24/07/2024 -

Thần học

1150
Đây là một trong hai người con của ông Dêbêđê đã mau mắn đáp lời Đức Giêsu kêu gọi bên bờ biển Galilê. Gác lại thuyền chài và mọi công việc thân quen để bắt đầu hành trình mới, Giacôbê chính thức rời bỏ con thuyền của những tiện nghi vật chất đảm bảo cho cuộc sống trần thế, hầu dấn thân theo Chúa và trở nên chứng nhân Tin Mừng. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 21 tháng 06 năm 2006 để nói về vị tông đồ này.



Anh chị em thân mến!

Chúng ta hãy tiếp tục chiêm ngắm chân dung các tông đồ do chính Đức Giêsu tuyển chọn trong suốt quãng đời dương thế của Người. Chúng ta đã nói về hai anh em Phêrô và Anrê. Giờ đây, chúng ta cùng gặp gỡ nhân vật Giacôbê.

Danh sách Nhóm Mười Hai trong Kinh Thánh đề cập đến hai người cùng có tên này: đó là Giacôbê con ông Dêbêđê và Giacôbê con ông Anphê.[1] Hai vị thường được phân biệt qua tên gọi Giacôbê Tiền và Giacôbê Hậu.

Những tên gọi này dĩ nhiên không nhằm nói đến sự thánh thiện của các ngài, nhưng đơn giản là để nêu lên tầm quan trọng mà các ngài được nhắc đến trong các bản văn Tin Mừng, cách riêng trong quãng đời dương thế của Đức Giêsu. Chúng ta hãy tập trung chú ý đến vị đầu tiên.

Danh xưng Giacôbê được chuyển dịch từ Iákobos, là dạng thức Hy Lạp hóa của danh xưng Giacóp (một tổ phụ Cựu Ước mang tên này). Vị tông đồ với danh xưng này là anh của ông Gioan. Ngài xuất hiện ở vị trí thứ hai (ngay sau Phêrô) trong danh sách Nhóm Mười Hai của Tin Mừng Máccô,[2] và ở vị trí thứ ba (sau Phêrô, Anrê) trong Tin Mừng Mátthêu[3] cũng như Luca.[4] Còn trong sách Công Vụ, ngài xuất hiện sau Phêrô và Gioan.[5]

Giacôbê Tiền cùng với Phêrô và Gioan hợp thành nhóm ba môn đệ thân tín, được Đức Giêsu cho phép tham dự vào những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Người. Ở đây, tôi chỉ đề cập hai trong số những biến cố đặc biệt ấy: cuộc biến hình trên núi và cơn hấp hối của Đức Giêsu tại vườn Ghếtsêmani. Vấn đề trong mỗi trường hợp rất khác nhau.

Trường hợp thứ nhất, Giacôbê, cùng với hai tông đồ khác, cảm nghiệm vinh quang của Đức Chúa, nhìn thấy Người đàm đạo với ông Môsê và Êlia. Các ông chứng kiến ánh huy hoàng của Thiên Chúa bao phủ lấy Đức Giêsu.

Trường hợp thứ hai, Giacôbê thấy chính mình phải đối diện với đau khổ và nỗi khốn cùng khi chứng kiến cách thức Con Thiên Chúa hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Kinh nghiệm trong hoàn cảnh này chắc chắn là cơ hội cho vị tông đồ lớn mạnh về đức tin, củng cố lại những ý niệm mà ngài có sẵn trước đây. Giacôbê phải nhận thức rằng Đấng Mêsia mà dân Do Thái đang mong đợi (một trang chiến binh, một anh hùng chiến thắng), trong thực tế, không chỉ được bao phủ bởi danh dự, vinh quang, mà còn phải chịu nhiều đau khổ, yếu hèn nữa. Chính khi bị treo trên thập giá, chia sẻ những nỗi khốn cùng của chúng ta, Đức Kitô bày tỏ vinh quang của Người cách trọn vẹn.

Sự tăng triển đức tin của vị tông đồ này tiến gần đến mức hoàn thiện nhờ Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Ngài đã không lùi bước dẫu phải chết để làm chứng cho đức tin. Đầu thế kỷ I, khoảng thập niên 40, như thánh Luca ghi lại, vua Hêrôđê Agrippa, cháu của Hêrôđê Cả, “đã ra tay ngược đãi một số người trong Hội thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan”.[6]

Với thông tin ngắn gọn đó, chúng ta có thể rút ra hai điểm như sau:

(1) Đối với các Kitô hữu, việc làm chứng cho Thiên Chúa bằng cả mạng sống của mình là chuyện thường tình.

(2) Thánh Giacôbê có một vị thế quan trọng trong Cộng đoàn Giêrusalem, vì vai trò ngài nắm giữ trong quãng đời dương thế của Đức Giêsu.

Một truyền thống sau này, bắt nguồn từ thánh Isiđôrô Sevilla, cho rằng thánh tông đồ Giacôbê đã đến lãnh thổ Tây Ban Nha, một vùng trọng yếu của Đế quốc Rôma, để rao giảng Tin Mừng. Theo một truyền thống khác, di hài của ngài được chuyển tới Tây Ban Nha, tới thành phố Santiago de Compostela.

Như chúng ta đều biết, nơi đây trở thành vùng đất mà lòng tôn kính đối với thánh nhân được thể hiện một cách đặc biệt, là địa điểm đón chào rất đông các khách hành hương, từ Châu Âu và khắp nơi trên thế giới. Điều này giải thích vì sao xuất hiện một bức ảnh họa lại thánh Giacôbê với chiếc gậy đi đường của kẻ hành hương và cuộn Tin Mừng trong tay. Đấy là những yếu tố đặc trưng cho một tông đồ lữ hành dấn thân rao giảng Tin Mừng, và cũng là những nét tiêu biểu cho cuộc lữ hành của các Kitô hữu.

Chúng ta học được nhiều điều nơi thánh Giacôbê:
  1. - Quảng đại và mau mắn đáp trả tiếng Chúa khi Người mời gọi chúng ta rời bỏ “con thuyền” của những tiện nghi đảm bảo cho cuộc sống trần thế;
  2. - Dấn thân, quyết bước theo Chúa trên con đường Người đã hoạch định cho chúng ta, vượt trên mọi nghĩ tưởng mê lầm của bản thân;
  3. - Sẵn sàng làm chứng cho Chúa với lòng can đảm, dù phải hiến dâng mạng sống của mình.

Thánh Giacôbê Tiền đứng trước chúng ta như một mẫu gương sáng chói về lòng trung tín cao vời đối với Đức Kitô. Ngay từ lúc đầu, qua thân mẫu của mình, vị tông đồ này đã ước mong được cùng người em ngồi bên cạnh Thầy trong Vương quốc. Thế nên, ngài đã trở thành vị tông đồ đầu tiên uống chén đắng và chia sẻ phúc tử đạo trong tông đồ đoàn.

Cuối cùng, để tóm kết tất cả mọi sự, chúng ta có thể nói như Công Đồng Vatican II có lần đã nhắc đến: chuyến hành trình đi từ đỉnh núi Chúa Biến Hình đến ngọn đồi Chúa Hấp Hối (không chỉ bên ngoài, nhưng quan trọng hơn là hành trình tâm linh bên trong) biểu trưng cho toàn bộ tính lữ hành của đời sống Kitô hữu, giữa những ngược đãi của thế gian và sự an ủi của Thiên Chúa. Như thánh Giacôbê, trên bước đường theo Đức Kitô, chúng ta ý thức rằng dẫu có khó khăn và thử thách, chúng ta vẫn quyết bước trên chính lộ đời đời.
[1] Cf. Mc 3,17-18; Mt 10. 2-3.
[2] [ND] Đây là trường hợp khá đặc biệt so với các bản danh sách khác, vì thánh Giacôbê Tiền được xếp ngay ở vị trí thứ hai, chỉ sau Phêrô: “Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simon là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Gioan em ông Giacôbê – Người đặt tên cho hai ông là Bôanêghê, nghĩa là con của thiên lôi” (Mc 3,16-17).
[3] Mt 10,2.
[4] Lc 6,14.
[5] Cv 1,13.
[6] Cv 12,1-2.
114.864864865135.135135135250