phẩm trật và ân huệ charisma theo Huấn quyền cận đại (số 9-10)

III. Nền tảng thần học của tương quan giữa các ân huệ phẩm trật và ân huệ charisma (số 11-12)

IV. Tương quan giữa các ân huệ phẩm trật và charisma trong đời sống và sứ mạng của Hội thánh (số 13-18)

V. Tương quan giữa ơn phẩm trật và ơn charisma trong thực hành của Giáo hội (số 19-23)

Kết luận (số 24)

Ba chương đầu đi tìm nguồn gốc của chiều kích phẩm trật và charisma dựa theo Kinh thánh và Huấn quyền. Trong phần thứ bốn, văn kiện xác định rõ hơn: căn tính của ân huệ phẩm trật (số 14) và căn tính của ân huệ charisma (số 15-16). Cụ thể hơn nữa, văn kiện đề ra tám tiêu chuẩn để phân định các ơn charisma (số 18).

Luận đề căn bản mà văn kiện muốn nêu bật là: hai yếu tố “phẩm trật” và “charisma” đều là cốt yếu trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh: hai yếu tố này bổ túc cho nhau, chứ không đối lập với nhau. Đức Gioan Phaolô coi hai yếu tố là “cùng yếu tính” (co-essentiale) với nhau. Vì thế, không được phép tách biệt hoặc đối lập “Hội thánh của thể chế” và “Hội thánh của bác ái” (số 7).

BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT

Charisma thường được dịch là “đặc sủng” hay “đoàn sủng”. Đặc sủng ám chỉ ơn “đặc biệt” chỉ ban cho một vài người chứ không ban cho tất cả các tín hữu; Đoàn sủng ám chỉ ơn nhằm ích lợi của cộng đoàn. Như vậy, mỗi từ ngữ chỉ diễn tả được một khía cạnh của charisma. Thế nhưng, văn kiện đã cho thấy rằng: một đàng, charisma không nhất thiết là ơn đặc biệt, khác thường (số 6); đàng khác, charisma có thể chỉ nhằm đến ích lợi của cá nhân người nhận lãnh (số 5). Vì lý do ấy và cũng để tránh lẫn lộn với “ân sủng” (gratia / grace), chúng tôi giữ nguyên tiếng gốc Hy lạp là charisma (dùng như danh từ hoặc tính từ). Ngoài ra, văn kiện dùng nhiều từ ngữ tương đương nhưng không hoàn toàn trùng nghĩa, vì thế chúng tôi cũng cố gắng phân biệt trong bản dịch, đó là: “donum / gift”: ơn, ân huệ; “gratia / grace”: hồng ân, ân sủng. Những từ ngữ chuyên môn khác: “aggregazione ecclesiale / ecclesial group”: đoàn thể (của Giáo hội); “movimento / movement”: phong trào.

Bản dịch theo bản tiếng Anh và được đối chiếu với bản tiếng Ý, xin xem tại Thời sự Thần học: Tương Quan Giữa Các Ơn Phẩm Trật Và Ơn Charisma Trong Đời Sống Và Sứ Mạng Truyền Giáo Của Giáo Hội.

Bản gốc tiếng Anh trên Vatican.va : Letter “Iuvenescit Ecclesia” to the Bishops of the Catholic Church Regarding the Relationship Between Hierarchical and Charismatic Gifts in the Life and the Mission of the Church.
114.864864865135.135135135250