03/05/2024 -

Thần học

2325
Hôm nay, Giáo hội kính nhớ hai thánh tông đồ Philípphê và Giacôbê. Trong nhóm Mười Hai, có hai vị Tông đồ cùng mang tên Giacôbê. Thánh Giacôbê mà Giáo hội mừng kính hôm nay là Giacôbê con ông Anphê, còn được gọi là Giacôbê Hậu, để phân biệt với Giacôbê Tiền, là con ông Dêbêđê, anh của Gioan. Thánh Giacôbê Hậu ít được người ta nhắc đến; thậm chí không mấy người nhận làm thánh bổn mạng.

Theo truyền thống Nhất Lãm, đây là vị tông đồ xuất thân từ Nazareth và có họ hàng thân thuộc với Đức Giêsu. Ngài nắm giữ vai trò quan trọng trong Cộng đoàn Giêrusalem và được thánh Phaolô tông đồ rất mực kính nể, quý trọng. Phaolô đã có lần nhắc đến tên của Giacôbê trước cả Phêrô trong dịp ngài đến Giêrusalem, diễn tả Giacôbê là “cột trụ” của Giáo hội ngang với Phêrô. Quy điển Tân Ước có một lá thư thường được quy gán cho danh của ngài. Trong lá thư ấy, tác giả cho thấy một lối nhìn rất thực tiễn và cụ thể về niềm tin Kitô giáo: đức tin phải được biểu lộ qua hành động cụ thể như yêu thương người thân cận, chia sẻ với những ai nghèo đói. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 28 tháng 06 năm 2006 để chia sẻ về vị tông đồ này.

 

Anh chị em thân mến!

Bên cạnh nhân vật Giacôbê Tiền, con ông Dêbêđê, còn một Giacôbê khác cũng xuất hiện trong Tin Mừng, được biết đến với danh xưng là “Giacôbê Hậu”. Ông được nhắc đến trong danh sách mười hai tông đồ do Đức Giêsu tuyển chọn cách riêng và luôn được xem là “con ông Anphê”.[1] Ông cũng thường được đánh đồng với một Giacôbê khác, gọi là “Giacôbê nhỏ”[2], con bà Maria,[3] có thể là vợ ông Clêôpát, bà là người, mà theo Tin Mừng thứ tư, đứng dưới chân thập giá cùng với Thân mẫu Đức Giêsu.[4]

Tông đồ Giacôbê Hậu xuất thân từ Nazareth và có lẽ, cũng có họ hàng với Đức Giêsu;[5] dựa theo truyền thống Sêmít, ngài được xem là “người anh em của Chúa”.[6] Sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh vai trò nổi bật mà sau này Giacôbê nắm giữ trong cộng đoàn Giáo Hội. Trong một Công đồng diễn ra tại Giêrusalem, sau cái chết của Giacôbê Tiền cùng với những người khác, ngài đã tuyên bố dân ngoại có thể được đón nhận vào Giáo hội mà không cần phải làm phép cắt bì.[7] Thánh Phaolô có lần đã viết về cuộc hiện ra đặc biệt của Đấng Phục Sinh với Giacôbê.[8] Thậm chí, Phaolô đã nhắc đến tên của Giacôbê trước cả Phêrô trong dịp ngài đến Giêrusalem, diễn tả Giacôbê là “cột trụ” của Giáo hội ngang với Phêrô.[9]

Sau này, các Kitô gốc Do Thái nhìn nhận ngài như điểm quy chiếu chính yếu của họ. Một lá thư (được gán cho Giacôbê) cũng thuộc quy điển Tân Ước. Trong thư, ngài không giới thiệu mình là “người anh em của Chúa” nhưng chỉ là “tôi tớ của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô”.[10]

Các nhà chuyên môn vẫn tranh luận để xác định xem hai nhân vật có cùng tên gọi này có phải là cùng một người hay không (Giacôbê con ông Anphê và Giacôbê con ông Dêbêđê). Tham chiếu quãng đời trần thế của Đức Giêsu, những truyền thống Tin Mừng không có những trình thuật rõ ràng để xác định căn cước của họ.

Mặt khác, Công Vụ Tông Đồ cho thấy có một “Giacôbê” nào đó đã giữ vai trò rất quan trọng trong Giáo hội thời sơ khai sau biến cố Phục Sinh[11], như chúng ta đã đề cập.

Hành động quan trọng nhất của vị tông đồ này là can thiệp vào tương quan khó khăn giữa các Kitô hữu gốc Do Thái và các Kitô hữu gốc dân ngoại: trong vấn đề này, cùng với Phêrô, ngài đã đóng góp công sức nhằm khắc phục, hay đúng hơn, là nhằm làm hài hòa chiều kích Do Thái nguyên thủy của Kitô giáo với yêu sách không cần bắt buộc những người ngoại trở lại phải giữ tất cả bổn phận theo luật Môsê. Sách Công Vụ Tông Đồ đã cho chúng ta một giải pháp thỏa hiệp, được Giacôbê thúc đẩy, và được các tông đồ hiện diện tại đó chấp thuận. Theo giải pháp ấy, những người ngoại tin nhận Đức Giêsu Kitô, chỉ phải kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh “ dâm ô” (một hạn từ có lẽ ám chỉ đến những cuộc hôn nhân không đúng luật). Thực ra, vấn đề ở đây chỉ là phải trung thành với một vài điều luật Môsê xem ra cốt yếu.

Từ đây, chúng ta rút ra hai bài học quan trọng bổ túc cho nhau, vẫn còn giá trị tới hôm nay:

- (1) mối tương quan khăng khít đến độ không thể chia lìa, gắn kết Kitô giáo với Do Thái giáo, trong cùng một nguồn gốc từ xưa đến nay, vẫn rất sống động và hiệu quả.

- (2) các Kitô hữu gốc dân ngoại được phép gìn giữ căn tính xã hội của riêng mình, nếu không họ sẽ đánh mất căn tính ấy vì phải tuân theo điều gọi là “nghi lễ Môsê”.

Từ nay về sau, những quy tắc này không còn ràng buộc dân ngoại trở lại. Tự bản chất, điều này dẫn đến một hành động kính mến và tôn trọng lẫn nhau, mặc dù có những hiểu lầm đáng tiếc sau đó, khi người ta nhắm tới việc bảo vệ những đặc tính rất riêng của mỗi bên.

Dữ kiện cổ nhất về cái chết của tông đồ Giacôbê Hậu mà chúng ta có được là nhờ Flavius Josephus, một sử gia Do Thái. Trong cuốn Lịch Sử Do Thái,[12] được viết tại Rôma vào cuối thế kỷ I, sử gia này kể lại rằng cái chết của Giacôbê xảy ra do một phán quyết bất hợp pháp của Thượng tế Khana, con của Khanania (nhân vật này được đề cập đến trong Tin Mừng). Vào năm 62, lợi dụng thời gian chuyển tiếp giữa tổng trấn Festus (bị truất phế) và vị kế nhiệm Albius lên thay thế, Thượng tế Khana cho người ném đá ông Giacôbê.[13]

Có một bản ngụy thư mang tên “Tin Mừng đầu tiên của Giacôbê” đề cao sự thánh thiện và ơn đồng trinh của Đức Maria, thân mẫu Chúa Giêsu.

Còn một lá thư khác (cũng mang tên Giacôbê) liên hệ đặc biệt với vị tông đồ này. Trong quy điển Tân Ước, thư Giacôbê xuất hiện đầu tiên trong danh sách Các Thư Chung, là những thư không chỉ được gửi cho một cộng đoàn Giáo hội cụ thể (chẳng hạn Rôma, Êphêxô, v.v…) mà gởi chung cho các cộng đoàn.

Lá thư quan trọng này nhấn mạnh rằng không được giới hạn đời sống đức tin của chúng ta đơn thuần bằng lời nói hay những suy nghĩ trừu tượng mà thôi, nhưng phải thể hiện qua việc làm. Ngoài ra, tác giả còn mời gọi chúng ta hãy kiên nhẫn trong những lúc gặp gian truân thử thách, vui lòng đón nhận những khốn khó trong cuộc sống, và không ngừng cầu nguyện với lòng tín thác để lãnh nhận ơn khôn ngoan của Thiên Chúa. Nhờ thế, chúng ta mới hiểu ra rằng những giá trị chân thực của cuộc sống này không được tìm thấy nơi của cải vật chất chóng qua, nhưng được tìm thấy trong hành động chia sẻ những gì chúng ta có với những ai nghèo hèn, khốn khó.[14]

Như vậy, thư thánh Giacôbê cho chúng ta thấy một Kitô giáo rất thực tiễn và cụ thể. Đức tin phải được biểu lộ cách trọn vẹn trong cuộc sống, trên hết, trong tình yêu với người thân cận, và đặc biệt trong hành động trao ban, chia sẻ với những người nghèo đói. Điều đó diễn tả ý nghĩa sâu sắc một câu nói nổi tiếng: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết”.[15]

Có những lúc, lời tuyên bố của thánh Giacôbê bị xem là lời phản kháng đối với khẳng định của thánh Phaolô, vì chưng, thánh Phaolô cho rằng người ta được công chính nhờ tin Thiên Chúa chứ không phải bởi việc làm.[16] Tuy nhiên, nếu cả hai câu nói này, cùng với bối cảnh khác nhau của chúng, được giải thích lại một cách chính xác, thì quả thực chúng không những đối nghịch mà còn bổ túc cho nhau.

Thánh Phaolô phê phán thái độ kiêu hãnh của những kẻ nghĩ tưởng rằng không cần tình yêu Thiên Chúa đi trước mình, không cần đến ân sủng được trao ban, con người có thể tự công chính hóa. Trong khi đó, thánh Giacôbê đề cao việc làm như hoa trái của đức tin. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu”,[17] và thánh Giacôbê lặp lại tư tưởng ấy cho chúng ta.

Cuối cùng, thư của Giacôbê thúc đẩy chúng ta hãy ký thác bản thân cho bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự chúng ta làm: “Nếu Chúa muốn”.[18] Vì thế, thánh tông đồ dạy chúng ta không nên liều lĩnh tự hoạch định đời mình với ý thích riêng, nhưng vâng theo thánh ý khôn dò của Thiên Chúa, Đấng thấu hiểu những gì thực sự tốt đẹp cho chúng ta. Trong cách thức ấy, thánh Giacôbê Hậu vẫn là nhà sư phạm hợp thời cho đời sống chúng ta hôm nay.
 
[Trích từ ĐGH Bênêđíctô XVI, Giáo hội của các thánh tông đồ (HVĐM, 2018), tr. 107-114]

[1] Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 5; Cv 1,13.
[2] Cf. Mc 15,40.
[3] Cf. Ibid.
[4] Cf. Ga 19,25.
[5] Cf. Mt 13,55; Mc 6,3.
[6] Mc 6,3; Gl 1,19.
[7] Cf. Cv 15,13.
[8] Cf. 1Cr 15,7.
[9] Cf. Gl 2,9.
[10] Nguyên văn lời mở đầu lá thư của thánh Giacôbê như sau: “Tôi là Giacôbê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô, kính gửi mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi. Chúa anh em được an vui, mạnh khỏe” (Gc 1,1).
[11] Cf. Cv 12,17; 15,13-21; 21,18.
[12] Flavius Josephus, Lịch Sử Do Thái, 20, 201ff.
[13] [ND] Để hiểu rõ thêm điều này, xin đọc thêm dữ liệu lịch sử về bối cảnh tôn giáo và chính trị của đế quốc Rôma, trong: Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập 2, Thời Các Tông Đồ (Chân Lý, 1988), trang 25.
[14] [ND] Nguyên văn lá thư, tác giả sử dụng những ngôn từ rất đẹp như sau: “Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian” (Gc 1,27).
[15] Gc 2,26.
[16] Cf. Gl 2,16; Rm 3,28.
[17] Mt 7,17.
[18] [ND] Thiết nghĩ, chúng ta cần đọc lại những lời khuyên nhủ cuối cùng trong lá thư của thánh Giacôbê để hiểu rõ hơn tư tưởng của tác giả: “Các người chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát rồi lại tan biến đi. Thay vì nói, nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia, thì các người lại tự phụ vì những chuyện khoác lác của mình. Mọi thứ tự phụ như thế đều xấu. Vậy, kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội” (Gc 4,15).
114.864864865135.135135135250