Đây là vị tông đồ mà danh xưng của ngài có nghĩa là “sinh đôi”. Nhiều người cho rằng vị tông đồ này tiêu biểu cho những kẻ “chậm tin”, lòng hay ngờ vực. Nhưng sâu xa hơn, phải thấy rằng ngài đã được chính Đấng Phục Sinh hiện đến mặc khải, củng cố lòng tin. Thế nên, sau này ngài đã trở thành vị tông đồ rất nhiệt thành, hăng hái truyền giảng Tin Mừng, đến những vùng đất xa xôi. Truyền thống cổ xưa cho rằng ngài là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng ở Syria, Batư, và thậm chí đến cả vùng Tây Ấn và Nam Ấn nữa. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 27 tháng 09 năm 2006 để chia sẻ về vị tông đồ này.
Anh chị em thân mến!
Tiếp tục chuỗi suy niệm về mười hai vị tông đồ được Đức Giêsu trực tiếp tuyển chọn, hôm nay chúng ta sẽ tập trung vào thánh Tôma. Ngài xuất hiện trong cả bốn bản danh sách Nhóm Mười Hai trong Tân Ước: đối với truyền thống Nhất Lãm, Tôma được đặt bên cạnh Mátthêu,[1] còn ở Công Vụ Tông Đồ, ngài được đặt sau Philípphê.[2]
Danh xưng của ngài bắt nguồn từ một thuật ngữ Hípri: Ta’am, nghĩa là “sinh đôi”. Thực thế, Tin Mừng Gioan đôi lúc gọi ngài là “Điđimô”,[3] một danh xưng Hy Lạp, cũng có nghĩa là “sinh đôi”. Vì sao ngài lại có những danh xưng vậy, chúng ta không biết rõ.
Tin Mừng thứ tư còn cung cấp vài thông tin, giúp chúng ta phác họa những nét cơ bản về hình ảnh vị tông đồ này. Thông tin đầu tiên liên quan đến việc Tôma lên tiếng mời gọi các anh em, lúc Đức Giêsu quyết định đi Bêtania để cứu sống Lazarô (đây là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Người, vì tiến gần đến Giêrusalem).[4] Tôma nói với các đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để chết với Thầy”.[5] Lòng xác tín theo Thầy của Tôma là mẫu gương sáng chói, để lại cho chúng ta bài học quý giá. Lòng xác tín ấy cho thấy vị tông đồ sẵn sàng đứng bên cạnh Thầy, đồng hóa số phận của mình với số phận của Thầy, khao khát được chia sẻ với Thầy trong cuộc thử thách lớn lao nhất là khổ hình và cái chết.
Điều quan trọng hơn hết ở đây chúng ta phải ghi nhớ là không bao giờ được tách mình khỏi Đức Giêsu. Các Tin Mừng sử dụng động từ “đi theo”, có nghĩa là “Đức Giêsu đi đến đâu, các môn đệ cũng tới đó”. Bởi vậy, đời sống Kitô hữu được xem là cuộc đời gắn bó với Đức Giêsu, chung chia sự sống với Người. Thánh Phaolô cũng nói về điều tương tự như thế khi ngài khẳng định với giáo đoàn Côrintô: “Anh em hằng sống trong lòng chúng tôi, sống chết chúng ta đều có nhau”.[6] Điều diễn ra giữa thánh Phaolô với các tín hữu trong cộng đoàn của ngài rõ ràng phải áp dụng trước hết cho tương quan giữa Đức Giêsu và các Kitô hữu: sống cùng nhau, chết có nhau, mãi ở lại trong lòng nhau.
Thông tin thứ hai về tông đồ Tôma được thuật lại trong Bữa Ăn cuối cùng. Khi ấy, để báo trước về những điều sắp xảy ra, Đức Giêsu tuyên bố rằng Người sẽ đi dọn chỗ cho các môn đệ, nhờ thế các ông có thể đến và ở nơi mà Người chuẩn bị cho. Đức Giêsu nói: “Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”.[7] Ngay sau đó, Tôma hỏi lại: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”[8]
Với câu nói ấy, Tôma tỏ ra chưa hiểu rõ về Đức Giêsu. Nhưng những lời của ngài lại đưa đến cơ hội để Đức Giêsu tuyên bố một định nghĩa rất quan trọng: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.[9] Đây là chân lý Chúa Kitô mặc khải trước hết cho Tôma, nhưng vẫn còn nguyên những giá trị cho tất cả chúng ta ngày hôm nay và cho mọi người qua mọi thời đại. Mỗi khi nghe hay đọc những lời ấy, chúng ta có thể hiện diện một cách tinh thần bên cạnh tông đồ Tôma và mường tượng rằng Chúa Kitô trực tiếp nói với chúng ta như Người đã nói với Tôma.
Tuy nhiên, câu hỏi của thánh Tôma cũng cho thấy mỗi người chúng ta được quyền lên tiếng, thỉnh cầu Đức Giêsu giải thích những gì mình chưa tỏ tường, vì thực tế chúng ta không mấy khi hiểu về Người. Hãy đủ can đảm để nói: “Con chưa hiểu, lạy Chúa. Xin hãy lắng nghe và giúp con thấu tỏ thánh ý Người”. Với cõi lòng chân thành, thẳng thắn khi cầu nguyện và thưa chuyện với Chúa, chúng ta bày tỏ những giới hạn trong nhận thức của mình, đồng thời mặc lấy tâm tình tín thác của kẻ hằng trông mong nguồn ánh sáng và ơn sức mạnh đến từ Thiên Chúa, Đấng có thể ban phát cho chúng ta.
Có lẽ, chúng ta đã quá quen với hình ảnh một Tôma ngờ vực, xảy ra trong biến cố tám ngày sau Phục Sinh. Mới đầu, Tôma không tin Đức Giêsu đã hiện ra khi ngài vắng mặt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.[10]
Căn bản mà nói, từ những lời này của Tôma sẽ phát sinh một ý tưởng rất thuyết phục: giờ đây có thể nhận biết Đức Giêsu qua các vết thương hơn là qua diện mạo của Người. Tôma nhận ra những dấu chỉ quan trọng hơn hết để xác định Thầy của mình, đó chính là các vết thương trên thân thể Người. Các vết thương ấy chứng tỏ rằng Người yêu thương chúng ta nhường nào. Về điều này, Tôma không sai lầm.
Như chúng ta biết, tám ngày sau, Đức Giêsu lại hiện ra với các môn đệ, và lần này Tôma cũng có mặt. Đức Giêsu gọi Tôma: “Hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”.[11] Tôma đáp lại bằng lời tuyên xưng tuyệt vời nhất trong toàn bộ Tân Ước: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”.[12] Thánh Augustinô nhận xét về lời tuyên xưng này như sau: vị tông đồ “đã thấy, đã chạm đến một Con Người, và đã hiểu rằng Con Người ấy là Thiên Chúa, Đấng mà trước đây bản thân ngài chưa nhìn thấy và cũng chưa chạm đến. Giờ đây, từ những gì ngài thấy và chạm đến, Tôma tháo bỏ mọi nghi vấn hay ngờ vực, và hoàn toàn tin tưởng vào Đấng ấy”.[13]
Tác giả Tin Mừng tiếp tục với những lời cuối cùng của Đức Giêsu nói với Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”.[14] Câu nói đó cũng có thể áp dụng vào trong thời đại chúng ta: “Phúc cho những người không thấy mà tin”. Ở đây, Đức Giêsu giải thích rõ ràng một nguyên tắc nền tảng cho các Kitô hữu sẽ tiếp nối thánh Tôma và cho cả chúng ta nữa.
Có một điều thú vị chúng ta cần lưu ý. Một vị thánh khác cũng mang danh xưng Tôma, thần học gia vĩ đại thời Trung Cổ xuất thân từ vùng Aquinô, đã đặt lời chúc phúc này (Phúc cho những ai không thấy mà tin) bên cạnh một lời chúc phúc khác gần như có nghĩa đối lập (Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy).[15] Tuy nhiên, thánh Tôma Aquinô chú giải thêm: “Tất cả những ai dù chưa thấy mà vẫn tin thì đáng khen hơn những người đã thấy và tin”.[16] Thực vậy, Thư gửi tín hữu Hípri đã liệt kê một chuỗi các vị tổ phụ trong Kinh Thánh, là những người đáng khen vì đã tin vào Thiên Chúa dù chưa nhìn thấy sự thành toàn của các lời hứa. Lá thư này cũng định nghĩa đức tin là “đảm bảo cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”.[17]
Anh chị em thân mến! Theo tôi, hình ảnh tông đồ Tôma rất quan trọng với mỗi người chúng ta, ít là vì ba lý do sau đây: thứ nhất, an ủi chúng ta những lúc lâm cảnh bấp bênh, khốn khó; thứ hai, cho thấy mọi nghi vấn có thể dẫn đến một kết quả sáng sủa hơn, vượt lên những nghi nan; cuối cùng, những lời Đức Giêsu giải thích cho Tôma nhắc nhớ chúng ta về ý nghĩa đích thực của một đức tin trưởng thành, khích lệ chúng ta bền tâm vững chí cho dù gặp trắc trở, cứ kiên tâm bước tiếp hành trình với lòng trung thành, gắn bó với Thiên Chúa.
Điểm cuối cùng liên quan đến Tôma trong Tin Mừng thứ tư là biến cố mẻ cá lạ lùng tại biển hồ Tibêria, cho thấy Tôma là chứng nhân của Đấng Phục Sinh.[18] Trong trình thuật này, Tôma thậm chí được đề cập ngay sau Simon Phêrô. Đây là dấu chỉ cho tầm quan trọng đáng kể mà vị tông đồ này có được trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Thực thế, sách Công Vụ của Tôma và quyển Tin Mừng của Tôma (cả hai được viết dưới danh xưng của vị tông đồ) là những tác phẩm không được xếp vào quy điển Tân Ước, nhưng cũng có những đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu nguồn cội Kitô giáo.
Cuối cùng, chúng ta hãy nhớ, có một truyền thống cổ xưa cho rằng thánh Tôma tông đồ là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng ở Syria và Ba Tư. Điều này được văn sĩ Ôrigiênê nhắc đến, dựa theo dữ liệu của sử gia Êusêbiô thành Cêsarê trong quyển “Lịch sử Giáo hội”.[19] Truyền thống cũng cho rằng thánh nhân đã đến vùng Tây Ấn,[20] và sau cùng đến cả vùng Nam Ấn nữa.
Chúng ta hãy khép lại bài suy niệm trong viễn cảnh truyền giáo này. Chúng ta ước mong rằng gương sáng của thánh tông đồ Tôma sẽ không bao giờ ngừng củng cố niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô: Người là Đức Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta.
[1] Cf. Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,15.
[2] Cf. Cv 1,13.
[3] Cf. Ga 11,16; 20,24; 21,2.
[4] Mc 10,32.
[5] Ga 11,16.
[6] 2Cr 7,3.
[7] Ga 14,4.
[8] Ga 14,5.
[9] Ga 14,6.
[10] Ga 20,25.
[11] Ga 20,27.
[12] Ga 20,28.
[13] Augustinô, Diễn giải tin mừng Gioan, 121, 5.
[14] Ga 20,29.
[15] Lc 10,23.
[16] Tôma Aquinô, Chú giải Tin mừng Gioan, XX, lectio, VI 2566.
[17] Hr 11,1.
[18] Cf. Ga 21,2ff.
[19] Êusêbius Cêsarê, Lịch sử Giáo hội (Historia Ecclesiastica) III, 1.
[20] Cf. Công Vụ của Tôma 1-2 và 17ff.
? Tôi đang gặp vài khó khăn với một người theo thuyết bảo thủ. Xin vui lòng cho biết những đoạn văn trong Thánh Kinh nói về việc Chúa Giêsu thiết lập bảy bí tích?
Nhiều người Công giáo (và nhiều Kitô hữu khác) có liên hệ với những người