Đây là vị tông đồ mà các Tin Mừng nói rất ít về ngài: chỉ xuất hiện trong danh sách Nhóm Mười Hai. Tuy nhiên, truyền thống vẫn thường đồng hóa ngài với nhân vật Nathanaen trong Tin Mừng thứ tư. Dù không có nhiều thông tin, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng tông đồ Batôlômêô đã bước theo Đức Kitô, gần gũi, gắn bó với Người, để cho Người cuốn hút và chinh phục. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 04 tháng 10 năm 2006 để nói về vị tông đồ này.
Anh chị em thân mến!
Tiếp tục chuỗi những tông đồ được Đức Giêsu kêu gọi trong suốt hành trình dương thế của Người, hôm nay, chúng ta hãy chiêm ngắm thánh Batôlômêô. Trong danh sách Nhóm Mười Hai, vị tông đồ này luôn đứng trước Mátthêu, nhưng danh xưng của vị đứng trước ngài luôn thay đổi, có thể là Philípphê[1] hoặc Tôma.[2]
Danh xưng của ngài rõ ràng được đặt theo danh xưng của thân phụ (xét theo cấu tạo của từ ngữ, có liên hệ với tên của người cha). Đấy là một danh xưng kiểu Aram, bar Talmay, nghĩa là con của Talmay.
Chúng ta không có một thông tin đặc biệt nào về Batôlômêô. Thực thế, danh xưng của ngài luôn có và chỉ xuất hiện trong danh sách Nhóm Mười Hai, đồng thời không bao giờ là trung tâm cho bất cứ một bài trình thuật nào. Tuy nhiên, theo truyền thống, tên của ngài được đồng hóa với Nathanaen (danh xưng này có nghĩa là “Thiên Chúa ban tặng”). Trong Tin Mừng Gioan, nhân vật Nathanaen đến từ Cana,[3] có lẽ ông đã chứng kiến “dấu chỉ” vĩ đại mà Đức Giêsu thực hiện tại đây.[4] Việc đồng hóa hai nhân vật này với nhau bắt nguồn từ sự kiện Nathanaen được đặt cạnh ông Philípphê trong bối cảnh Đức Giêsu kêu gọi, nghĩa là đứng vào chỗ của Batôlômêô trong danh sách nhóm tông đồ được kê khai trong các Tin Mừng khác.
Philípphê nói với Nathanaen rằng: “Tôi đã tìm thấy Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, đó là ông Giêsu con ông Giuse, người Nazareth”.[5] Như chúng ta biết, lời đáp trả của Nathanaen biểu lộ một thành kiến mạnh mẽ: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?”[6] Lối phản kháng này rất quan trọng đối với chúng ta. Thực vậy, nó giúp chúng ta nhận ra rằng nếu cứ dựa theo niềm hy vọng của người Do Thái, thì Đấng Mêsia không thể phát xuất từ một làng quê hẻo lánh như Nazareth.[7] Lời đáp trả của Nathanaen như một phương thế làm nổi bật đặc tính tự do của Thiên Chúa, điều vẫn là thách đố cho những suy tưởng của chúng ta: Thiên Chúa đã làm cho chính mình được tìm thấy ở một nơi mà gần như chúng ta không mấy mong chờ. Hơn nữa, theo các trình thuật Tin Mừng, chúng ta biết rằng Đức Giêsu không hoàn toàn xuất thân “từ vùng quê Nazareth”, nhưng được sinh ra ở Bêlem,[8] và suy cho cùng, Người đến từ Trời cao, từ Chúa Cha, Đấng ngự trên Thiên Quốc.
Phản ứng của Nathanaen gợi cho chúng ta một suy tư khác nữa: trong tương quan với Đức Giêsu, chúng ta đừng thỏa mãn ở lời nói mà thôi. Qua câu trả lời của mình, tông đồ Philípphê mang đến cho Nathanaen một lời mời gọi vô cùng ý nghĩa: “Cứ đến và xem”.[9] Sự hiểu biết của chúng ta về Đức Giêsu trên hết vẫn cần một kinh nghiệm trực tiếp. Dĩ nhiên, lời chứng của một ai đó khác cũng rất quan trọng, vì một cách tự nhiên, toàn bộ đời sống Kitô hữu bắt nguồn từ lời loan báo được trao lại cho chúng ta nhờ một hay nhiều chứng nhân. Tuy vậy, mỗi người phải gắn kết một cách cá vị trong tương quan gần gũi và sâu đậm với Đức Giêsu. Chúng ta thấy một trường hợp điển hình trong Tin Mừng thứ tư: sau khi dân Samari nghe lời chứng của một phụ nữ trong số họ, người mà Đức Giêsu đã gặp tại bờ giếng Giacóp, thì chính họ cũng muốn trò chuyện trực tiếp với Người, và sau cuộc đối thoại đó, họ nói với người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian”.[10]
Trở lại với khung cảnh kêu gọi Nathanaen, thánh Gioan kể lại với chúng ta rằng khi Đức Giêsu thấy Nathanaen tiến đến, Người tuyên bố: “Đây đích thực là một người Israel, lòng dạ chẳng có gì gian dối”.[11] Chính lời khen ngợi này làm chúng ta nhớ lại một đoạn thánh vịnh: “Hạnh phúc thay người lòng trí chẳng chút gian tà”.[12] Lời khen ngợi ấy cũng gợi lên một điều thắc mắc cho Nathanaen, nên ông ngạc nhiên đáp lại: “Làm sao Ngài lại biết tôi?”[13] Câu trả lời của Đức Giêsu ngay lúc ấy không thể hiểu được: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới gốc cây vả, tôi đã thấy anh rồi”.[14] Chúng ta không biết điều gì đã xảy ra dưới cây vả đó. Nhưng hẳn nhiên, nó liên quan đến giây phút quyết định trong cuộc đời của Nathanaen. Trái tim của Nathanaen bị đánh động trước những lời Đức Giêsu nói. Ông thấy như được cảm thông và hiểu ra rằng: “Người này biết mọi sự về tôi, hiểu rõ và trông thấy đường đời của tôi; tôi thực sự tín thác vào người này”. Và vì thế, Nathanaen đáp lại bằng một lời tuyên xưng đức tin tuyệt đẹp: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel”.[15] Lời tuyên xưng này diễn đạt bước tiến quan trọng đầu tiên trong hành trình gắn bó với Đức Giêsu.
Những lời của Nathanaen làm sáng tỏ một khía cạnh mang tính lưỡng diện bổ sung cho nhau về căn tính của Đức Giêsu: Người được nhìn nhận trong tương quan đặc biệt với Cha (đối với Chúa Cha, Đức Giêsu là Con một duy nhất) và trong tương quan với Dân Israel (đối với họ, Đức Giêsu là vị Vua được loan báo, là diện mạo của Đấng Mêsia được trông ngóng). Chúng ta không bao giờ được lãng quên bất kỳ yếu tố nào trong hai điều đó, bởi nếu chỉ tuyên xưng chiều kích siêu việt của Đức Giêsu, chúng ta có nguy cơ biến Người thành một hữu thể siêu phàm nhưng mơ hồ; ngược lại, nếu chỉ nhìn nhận vị thế cụ thể của Người trong lịch sử, chúng ta có thể bỏ qua chiều kích thánh thiêng, là đặc trưng căn cước của Người.
Chúng ta không có thông tin chắc chắn về hoạt động sau này của thánh Batôlômêô. Dựa theo thông tin của sử gia Êusêbiô vào thế kỷ IV, một nhân vật Pantaenus nào đó đã tìm thấy vết tích về sự hiện diện của tông đồ Batôlômêô ở Ấn Độ.[16] Sau này, từ thời Trung Cổ, một tương truyền về cái chết của thánh Batôlômêô đã trở nên phổ biến. Người ta kể lại rằng vị tông đồ đã bị lột da và chúng ta hãy nhớ lại khung cảnh nổi tiếng về ngày phán xét cuối cùng ở nhà nguyện Sixtine, trong đó họa sĩ Michelangelo vẽ bức hình thánh Batôlômêô với tay trái đang cầm bộ da của mình. Những thánh tích của thánh Batôlômêô được tôn kính ở Rôma, trong ngôi thánh đường dâng kính ngài trên đảo Tiber, nơi mà người ta vẫn cho rằng những thánh tích của vị tông đồ được Hoàng đế người Đức là Otto III đem về vào năm 983.
Khép lại bài suy niệm hôm nay, dù không đủ thông tin, chúng ta vẫn tin rằng thánh tông đồ Batôlômêô đang hiện diện và nhắn nhủ nhân loại: mỗi người có thể sống gắn bó mật thiết với Đức Giêsu và làm chứng cho Người, mà không cần bất kì một công việc phi thường nào. Chúng ta được kêu gọi để dâng hiến trọn cuộc đời cho Người, và Đức Giêsu mãi là một Đấng phi thường.
[1] Cf. Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,14.
[2] Cf. Cv 1,13.
[3] Cf. Ga 21,2.
[4] Cf. Ga 2,1-11.
[5] Ga 1,45.
[6] Ga 1,46.
[7] Ga 7,42.
[8] Cf. Mt 2,1; Lc 2,4.
[9] Ga 1,46.
[10] Ga 4,42.
[11] Ga 1,47.
[12] Tv 32[31],2.
[13] Ga 1,48.
[14] Ga 1,48.
[15] Ga 1,49.
[16] Cf. Êusêbius, Historia Ecclesiastica, V, 10, 3.
? Tôi đang gặp vài khó khăn với một người theo thuyết bảo thủ. Xin vui lòng cho biết những đoạn văn trong Thánh Kinh nói về việc Chúa Giêsu thiết lập bảy bí tích?
Nhiều người Công giáo (và nhiều Kitô hữu khác) có liên hệ với những người