29/06/2010 -

Thần học

1567
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Kính thưa quý vị và các bạn,

Trong Việt ngữ, có câu ví "vui như Tết"; còn bên Âu châu, thì có câu ví "thảm sầu như mùa chay". Trong tháng 2 này, chúng ta vừa ăn Tết lại vừa bắt đầu Mùa chay. Người nào có tí máu triết gia trong mình thì sẽ gật gù tự nhủ: "đời là thế đấy, vui buồn trà trộn lẫn nhau!" Thế nhưng có lẽ nhiều tín hữu không nghĩ như vậy. Theo họ, những dịp vui tết chỉ là trò cười của thế gian, đó là chưa nói tới việc chúng dễ trở thành dịp phạm tội làm mất lòng Chúa. Người đạo đức phải sống nghiêm trang, khắc khổ nhiệm nhặt; hay nói khác đi, kể từ mùa chay trở đi, người Kitô hữu mới thực sự có cơ hội để sống đạo nghiêm túc!

Trong mục "thời sự thần học" tháng này, chúng tôi hãy tìm hiểu xem: phải chăng sứ điệp của Kitô giáo chỉ gồm có sự sám hối đền tội, thập giá đau khổ? phải chăng Kitô giáo chỉ thấy cuộc đời này như là bể khổ, như vũng nước mắt ? Có thể có sự vui mừng đích thực ở đời này không, hay là ta phải chờ mãi tới đời sau trên thiên đàng mới hưởng được niềm vui ? Nói cách khác, trong tháng này, chúng ta thử tìm hiểu thần học về sự vui mừng.

Trước tiên, trong bài hôm nay, chúng ta hãy khảo sát xem Kinh thánh nói gì về sự vui mừng. Trong những bài tiếp, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu đề tài này nơi các tác giả nổi tiếng trong lịch sử Kitô giáo; đặc biệt, chúng ta cố gắng tìm hiểu hai điẻm: vui mừng là gì? làm thế nào để được vui? Sau cùng, để kết luận, chúng tôi sẽ nói tới phong trào làm tông đồ qua sự gieo rắc vui tươi: theo họ, không những là người kitô hữu có thể tìm thấy niềm vui ở đời này, nhưng người tín hữu có bổn phận phải giúp cho thiên hạ được sống vui. Kitô giáo là đạo của sự vui tươi chứ không phải của ưu sầu ảm đạm! Những ai năng suy gẫm kinh Mân côi có thể nhận ra rằng có tới 5 sự vui và 5 sự mừng, trong khi chỉ có 5 sự thương: như vậy là vui mừng thắng với tỉ số 2/1.

I. TRONG CỰU ƯỚC

Trong tiếng Việt, chúng ta có nhiều từ ngữ để diễn tả niềm vui, thí dụ như: vui vẻ, vui tươi, vui mừng, vui sướng, sung sướng, hân hoan, hoan hỉ, mừng rỡ, hớn hở; khoan khoái, khoái trá, đắc chí, hả hê, thoải mái, mãn nguyện.... Các ngôn ngữ của Kinh thánh cũng dồi dào từ ngữ không kém. Nhưng thay vì dừng lại ở khía cạnh ngữ học, chúng ta hãy đi sâu vào nội dung thần học của niềm vui.

Chúng ta có thể xếp thần học về niềm vui trong Cựu ước theo bốn khía cạnh: 1) niềm vui tự nhiên của cuộc đời; 2) niềm vui của lễ hội cộng đoàn; 3) niềm vui trong Chúa; 4) niềm vui của thời cánh chung.

A. Niềm vui tự nhiên của cuộc đời.

Trong Kinh thánh, đặc biệt là trong các sách Khôn ngoan, ta gặp thấy những đoạn văn kêu mời hãy biết khám phá niềm vui từ những hồng ân mà Đấng Tạo hóa đã ban cho ta, chẳng hạn như niềm vui của gia đình êm ấm, của vợ hiền con ngoan (Huấn ca 26,2; Tv 113,9). Thậm chí sách Giảng viên, một tác phẩm có tiếng là bi quan nhất bởi vì coi tất cả mọi sự trên đời đều là phù vân, cũng đã khuyên thế này: "Nào, bạn hãy vui vẻ ăn đi, hãy sung sướng thưởng thức chén rượu, vì Chúa đã chiếu nhận việc làm của bạn. Mọi thời, áo bạn phải trắng trẻo bảnh bao, và đừng quên xức thuốc thơm lên đầu. Bạn hãy hưởng cuộc đời với người vợ yêu dấu mà Chúa đã ban cho bạn" (Gv 9,7). Tác giả nhìn nhận có những niềm vui chính đáng, tựa như niềm vui của sự nghỉ ngơi sau khi vất vả lao nhọc (2,24; 3,13). Ta gặp thấy nhiều đoạn văn của thánh vịnh nói lên niềm vui vì được hưởng hoa trái của công lao mình gây dựng ra, niềm vui của mùa gặt hái (Is 9,2; Tv 126,5), niềm vui của bữa ăn ngon, của ly rượu làm vui thỏa tâm hồn (Tv 104,5; Hc 21,27). Dù sao, thì niềm vui rất cần thiết cho cuộc sống: nó giúp ta bồi dưỡng sức khoẻ (Huấn ca 17,22; 30,21-23), xua đuổi những tư lự xao xuyến (Gv 3,22).

B. Niềm vui của lễ hội.

Ngoài niềm vui cá nhân và gia đình, còn có những niềm vui của cộng đoàn, của dân tộc: niềm vui chiến thắng (1Sam 18,6), niềm vui nhân dịp nhà vua đăng quang (1V 1,40), niềm vui khi các tù nhân trở về (Tv 126,5), niềm vui của những ngày lễ hội trên đền thánh Chúa. Chúng ta thấy có nhiều thánh vịnh hành hương, ca ngợi thú vui được về thành đô dự lễ, thí dụ tv 122: "Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi, nào ta hãy lên đền thánh Chúa". Những từ ngữ thường gặp trong các thánh vịnh để diễn tả niềm vui là: "hoan hỉ", "nhảy mừng", "vỗ tay xướng hát đàn ca", vv.

C. Niềm vui trong Chúa.

Đối với dân Israel, không thể có niềm vui đích thực khi mà con người không tuân giữ luật Chúa. Những cuộc truy hoan chè chén say sưa chỉ để lại sầu muộn sau đó (Châm ngôn 14,13). Người gian ác không bao giờ vui được, cho dù bề ngoài xem ra khoái trá hả hê (Cn 2,14).

Nhưng đó mới chỉ là khía cạnh tiêu cực. Trong các thánh vịnh ta còn thấy đạo lý tích cực hơn nữa. Vịnh gia không những nhiều lần hân hoan ca ngợi Chúa khi chiêm ngắm bao kỳ công mà Ngài đã thực hiện trong vũ trụ ("Lạy Chúa, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ, công việc tay Ngài làm, con phải reo lên" Tv 92,5. Xc: Tv 8; 104), trong lịch sử Israel (Tv 78; 103; 105; 126) nhưng còn tìm thấy tìm vui ngay trong chính Chúa. Thánh vịnh 119 ca tụng niềm vui thích thú của luật Chúa, tựa như:

"Tuân theo thánh ý Ngài, / con vui sướng / hơn là được tiền rừng bạc bể" (c.14),

"con vui thú với thánh chỉ Ngài / chẳng quên lời Ngài phán" (c.16),

"thánh ý Ngài làm con vui sướng thỏa thuê" (c.24),

"thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi, vì đó là hoan lạc của lòng con" (c.111).

Thực vậy, người tín hữu tìm được niềm an vui trong Chúa ("Hỡi những người công chính, hãy vui lên, hãy nhảy mừng. Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo" Tv 32,11; "Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Ngài sẽ cho được phỉ chí toại lòng" Tv 37,4; 104, 33-34; "hãy phụng sự Chúa với niềm hoan hỷ" Tv 100,2). Sự an vui trong Chúa được ví như "trẻ thơ nép mình lòng mẹ / trong con, hồn lặng lẽ an vui" (Tv 131,2), "Chúa ban xuống lòng con nhiều hoan lạc, / hơn khi thiên hạ được mùa /lúa rượu đầy dư. Thư thái bình an, vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn" (Tv 4,8-10; 16,9).

Niềm vui vừa nói không phải chỉ dành cho kẻ lành thánh, nhưng cả cho người tội lỗi, miễn là họ biết hối cải: họ sẽ lãnh được niềm vui của ơn tha thứ (Tv 51,10-11.14), niềm vui của lòng khoan nhân: "chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Ngài ... Chúa là Đấng nhân hậu, Ngài chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi" (Tv 103,2.8-9).

Chắc hẳn hầu hết các tín hữu ở Việt nam đã quen thuộc với Tv 126: "Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo. Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng".

D. Niềm vui của thời cánh chung.

Cựu ước còn nói tới một chiều kích nữa của niềm vui, hướng về tương lai vào thời mà Chúa sẽ gửi vị thiên sai để khai mào kỷ nguyên của hòa bình an lạc, thịnh vựơng phú quý. Ngôn sứ Isaia đã nhiều lần nói tới niềm vui mới, niềm vui bất diệt vào thời cánh chung, khi Chúa sẽ lau khô hết mọi nước mắt (25,8), khi Chúa sẽ an ủi dân mình như bà mẹ ủi an con thơ (Is 40,1; 49,13; 66,10-14). Ngày Chúa cứu chuộc sẽ là ngày của hoan hỉ hò reo (Sophonia 3,14-15; Gioel 2,21.23; x.Tv 96,11-13; 97).

II. TÂN ƯỚC

Sang đến Tân ước, chúng ta thấy niềm vui được đề cập tới dưới nhiều khía cạnh. Thánh Luca trình bày lúc Chúa Giêsu ra đời như thời kỳ thực hiện những lời các sứ ngôn tiên báo về niềm vui của thời đấng Thiên sai. Tư tưởng tương tự như vậy cũng đọc thấy ở thánh Gioan. Ngoài ra, chúng ta cũng gặp thấy những đoạn nói tới chính niềm vui của Chúa Giêsu. Thêm vào đó, Phúc âm cũng nói tới sự vui mừng trọn vẹn khi công cuộc cứu độ hoàn tất với mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô. Sau cùng, các tác phẩm của các thánh Tông đồ bàn tới niềm vui của các tín hữu, dù gặp phải những cơn thử thách bách hại.

A. Niềm vui của thời cứu độ.

Đề tài niềm vui đã xuất hiện ngay từ những chương đầu của Phúc âm theo thánh Luca. Thiên sứ Gabriel báo tin cho ông Dacaria biết là ngày chào đời của Gioan tiền hô sẽ mang lại vui mừng hoan hỉ cho ông và cho nhiều người (1,14.58). Nhất là khi đến gặp đức Maria, thiên sứ Gabriel đã mở đầu câu chuyện với những lời: "Vui lên đi, hỡi người đầy ân sủng" (1,28). Các nhà chú giải cho rằng thánh sử Luca trích lại những lời của các sứ ngôn Sophonia (3,14) và Dacaria (9,9) về niềm vui khi đấng Cứu tinh xuất hiện. Dù sao thì đức Maria đã nhận ra sứ điệp đó. Đức Maria không những đã hân hoan tạ ơn Chúa vì đã thương đoái nhìn đến thân phận thấp hèn của mình khi chọn làm mẹ đấng Cứu thế (1,46-48), mà còn vì Ngài đã nhớ lại lời hứa cùng tổ phụ Abraham (1,55). Đức Maria không giữ niềm vui cho riêng mình, nhưng còn thông chuyển cho bà chị họ Ysave (1,41). Việc Chúa Cứu thế sinh ra tại Bêlem được các thiên sứ loan báo cho các mục đồng như là một tin mừng trọng đại (2,10).

Việc đức Giêsu xuất hiện đã khai mạc thời đại vui mừng cũng được các thánh sử khác nói tới: đó là thời hoan hỉ, sánh được như thời ăn cưới (Ga 2,1-12; 3,29); vì thế mà các môn đệ của Ngài không có lý do để ăn chay khổ chế (Mc 2,19; Mt 9,15). Chính đức Giêsu cũng ý thức rằng mình được Thần khí Chúa sai đi để loan Tin mừng cho người nghèo, để công bố sự giải thoát cho những kẻ bị tù đày, áp bức (Lc 4,18-21).

Trọng tâm của sứ điệp vui mừng mà đức Giêsu rao giảng là lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong chương 15, thánh Luca đã gom lại ba dụ ngôn nói về tình thương: Thiên Chúa vui mừng khi tội nhân thống hối, giống như người cha thấy đứa con lạc trở về, giống như người mục tử tìm lại được con chiên lạc, giống như bà lão tìm được đồng tiền rơi trong xó kẹt. Đức Kitô cũng dậy cho chúng ta biết đâu là các mối phúc thật (Lc 6,20-23; Mt 5,2-12). Sứ điệp của các phúc thật cảnh giác chúng ta về những thú vui giả tạo, dựa trên thế lực, tiền của (x. Lc 16,19-31: dụ ngôn trọc phú và Ladarô; Lc 12,16-21: dụ ngôn phú hộ tự mãn), đồng thời vạch cho ta một bí quyết để sống an vui, đó là tín thác nơi sự quan phòng của Cha lành, Đấng nuôi chim trên trời, hoa ngoài đồng (Lc 12,22-32; Mt 6,25-34).

B. Niềm vui của đức Kitô.

Phúc âm không chỉ nói tới việc đức Giêsu mang lại niềm vui cho nhân loại mà thôi; các thánh sử còn mô tả việc Ngài chia sẻ những niềm vui của cuộc đời. Ngài vui với các môn đệ sau khi họ đi giảng về (Lc 10,17-20). Ngài hân hoan chúc tụng Thiên Chúa vì đã mặc khải những bí nhiệm nước trời cho những tâm hồn bé nhỏ (Lc 10,21).

Dù không nói rõ, nhưng ta cũng có thể đoán được là Ngài cũng chia sẻ niềm vui với bà góa thành Naim khi thấy đứa con mình sống lại (7,15-16), của bao nhiêu người tật bệnh được chữa lành (13,17), của ông Dakêo được hân hạnh tiếp rước Ngài vào nhà và thay đổi cuộc đời (19,9), người thu thuế được tha thứ sau khi khiêm nhường thống hối (18,14). Ngài đùa giỡn với các nhi đồng quấn quýt bên mình, đang khi mà các môn đệ trách mắng chúng (18,15-17).

C. Niềm vui trong thời cánh chung.

Tuy nhiên, niềm vui mà đức Giêsu mang lại cho nhân loại chỉ mới có tính cách khai mào chứ chưa trọn vẹn. Niềm vui chỉ trọn vẹn khi không còn lo sợ phải mất đi, không còn pha lẫn với đau khổ buồn rầu. Niềm vui ấy được diễn tả dưới hình ảnh của một bữa đại tiệc (Lc 14,15; 22,16.30).

Thế nhưng, trước khi ngồi chung nhau trong bữa tiệc vĩnh cửu ấy, Chúa Giêsu phải chia tay các môn đệ, để đón nhận cuộc tử nạn trên thập tự. Trong bữa Tiệc ly, ngài nói như sau: "Thầy bảo thật các con: các con sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Các con cũng vậy, bây giờ các con lo buồn, nhưng thầy sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai lấy mất được" (Ga 16,20-22).

Cũng trong bài đàm đạo ấy, Chúa Giêsu không những nói tới niềm vui trọn vẹn vì sẽ gặp lại Chúa sống lại (20,20), nhưng còn niềm vui vì được thông dự vào tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con (15,11; xc 1Ga 1,4; 2Ga 12), niềm vui vì được Chúa Cha yêu thương và nhận lời cầu (16,23). Nói tóm lại, niềm vui của các môn đệ là được chia sẻ niềm vui của chính Chúa Giêsu (17,13). Các nhà chú giải đã lưu ý một thành ngữ độc đáo của thánh Gioan, đó là: "niềm vui trọn vẹn" (gaudium plenum, perfectum) phát sinh từ việc kết hiệp mật thiết giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha (14,20) và giữa Chúa Giêsu với các môn đệ (Ga 15,11; 1Ga 1,4; 2Ga 12). Niềm vui ấy đồng nghĩa với sự "bình an", một thứ bình an độc đáo vì là món quà của Chúa, và không ai có thể tước đi được (14,27-28; 16,12.24.33). Thánh Gioan cho ta thấy rằng có một thứ niềm vui của người tín hữu khác hẳn với niềm vui của thế gian: vào lúc đóng đinh Chúa Giêsu, thế gian khoái trá đắc chí đang khi mà các môn đệ buồn phiền. Thế nhưng sau cảnh buồn phiền ngắn ngủi, niềm vui của các môn đệ sẽ tăng gia gấp bội khi gặp lại Chúa phục sinh (16,20; 20,20).

D. Niềm vui trong gian truân

Thánh Luca đã kết thúc Phúc âm với việc Chúa Giêsu lên trời, và các môn đệ trở về Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ (Lc 24,52-53). Tiếp sang sách Tông đồ công vụ, thánh Luca cũng mô tả cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi tràn ngập niềm vui do tác động của Thánh Thần. Niềm vui là hậu quả của tình yêu đồng tâm nhất trí trong việc nghe lời giảng, trong việc cử hành phụng vụ và thông chia tài sản (Cv 2,46; 13,52). Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng không phải các Kitô hữu ấy vui vì suốt ngày ăn chơi múa nhảy. Họ sớm nếm phải cảnh đánh đập, tù đầy, bách hại. Đây là điểm độc đáo của cộng đoàn tín hữu tiên khởi: niềm vui giữa cảnh bách hại (Cv 5,41). Chúa Kitô đã chúc phúc cho những ai phải chịu bách hại vì danh Ngài (Mt 5,11-12). Giờ đây, họ có dịp nếm thử điều ấy. Các thánh tông đồ đã viết thư cho các giáo đoàn để nâng đỡ tinh thần của các tín hữu, giúp họ làm sao giữ được niềm vui giữa những cơn thử thách.

Sự vui mừng nói đây không còn phải là một cảm tính tự nhiên nữa, nhưng là một hồng ân của Thánh Thần. Theo thánh Phaolo, niềm vui là một hoa trái của Thánh Thần, tựa như những hoa trái khác như là: bác ái, bình an, độ lượng, hiền hậu (Gl 5,22). Nói thế có nghĩa là sự vui mừng là một hồng ân của Thiên Chúa ban cho ta, cùng với hy vọng và tình yêu (Rm 15,13). Thánh Phaolô cũng định nghĩa vương quyền của Chúa được biểu lộ qua sự vui mừng (Rm 14,17). Vì thế niềm vui ấy được gọi là vui "trong Chúa" (Pl 1,25; Rm 15,13), hoặc "trong Thánh Thần" (Rm 14,17; 1Tx 1,6).

Hơn nữa, Thiên Chúa muốn cho chúng ta hãy luôn luôn hoan hỉ (1Tx 5,16-18) trong lời kinh tán tạ. Các tín hữu được thúc giục không ngừng: "nào anh em, hãy vui lên, tôi nhắc lại: anh em hãy vui lên trong Chúa" (Pl 3,1; 4,4). Như vậy, sự vui mừng của người Kitô hữu không chỉ mang tính cách cá nhân mà còn có chiều kích cộng đoàn nữa, đặc biệt khi sống trọn tình bác ái huynh đệ (2Cr 13,11).

Thánh Phaolô không chỉ trình bày một lý thuyết về niềm vui. Chính ngài đã cảm nghiệm niềm vui dưới nhiều hình thức. Vui vì đức Kitô được loan báo (Pl 1,18); vui vì được thiện cảm của các tín hữu (Pl 4,10). Dù sao, thánh Phaolô cảm thấy được an ủi và vui mừng trong hoạt động truyền giáo, bất chấp những khó khăn trắc trở (2Cr 6,10; 7,4). Ngài thành thực thú nhận rằng mình gặp phải nhiều gian truân bên ngoài cũng như những trắc trở trong nội bộ các giáo đoàn, nhưng ngài đã vui mừng gánh chịu tất cả để bổ khuyết cho những chi còn thiếu trong các sự đau khổ của đức Kitô (Cl 1,24). Thậm chí, chính sự tử đạo sẽ mang lại sự vui mừng cho ngài bởi vì sẽ chóng gặp lại đức Kitô (Pl 2,6). Dù sao thì ta thấy rằng thánh Phaolô nói tới một niềm vui như là hồng ân của Chúa, chứ không phải là niềm vui giả tạo của thế gian. Cũng vậy, chúng ta nhận thấy thánh Phaolô phân biệt cái buồn "theo thế gian" đưa tới tuyệt vọng, và cái buồn "theo Chúa" (2Cr 7,7-10) dẫn đưa tới sự cải hoán.

Để an ủi các tín hữu đang xuống tinh thần vì những cảnh bắt bớ, tác giả thư gửi người Do thái đã khuyên nhủ họ hãy theo gương Chúa Kitô, đấng đã khước từ sung sướng vinh quang, chấp nhận thập giá; và nay Ngài được ngự bên hữu ngai Thiên Chúa (Dt 12,2). Cũng vậy, khi bị tước đoạt, bị bóc lột các tín hữu hãy vui vẻ chấp nhận, vì biết rằng mình còn có những của vừa quý gia vừa bền vững (Dt 10,34). Điều này được thánh Phêrô nói rõ hơn nữa: "Anh em thân mến, đựơc chia sẻ những đau khổ của đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ" (1Pr 4,13; xc. Gc 1,2).
Tác phẩm cuối cùng của Tân ước cũng được viết ra để nâng đỡ các tín hữu dưới thời bách hại. Tác giả sách Khải huyền loan báo niềm vui bất tận của thời cánh chung ở Giêrusalem trên trời, nơi không còn tang chế khóc than nữa (Kh 21,1-4). Các người được cứu thoát sẽ tham dự tiệc cưới của Chiên trong vui mừng hoan hỉ (19,7).
114.864864865135.135135135250