13/05/2024 -

Thần học

1915
Giuđa Ítcariốt, vị tông đồ được liệt kê cuối cùng trong danh sách Nhóm Mười Hai. Người ta thường nghĩ ngay đến những hành động tệ hại của Giuđa qua biệt hiệu “kẻ bội phản”. Tuy nhiên, không ai phủ nhận, Giuđa Ítcariốt cũng là một người được Đức Giêsu tuyển chọn và đã có thời gian sống thân tình với Người. Chúng ta hãy phó thác vận mệnh chung cuộc của vị tông đồ này cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Đồng thời, cần có cái nhìn mở rộng, chú ý đến nhân vật Mátthia trong sách Công Vụ Tông Đồ, là người đã được chọn để thay thế vị trí của Giuđa.

Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 18 tháng 10 năm 2006 để chia sẻ những nội dung này.

 

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, để kết thúc loạt bài suy gẫm về chân dung các vị tông đồ do Đức Giêsu trực tiếp kêu gọi trong cuộc đời dương thế của Người, chúng ta không thể không nhắc tới một nhân vật luôn được kể ở cuối danh sách Nhóm Mười Hai: Giuđa Ítcariốt. Chúng ta muốn nối kết vị tông đồ cuối cùng này với thánh Mátthia, người đã được chọn để thay thế vị trí của Giuđa Ítcariốt.

Giữa cộng đoàn Kitô hữu, danh xưng Giuđa Ítcariốt làm dấy lên một phản ứng rất tự nhiên của thói phê bình và kết án. Ý nghĩa của từ “Ítcariốt” vẫn còn là một đề tài được người ta bàn luận. Lối giải thích thông dụng cho rằng danh xưng ấy ngầm diễn tả “người đến từ Keriot”, một làng quê gần thung lũng Khéprôn, được nhắc đến hai lần trong Kinh Thánh.[1] Lối giải thích khác cho rằng đó là sự biến dạng của thuật ngữ “sicario” (sát thủ đánh thuê), ám chỉ đến một chiến binh trên tay cầm “sica” (dao găm). Cuối cùng, có những người nhìn thấy biệt hiệu chẳng qua chỉ là sự chuyển âm của một từ ngữ gốc tiếng Hípri-Aram có nghĩa là “kẻ sắp giao nộp”. Danh hiệu ấy được gặp thấy hai lần trong Tin Mừng thứ tư: sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô[2] và trong biến cố cô Maria xức dầu cho Đức Giêsu tại Bêtania.[3]

Một vài bản văn chỉ ra rằng “sự phản bội đang diễn ra”: trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu tuyên bố một trong các môn đệ sẽ phản bội Thầy,[4] và kế đó là vào thời khắc Đức Giêsu bị bắt giữ sau khi cầu nguyện tại vườn Ghếtsêmani.[5] Đối lại, bản danh sách Nhóm Mười Hai coi việc phản bội như là đã thực hiện rồi: “… và Giuđa Ítcariốt, kẻ nộp Người”. Tin Mừng theo thánh Máccô,[6] Mátthêu[7] và Luca[8] đều nói tới điều đó với cùng một công thức như nhau.

Sự phản bội tự nó diễn ra theo hai giai đoạn: trước là trong kế hoạch, Giuđa thỏa thuận với đối thủ của Đức Giêsu với giá ba mươi đồng bạc,[9] sau  là trong hành động, Giuđa hôn Thầy tại vườn Ghếtsêmani.[10]

Dù trường hợp nào đi chăng nữa, trong tất cả các bài tường thuật, tác giả Tin Mừng cũng nhấn mạnh đến vị thế tông đồ mà Giuđa nắm giữ. Ông được nhắc đi nhắc lại là “một người trong Nhóm Mười Hai”[11] hay “trong số Mười Hai”.[12]

Hơn nữa, trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu diễn giải cho các tông đồ và tuyên bố chắc chắn Giuđa là “một người trong anh em”[13]. Và Phêrô nói về Giuđa như sau: “Y là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi”.[14]

Vì thế, chắc chắn Giuđa là một thành viên thuộc nhóm những người được Đức Giêsu tuyển chọn với vai trò là bạn đồng hành và người cộng tác đúng nghĩa. Điều này kéo theo hai câu hỏi với nỗ lực tìm ra lời giải thích cho những chuyện đã xảy ra.

Câu hỏi đầu tiên: tại sao Đức Giêsu lại tuyển chọn và tin tưởng Giuđa. Ông là người nắm giữ túi tiền của cả Nhóm,[15] nhưng thực tế ông cũng được gọi là “tên trộm”.[16]

Sự tuyển chọn này là một mầu nhiệm, và càng mầu nhiệm hơn nữa khi Đức Giêsu đưa ra lời phán quyết rất gay gắt về ông: “Khốn cho kẻ nộp Con Người”[17].

Một điều nữa phủ thêm bóng tối lên mầu nhiệm về số phận đời đời của ông. Giuđa đã hối hận và đem trả ba mươi đồng bạc cho các thượng tế và những người khác; ông nói rằng: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến người ấy phải chết oan”.[18] Cho dù Giuđa đi treo cổ,[19] nhưng điều đó cũng không cho phép chúng ta phán xử hành động của ông, hãy phó mặc cho Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối xót thương và công bình.

Câu hỏi thứ hai liên quan tới động cơ cho hành vi của Giuđa: tại sao ông phản bội Đức Giêsu? Câu hỏi đó làm phát sinh ra nhiều giả thuyết khác nhau. Một số người cho rằng vì ông là một kẻ tham lam. Số khác lại đưa ra một lối giải thích liên quan đến kế hoạch Mêsia: Giuđa cảm thấy thất vọng khi Đức Giêsu không thực hiện một cuộc giải phóng hoàn toàn mang tính chính trị, quân sự cho quốc gia, dân tộc.

Thực tế, các bản văn Tin Mừng quả quyết về một khía cạnh khác. Gioan nói rằng: “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt ý định nộp Đức Giêsu”.[20] Tương tự như thế, Luca viết: “Satan đã nhập vào Giuđa, cũng gọi là Ítcariốt, một người trong Nhóm Mười Hai”.[21] Theo hướng nhìn này, người ta vượt ra những động cơ, những lối giải thích có tính lịch sử dựa trên trách nhiệm cá nhân của Giuđa: ông đã để cho ma quỷ cám dỗ, chế ngự mình.

Dù sao đi nữa, sự phản bội của Giuđa vẫn là một mầu nhiệm. Đức Giêsu đã đối xử với ông như một người bạn.[22] Tuy nhiên, trước lời Đức Giêsu mời gọi đi theo Người trên con đường của các mối phúc, Người không cưỡng ép ý chí của ai, cũng chẳng bảo vệ ý chí khỏi những cơn cám dỗ của Satan, vì tôn trọng tự do của con người.

Thực ra mà nói, có rất nhiều điều khả thể tác động đến tâm hồn con người. Cách duy nhất để thoát khỏi những tác động ấy là đừng vun trồng một nhãn quan cá nhân tự lập về mọi vấn đề, nhưng trái lại, phải luôn đặt mình bên cạnh Đức Giêsu, để học biết ý định của Người. Mỗi ngày, chúng ta phải nỗ lực xây dựng tình hiệp thông trọn vẹn với Đức Kitô.

Chúng ta hãy nhớ rằng Phêrô cũng muốn ngăn cản Đức Giêsu trước những gì đang chờ đón Người tại Giêrusalem, nhưng ông đã nhận được một lời quở trách nặng nề: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.[23] Sau khi vấp phạm, Phêrô đã hối hận, tìm thấy ơn tha thứ và muôn hồng ân của Thiên Chúa. Giuđa cũng hối hận, nhưng sự hối hận của ông biến thành nỗi tuyệt vọng, nên dẫn đến hành động tự kết liễu đời mình.

Đối với chúng ta, cần phải ghi nhớ luôn mãi điều thánh Biển Đức đã nói ở Tu Luật trong phần cuối của chương IV: “Đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa”. Thực vậy, Thiên Chúa “còn cao cả hơn lòng chúng ta”, thánh Gioan đã khẳng định như thế.[24] Hãy khắc cốt ghi tâm hai điều quan trọng: thứ nhất, Đức Giêsu tôn trọng tự do của chúng ta; thứ hai, Đức Giêsu chờ đợi chúng ta cởi mở tâm hồn để thống hối và hoán cải, vì Người giàu lòng thương xót và thứ tha.

Ngoài ra, khi suy nghĩ về vai trò tiêu cực mà Giuđa nắm giữ, chúng ta phải xét vấn đề dựa trên những cách thức cao thượng, qua đó Thiên Chúa dẫn dắt mọi biến cố lịch sử. Việc Giuđa phản bội lại dẫn đến cái chết của Đức Giêsu, Đấng đã biến đổi nỗi thống khổ lớn lao ấy thành không gian của tình yêu cứu độ, thông qua việc giao phó bản thân cho Chúa Cha.[25]

Thuật ngữ “trao nộp” là dạng thức của một thuật ngữ Hy Lạp có nghĩa là “phó nộp”. Đôi khi, chủ thể của hành vi phó nộp là Thiên Chúa: chính Người vì yêu thương đã phó nộp Đức Giêsu cho tất cả chúng ta.[26] Trong chương trình cứu độ huyền nhiệm, Thiên Chúa dùng đến một hành động dường như không lối thoát của Giuđa làm một cơ hội để ban tặng món quà tuyệt hảo là Con Một của Người, hầu đền tội thế gian.

Cuối cùng, chúng ta hãy nhớ đến một nhân vật khác, sau lễ Phục Sinh, được chọn để thay thế vị trí của kẻ phản bội. Trong Giáo hội Giêrusalem, có hai người được đề xuất cho cộng đoàn, và sau đó rút thăm để chọn ra một: “Ông Giôxếp, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giúttô, và ông Mátthia”.[27]

Mátthia đã được chọn, từ đó trở đi, “ông được kết nạp vào số mười một tông đồ”.[28] Chúng ta không biết điều gì khác về Mátthia, trừ ra việc ngài là một chứng nhân cho mọi biến cố trần thế của Đức Giêsu,[29] và mãi luôn trung thành với Người cho đến cùng. Lời mời gọi thay thế vị trí của kẻ phản bội cho thấy lòng trung thành lớn lao của Mátthia, hầu bù đắp cho sự bất trung của Giuđa.

Anh chị em thân mến! Chúng ta có thể rút ra từ đây một bài học nữa cho cuộc sống hôm nay. Giáo hội vẫn còn đó những Kitô hữu bất xứng và bội phản, nhưng nhờ đời sống chứng tá cho niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Cứu Độ, chúng ta có thể bù đắp cân xứng cho những sự dữ và thiệt hại mà các Kitô hữu đó gây ra.

[1] Cf. Gs 15,19; Am 2,2.
[2] Cf. Ga 6,71.
[3] Cf. Ga 12,4.
[4] Cf. Mt 26,25.
[5] Cf. Mt 26,48; Ga 18,2,5.
[6] Mc 3,19.
[7] Mt 10,4.
[8] Lc 6,16.
[9] Cf. Mt 26,14-16.
[10] CF. Mt 26,46-50.
[11] Mt 26,14,47; Mc 14,18; Ga 6,71.
[12] Lc 22,3.
[13] Mt 26,21; Mc 14,18; Ga 6,70; 13,21.
[14] Cv 1,17.
[15] Cf. Ga 12,6b; 13,29a.
[16] Ga 12,6a.
[17] Mt 26,24.
[18] Mt 27,3-4.
[19] Cf. Mt 27,5.
[20] Ga 13,2.
[21] Lc 22,3.
[22] Cf. Mt 26,50.
[23] Mc 8,33.
[24] 1Ga 3,20.
[25] Cf. Gl 2,20; Ep 5,2,25.
[26] Rm 8,32.
[27] Cv 1,23.
[28] Cv 1,26.
[29] Cf. Cv 1,21-22.
114.864864865135.135135135250