Đây là vị tông đồ các dân ngoại, người đã hăng say loan báo Tin Mừng khắp nơi. Ngài giữ vai trò rất quan trọng trong lịch sử Giáo hội, thế nên Đức Bênêđictô XVI đã dành nhiều buổi tiếp kiến chung để nói về vị tông đồ này:
- Ngày 25 tháng 10 năm 2006: khái quát lịch sử cuộc đời thánh Phaolô, đặc biệt nhấn mạnh đến ơn gọi tông đồ và đời sống chứng tá của ngài.
- Ngày 08 tháng 11 năm 2006: trình bày nét chủ đạo trong tư tưởng của thánh Phaolô: luôn lấy Đức Kitô làm tâm điểm cuộc đời.
- Ngày 15 tháng 11 năm 2006: giới thiệu một điểm rất đặc sắc trong giáo huấn của thánh Phaolô: sự hiện diện và tác động của Thần Khí trong Hội thánh.
- Ngày 22 tháng 11 năm 2006: đôi nét về Mầu Nhiệm Hội thánh trong quan điểm của thánh Phaolô.
Anh chị em thân mến!
Chúng ta đã khép lại chuỗi suy niệm về mười hai tông đồ, những người được Đức Giêsu trực tiếp kêu gọi trong thời gian Ngài còn tại thế. Hôm nay, tôi muốn mời anh chị em bắt đầu gặp gỡ một vài nhân vật quan trọng khác thời Giáo hội sơ khai. Các vị cũng là những người đã tận hiến đời mình cho Chúa, cho Tin Mừng và cho Giáo hội. Các vị là những người nam và những người nữ mà thánh Luca viết trong sách Công Vụ Tông Đồ, rằng họ đã “liều mất mạng sống vì danh Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”.[1]
1. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
Phaolô thành Tácxô là người đầu tiên được chính Chúa Phục sinh kêu gọi làm tông đồ. Ngài chiếu tỏa như vì sao rực rỡ suốt chiều dài lịch sử Giáo hội, không chỉ ở buổi đầu hình thành mà thôi. Thánh Gioan Kim khẩu thậm chí còn tán dương Phaolô là nhân vật nổi trội hơn các Thiên thần và Tổng lãnh Thiên Thần.[2] Thi hào Dante Alighieri, trong tác phẩm “Vở kịch thần linh”, lấy cảm hứng từ một trình thuật trong sách Công Vụ Tông Đồ, diễn tả thánh Phaolô đơn giản là “chiếc bình được chọn”[3], nghĩa là một khí cụ được Thiên Chúa chọn lựa. Cũng có một số tác giả gọi Phaolô là vị tông đồ thứ mười ba, hay thậm chí là “người đầu tiên sau Đấng Duy Nhất”.
Chắc chắn, sau Đức Giêsu, Phaolô là một trong những nhân vật ở thời Giáo hội sơ khai mà chúng ta có nhiều thông tin nhất. Thực vậy, chúng ta biết về vị tông đồ này không những qua những trình thuật trong sách Công Vụ Tông Đồ của thánh Luca, mà còn qua rất nhiều lá thư do ngài tự tay viết lấy, chứ không qua một trung gian nào khác. Đấy là những tài liệu giúp chúng ta hiểu được con người và tư tưởng của thánh nhân.
Tác giả Luca cho biết rằng tên gọi đích thực của Phaolô là Saul,[4] tiếng Hípri cũng gọi là Saul,[5] giống danh xưng của vua Saul,[6] và ngài là một người Do Thái ở nước ngoài (Diaspora), vì thành Tácxô tọa lạc giữa miền Anatolia và nước Syria.
Từ thiếu thời, Phaolô đã đến Giêrusalem để chuyên chú học hỏi luật Môsê dưới sự hướng dẫn của một Rábbi nổi tiếng là Ghamalien.[7] Phaolô cũng học dệt lều, một nghề thủ công phổ biến thời đó.[8] Chính nhờ nghề thủ công này mà thánh nhân có thể tự cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho bản thân để khỏi trở thành gánh nặng cho các cộng đoàn Hội thánh.[9]
Đối với Phaolô, việc biết đến nhóm người tự xưng ‘môn đệ Đức Giêsu’ là một bước ngoặt mang tính quyết định. Chính qua nhóm người này, Phaolô bước đến nhận thức một đức tin mới, một “đạo” mới (bấy giờ thường được gọi như thế). Đạo này không dành quá nhiều vị trí trung tâm cho luật Môsê, nhưng chú trọng vào con người Đức Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá và đã phục sinh, Đấng từ nay gắn liền với ơn tha thứ tội lỗi. Vốn là một tín đồ Do Thái nhiệt thành, Phaolô cho rằng sứ điệp ấy không thể chấp nhận được, thậm chí còn xem đó là cớ vấp phạm. Bởi thế, ông thầm nghĩ có bổn phận phải bắt bớ những kẻ theo Đức Kitô dù họ ở ngoài Giêrusalem.
Khoảng đầu thập niên 30, trên con đường đi đến Đamát, theo lời thánh nhân kể lại, “tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt”.[10] Trong khi tác giả Luca tường thuật sự kiện này khá chi tiết (ánh sáng của Chúa Phục Sinh chạm đến Phaolô, biến đổi hoàn toàn cuộc đời của ông), thì Phaolô lại đi thẳng vào điểm cốt yếu. Trong các lá thư, thánh nhân không chỉ nói đó là một thị kiến,[11] mà còn khẳng định đó là một sự soi sáng[12] và hơn nữa, đó là một cuộc mặc khải, một sự kêu gọi trọng đại qua cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh.[13]
Thực vậy, sau này Phaolô sẽ minh nhiên xác định chính ngài là “tông đồ được kêu gọi”[14] hay “tông đồ do thánh ý Thiên Chúa”,[15] như thể để nhấn mạnh rằng cuộc hoán cải của thánh nhân không phải là kết quả của một quá trình tiến triển suy tư, nhưng là sự can thiệp của Thiên Chúa, là ân sủng thánh thiêng, không thể lường trước được.
Từ đó trở đi, đối với Phaolô, tất cả những gì vốn có giá trị nay hoàn toàn đảo ngược, trở thành những thứ thua thiệt hay rác rưởi.[16] Và cũng từ giây phút ấy, trọn vẹn sức lực của Phaolô đều được dùng vào việc phục vụ Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Cuộc đời Phaolô trở thành cuộc đời của một vị tông đồ hằng khát khao “trở nên mọi sự cho mọi người”[17] mà không chút dè dặt.
Anh chị em thân mến! Ở đây, chúng ta có thể rút ra một bài học quan trọng, đó là phải lấy Đức Kitô làm tâm điểm đời sống chúng ta, để rồi căn tính của chúng ta được tô đậm chủ yếu nhờ cuộc gặp gỡ Người, hiệp thông với Người, và với Lời của Người. Chính nhờ ánh sáng của Đức Kitô mà mọi giá trị khác đều được phục hồi và được thanh tẩy cho khỏi mọi thứ cặn bã.
Một bài học nền tảng khác thánh Phaolô để lại cho chúng ta, đó là tính phổ quát trong công việc tông đồ. Khi cảm nhận sâu sắc những gian khó mà dân ngoại phải chịu trong việc nhận biết Thiên Chúa, Đấng ban ơn cứu độ cho hết thảy mọi người trong Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, Phaolô đã dâng hiến trọn đời mình để làm cho Tin Mừng được mọi người đón nhận, để loan báo ân sủng đã được trao ban hầu hòa giải nhân loại với Thiên Chúa, với chính mình và với tha nhân. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, Phaolô hiểu rằng đây là một thực tại không chỉ liên hệ đến người Do Thái hay một nhóm người cụ thể nào đó mà thôi, nhưng là điều có giá trị phổ quát liên quan đến toàn thể nhân loại vì Thiên Chúa là Chúa của tất cả mọi người.
Điểm khởi xuất cho các hành trình truyền giáo của Phaolô là cộng đoàn Hội thánh ở Antiôkhia miền Syria, nơi mà lần đầu tiên Tin Mừng đã được loan báo cho người Hy Lạp, và cũng là nơi mà danh xưng Kitô hữu, nghĩa là những kẻ tin vào Đức Kitô, được thành hình.[18] Từ đó, Phaolô đi tới đảo Kíprô, rồi nhiều lần sang Tiểu Á (Pisidia, Galatia, Laconia), và sau này, đi tới các miền thuộc Châu Âu (Makêđônia, Hy Lạp), quan trọng phải kể đến những thành phố như Êphêxô, Phílípphê, Thêxalônia, Côrintô, dĩ nhiên là cả Berea, Athen và Miletus.
Trong sứ mạng tông đồ không thiếu khó khăn gian khổ, nhưng Phaolô đã can đảm đương đầu vì tình yêu Đức Kitô. Chính thánh nhân đã nhớ lại những khó khăn ấy và thuật lại: “Tôi đã phải chịu lao tù, đòn vọt, thậm chí nhiều phen suýt chết… ba lần tôi bị tra tấn, một lần bị ném đá, ba lần đắm tàu, trải qua một ngày một đêm chơi vơi giữa lòng biển … tôi còn thực hiện nhiều cuộc hành trình khác, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiển do trộm cuớp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh”.[19]
Một đoạn trong Thư gửi tín hữu Rôma còn xuất hiện đề nghị của Phaolô là muốn đi đến tận miền Tây Ban Nha,[20] đến tận cùng phương Tây để loan báo Tin Mừng, đến những nơi mà vào thời đó người ta cho là cùng trời cuối đất. Làm sao chúng ta có thể không ngưỡng mộ và thán phục một tinh thần lớn lao như thế? Làm sao có thể không cảm tạ Thiên Chúa khi Người đã ban cho chúng ta một vị tông đồ có tầm mức vĩ đại đến vậy?
Hẳn nhiên là thánh tông đồ không thể nào đương đầu với những tình huống khó khăn và tuyệt vọng nếu không có một lý do mang giá trị tuyệt đối khiến ngài không chùn bước. Đối với thánh Phaolô, lý do ấy chính là Đức Giêsu Kitô. Thánh nhân viết về Người như sau: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi… để những ai sống thì sẽ không sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ”,[21] vì chúng ta và vì tất cả mọi người.
Thực vậy, thánh Phaolô đã làm chứng bằng máu của mình dưới triều hoàng đế Nêrô tại Rôma, và nơi đây chúng ta vẫn còn lưu giữ hài cốt của ngài. Vào cuối thế kỷ I, thánh Clêmentê thành Rôma, vị tiền nhiệm của tôi, đã viết về vị tông đồ dân ngoại như sau: “Khi bị người ta ghét ghen và hãm hại, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta biết làm thế nào một người có thể đạt được phần thưởng dành cho người chiến sĩ bền đỗ đến cùng… Sau khi rao giảng đức công chính cho mọi người trên thế giới và sau khi đến tận những biên cương của vùng đất phương Tây, thánh Phaolô đã chịu tử đạo trước những nhà cầm quyền chính trị. Thánh nhân đã từ bỏ thế gian này mà về nơi cực thánh, trở thành mẫu gương sáng nhất về lòng kiên trì”.[22]
Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện, xin Chúa giúp chúng ta ghi nhớ và đem ra thực hành những lời thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô”.[23]
2. ĐỨC KITÔ, TÂM ĐIỂM CUỘC ĐỜI
Tôi đã phác thảo những nét chính yếu trong tiểu sử thánh tông đồ Phaolô. Chúng ta đã thấy rằng cuộc gặp gỡ Đức Kitô trên con đường đi Đamas đã làm đảo lộn cuộc đời của ngài: Đức Kitô trở thành lý do hiện hữu và động lực sâu xa cho mọi công lao tông đồ của ngài. Trong các thư của thánh Phaolô, sau danh Thiên Chúa (xuất hiện hơn 500 lần) thì một danh khác được nhắc tới nhiều nhất là Đức Kitô (khoảng 380 lần). Điều này thật quan trọng, nó giúp chúng ta nhận ra rằng Đức Giêsu Kitô có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của một con người như thế nào, và như thế, Người cũng có thể ảnh hưởng đến đời sống chúng ta hôm nay. Lịch sử cứu độ đạt đến đỉnh cao nơi Đức Giêsu Kitô. Vì vậy, Người trở thành điểm biện phân đích thực trong cuộc đối thoại với các tôn giáo khác.
Nhìn vào thánh Phaolô, chúng ta có thể nêu lên một câu hỏi rất căn bản như sau: cuộc gặp gỡ của một con người với Đức Kitô diễn ra như thế nào? Và tương quan khởi đi từ cuộc gặp gỡ ấy bao gồm những gì? Câu trả lời mà thánh nhân đưa ra có thể được hiểu theo hai giai đoạn:
(1) Trước tiên, thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu được giá trị nền tảng, có tính tuyệt đối và bất khả thay thế của đức tin. Đây là điều mà ngài đã khẳng định trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Người ta được trở nên công chính nhờ lòng tin chứ không phải nhờ tuân giữ lề luật”.[24] Điều này thánh nhân cũng viết trong Thư gửi tín hữu Galát: “Vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm theo những gì luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Giêsu Kitô, để được nên công chính”.[25] Được nên công chính có nghĩa là được trở thành chính trực, được Đức Công chính đầy lòng thương xót của Thiên Chúa chấp nhận cho bước vào một cuộc hiệp thông với Người, nhờ thế có thể thiết lập một tương quan đích thực với tất cả mọi người: và điều này được đặt trên nền tảng của ơn tha thứ mọi tội lỗi chúng ta.
Thế nhưng, thánh Phaolô xác định rất rõ rằng điều kiện sống này không tùy thuộc vào những việc tốt lành mà chúng ta có khả năng thực hiện, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa: “Chúng ta được trở nên công chính bởi ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô”.[26] Qua những lời ấy, thánh Phaolô diễn tả nội dung căn bản cuộc hoán cải của ngài, diễn tả một hướng đi mới cho đời sống của ngài, là kết quả của cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh.
Trước khi hoán cải, Phaolô vốn không phải là một người xa lạ với Thiên Chúa và lề luật của Người. Trái lại, thánh nhân từng là một tay nghiêm thủ tuân giữ lề luật, với thái độ trung thành đến mức cuồng tín. Nhờ ánh sáng của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô Phục Sinh, Phaolô hiểu rằng với thái độ như thế, ngài chỉ cố gắng xây dựng bản thân, xây dựng sự công chính của riêng mình mà thôi; thêm nữa, với tất cả sự công chính như thế, ngài chỉ sống cho chính mình mà thôi.
Phaolô nhận ra rằng cần có một cuộc thay đổi trong hướng đi cuộc đời. Chúng ta thấy cuộc thay đổi này được diễn tả bằng những lời như sau: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”.[27] Bởi thế, Phaolô không còn sống cho bản thân, cho sự công chính của riêng mình nữa. Thánh nhân sống cho Đức Kitô và cùng với Đức Kitô: khi trao hiến chính mình, Phaolô không còn tìm kiếm hay xây dựng bản thân. Đây là sự công chính mới, một định hướng mới mà Chúa Kitô ban cho chúng ta qua đức tin.
Trước thập giá Đức Kitô, biểu hiện của sự trao hiến hoàn toàn, không ai có thể tự hào về bản thân hay về sự công chính do mình tạo ra cho riêng mình! Nói cách khác, khi làm cho lời ngôn sứ Giêrêmia vang vọng lại, thánh Phaolô đã diễn tả tư tưởng của ngài qua những lời như sau: “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa”[28] hoặc “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian”.[29]
(2) Khi suy gẫm ý nghĩa của ơn công chính hóa không do việc mình làm mà là do đức tin, chúng ta đi tới giai đoạn thứ hai là xác định căn tính Kitô hữu, và điều này cũng được thánh Phaolô diễn tả trong đời sống của ngài.
Căn tính Kitô hữu bao gồm hai thành tố: (a) không tìm kiếm bản thân, nhưng (b) nhận lại chính mình từ nơi Đức Kitô và hiến dâng chính mình cùng với Đức Kitô. Như thế, chúng ta thông dự vào sự sống của Đức Kitô đến độ trở nên đồng hình đồng dạng với Người, chia sẻ cả cái chết và sự sống của Người. Đây là điều mà thánh Phaolô đã viết trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô Giêsu là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người… Thật vậy, chúng ta đã nên một với Đức Kitô… anh em hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”.[30]
Thuật ngữ này rất có ý nghĩa! Đối với thánh Phaolô, việc nói rằng các Kitô hữu là những người đã lãnh nhận phép rửa, hoặc là những người có lòng tin, thì vẫn chưa đủ; điều quan trọng hơn hết phải khẳng định rằng họ là những người ở “trong Đức Kitô Giêsu”.[31] Trong một vài trường hợp khác, thánh Phaolô lại đảo ngược thuật ngữ và viết: “Đức Kitô ở trong anh em (ở trong chúng ta)”[32] hoặc “Đức Kitô ở trong tôi”.[33] Sự thấu nhập hỗ tương giữa Đức Kitô và các Kitô hữu, một điểm đặc sắc trong giáo huấn của thánh Phaolô, làm cho diễn từ của thánh nhân về chủ đề đức tin trở nên hoàn trọn.
Thực ra, mặc dầu đức tin liên kết chúng ta với Đức Kitô, nhưng đồng thời, đức tin cũng nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa chúng ta với Đức Kitô; tuy vậy, theo thánh tông đồ, đời sống Kitô hữu cũng mang một yếu tố nói được là “huyền bí”, vì yếu tố này dẫn đến sự đồng hóa chúng ta với Đức Kitô, và ngược lại, giữa Đức Kitô với chúng ta. Theo ý nghĩa này, thánh Phaolô còn đi xa hơn nữa, đến nỗi diễn tả những nỗi khổ đau của chúng ta cũng là “nỗi khổ đau của Đức Kitô” ở trong chúng ta,[34] để chúng ta có thể “mang trong mình cuộc thương khó của Đức Kitô, ngõ hầu sự sống của Đức Kitô cũng được tỏ hiện nơi thân xác của chúng ta”.[35]
Anh chị em thân mến! Tôi thiết nghĩ, chúng ta phải đưa tất cả những điều này vào cuộc sống thường nhật theo gương thánh tông đồ để lại. Thánh nhân là người luôn sống mạnh mẽ với viễn tượng tâm linh cao vời này. Một đàng, đức tin phải bày tỏ sự khiêm hạ trước Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta phải tôn thờ và ca ngợi Thiên Chúa luôn mãi. Quả thật, chính do Thiên Chúa và ân sủng của Người mà chúng ta được làm Kitô hữu. Vì không có gì và không một ai có thể thay thế Đức Kitô, nên điều quan trọng là chúng ta đừng bao giờ tôn thờ bất cứ một điều gì hay bất cứ một ai khác ngoài Đức Kitô. Không một ngẫu tượng nào được phép làm hoen ố thế giới tinh thần của chúng ta, nếu không, thay vì hưởng nếm sự tự do và ơn giải thoát, chúng ta lại rơi vào một hình thức nô lệ thấp hèn. Đàng khác, việc chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Kitô và sự kiện “chúng ta ở trong Người” phải thôi thúc nơi bản thân chúng ta một thái độ tín thác hoàn toàn và niềm vui viên mãn. Nói tóm lại, cùng với thánh Phaolô, chúng ta thốt lên: “Có Thiên Chúa phù trì, ai còn chống lại được chúng ta”.[36] Và câu trả lời là “không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta”.[37] Do đó, đời sống Kitô hữu của chúng ta được xây dựng trên đá tảng vững chắc và an toàn nhất mà con người có thể hình dung được. Rồi từ đá tảng ấy, chúng ta có tất cả nghị lực của mình, như thánh tông đồ đã viết: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể làm được tất cả”.[38]
Anh chị em thân mến! Như thế, chúng ta hãy đối diện với cuộc sống, với niềm vui và nỗi buồn của nó, nhờ những tâm tình cao cả mà thánh Phaolô tông đồ để lại cho chúng ta. Trải nghiệm những điều này, chúng ta sẽ thấy lời thánh nhân đã viết chân thực đến mức độ nào: “Tôi phải chịu nhiều đau khổ như thế này, nhưng tôi không hổ thẹn vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lí đã được giao phó cho tôi mãi cho tới Ngày đó”,[39] nghĩa là cho đến Ngày chúng ta được diện đối diện với Đức Kitô, Đấng là Thẩm Phán, là Nguồn ơn cứu độ của thế giới và của tất cả chúng ta.
3. SỰ HIỆN DIỆN VÀ TÁC ĐỘNG CỦA THẦN KHÍ
Chúng ta có trước mặt mình thánh Phaolô, một nhân vật lẫy lừng và phi thường, không chỉ xét trong sứ vụ tông đồ, mà còn xét về đạo lý thần học sâu xa, có sức tác động lạ thường. Chúng ta đã cùng nhau suy niệm những gì thánh Phaolô viết về vị trí tối thượng của Đức Giêsu Kitô trong đời sống đức tin. Giờ đây, chúng ta hãy tập trung vào đạo lý của ngài về Thần Khí, về sự hiện diện của Thần Khí nơi chúng ta, vì ở khía cạnh này, thánh nhân cũng để lại rất nhiều giáo huấn quan trọng.
Thánh Luca nói về Thần Khí trong trình thuật về Lễ Ngũ Tuần trong sách Công Vụ Tông Đồ. Trong biến cố ấy, Thần Khí mang lại một sự thúc đẩy mạnh mẽ khiến các môn đệ dấn thân thi hành sứ vụ truyền giáo, làm chứng cho Tin Mừng trên mọi nẻo đường dương thế. Quả vậy, sách Công Vụ kể lại một loạt những cuộc truyền giáo do các thánh tông đồ thực hiện: trước là ở Samaria, đến vùng duyên hải Palestine, rồi đến tận Syria, và nhất là, tác giả còn kể đến ba hành trình truyền giáo vĩ đại mà thánh Phaolô thực hiện [trong những lần trước, tôi đã nhắc đến điểm này].
Còn thánh Phaolô, ngài nói về Thần Khí từ một khía cạnh khác. Trong các lá thư, thánh nhân không dừng lại ở việc miêu tả chiều kích năng động và linh hoạt của Ngôi Ba Thiên Chúa, nhưng chủ ý phân tích sự hiện diện của Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu. Chính sự hiện diện ấy mới làm nổi bật căn tính của những kẻ tin. Nói cách khác, trong những suy tư về Thần Khí, thánh Phaolô không chỉ giải thích tác động của Ngôi Ba trên “hành động” của các tín hữu mà thôi, nhưng còn tác động trên chính “bản tính” của họ nữa.
Thật vậy, thánh Phaolô đã nói rằng “Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong lòng chúng ta”,[40] và “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự vào lòng chúng ta”.[41] Như thế, theo quan điểm của thánh Phaolô, Thần Khí tác động trên chúng ta ở tận những nơi sâu thẳm nhất. Xin trưng dẫn ở đây một số lời khẳng định của thánh tông đồ về chủ đề này, cho thấy ý nghĩa quan trọng của nó: “Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết… Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!”[42] Chính Thần Khí là Đấng nói trong chúng ta, và với cương vị là con cái, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha.
Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng trước khi bàn đến hành động, người Kitô hữu đã sở hữu một nội tâm giàu có và đầy hoa trái, được trao ban qua Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thêm Sức. Phần nội tâm phong phú ấy đặt chúng ta vào mối tương quan độc đáo: nghĩa tử của Thiên Chúa. Đây là phẩm giá cao quý nhất của các tín hữu: chúng ta không chỉ mang hình ảnh Thiên Chúa mà còn là con cái Thiên Chúa. Đây là lời mời gọi sống đúng với phận vị nghĩa tử của mình và ngày càng ý thức rằng chúng ta là con cái trong gia đình rộng lớn của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi hãy biến ân huệ khách thể này trở thành một thực tại chủ thể, chi phối tư tưởng, hành động cũng như hiện hữu của chúng ta.
Thiên Chúa nhận chúng ta làm con cái của Người, nâng chúng ta lên địa vị cao trọng, trở nên tương tự (tuy không ngang bằng) với phẩm giá của Đức Giêsu, Đấng vốn là Con Một của Thiên Chúa theo nghĩa trọn vẹn. Nơi Đức Kitô, phận vị làm con trong tương quan với Chúa Cha, cùng với sự tự do tín thác của chúng ta đã được trao ban hay phục hồi.
Như thế, chúng ta khám phá ra rằng đối với các Kitô hữu, Thần Khí không còn chỉ là “Thần Khí của Thiên Chúa” như thường gặp trong Cựu Ước và được tiếp tục trong Tân Ước mà thôi;[43] Thần Khí cũng không đơn thuần chỉ là “Thần Khí Thánh Thiện” một cách chung chung như được nhắc đến trong nhiều tác phẩm Cựu Ước,[44] hoặc như thấy xuất hiện trong văn chương Do Thái giáo.[45] Một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo là niềm xác tín rằng Thần Khí là ân ban của Chúa Phục Sinh, và đồng thời, chính Đấng Phục Sinh ấy cũng trở thành “Thần Khí ban sự sống”.[46] Vì lý do này, thánh Phaolô không ngần ngại nói về “Thần Khí của Đức Kitô”,[47] hay “Thần Khí của Người Con”,[48] hoặc có khi dùng “Thần Khí của Đức Giêsu Kitô”,[49] như thể muốn khẳng định rằng không phải chỉ có Thiên Chúa Cha mới tỏ mình nơi Chúa Con mà thôi, cả Thần Khí cũng bày tỏ chính Người qua cuộc sống và hành động của Chúa Con, Đấng chịu Đóng Đinh và Phục Sinh!
Thánh Phaolô còn dạy chúng ta một điều quan trọng khác nữa khi nói rằng sẽ không có lời cầu nguyện nào đích thực nếu Thần Khí không ngự nơi tâm hồn chúng ta. Thánh tông đồ viết: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói những gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý thiên Chúa”.[50] Ra như thánh Phaolô muốn diễn tả rằng Chúa Thánh Thần chính là Thần Khí của Cha và Con, thì từ nay trở thành linh hồn của linh hồn chúng ta, là phần thâm sâu nhất trong chúng ta, từ đó thúc đẩy chúng ta không ngừng cầu nguyện với Thiên Chúa, Đấng mà những lời của Người chúng ta không thể nào tự mình giải thích được.
Thực vậy, Thần Khí, Đấng hằng thức tỉnh trong tâm hồn, sẽ bổ sung những gì còn thiếu sót nơi con người và dâng lên Chúa Cha sự tôn thờ cùng những khát vọng thâm sâu nhất của các tín hữu. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi một sự hiệp thông sâu xa với Thần Khí, mời gọi mỗi người cảm nhận và nhạy bén trước sự hiện diện của Thánh Linh nơi sâu thẳm tâm hồn. Chúng ta cũng cần biến những cảm nhận về Thánh Linh của mình thành lời cầu nguyện liên lỉ, để thực sự nhận biết sự hiện diện của Người bên trong chúng ta, từ đó học biết thưa chuyện với Thiên Chúa như một người con trò chuyện với Cha trong Thần Khí.
Thêm một khía cạnh nữa cũng rất nổi bật trong đạo lý về Thần Khí của thánh Phaolô: nối kết Thần Khí với tình yêu. Thánh Tông đồ viết rằng: “Chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”.[51] Trong thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa là tình yêu), tôi đã trích dẫn một câu nói thời danh của thánh Augustinô: “Nếu bạn nhìn thấy tình yêu, bạn cũng nhìn thấy Ba Ngôi Thiên Chúa”,[52] và tiếp đó, tôi đã diễn giải: “Thực ra, Thần Khí là sức mạnh nội tâm, làm cho tâm hồn các tín hữu hòa hợp với Tâm hồn Đức Kitô, từ đó thúc đẩy họ yêu thương anh chị em mình như Đức Kitô đã yêu thương họ”.[53]
Quả vậy, Thần Khí làm cho chúng ta ngập chìm trong nhịp điệu của sự sống thần linh, giúp mỗi người thông dự vào mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con một cách cá vị. Thế nên, không phải là vô tình khi liệt kê những hoa trái của Thần Khí, thánh Phaolô đặt yếu tố bác ái lên hàng đầu: “Hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”.[54]
Tự bản chất, tình yêu có tính liên kết. Điều này nói lên rằng Thần Khí là Đấng kiến tạo mối hiệp thông giữa các Kitô hữu trong cộng đoàn, như chúng ta vẫn lặp lại những lời của thánh Phaolô khi bắt đầu thánh lễ: “Nguyện xin … ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”.[55] Hơn nữa, có một điều cũng rất chính xác, đó là Thần Khí thúc đẩy chúng ta sống tương quan yêu thương với hết thảy mọi người. Vì thế, khi sống yêu thương, chúng ta đang dành chỗ cho Thần Khí hoạt động và để Thần Khí Thiên Chúa bày tỏ chính Người một cách trọn vẹn nơi chúng ta.
Từ đó, chúng ta hiểu lý do vì sao ở cùng một đoạn trong Thư gởi tín hữu Rôma, thánh Phaolô lại liên kết hai lời khuyên: “Hãy để Thần Khí bùng cháy lên, thôi thúc chúng ta” và “đừng lấy ác báo ác”.[56] Sau cùng, chúng ta cũng đừng quên, thánh Phaolô còn nói rằng Thần Khí được ban cho chúng ta như một kho tàng, hầu bảo đảm tương lai của chúng ta.[57]
Khép lại bài chia sẻ này, tôi muốn mời gọi anh chị em cùng ghi nhớ một bài học mà thánh tông đồ để lại: Thần Khí hướng đời sống chúng ta đến những giá trị cao quý là lòng mến, hoan lạc, hiệp thông và hy vọng. Phần chúng ta, hãy sống những giá trị ấy mỗi ngày, ngoan ngoãn vâng theo sự hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, nhờ những lời giáo huấn khôn ngoan của thánh tông đồ dân ngoại để biện phân các giá trị một cách đúng đắn.
4. MẦU NHIỆM HỘI THÁNH
Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm thêm một chủ đề nữa và khép lại cuộc gặp gỡ với thánh Phaolô tông đồ. Chúng ta không thể từ giã thánh nhân mà không lưu tâm đến một yếu tố mang tính quyết định trong hoạt động tông đồ của ngài, và cũng là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong toàn bộ tư tưởng của ngài: thực tại Giáo hội.
Trước hết, chúng ta cần lưu ý rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên của Phaolô với bản thân Đức Giêsu diễn ra thông qua chứng từ của cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem. Đó là một cuộc gặp gỡ đầy sóng gió. Nhìn thấy nhóm tín hữu mới này, lập tức Phaolô trở thành kẻ bách hại đáng sợ. Chính thánh nhân (ít là ba lần) đã thú nhận điều ấy trong các lá thư của ngài: “Tôi đã ngược đãi Hội thánh của Thiên Chúa”;[58] lời ấy như thể diễn tả hành vi của ngài là thứ tội ác tày trời.
Lịch sử cho thấy người ta thường đến với Đức Giêsu ngang qua Giáo hội! Theo một nghĩa nào đó, điều này cũng đúng cho thánh Phaolô, người đã gặp Giáo hội trước khi đến với Đức Giêsu. Tuy nhiên, trong trường hợp của vị tông đồ dân ngoại, cuộc tiếp xúc với Giáo hội gây ra một hậu quả tương phản: nó không dẫn đến sự gắn bó với Giáo hội mà mang đến thái độ loại trừ với hành vi bạo lực.
Sau này, thánh Phaolô mới gắn bó với Giáo hội nhờ một cuộc can thiệp trực tiếp của Đức Kitô, Đấng đã đồng hóa chính Người với Giáo hội khi mặc khải cho Phaolô trên con đường đi tới Đamát, làm cho ông nhận ra rằng bách hại Giáo hội cũng là bách hại chính Người.
Thực vậy, Đấng Phục Sinh đã nói với Phaolô rằng: “Saul, Saul, sao ngươi bắt bớ Ta?”.[59] Khi bách hại Giáo hội, Phaolô đang bách hại Đức Kitô. Thế rồi, Phaolô hoán cải trở về với Đức Kitô, đồng thời cũng trở về với Giáo hội. Điều này giúp chúng ta hiểu vì sao sau này Giáo hội lại hiện diện quá rõ nét trong tư tưởng, tâm hồn cũng như các hoạt động của thánh Phaolô.
Trong tư tưởng của thánh Phaolô, Giáo hội hiện diện quá rõ ràng đến độ có thể nói một cách cụ thể rằng thánh nhân đã thành lập nhiều cộng đoàn Giáo hội ở các thành phố khác nhau, nơi đó ngài đã đặt chân đến trên hành trình rao giảng Tin Mừng. Khi nói về “mối bận tâm cho các cộng đoàn Hội thánh”,[60] ngài đang nghĩ về nhiều cộng đoàn Kitô hữu được hình thành ở Galat, Ionia, Makêđônia và Akhaia. Có vài cộng đoàn đã khiến ngài phải lo lắng và buồn phiền, điển hình là chuyện xảy ra cho các tín hữu ở Galat, khi ngài nghe biết họ “chuyển sang một Tin Mừng khác”[61] và điều này ngài cương quyết chống lại.
Tuy nhiên, thánh Phaolô cảm thấy hết sức gắn bó với các cộng đoàn mình đã thiết lập, không phải theo một cách lạnh nhạt và quan liêu, nhưng rất đỗi mãnh liệt và say mê. Thật vậy, ngài đã gọi các tín hữu ở Philípphê là “những người anh em thân mến lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi”.[62]
Lúc khác, thánh Phaolô sánh ví các cộng đoàn tín hữu tựa như một lá thư giới thiệu, một kiểu ví von vô cùng độc đáo: “Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi, mọi người đều biết và đã đọc”.[63] Có những lần thánh Phaolô bày tỏ cảm tình thực sự của ngài đối với các cộng đoàn, không những là tình phụ tử mà còn là tình mẫu tử, chẳng hạn trong một lá thư, ngài hướng đến các tín hữu và tha thiết nói rằng: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em”.[64]
Trong các lá thư, thánh Phaolô cũng cho thấy đạo lý của ngài về Giáo hội. Định nghĩa đầu tiên, thánh Phaolô nói: Giáo hội là “Thân mình Đức Kitô”. Điều này chúng ta không tìm thấy ở bất kỳ tác giả nào khác vào thế kỷ I.[65] Chúng ta nhận thấy gốc gác sâu xa nhất của lối diễn tả đáng ngạc nhiên này về Giáo hội trong Bí tích Mình Thánh Đức Kitô. Thánh Phaolô nói rằng: “Vì chỉ có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều nhưng cũng chỉ là một thân thể”.[66]
Trong Bí tích Mình Thánh ấy, Đức Kitô trao hiến Thân Mình Người cho chúng ta và làm cho chúng ta trở thành Thân Thể Người. Điều này, thánh Phaolô đã khẳng định với các tín hữu ở Galat: “Tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô”.[67] Trình bày những điều ấy, thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rằng: không những Giáo hội thuộc về Đức Kitô, mà một cách nào đó, Giáo hội cũng được đồng hóa với Đức Kitô.
Từ lối nhìn này, chúng ta thấy được sự vĩ đại và cao quý của Giáo hội, cũng như của tất cả các tín hữu, những người thuộc về Giáo hội, là thành phần trong Giáo hội. Và như thế, việc chúng ta là những chi thể của Đức Kitô cũng kéo dài sự hiện diện cá nhân của chính Đức Kitô giữa lòng thế giới. Từ đó, nảy sinh một nhiệm vụ là phải sống sao cho mọi người nhận thấy chúng ta đích thực hòa hợp với Đức Kitô.
Cũng từ lối nhìn này, thánh Phaolô đề cập đến những đặc sủng khác nhau mang lại sự sống và cơ cấu của các cộng đoàn tín hữu. Mọi đặc sủng đều xuất phát từ một nguồn mạch duy nhất, là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Chúng ta cũng biết rằng trong Giáo hội không thành phần nào mà lại không có đặc sủng Thánh Linh, vì như thánh tông đồ đã viết: “Thần Khí được ban cho mỗi người là vì ích chung”.[68]
Tuy vậy, điều quan trọng là mỗi thành phần, với đặc sủng của mình, phải biết cộng tác với nhau để xây dựng cộng đoàn, chứ không vì đó mà chia rẽ, phân tán. Ở điểm này, thánh Phaolô đã tự vấn theo lối hùng biện: “Phải chăng Đức Kitô đã bị phân chia rồi sao?”.[69] Thánh nhân ý thức rõ nguy cơ của sự chia rẽ, nên dạy các tín hữu phải “duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng”.[70]
Hẳn nhiên, nhấn mạnh nhu cầu hiệp nhất không có nghĩa là đời sống Giáo hội phải được đồng bộ hay khuôn ép theo một lối hoạt động nhất định mà thôi. Ở chỗ khác, thánh Phaolô dạy rằng: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí”.[71] Điều đó có nghĩa là chúng ta phải dành chỗ cho sự năng động vô lường của các đặc sủng Thánh Linh, vì Thánh Thần Thiên Chúa mãi là nguồn năng lượng và sức sống tươi mới. Nhưng, nếu có một chủ trương nào mà thánh Phaolô nhất quyết theo đuổi, thì đó chính là việc phải xây dựng và bổ túc cho nhau: “Tất cả những điểm ấy phải nhắm tới việc xây dựng Hội thánh”.[72] Mỗi người, với đặc sủng khác nhau, phải cộng tác để dệt nên tấm vải Hội thánh luôn bằng phẳng, không chắp vá, không bị lủng hay xước rách.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy trong một lá thư khác, thánh Phaolô trình bày Giáo hội là Hiền Thê của Đức Kitô.[73] Ở đây, thánh nhân mượn một hình ảnh ẩn dụ ngôn sứ xa xưa, khi dân Israel được sánh ví là hiền thê của Thiên Chúa Giao Ước.[74] Thánh nhân mượn hình ảnh này để diễn tả tương quan khăng khít giữa Đức Kitô và Giáo hội của Người, vừa theo nghĩa Giáo hội là đối tượng tình yêu nồng ấm nhất của Chúa Kitô, vừa theo nghĩa tình yêu mang tính hỗ tương, thế nên mỗi người chúng ta, thành phần trong Giáo hội, phải bày tỏ lòng tín trung tha thiết đối với Thiên Chúa.
Nói một cách ngắn gọn, chúng ta phải để ý đến tương quan hiệp thông: vừa là sự hiệp thông theo chiều dọc giữa Đức Giêsu Kitô và hết thảy mọi người, vừa là sự hiệp thông theo chiều ngang giữa những ai đang nổi bật trong thế giới này vì họ biết “kêu cầu danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”.[75]
Đây là điều xác định căn tính của chúng ta: chúng ta thuộc về số những người kêu cầu Danh Chúa Giêsu Kitô. Do đó, chúng ta phải ao ước dường bao điều mà chính thánh Phaolô đã hy vọng khi ngài viết cho các tín hữu ở Côrintô:
Còn nếu mọi người đều nói tiên tri, mà có người không tin hoặc có người ngoài cuộc đi vào, người đó sẽ thấy mình bị mọi người khiển trách, mọi người xét xử. Những điều bí ẩn trong lòng người đó sẽ bị lộ, và như thế, người đó sẽ sấp mình xuống mà thờ lạy Thiên Chúa, tuyên bố rằng: quả thực, có Thiên Chúa ở giữa anh em.[76]
Anh chị em thân mến!
Tôi thiết nghĩ, những cuộc gặp gỡ Phụng vụ của chúng ta phải trở nên giống như thế, để một người không phải Kitô hữu bước vào buổi cử hành Phụng vụ cuối cùng cũng có thể nói rằng: “Thiên Chúa thực sự ngự giữa anh em”. Chúng ta hãy tha thiết cầu xin để trở nên giống như thế, trong sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô và hiệp thông giữa chúng ta với nhau.
[1] Cv 15,26
[2] Cf. Thánh Gioan Kim khẩu, Panegirico, 7, 3
[3] Cf. Dante, Vở kịch thần linh, 2, 28
[4] Cf. Cv 7,58
[5] Cf. Cv 9,14.17
[6] Cf. Cv 13,21
[7] Cf. Cv 22,3
[8] Cf. Cv 18,3
[9] Cf. Cv 20,34
[10] Cf. Pl 3,12
[11] Cf. 1Cr 9,1
[12] Cf. 2Cr 4,6
[13] Cf. Gl 1,15-16
[14] Cf. Rm 1,1; 1Cr 1,1
[15] Cf. 2Cr 1,1; Ep 1,1; Cl 1,1
[16] Cf. Pl 3,10
[17] Cf. 1Cr 9,22
[18] Cf. Cv 11,20.26
[19] 2Cr 11,23-28
[20] Cf. Rm 15,24.28
[21] 2Cr 5,14-15
[22] Clêmentê thành Rôma, thư gửi tín hữu Côrintô, V
[23] 1Cr 11,1
[24] Rm 3,28
[25] Gl 2,16
[26] Rm 3,24
[27] Gl 2,20
[28] 1Cr 1,31; Gr 9,23-24tt
[29] Gl 6,14
[30] Rm 6,3.4.5.11
[31] Cf. Rm 8,1.2.39; 12,5; 16,3.7.10; 1Cr 1,2.3,v.v
[32] Cf. Rm 8,10
[33] Cf. Gl 2,20
[34] Cf. 2Cr 1,5
[35] 2Cr 4,10
[36] Rm 8,31
[37] Rm 8,39
[38] Pl 4,13
[39] 2Tm 1,12
[40] Cf. Rm 8,9
[41] Gl 4,6
[42] Rm 8,2.15
[43] Cf. St 41,38; Xh 31,3; 1Cr 2,11; Pl 3,3
[44] Cf. Is 63,10; Tv 50,13
[45] Qumran, Giáo lý của các rabbi.
[46] Cf. 1Cr 15,45
[47] Cf. Rm 8,9
[48] Cf. Gl 4,6
[49] Cf. Pl 1,19
[50] Rm 8,26-27
[51] Rm 5,5
[52] Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, Deus Caritas est, số 19
[53] Ibid.
[54] Gl 5,22
[55] 2Cr 13,14
[56] Rm 12,11.17
[57] 2Cr 1,22; 5,5; Ep 1,13-14
[58] Cf. 1Cr 15,9; Gl 1,13; Pl 3,6
[59] Cv 9,4
[60] 2Cr 11,28
[61] Gl 1,6
[62] Pl 4,1
[63] 2Cr 3,2
[64] Gl 4,19; Cf. 1Cr 4,14-15; 1Tx 2,7-8
[65] Cf. 1Cr 12,27; Ep 4,12.5,30; Cl 1,24
[66] 1Cr 1017
[67] Gl 3,28
[68] 1Cr 12,7
[69] 1Cr 1,13
[70] Ep 4,3-4
[71] 1Tx 5,19
[72] 1Cr 14,26
[73] Ep 5,21-33
[74] Cf. Hs 2,4.21; Is 54,5-8
[75] 1Cr 1,2
[76] 1Cr 14,24-25
? Tôi đang gặp vài khó khăn với một người theo thuyết bảo thủ. Xin vui lòng cho biết những đoạn văn trong Thánh Kinh nói về việc Chúa Giêsu thiết lập bảy bí tích?
Nhiều người Công giáo (và nhiều Kitô hữu khác) có liên hệ với những người