Đây là vị tông đồ mà truyền thống gọi là “protokletos”, nghĩa là “người được Đức Giêsu kêu gọi đầu tiên”. Ngài là một ngư phủ miền Galilê, cùng người anh em của mình sẵn sàng từ bỏ mọi sự bước theo Chúa, và sau này trở nên chứng nhân lẫy lừng về Đấng Phục Sinh. Theo các trình thuật Tin Mừng, ngài giữ vai trò trung gian và thông dịch viên, giúp những người Hy Lạp gặp gỡ Đức Giêsu. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 14 tháng 06 để chia sẻ về vị tông đồ này.
Anh chị em thân mến!
Lần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về thánh Phêrô. Hôm nay, trong phạm vi các nguồn tư liệu cho phép, chúng ta nói đến một tông đồ khác, đó là Anrê, anh của Simon Phêrô, cũng thuộc Nhóm Mười Hai.
Điểm nổi bật trước tiên nơi thánh Anrê là danh xưng của ngài: danh xưng ấy không phải là tiếng Hípri như nhiều người thường nghĩ, nhưng là tiếng Hy Lạp. Vì vậy, chúng ta không thể phủ nhận tính cách đa văn hóa trong gia đình hai vị tông đồ này. Chúng ta cần nhớ rằng vào thời Đức Giêsu, Galilê là nơi mà ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp phổ biến rộng rãi.
Anrê đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách Nhóm Mười Hai như được ghi lại trong Tin Mừng Mátthêu[1] và Tin Mừng Luca,[2] hoặc ở vị trí thứ tư trong Tin Mừng Máccô[3] và trong sách Công Vụ Tông Đồ.[4] Dù sao thì ngài chắc chắn có một vị trí nổi bật trong các cộng đoàn Kitô hữu thuở sơ khai.
Mối tương quan gia đình của thánh Phêrô và thánh Anrê, cũng như lời kêu gọi chung mà Đức Giêsu ngỏ với các ông, đều được đề cập một cách rõ ràng trong các sách Tin Mừng: “Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá’”.[5]
Theo Tin Mừng thứ tư, chúng ta biết một chi tiết quan trọng khác: trước kia Anrê là môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Điều này cho thấy ngài thuộc số những kẻ đang tìm kiếm và chung chia niềm hy vọng của con cái Israel, muốn hiểu rõ hơn lời Chúa cũng như sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài thực là con người của niềm tin và hy vọng. Một ngày kia, khi nghe ông Gioan giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”,[6] Anrê bị đánh động, rồi cùng với một anh em khác, các ngài đi theo Đức Giêsu. Tác giả Tin Mừng thuật lại rằng: “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”.[7] Vậy là, Anrê đã có những thời khắc rất riêng ở với Đức Giêsu.
Bản văn tiếp tục với một lời chú thích quan trọng: “Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu”.[8] Hành động ấy của Anrê cho thấy một tinh thần tông đồ kỳ diệu: ngài trở thành vị tông đồ đầu tiên được kêu gọi đi theo Đức Giêsu. Chính vì thế, phụng vụ truyền thống Byzantin tôn kính ngài với tước hiệu “Protokletos” (Protoclete), nghĩa là “người đầu tiên được kêu gọi”.
Dường như, một phần nào đó, vì mối tương quan gia đình giữa Phêrô và Anrê, mà Giáo hội Rôma và Giáo hội Constantinop đều cảm nhận mối tình huynh đệ với nhau theo một cách đặc biệt. Để tô đậm mối tình huynh đệ này, vị tiền nhiệm của tôi, Đức Giáo hoàng Phaolô VI, vào năm 1964, đã trao gởi một thánh tích quan trọng của tông đồ Anrê, đang được lưu giữ tại Vatican, cho Đức Tổng giám mục Chính Thống giáo của thành phố Patras, Hy Lạp, nơi mà truyền thống vẫn cho là thánh Anrê đã chịu đóng đinh tại đấy.
Các Tin Mừng nhắc đến tên của Anrê cách cụ thể trong ba bối cảnh khác nhau, qua đó, chúng ta hiểu nhiều hơn về vị tông đồ này.
- Bối cảnh đầu tiên là phép lạ hóa bánh ra nhiều ở Galilê. Lúc đó, chính Anrê đã hướng sự chú ý của Đức Giêsu đến một cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá: ngài xét thấy chỉ bấy nhiêu lương thực là không thể đủ cho đám đông dân chúng đang tụ họp nơi đây.[9] Trường hợp này tô đậm lối nhìn rất thực tế của Anrê. Có thể suy ra rằng khi để ý đến em nhỏ, thì trước đó Anrê đã tự vấn bản thân “chừng ấy thấm vào đâu so với đám người này”[10], đồng thời nhận ra sự ít ỏi của nguồn cung cấp. Tuy nhiên, Đức Giêsu có cách làm cho số lương thực ấy trở nên gấp bội, hầu đáp ứng nhu cầu của đám đông đến nghe Người giảng.
- Bối cảnh thứ hai diễn ra ở Giêrusalem, khi Đức Giêsu rời khỏi thành, một môn đệ chỉ cho Người hình ảnh tường thành đồ sộ chống đỡ Đền thờ. Lời đáp trả của Đức Giêsu gây ngạc nhiên: mọi bức tường thành sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. Sau đó, Anrê, cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan mới hỏi Đức Giêsu: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy xảy ra, và khi đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước?”[11] Để giải đáp, Đức Giêsu đưa ra một tuyên bố quan trọng về sự sụp đổ của Giêrusalem và thời cùng tận của thế giới. Người yêu cầu các môn đệ phải tỉnh thức, sáng suốt nhận ra dấu chỉ thời đại và luôn sẵn sàng khi mọi sự xảy đến. Từ đây, chúng ta có thể rút ra bài học: đừng ngại đặt câu hỏi với Đức Giêsu, và phải sẵn sàng đón nhận những giáo huấn bất ngờ mà Người gửi đến chúng ta.
- Bối cảnh thứ ba Tin Mừng nhắc đến Anrê cũng ở Giêrusalem, ngay trước biến cố Vượt Qua. Thánh Gioan thuật lại như sau: vào dịp Lễ Vượt Qua, một vài người Hy Lạp đến Rôma, chắc hẳn họ là những người mới gia nhập đạo Do Thái, hoặc là những người có lòng kính sợ Thiên Chúa. Họ lên để thờ phượng Đức Chúa của Israel vào dịp đại lễ. Anrê và Philípphê (hai vị tông đồ có tên Hy Lạp) đã đứng ra với vai trò trung gian, là những người phiên dịch cho nhóm người này với Đức Giêsu.
Câu trả lời của Đức Giêsu đối với câu hỏi của họ xem chừng khó hiểu, như thường thấy trong Tin Mừng Gioan. Nhưng chính vì thế mà câu trả lời của Người biểu thị một ý nghĩa lớn lao. Đức Giêsu nói với hai môn đệ, và qua các ông, nói với toàn thể thế giới Hy Lạp: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, thì nó mới sinh được nhiều hạt khác”.[12] Đức Giêsu muốn nói rằng: vâng, cuộc gặp gỡ của tôi với người Hy Lạp sẽ diễn ra nhưng không phải là một cuộc hội ngộ ngắn ngủi và đơn giản giữa tôi với một số người tò mò tìm đến. Giờ vinh quang của tôi sẽ đến cùng với cái chết, điều này có thể sánh ví với sự mục nát của hạt giống trong lòng đất. Cái chết của tôi trên thập giá sẽ mang lại hoa trái dồi dào: qua sự Phục Sinh, hạt giống mục nát (hình ảnh tượng trưng cho cái chết của Đức Giêsu) sẽ trở nên bánh hằng sống cho thế gian; đấy là ánh sáng cho mọi dân tộc và mọi nền văn hóa.
Vâng, cuộc gặp gỡ với con người và thế giới Hy Lạp có thể thực hiện trong tất cả chiều sâu ý nghĩa của nó, mà hình ảnh hạt lúa ngầm diễn tả. Quả thực, hạt lúa gồm tóm nơi nó những tinh hoa của đất trời và trở nên tấm bánh. Nói cách khác, Đức Giêsu đang tiên báo về Giáo hội của người Hy Lạp, Giáo hội của những người lương dân và Giáo hội của toàn thế giới, là hoa trái từ biến cố vượt qua của Người.
Vài truyền thống rất cổ xưa không chỉ xem Anrê là thông dịch viên của một số người Hy Lạp trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu như đã kể ra đây, nhưng còn nhìn nhận ngài là vị tông đồ đặc biệt cho dân Hy Lạp trong những năm sau biến cố Ngũ Tuần. Những điều ấy giúp chúng ta hiểu rằng sau biến cố Phục Sinh, Anrê chính là nhà giảng thuyết và người giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới Hy Lạp.
Phêrô đi từ Giêrusalem qua Antiôkia và đến tận Rôma để thực thi sứ vụ phổ quát của mình; còn Anrê là tông đồ của thế giới Hy Lạp. Vì thế, dù sống hay chết, các ngài vẫn luôn là anh em thực sự. Tình huynh đệ ruột thịt của các ngài diễn giải một cách hình tượng mối tương quan đặc biệt và không thể khác giữa Tòa thánh Rôma với Tòa Thượng phụ Constantinop: Cả hai là những Giáo hội Anh Em đích thực.
Truyền thống sau này, như đã đề cập tới, nói về cái chết của Anrê ở Patras, nơi ngài chịu khổ hình thập giá. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc quan trọng ấy, cũng như Phêrô, ngài đã yêu cầu được đóng đinh vào thập giá theo hình thức khác với thập giá của Đức Giêsu. Thập giá của ngài là một thập giá chéo, hình chữ X. Từ đó về sau, thập giá theo hình thức ấy thường được gọi là “thập giá của Thánh Anrê”.
Đây là điều thánh Anrê hằng được thôi thúc trong lòng, và cuối cùng, ngài đã thốt lên trong giờ chịu khổ hình (dựa theo một câu truyện cổ, có từ đầu thế kỷ thứ VI, với tựa đề: Cuộc Khổ nạn của Anrê):
Chào ngươi, hỡi cây Thập giá
được khai mở bằng Thân Thể Đức Kitô,
được trang hoàng bằng ánh quang của Người,
như thể đấy là những viên ngọc quý.
Ôi Thập giá!
Trước khi Đức Chúa ngự trên ngươi,
ngươi gây ra nỗi sợ hãi cho thế giới.
Nhưng giờ đây, đón hưởng tình yêu siêu việt,
ngươi được chấp nhận như một món quà.
Ai tin sẽ thấy niềm vui ngươi đang sở hữu,
cùng muôn vàn tặng phẩm ngươi đã dọn sẵn.
Vì thế, ta đến với ngươi,
đầy tin tưởng và hân hoan.
Ngươi hãy reo vui đón nhận ta
như người môn đệ của Đấng bị treo trên ngươi.
Ôi Thập giá diễm phúc!
Ngươi mặc uy nghi và hào quang Đức Chúa!
Hãy đón nhận ta, đem ta ra khỏi nhân loại này.
Hãy đưa ta đến với Thầy Chí Thánh,
để qua ngươi,
Đấng đã nhờ ngươi mà cứu độ ta,
Đấng ấy cũng sẽ đón nhận ta.
Chào ngươi, hỡi Thập giá!
Chân thành kính chào ngươi!
Có thể nói những lời này biểu trưng cho một linh đạo Kitô giáo rất sâu sắc. Chúng ta, các Kitô hữu, không xem thập giá là công cụ của hình phạt, nhưng thay vào đó, mang ý nghĩa vô song cho việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, hạt lúa được gieo vào lòng đất.
Ở đây, có một bài học quan trọng cần phải ghi nhớ: thập giá của mỗi người sẽ đem lại giá trị, một khi chúng ta biết đón nhận nó như một phần Thập giá của Đức Kitô, và để cho ánh quang huy hoàng của Người chiếu tỏa trên tất cả. Chính nhờ Thập giá Đức Kitô, những đau khổ của chúng ta mới trở nên cao quý và đem lại ý nghĩa đích thực.
Vì thế, tông đồ Anrê dạy cho chúng ta tinh thần sẵn sàng tiếp bước Đức Giêsu,[13] nhiệt tâm rao truyền về Chúa cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ, và đặc biệt, biết xây dựng mối tương quan thân thiết với Người; đồng thời, nhận thức sâu xa rằng chỉ ở nơi Người, chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa tối hậu cho sự sống và cái chết của chúng ta.
[1] Mt 10,1-4.
[2] Lc 6,13-16.
[3] Mc 3,13-18.
[4] Cv 1,13-14.
[5] Mt 4,18-19; Mc 1,16-17.
[6] Ga 1,36.
[7] Ga 1,37-39.
[8] Ga 1,40-43.
[9] Cf. Ga 6,8-9.
[10] Ibid.
[11] Mc 13,1-4.
[12] Ga 12,23-24.
[13] Cf. Mt 4,20; Mc 1,18.
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô