10/05/2024 -

Thần học

2198
LTS : Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraina; theo Nga đó là chiến dịch quân sự đặc biệt, chứ không phải là chiến tranh. Cuộc chiến kéo dài đã hơn 2 năm, lôi kéo nhiều quốc gia vào vòng xoáy của tàn phá, chết chóc, huỷ hoại môi trường..., theo thông tin từ mỗi bên, tổng cộng đã có khoảng 600 ngàn người thiệt mạng. Phần lớn các quốc gia, thể hiện qua những lần bỏ phiếu tại Hội đồng Liên hiệp quốc, đứng về phía Ukraina, bênh vực quyền tự vệ và toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Học thuyết xã hội của Giáo hội nhìn nhận quyền tự vệ chính đáng của một quốc gia, theo đó các nhà thần học luân lý đã khai triển “học thuyết chiến tranh chính nghĩa”.   

Gần đây hơn, vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, nhóm vũ trang Hamas tấn công vào Israel từ dải Gaza khiến 1.200 người Israel, phần lớn là dân thường thiệt mạng, và 250 con tin bị bắt giữ. Liền sau đó, Israel đã đáp trả quân sự dữ dội nhằm tiêu diệt tận gốc nhóm Hamas. Cuộc chiến dải Gaza kéo đã kéo dài 7 tháng, theo VTV online, khiến 37 ngàn người thiệt mạng, 78 ngàn người bị thương, 2,3 triệu người Palestin phải di cư, thành phố, nhà cửa bị tàn phá,… đến nay vẫn chưa thấy hy vọng đạt được thoả thuận ngừng bắn giữa hai bên.

Cuộc chiến của Isreel nhằm vào Hamas, đồng thời cũng gây ra quá nhiều cái chết, hệ luỵ cho dân thường, liệu có chính đáng không? Liệu có chiến tranh nào được gọi là chính đáng hay chính nghĩa không?

Sau vụ khủng bố 11/9, Hoa Kỳ ngay lập tức truy lùng tổ chức khủng bố Al-Qaeda, đứng đầu là bin Laden. Để tiêu diệt tận gốc nhóm khủng bố, hoặc ít nhất là những lãnh đạo chủ chốt, Hoa Kỳ buộc sẽ phải xâm nhập quân sự bất hợp pháp vào những quốc gia mà nhóm khủng bố lợi dụng ẩn nấp. Và “Học thuyết chiến tranh chính nghĩa” được lấy để biện minh. Mời quý đọc giả đọc lại bài viết của cha Fausto B. Gomez, O.P., giáo sư luân lý của Phân khoa Thần học UST, được chuyển dịch vào đăng trên Thời sự Thần học, số 28 (tháng 6/2002), tr . 122-160. Lưu ý tựa đề dưới dạng câu hỏi chứ không phải khẳng định : “Học thuyết chiến tranh chính nghĩa, con đường dẫn tới hoà bình?”

Thánh Augustine nói rằng vạn vật đều mong ước hòa bình. Thánh Tôma cũng quan niệm nhân loại ai cũng ước mong hòa bình. Ai cũng mong ước đạt được điều mình mong ước (II–II, 29,2). Vì đặt niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Kitô hữu được mời gọi cách riêng biệt đạt được hòa bình, xây dựng hòa bình để trở thành những con người kiến tạo hòa bình. Ngày nay, chúng ta có còn xem “Học thuyết chiến tranh chính nghĩa” như là một con đường dẫn đến hòa bình không?

MỞ ĐẦU

Trong quá khứ, dường như thế giới không lúc nào vắng bóng chiến tranh. Do đó những nhà thần học Kitô giáo và những nhà luân lý đã thành lập “Học thuyết chiến tranh chính nghĩa.” Cũng vậy, thế giới của chúng ta ngày nay chiến tranh vẫn xảy ra như cơm bữa và thật đáng buồn vì ngành nghiên cứu chiến tranh hoặc chiến tranh học (polemology) vẫn tiếp tục phát triển.

Chiến tranh được hiểu như là một cuộc xung đột vũ trang giữa những quân đội của những quốc gia thù nghịch. Trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh còn được hiểu là cuộc xung đột võ trang giữa một quốc gia – hoặc nhiều quốc gia – với những tổ chức như một quốc gia, chẳng hạn những nhóm khủng bố.

Có nhiều loại chiến tranh. Trong bài viết này, chúng ta chỉ tìm hiểu hai loại chiến tranh khác nhau. Trước tiên, chúng ta bàn đến cuộc chiến gây hấn (cuộc chiến vô cớ với một nước khác), cuộc chiến can thiệp (khởi xướng cuộc chiến nhằm ngăn cản mối đe dọa chiến tranh từ một quốc gia khác) và cuộc chiến tự vệ (chiến tranh nhằm chống lại kẻ xâm lược bất chính). Sau đó, để tìm hiểu sự phân biệt những loại vũ khí hủy hoại đã được sử dụng trong chiến tranh, chúng ta nói đến chiến tranh vũ khí hạt nhân, chiến tranh vi sinh vật và chiến tranh dùng vũ khí hóa học.

Sau những cuộc tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi ở New York, và Ngũ Đài Giác ở Washington D.C. ngày 11/9/2001, Học thuyết chiến tranh chính nghĩa được “phục hồi” lại. Tổng thống George Bush và những nhà lãnh đạo thế giới khác, trong đó có một số vị lãnh đạo tôn giáo từ những tổ chức tôn giáo khác nhau đã sử dụng Học thuyết chiến tranh chính nghĩa biện hộ cho chiến tranh chống lại khủng bố – vài người lý giải rằng đó là cuộc chiến chống Afghanistan nơi sản sinh ra những cuộc tấn công khủng bố. Ngày nay, khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta có nên bàn về cuộc chiến tranh chính nghĩa không?

Để khai triển chủ đề này theo quan điểm thần học và luân lý, chúng tôi xin được trình bày năm điểm then chốt. Trước tiên chúng ta sẽ suy xét Học thuyết chiến tranh chính nghĩa trong thần học truyền thống, chủ yếu tập trung vào tư tưởng của thánh Tôma. Kế đến chúng ta sẽ phân tích Học thuyết chiến tranh chính nghĩa theo Học thuyết xã hội Công giáo, chủ yếu tập trung vào những bản văn của Đức Piô XII và của Công đồng Vatican II. Tiếp theo, chúng ta sẽ nghiên cứu Học thuyết chiến tranh chính nghĩa trong những bài giáo huấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sau ngày 11/9/2001; và của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đưa ra sau những cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và cuối cùng, chúng ta kết thúc phần thảo luận bằng một suy tư cá nhân về chiến tranh và hòa bình.

Cần phải biết trước sự phân biệt rất quan trọng: có hai lối tiếp cận trong việc nghiên cứu truyền thống chiến tranh chính nghĩa, gọi là tiếp cận thần học/ luân lý và tiếp cận kinh nghiệm/ thực hành. Chúng tôi xin trình bày theo viễn cảnh luân lý và thần học Công giáo.

Học thuyết chiến tranh chính nghĩa theo thánh Tôma

Kitô giáo có hai cây đại thụ vững chắc về đạo lý chiến tranh là thánh Augustine và thánh Tôma.[1] Tới Công đồng Vatican II, những bài giáo huấn ngắn gọn và súc tích của thánh Tiến sĩ Thiên Thần trong bộ Summa Theologia, phần hai, thần học luân lý, vấn nạn 40 (II–II, 40,1–4) rõ ràng có ảnh hưởng lớn đến thần học truyền thống.

Thánh Tôma viết bộ Suma Theologia vào thế kỷ XIII, bấy giờ những cuộc chiến giữa và trong những quốc gia đang xảy ra thường xuyên. Lúc này có rất nhiều cuộc nội chiến xảy ra tại Italy, trên thực tế những thành viên trong gia đình của thánh sư bị thu hút cách khác nhau và đôi khi họ ở những phe chống đối nhau.[2] Hơn nữa, chúng ta cũng biết rõ vào thế kỷ XIII, Giáo Hội cũng đã tham gia vào chiến tranh trong những cuộc thập tự chinh và tòa tra.

Sau khi tìm hiểu bản chất của đức ái (vấn nạn 23–24), mục đích chính của đức ái (25–26), hành động của đức ái (27–33), thánh Tôma tìm hiểu những tật xấu chống lại phẩm chất thần học đức ái (34–43), những tật xấu chống lại hòa bình (với niềm vui và việc thiện, hòa bình là một kết quả của đức ái), đặc biệt những tật xáu chống lại đời sống bình an gọi là chiến tranh (40), cãi vã (41) và nổi loạn (42).

Vấn nạn 40 mãi mãi sẽ là nguồn mạch cổ điển cho việc giáo huấn thần học và luân lý về chiến tranh, cơ bản là cuộc chiến tranh công lý. “Khi đề cập đến vấn đề chiến tranh công lý, tên của thánh Tôma được đặt hàng đầu dưới hầu hết mọi ngòi bút của các thần học gia.”[3]

Thánh Tôma khai triển giáo huấn về chiến tranh chính nghĩa theo bốn tiêu đề: mở đầu vấn nạn 40, Người viết:
  1. 1. Có cho phép phát động một vài cuộc chiến nào đó không?
  2. 2. Các tu sĩ có thể tham gia chiến tranh không?
  3. 3. Những người tham chiến có được sử dụng thủ đoạn lừa gạt không?
  4. 4. Có thể tiến hành chiến tranh vào những ngày lễ không?
Chúng ta chú ý đến trọng tâm mục một. Mục này được coi như là kim chỉ nam trong tiêu đề này: Tiến hành chiến tranh luôn là trọng tội chăng? Một nhà bình luận có quan điểm khác với lập trường của thánh Tôma dẫn chứng hai tiêu đề ở mục một trên chứng tỏ rằng tác giả bộ Suma có lập trường chống chiến tranh. Đối với thánh Tôma, thông thường chiến tranh là hành động bất hợp pháp và bất chính. Vậy khi nào thì chiến tranh được đánh giá là cuộc chiến chính đáng?

Có ba điều kiện để định mức một cuộc chiến chính đáng: khi thẩm quyền chung (public authority) coi cuộc chiến là chính đáng; khi nó thể hiện một nguyên nhân chính nghĩa; khi đó la một mục đích đúng đắn.

Điều kiện trước tiên: thẩm quyền chung (public authority). Thẩm quyền chung ở đây không phải phát xuất từ những cá nhân hay những tổ chức xã hội hoặc là một quyền lực siêu quốc gia – không tồn tại vào thế kỷ XIII thời thánh Tôma. Thánh sư đưa ra điều kiện trước tiên cho một cuộc chiến chính đáng (II–II, 40,1):

“Từ khi những người có thẩm quyền được ủy thác để quan tâm đến phúc lợi chung, họ là những người chăm sóc những công việc của một thành phố, một vương quốc hoặc một tỉnh thuộc phạm vi của họ (...) Và như vậy, họ có quyền hợp pháp chống lại sự nhiễu loạn trong phạm vi của họ, và trừng phạt những tội phạm... Vì vậy, một cách hợp pháp, họ dùng quyền lực chiến tranh để bảo vệ cho phúc lợi chung khi có những cuộc tấn công từ bên ngoài.”

Điều kiện thứ hai để lượng định một cuộc chiến chính đáng: Phải có một nguyên nhân chính đáng hay là một mục đích chính đáng. Chỉ được phép khởi xướng chiến tranh chống lại một quốc gia đã gây ra những bất công đau khổ, nhằm mục đích tái thiết lại công lý giữa các quốc gia. Thánh Tôma viết:

“Nguyên nhân được xem là chính đáng khi những người bị tấn công đáng phải nhận sự tấn công đó vì những việc sai trái họ đã gây ra. Thánh Augustine cho rằng, thông thường chúng ta nhìn nhận một cuộc chiến là chính đáng khi cuộc chiến đó báo thù cho những điều sai trái, trừng phạt một quốc gia hoặc một chính phủ đáng bị trừng phạt vì đã không chịu đền bù những xúc phạm do những thành viên của họ đã gây ra hoặc không chịu bồi thường những gì họ đã chiếm đoạt, gây thiệt hại cho quốc gia kia.”

Một cuộc chiến là chính đáng khi đó là cuộc chiến tự vệ nhằm bảo vệ một dân tộc hay một quốc gia, và lợi ích chung. Hơn nữa, đối với thánh Tôma một cuộc chiến là chính đáng khi nó trừng phạt một cách công bằng. Thánh sư cũng dùng những lý lẽ tương tự bảo vệ án tử hình đối với các phạm nhân.[4]

Điều kiện thứ ba cần phải có đó là một mục đích chính đáng – động lực chủ quan. Chiến tranh chính nghĩa là con đường dẫn đến hòa bình – hòa bình bị quấy nhiễu do sự bất chính. Lệnh ban hành sử dụng quân sự “phải dẫn tới chiến thắng và hòa bình. Chiến tranh sẽ trở nên ngu dại nếu chiến tranh chỉ hoàn thành nhắm tới mục đích chiến tranh.”[5] Từ điều kiện thứ hai này, chúng ta suy ra điều kiện quan trọng khác: Thành quả chiến thắng là điều khả thi. Ở phần đầu bộ Suma, thánh Tôma viết: “Mọi cuộc chiến được công nhận là chính đáng phải là những cuộc chiến giúp cho con người tìm được nền hòa bình tốt đẹp hơn tình trạng của họ trước đó.”[6] Trong vấn nạn 40 mục một, thánh nhân viết:

“Việc phát động chiến tranh đòi phải có mục đích chính đáng đó là phải có ý định thăng tiến điều thiện hảo và ngăn chặn việc xấu. Vì vậy, thánh Augustine viết: “Đối với những người thực tâm tôn thờ Thiên Chúa, những cuộc chiến tranh như thế được xem như là việc kiến tạo hòa bình, việc kiến tạo này không bao giờ khuyến khích làm tăng thêm quyền hành hoặc hành động tàn ác, nhưng với chủ tâm xây dựng hòa bình, ngăn chặn điều xấu và kiến tạo điều thiện hảo.” Giả như bây giờ xảy ra một cuộc chiến được sự cho phép của một nhà nước có thẩm quyền và cuộc chiến đó có một nguyên nhân chính đáng thì cuộc chiến đó vẫn có thể sai vì một mục đích sai lầm như thường.”

Trong bộ Summa, thánh sư còn viết: “Chẳng có phương thế hợp pháp nào ủng hộ hành vi giết người vô tội.” Từ khẳng định này, chúng ta suy ra điều kiện khác cho Học thuyết chiến tranh chính nghĩa đó là nguyên lý không phân biệt đối xử. Thật vậy, thánh sư nhấn mạnh rằng con người không được phép giết người vì Thiên Chúa tạo dựng nên sự sống của con người. Thật đáng tiếc, vào thời điểm đó, thánh sư nghĩ rằng có một vài tội nhân, họ không có quyền được sống.[7]

Hầu hết các thần học gia luân lý đều đã bình luận điều khoản trên. Đặc biệt những thần học gia gạo cội thế kỷ XVI như Victoria, Soto, Banez và Suarez đã đóng góp nhiều trong việc hình thành nền luân lý và thần học cho Học thuyết chiến tranh chính nghĩa. Tuy nhiên, những thần học gia nói trên không nghiên cứu chiến tranh theo quan niệm hòa bình là hoa quả của đức ái nhưng là đức công bằng. Ngay khi thánh Tôma xem chiến tranh là tội chống lại hòa bình và Học thuyết chiến tranh chính nghĩa là dụng cụ khả thi dẫn tới hòa bình, thì các thần học gia nói trên lại xem chiến tranh như là dụng cụ của công lý, trong đó bao gồm cả nền công lý của pháp luật: một cuộc chiến tranh bị coi là bất hợp pháp hoặc vô đạo đức khi cuộc chiến đó vi phạm luật chiến tranh; cuộc chiến tranh bị coi là bất chính khi đi ngược với luật lệ quy định và ngược với “luật tự nhiên.”[8]

Những nhà bình luận về thánh Tôma nói trên khai triển cẩn thận ba điều kiện của Học thuyết chiến tranh chính nghĩa, đặc biệt là điều kiện thứ ba: nguyên nhân chính đáng, nguyên nhân này gồm có bốn điều kiện:
  1. 1. Sự bất công trầm trọng hiện diện một cách ngoan cố lì lợm.
  2. 2. Sự cần thiết cần đến chiến tranh để đạt đến công bằng.
  3. 3. Tỉ lệ cân xứng giữa hậu quả của sự bất công và những tai họa chiến tranh (nguyên lý “sự xấu ít hơn” – trong hai điều xấu, chọn điều ít xấu hơn).
  4. 4. Phải có khả năng chiến thắng.[9]

Khi chúng ta nghiên cứu điểm thứ hai, một vài câu hỏi chợt nảy sinh: Học thuyết chiến tranh chính nghĩa có ngăn chặn được chiến tranh không? Học thuyết này có ủng hộ chiến tranh không? Thẩm quyền chung có thể bị kích động chống lại người khác, hay đôi khi chỉ là một cơ quan đầy quyền lực chống lại những kẻ không có sức mạnh? Công lý trừng phạt có phải là nguyên nhân chính đáng hay chỉ thể hiện thái độ “mắt đền mắt, răng đền răng”? Trong trường hợp cụ thể này, nguyên nhân chính đáng thực sự là gì? Học thuyết chiến tranh chính nghĩa có bắt nguồn từ Kinh Thánh không?

Học thuyết chiến tranh chính nghĩa theo học thuyết xã hội Giáo Hội Công giáo

Mãi tới thời Đức Giáo hoàng Pio XI, giáo huấn truyền thống Công giáo về chiến tranh chẳng có gì mới mẻ đáng kể. Đức Pio XII khai mở cánh cửa giáo huấn chiến tranh đầy ý nghĩa và rồi những Giáo hoàng thời Công đồng Vatican II, chính Công đồng này và đặc biệt là Đức Gioan XXIII tiếp tục khai triển chúng một cách năng động.

Đức Pio XII:

Thần học gia José Luis Gutiérrez Garcia, một chuyên viên Học thuyết Xã hội Công giáo nói rằng học thuyết mới về chiến tranh của Đức Pio XII xoáy vào ba điểm: thông thường chiến tranh bị kết án mạnh mẽ; một cuộc chiến tự vệ nhằm chống lạikẻ xâm lược bất chính là cuộc chiến hợp pháp, có đạo đức; chiến tranh nguyên tử là chiến tranh vô đạo đức. Đức Gioan XXIII và Công đồng Vatican II khai triển nhiều điểm cuối cùng.[10]

Trong thông điệp Benignitas et Humanitas (1945), Đức Pio XII viết:

“Học thuyết chiến tranh được quan niệm như là những phương tiện thích hợp và cân đối để giải quyết những xung đột thực sự đã trở nên lỗi thời: làm sao có thể có sự cân đối giữa những hậu quả tốt và xấu trong chiến tranh. Do đó, phải cấm chiến tranh.”

Đức Thánh Cha cũng mạnh mẽ kết án chủ nghĩa dân tộc ích kỷ. Chủ nghĩa này là một nguyên nhân chính gây nên chiến tranh. Chiến tranh có tuyệt đối bị cấm không? Câu trả lời vừa có lại vừa không. Nếu là cuộc chiến tranh xâm lược hoặc gây hấn thì hoàn toàn bị cấm vì đó là cuộc chiến vô đạo đức và bất chính: “Trong tương lai việc kiến tạo hòa bình đòi hỏi phải loại khỏi thế giới tất cả những việc dùng sức mạnh xâm lược cũng như tất cả mọi cuộc chiến tranh gây hấn.”[11]

Cuộc chiến tranh tự vệ có hoàn toàn bị cấm không? Có thể câu trả lời là không nếu như thực hiện theo đúng tất cả những điều kiện được đặt ra trong Học thuyết chiến tranh chính nghĩa. Trong thông điệp Gravi, Đức Pio XII viết:

“Nếu muốn suy nghĩ và hành động như những Kitô hữu thì một người bị đe dọa hay một nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược bất chính không thể giữ thái độ lãnh đạm thụ động. Hơn nữa, tình đoàn kết gia đình nhân loại sẽ không cho phép họ bình chân như vại với thái độ trung lập dửng dưng của những khán giả.”[12] Đoạn trích nguyên văn này mang đầy ý nghĩa. Đoạn văn này đã khai mở cho những sự can thiệp nhân đạo như Đức Gioan Phaolô II sau này đã áp dụng cho việc giải trừ quân bị đối với những kẻ xâm lược.[13]

Ngay khi lên án cuộc chiến tranh xâm lược và chấp nhận cuộc chiến tự vệ với những điều kiện cụ thể, Đức Pio XII kêu mời xây dựng những lương tâm đúng đắn và tinh thần hòa bình. Ngài nói rằng việc giải trừ những tranh chấp trong lương tâm là điều rất quan trọng cho việc giải trừ quân bị. Ngài còn nói thêm: “Đầu mối gây rắc rối cho hòa bình thực ra phát xuất từ sự thất bại trong tinh thần và sự bại trận trong tinh thần.”[14]

Trong thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình trên địa cầu), Đức Gioan XXIII đã lên án việc dùng vũ khí hạt nhân để răn đe chiến tranh và nỗi sợ hãi do chiến tranh tạo nên, đồng thời người cũng mạnh mẽ kêu gọi tiến tới việc giải trừ quân bị.[15] Đức Gioan XXIII dùng một văn phong mới kịch liệt chống lại chiến tranh vũ khí hạt nhân: “Vào thời đại mà sức mạnh nguyên tử là một niềm kiêu hãnh, người ta không còn cảm thấy chiến tranh là công cụ thích hợp nhằm sửa đổi những vi phạm công lý nữa.”[16] Còn về phần mình, trong bức the kêu gọi chống chiến tranh gởi cho Hoa Kỳ năm 1965, Đức Phaolô VI đã lấy làm tiếc về sự can thiệp của Hoa Kỳ không những đã không ngăn cản dược những nguy cơ chiến tranh, nhưng còn làm cho những người nghèo trở nên nghèo hơn. Cả một thế hệ bị suy sụp là một sự nhục nhã khủng khiếp.[17]

Vatican II

Giáo huấn về chiến tranh của Công đồng Vatican II tích cực triển khai triển học thuyết Giáo Hội. Trong bối cảnh vũ khí hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang, Công đồng đã loại hẳn quan điểm có thể có một cuộc chiến chính đáng. Công đồng cho rằng, ngày nay cần phải xét lại chiến tranh “trong một tinh thần hoàn toàn mới mẻ”. “Sự phát triển khí giới khoa học làm cho chiến tranh tăng thêm phần ghê tởm và khốc hại khôn lường.”[18] Do đó, tất cả nhân loại phải xả thân giải phóng thế giới khỏi cảnh nô lệ ngàn đời của chiến tranh. Ước muốn của nhân loại là một thế giới không chiến tranh: “Nhiệm vụ của chúng ta phải đảm nhận là cố gắng hết sức mình mở rộng nhãn quan trên toàn thế giới làm tan biến tất cả các cuộc chiến tranh cho nhân loại tiến triển tốt đẹp hơn.”[19] Điều đáng quan tâm ở đây là điều mà các nhà chú giải về thánh Tôma khẳng định: theo thánh sư Tôma, nếu như có một quyền bính quốc tế có thẩm quyền hoặc một tòa án quốc tế thì tất cả mọi cuộc chiến tranh đều bất hợp pháp.[20]

Công đồng Vatican II không chấp nhận việc sử dụng sức mạnh vũ khí hạt nhân để răn đe, mặc dù có những người khác kháng cự lại vì họ cho rằng đó là phương tiện ngăn ngừa chiến tranh. Công đồng cũng cho rằng cuộc chạy đua vũ trang “là một cạm bẫy cực kỳ nguy hiểm cho nhân loại” và nó làm cho những người nghèo càng khốn khổ cùng cực hơn.[21] Khi tóm tắt Học thuyết Xã hội Công giáo, sách Giáo lý Công giáo (1992) cho rằng phương pháp răn đe sẽ làm cho nền đạo đức suy yếu cách trầm trọng: “Nguy cơ của chiến tranh hiện đại là tạo dịp cho những người có trong tay các vũ khí khoa học, đặc biệt là vũ khí nguyên tử, sinh học hoặc hóa học, phạm những thứ tội ác như thế.”[22]

Công đồng Vatican II chống lại cuộc chiến tranh nguyên tử tổng lực:

“Mọi hành động hiếu chiến nhằm tiêu diệt bừa bãi nguyên cả một thành phố hoặc những vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại chính con người. Phải cực lực lên án và không ngần ngại tố cáo tội ác đó.”[23]

Công đồng chấp nhận một cuộc chiến tự vệ hoàn toàn không có nguyên tử (sử dụng nguyên lý cân xứng) để chống lại kẻ xâm lược.[24]

Công đồng vẫn xem quyền và bổn phận của chiến tranh tự vệ chính đáng như là phương thức tối hậu:

“Bao lâu nguy cơ chiến tranh còn tồn tại, bao lâu chưa có quyền bính quốc tế có thẩm quyền và có đủ sức mạnh, thì mỗi khi đã dùng hết mọi phương tiện ôn hòa, các chính phủ được phép sử dụng quyền tự vệ chính đáng. Do đó, các thủ lãnh quốc gia và những ai có trách nhiệm trong nước có bổn phận phải bảo vệ dân chúng đã được ủy thác cho mình, họ phải thận trọng trong những vấn đề nghiêm trọng như thế.”[25]

Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh tự về phải tôn trọng “giá trị ngàn đời của quyền lợi tự nhiên nơi các dân tộc và những nguyên tắc phổ quát của nó.”[26] Hơn nữa, những người có lương tâm từ chối không tham gia quân ngũ – những người chống đối có lương tâm – phải được tôn trọng miễn là họ mong muốn phục vụ cộng đoàn nhân loại bằng những phương thức phục vụ khác.[27]

Khi bình luận những bài giáo huấn của Công đồng Vatican II, Kark Peschke bảo vệ cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng trong đó bao gồm cả cuộc chiến tự vệ chính đáng: “Cuộc chiến tự vệ chính đáng nhằm chống lại một thế lực đe dọa rõ ràng và chống lại quân xâm lược hung ác.” Ông chấp nhận sự răn đe bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân như phương tiện nhằm thuyết phục để chống lại chiến tranh. Tuy nhiên, ông còn nói thêm: “Chỉ có những vũ khí hạt nhân có thể kiểm soát được mới được phép sử dụng chống lại kẻ xâm lược có sử dụng vũ khí hạt nhân.”[28] Tôi hỏi: “Một quốc gia không có vũ khí hạt nhân làm sao tự vệ trước sự gây hấn của một quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân?” Đáp lại: “Những quốc gia hùng mạnh thì có khả năng hơn những quốc gia yếu kém và nghèo khổ! Tôi không sao hiểu nổi triết lý của những nước giàu có, những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân giết chóc nguy hiểm nhưng lại cấm những nước khác có vũ khí đó. Đây là hình thức đạo đức giả. Từ đây ta có thể rút ra tiêu chuẩn luân lý kép cho mọi lãnh vực: Điều xấu thì xấu.”

Đức Gioan Phaolô II

Trong thông điệp Ngày thế giới hòa bình năm 1982, Đức Gioan Phaolô II nói nhiều đến chiến tranh, nhất là chiến tranh tự vệ. Người kêu mời Kitô hữu đấu tranh “chống lại và ngăn chặn mọi hình thức chiến tranh, vì chiến tranh là phương tiện giải quyết những xung đột cách mọi rợ và kém hiệu quả nhất.” Tuy vậy, đối diện với sự bất chính trầm trọng, nhân danh công lý, Kitô hữu phải góp phần vào sự tự vệ chung của xã hội: “Nhân danh công lý, con người có nhiệm vụ và tự do của mình bằng những phương thế tương xứng để chống lại kẻ xâm lược bất chính.” Giáo huấn truyền thống này khó có thể dung nạp vào bối cảnh sử dụng những vũ khí giết người mới mẻ: “Vì chiến tranh cổ điển và sinh học có sự khác biệt từ bản chất và điều nhục nhã của chiến tranh vũ trang chính là tấn công vào sự túng quẫn của thế giới thứ ba, cho nên điều cấp bách và đúng đắn hơn cả đó là thúc đẩy xã hội toàn cầu tự trang bị cho mình những cách thức đàm phán có hiệu quả.”

Khi chưa xảy ra những cuộc tấn công khủng bố ghê rợn vào ngày 11/9, Đức Thánh Cha đã nói về hòa bình nhiều hơn là nói đến chiến tranh: yêu thương người thân cận bằng con đường dẫn đến hòa bình – một tình yêu thương bất bạo động đối với người thân cận. Đức Thánh Cha đã khai triển chủ đề trên thật súc tích trong thông điệp xã hội Centesimus Annus (1991). Người đã viết rằng ảo tưởng dùng bạo động chống lại sự xấu chỉ tổ làm cho sự xấu càng trở nên tồi tệ hơn. Tình yêu thương người thân cận thúc bách chúng ta “kiếm tìm những giải pháp thích hợp khác để giải quyết những xung đột hơn là sử dụng chiến tranh.”[29] Trong thông điệp Centessimus Annus, Đức Thánh Cha khẳng định mạnh mẽ:

“Trong hoàn cảnh chiến tranh thảm khốc ở Vịnh Ba Tư, chính tôi dã lặp đi lặp lại lời kêu gọi ‘Chiến tranh đừng bao giờ xảy ra nữa! Đừng, chiến tranh đừng xảy ra nữa, vì chiến tranh sẽ hủy diệt những con người vô tội, chiến tranh dạy cho người ta chém giết lẫn nhau, chiến tranh còn gây xáo trộn cuộc sống cho cả những người gây ra cuộc chiến và để lại sau lưng vết tích của oán hận, căm thù, thậm chí làm cho việc tìm kiếm một giải pháp thích đáng cho chiến tranh càng trở nên khó khăn hơn.”[30]

Giáo lý Công giáo (1992) đề cập đến chiến tranh dựa trên giới luật thứ năm: Chớ giết người. Số 2309 trong sách Giáo lý trình bày giáo huấn của Hội Thánh vắn gọn và rõ ràng dựa vào Công đồng Vatican II. Một cuộc chiến chính đáng cần hội đủ những điều kiện sau:
  1. 1. Thiệt hại do kẻ xâm lược gây ra cho quốc gia hoặc cho cộng đồng các quốc gia có tính lâu dài, nghiêm trọng và chắc chắn;
  2. 2. Tất cả các phương thế khác nhằm chấm dứt tình trạng này không thể thực hiện được hoặc vô hiệu;
  3. 3. Phải hội đủ các điều kiện để thành công;

Việc sử dụng những vũ khí không gân nên những tai hại và hỗn loạn nghiêm trọng lớn hơn những tai hại ta đang cố loại trừ. Phải lượng định sức mạnh tàn phá của những phương tiện chiến tranh hiện đại khi thẩm định điều kiện này.Như vậy cuộc chiến tự vệ vẫn được xem là hợp với luân lý miễn là thi hành đầy đủ những điều kiện nghiêm nhặt của Học thuyết chiến tranh chính nghĩa. Một số thần học gia nghiêng theo quan niệm này, nhưng một số khác lại chống đối. Những thần học gia chấp nhận tính luân lý của Học thuyết chiến tranh chính nghĩa – như Đức Pio XII đã canh tân, Vatican I và Gioan Phaolô II – nhấn mạnh điều kiện của nguyên nhân chính đáng thực sự, nguyên lý của phương thế tối hậu, nguyên lý phân định hoặc liên quan đến những người vô tội (trong đó bao gồm công dân cũng như những mục tiêu quân sự), một hiệu quả tốt và những cách thức tốt. Sau đó phải có cái mà truyền thống thần học gọi là ius ad bellum (quyền phát động chiến tranh), hoặc “luật phán quyết chiến tranh” (luật luân lý trước khi đi đến chiến tranh) và ius in bello (quyền trong chiến tranh), hay còn gọi là “luật hướng dẫn chiến tranh” (luật luân lý trong chiến tranh).[31]

Tóm lại, theo Học thuyết Xã hội Công giáo, thần học luân lý và triết học đạo đức thì dù là một việc xấu đi nữa, cuộc chiến tự vệ chính đáng vẫn có thể là con đường dẫn tới công lý và hòa bình. Giáo huấn về cuộc chiến tự vệ này liệu có còn được duy trì sau những cuộc tấn công khủng bố ngày 11/09/2001 nữa không?

Giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II sau sự kiện 11/9

Ngay sau khi xảy ra những cuộc tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi ở New York và Ngũ Đài Giác ở Washington, Đức Gioan Phaolô II đã lên tiếng chống lại cuộc tấn công man rợ đó và bày tỏ tình đoàn kết với những nạn nhân do cuộc tấn công khủng bố gây ra. Người lặp đi lặp lại từ hòa bình – chống chiến tranh. Người đã cầu nguyện và mời gọi mọi người cùng hy sinh và cầu nguyện cho hòa bình xuất hiện từ chính trực và tình yêu.

Chúng ta cùng tập trung vào một sứ điệp quan trọng nhất Đức Thánh Cha đã trình bày sau sự kiện 11/9 khủng khiếp đó. Thông điệp này thế giới hòa bình năm 2002 mang chủ đề: “Không thể có hòa bình nếu không có công lý. Không thể có công lý nếu không có thứ tha.” Trong thông điệp quan trọng này, Đức Thánh Cha đã nói về chính sách khủng bố và làm sao dùng quan niệm Kitô giáo, tôn giáo và luân lý để đối chất với nó. Người đã nói về hòa bình và ba trụ cột chính của hòa bình là công lý, sự thứ tha và cầu nguyện.

Chính sách khủng bố và tôn giáo

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, “một tội ác tày trời đã diễn ra: hàng ngàn người vô tội thuộc nhiều nền luân lý đã bị giết chết.” Đó chính là một cuộc “bạo động tàn nhẫn” và là một “tội ác thực sự chống lại con người.”[32]

Chính sách khủng bố thế giới này là “một mạng lưới hết sức tinh vi, là một tổ chức bao gồm những thế lực chính trị, kinh tế và kỹ thuật vượt qua những biên giới quốc gia gây áp lực cho toàn thế giới.” “Chính sách khủng bố xuất phát từ lòng căm thù và nó sản sinh ra sự cô lập, hồ nghi và khép kín. Nó được hình thành trên sự khinh miệt cuộc sống nhân loại.”[33]

Chúng ta phải trả lời về tai họa khủng bố thế nào đây? Với tư cách cá nhân và tập thể, Đức Thánh Cha nhắc lại quyền tự vệ. Người nói rằng: “Chúng ta có quyền tự vệ chống lại chính sách khủng bố.” Tuy nhiên, “theo lẽ thường thì quyền tự vệ này phải được thực hiện bằng việc tôn trọng những chuẩn mực pháp luật và luân lý trong việc chọn lựa mục đích và cách thức.”[34] Đức Thánh Cha chỉ đề cập trực tiếp đến chiến tranh và chiến tranh chính đáng! Người chú tâm vào chỗ khác: trên tất cả là hòa bình và những nẻo đường dẫn tới hòa bình – nhưng rõ ràng toàn bộ lời lẽ của người có đề cập đến cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9. Chắc chắn tội ác sẽ bị vạch mặt và bị trừng trị thích đáng. Người còn cảnh cáo: “Việc trừng phạt tội lỗi luôn luôn thuộc phương diện cá nhân, chính vì vậy không nên mở rộng việc trừng phạt trên quốc gia, trên những nhóm không tôn giáo hoặc những nhóm tôn giáo mà những tay khủng bố đang ở trong đó.”[35]

Trong bức thư gởi cho Bộ ngoại giao, ngày 10/1/2002, Đức Gioan Phaolô II nói về những biện pháp tự vệ chống chính sách khủng bố:

“Cuộc chiến chính đáng chống chính sách khủng bố, chẳng hạn như những cuộc tấn công kinh rợn hồi tháng chín vừa qua, một lần nữa đã cho phép những âm thanh súng đạn vang lên. Những cuộc xâm lược man rợ và việc tàn sát con người không những chỉ thúc đẩy việc hình thành cuộc chiến tự vệ mà còn làm nảy sinh những vấn nạn chẳng hạn như tìm ra cách thức hữu hiệu nhất để tìm ra những nhân tố ẩn nấp bên dưới những hành động khủng bố và tìm biện pháp “chữa lành” hầu khắc phục nỗi sợ hãi, ngăn ngừa sự xấu sản sinh ra sự xấu và bạo động tiếp nối bạo động.”

Như vậy Đức Thánh Cha vẫn chấp nhận sự tự vệ chính đáng, tuy nhiên sự tự vệ này không phải là phương thức hàng đầu chống lại khủng bố. Trong bức thư gởi cho Bộ ngoại giao, Đức Thánh Cha còn đề cập đến tình hình căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, nhưng có thể thích hợp với những loại xung đột khác: ưu tiên hàng đầu là phải kiếm tìm những giải pháp trong những cuộc đối thoại và đàm phán. Người cũng đề cập đến vũ khí và những cuộc tấn công đẫm máu đang diễn ra trong cuộc chiến Đất Thánh: “Vũ khí và những cuộc tấn công đẫm máu sẽ chẳng bao giờ là những phương tiện đúng đắn nhằm bày tỏ quan điểm chính trị với phe đối phương. Cũng chẳng có luật lệ trả thù hợp lý nào có khả năng kiến tạo những con đường dẫn tới hòa bình.”[36]

Trong thông điệp 2002, Đức Thánh Cha đã nói rằng câu trả lời đối với chính sách khủng bố đó là toàn thế giới phải cùng hợp lực chống lại chính sách khủng bố. Cuộc chiến chống những hành động khủng bố còn hệ tại “ở sự can đảm và tính kiên quyết, việc cam kết về phương diện chính trị, ngoại giao và kinh tế để cứu viện trước những tình huống áp bức. Sự áp bức tạo tiện lợi cho những ý đồ của những tay khủng bố. Tóm lại, việc tuyển mộ những tên khủng bố trở nên dễ dàng hơn ở những nơi mà lẽ phải bị chà đạp và sự bất chính được dung tha kéo dài trong suốt thời đại qua.”[37]

Người ta có quyền dùng những hoạt động khủng bố để chống lại những bất công đang xảy ra? Đức Thánh Cha trả lời dứt khoát: “Cần phải xác định cách kiên vững rằng không bao giờ được quyền nại đến những bất công đang xảy ra để biện hộ cho những hành vi khủng bố của mình.”[38] Quả thật, chính những người nghèo, những quốc gia nghèo là những thành phần phải chịu đau khổ nhất do hậu quả của chính sách khủng bố vì đã làm giảm tình đoàn kết trên bình diện toàn cầu.

Chính sách khủng bố là hình thức lạm dụng con người, vì nó đánh mất niềm hy vọng vào nhân loại, vào cuộc sống và vào tương lai. Chính sách đó chà đạp lương tâm con người:

“Dùng những phương tiện bạo lực để áp đặt lên người khác những gì mà mình cho là chân lý thì đó là hành vi vi phạm nhân phẩm con người và cũng là vi phạm đến Thiên Chúa, vì con người là hình ảnh của Người.” Chúng ta không được áp đặt chân lý của mình lên người khác, chúng ta chỉ có thể trình bày chân lý đó cho người khác mà thôi.”[39]

Chính sách khủng bố cũng là hình thức lạm dụng Thiên Chúa vì đã sử dụng Người như một ngẫu tượng phục vụ cho mục đích riêng. Như lời bình luận sau sự kiện những cuộc tấn công ngày 11/9 của thần học gia người Ý, ông Bruno Forte: “Thiên Chúa là Cha muôn loài, ngay cả người Hồi giáo cũng cầu khẩn Người như là Đấng nhân hậu và đầy lòng thương xót. Người không thể là một tay đao phủ hạ sát con cái của Người.” Nhưng tại sao Thiên Chúa lại để cho những vụ tấn công đó xảy ra? Ông trả lời: “Những ai có đức tin thì chỉ có một câu trả lời duy nhất: Thiên Chúa không thể lấy lại tự do mà Người đã ban tặng cho con cái mình.”

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng chính sách khủng bố thường là hậu quả của một não trạng chính thống cực đoan quá khích và cuồng tín, một não trạng muốn áp đặt quan điểm về chân lý của mình lên người khác. Có phải chăng tôn giáo là ngọn cờ của chính sách khủng bố? Đức Thánh Cha viết:

“Thật là một sự xúc phạm đến tôn giáo khi nhân danh Thiên Chúa để khởi xướng chính sách khủng bố, mượn danh Người để gây bạo lực lên người khác.”[40] Trong bức thư gởi cho Bộ ngoại giao, Đức Thánh Cha viết: “Nhân danh Thiên Chúa để giết người là hành vi báng bổ tôn giáo, bóp méo tôn giáo. Thật ra, một niềm tin tôn giáo đích thực phải  là một phương thế hữu hiệu giải trừ bạo lực và xung đột.”[41]

Vì thế, không một nhà lãnh đạo tôn giáo nào được phép tha thứ cho chính sách khủng bố và phải loan báo điều đó bằng cách nào đó.”[42] Những nhà lãnh đạo tôn giáo bắt buộc phải đi đầu trong việc lên án chính sách khủng bố, phản đối những kẻ khủng bố bằng bất cứ hình thức hợp pháp về tôn giáo hay luân lý nào. Hơn nữa, họ phải giảng dạy cho mọi người biết sự cao cả về nhân phẩm của con người, truyền bá ý nghĩa về tính duy nhất của gia đình nhân loại.[43]

Trong thông điệp ngày thế giới hòa bình năm 1977, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng các tôn giáo phải đóng góp vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa hòa bình bằng nỗ lực chống chiến tranh, can đảm đối diện với những hậu quả rủi ro có thể xảy ra. Còn trong thông điệp năm 2002, Ngài nhấn mạnh đến giá trị của sự thật, chân lý trong bối cảnh chiến tranh và hòa bình. Đặc biệt, vì cùng tin vào một Thiên Chúa duy nhất, những tín hữu Do Thái giáo, Hồi giáo, Công giáo phải cùng nhau làm chứng cho chân lý rằng việc chủ tâm giết những người vô tội luôn là một tội ác nghiêm trọng, bất cứ xảy ra nơi đâu, không có ngoại lệ trong việc này.[44]

Đối với người tín hữu Kitô giáo, chính sách khủng bố còn đi ngược lại với niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã sống cuộc sống hòa bình và dạy cho các tông đồ lời nguyện: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Thiên Chúa là Đấng nhân từ, các tín hữu Công giáo cũng phải bắt chước Ngài về lòng nhân từ, vì Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa của lòng xót thương và tha thứ (Mt 8,13). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: “Những người theo Đức Kitô, được dìm vào trong cái chết và phục sinh cứu độ của Người, họ phải là những người của lòng xót thương và tha thứ.”[45]

Công lý và sự tha thứ

“Công lý là con đường dẫn tới hòa bình,” ý tưởng phát xuất từ Kinh Thánh, được Giáo Hội rao giảng và nền thần học khai triển. Trong thông điệp đổi mới 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trích lời của tiên tri Isaia và cũng là quan niệm vững mạnh được Công đồng Vatican II khai triển,[46] để nói với chúng ta: “Sự nghiệp của đức công minh sẽ là hòa bình” (Is 32,17). Đức Thánh Cha dẫn chứng câu của thánh Augustine Hippo để định nghĩa: “Hòa bình là một trật tự yên lành.”[47] Hòa bình cho thế giới này phải là hòa bình của một trật tự hợp lý,[48] đó là sự yên lành của công lý và tự do.[49]

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, để có được trật tự yên bình, con người phải tôn trọng mọi thụ tạo của Thiên Chúa, trong đó có công lý về hệ sinh thái. Chiến tranh chắc chắn phá hoại môi trường một cách nghiêm trọng. Môi trường bị chiến tranh làm tổn hại. Trong thông điệp ngày thế giới hòa bình năm 1990, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khẳng định chiến tranh là mối đe dọa nguy hiểm cho môi trường nhân loại. Đây là diễn văn quan trọng nhất nói đến ý thức và trách nhiệm đối với hệ sinh thái. Đức Thánh Cha viết: “Mặc dù đã có những hiệp ước ngăn cấm sử dụng vũ khí hóa học, sinh hoạc, vi khuẩn, nhưng trong thực tế vẫn còn đó những cuộc nghiên cứu nhằm phát minh những vũ khí tấn công mới có thể làm mất đi sự cân bằng thiên nhiên.”

Quả thật, hòa bình là hoa trái của công lý! Công lý là nhân đức nền tảng của xã hội, là đạo đức luân lý và là sự bảo vệ con người một cách hợp pháp nhất. Công lý chính là sự tôn trọng triệt để quyền lợi và nghĩa vụ, tôn trọng việc phân chia lợi ích và bổn phận một cách chính đáng (số 3).

Chỉ công lý thôi thì chưa đủ. Hòa bình là hoa trái của công lý và cũng là hoa trái của tình yêu. Tuy nhiên, điều kiện cốt lõi đầu tiên của tình yêu lại là công lý. Hai đòi hỏi bên trong của tình yêu là tôn trọng sự thật và tôn trọng công lý.[50] Hơn nữa, theo quan niệm Kitô giáo, mọi nhân đức phải là sự hòa giải với tình yêu và như thế cũng là hòa giải với công lý. Công lý đích thật theo quan niệm Kitô giáo không thể là công lý của sự báo thù, ít nhiều mang dáng dấp hận thù, nhưng phải là công lý của Đức Giêsu Kitô, công lý của tình huynh đệ. Nói cách đúng đắn hơn, hòa bình là hoa trái của công lý và tình yêu liên đới: opus iustitiae pax, and also opus solidaritatis pax (hòa bình là thành quả của công lý và cũng là thành quả của tình huynh đệ). Hoa trái của đức ái – hay là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em – là hoan hỷ, từ tâm và khoan dung. Khoan dung đòi hỏi lòng thương xót và sự tha thứ.

Làm thế nào phục hồi lại trật tự luân lý và trật tự xã hội đã bị bạo lực khủng bố phá hủy? Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trả lời: “Một trật tự bị hủy hoại không thể nào khôi phục lại hoàn toàn nếu chúng ta không nối kết công lý với sự tha thứ. Cốt lõi của hòa bình đích thật là công lý và hình thái tình yêu đi liền với công lý đó chính là sự tha thứ. Công lý nhân loại thì luôn luôn mỏng dòn và mãi dở dang. Công lý đó phải được lấp đầy bằng sự tha thứ, một sự tha thứ có khả năng chữa trị và tái tạo lại từ những nền tảng của những tương quan nhân loại đã bị hư hoại.”[51]

Với một lối bút pháp mới lạ và chân thành, trong thông điệp 2002, Đức Thánh Cha nối kết sự tha thứ với công lý: Phải chăng công lý và sựt ha thứ không thể hòa hợp được? Đức Thánh Cha trả lời rằng hai phạm trù đó hoàn toàn có thể hòa hợp được. Vì sự tha thứ thì không đối nghịch với công lý, nhưng đối nghịch với oán hận và báo thù: “Công lý và sự tha thứ là điều kiện cần thiết cho sự hòa giải.” Theo ý nghĩa này, ngài trình bày một công lý được thiết lập dựa trên nền tảng Thiên Chúa. Như thế công lý đó không bị hạn chế vào những lý lẽ biện minh cho chân lý của các bên xung đột nhưng vượt lên tất cả những lý lẽ đó, và hướng đến việc tái thiết lập những tương quan đích thật với Thiên Chúa, với chính mình và với những người khác. Đức Thánh Cha viết trong thông điệp ngày thế giới hòa bình năm 1997:

“Không có mâu thuẫn giữa sự tha thứ và công lý. Sự tha thứ không có nghĩa là loại trừ hay làm giảm thiểu bổn phận phải bồi thường những gì công lý đòi hỏi, nhưng tìm cách khôi phục lại nguyên trạng vị thế của những cá nhân hay đoàn thể trong xã hội, vị thế của những quốc gia giữa cộng đồng thế giới. Việc không trừng phạt những người gây ra tội ác có thể giữ được phẩm giá cho họ và như thế cánh cửa cho lòng hối cải, ăn năn và trở về luôn được mở rộng.”[52]

Để có thể đạt đến sự hòa bình đích thực, luôn đòi hỏi một sự tha thứ, không chỉ tha thứ trên bình diện cá nhân, nhưng cả trên bình diện xã hội. Trên bình diện cá nhân, tất cả chúng ta, những thụ tạo mỏng dòn, đều cần và mong được tha thứ về những yếu đuối, thất bại và tội lỗi của mình. Vì thế, chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác về những yếu đuối, thất bại và tội lỗi của họ. Nếu chúng ta muốn người khác đối xử một cách nhân từ, thì chúng ta cũng phải nhân từ trong cách đối xử với người khác. “Mọi người đều hy vọng có thể được bắt đầu lại và mãi mãi mong rằng mình không còn bị đóng kín trong những sai lầm và tội lỗi nữa.”[53]

Để đạt đến hòa bình, cũng cần phải có một sự tha thứ trên bình diện xã hội. Tha thứ bắt đầu trong lòng và dàn trải ra ngoài xã hội: chúng ta là những thực thể xã hội. Đức Thánh Cha nói rằng xã hội luôn cần đến sự tha thứ. Tất cả những cộng đồng làm nên xã hội, gia đình, hội đoàn, các đoàn thể, các quốc gia và ngay cả cộng đồng quốc tế, đều cần đến sự tha thứ. “Khả năng tha thứ nằm nơi nền tảng của lý tưởng về một xã hội công bằng và huynh đệ.” Ngược lại, thái độ không tha thứ, nhất là khi thái độ đó nhằm duy trì xung đột kéo dài, là một tổn thất rất lớn trong bước đường phát triển nhân loại. Người ta sử dụng tài nguyên phục vụ cho chiến tranh thay vì đóng góp cho tiến trình đi lên của hòa bình và công lý.” Quả thật, hòa bình là nền móng của sự phát triển, nhưng hòa bình đích thật chỉ có thể được kiến tạo bằng con đường tha thứ.[54]

Khi những đoàn thể, quốc gia không thể tha thứ, thì họ sẽ gây ra những đau khổ khủng khiếp cho người khác, như đã từng xảy ra nơi cuộc xung đột giữa khối Arab và Israel trong vùng Đất Thánh, một cuộc xung đột mà ngày nay vẫn còn phải nhờ đến giải pháp đàm phán. Phải chăng việc tha thứ cho người khác thay vì đấu tranh chống lại họ là một thái độ chứng tỏ sự yếu kém của mình? Hay chẳng lẽ sự tha thứ lại là con đường chắc chắn dẫn đến hòa bình đích thực? Sự tha thứ đôi khi mang dáng dấp của sự yếu kém, nhưng thực ra nó đòi hỏi một sức mạnh tinh thần và một dũng khí đạo đức cao độ.[55]

Theo mức độ đạo đức và mức độ con người, công lý và hòa bình luôn đòi hỏi sự tha thứ. Theo mức độ lòng tin thì cang đòi hỏi như vậy. Cho nên, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh, các tôn giáo không thể chỉ theo đuổi con đường của sự tha thứ, một con đường dẫn đến sự hiểu biết, nhưng lại không tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Lời giáo huấn về sự tha thứ chỉ thực sự trở nên hữu hiệu khi các tôn giáo còn có thể đấu tranh chống lại chính sách khủng bố (số 13).

Lời cầu nguyện và sự bình an

Hòa bình là hoa trái của công lý và của sự tha thứ. Mọi tôn giáo, mọi tín hữu đều cầu nguyện cho hòa bình, và cầu nguyện cho những yếu tố nền tảng của hòa bình như công lý, tự do, lòng nhân ái, cũng như sự tha thứ và lẽ phải.

Cầu nguyện cho hòa bình cũng là cầu nguyện cho công lý, cho trật tự đúng đắn giữa các quốc gia, các dân tộc. Đó cũng chính là cầu nguyện cho tự do. Đặc biệt tự do tôn giáo là quyền cơ bản của mỗi cá nhân con người. Cầu cho hòa bình là xin Thiên Chúa tha thứ, và cầu xin cho mình đủ can để tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình.[56]

Đức Thánh Cha nói rằng nếu chúng ta chân thành nỗ lực hòa giải với anh chị em chúng ta, tha thứ cho họ và xin họ tha thứ cho chúng ta thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ trở thành của lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa.[57]

Giáo huấn của các Giám mục Hoa Kỳ sau sự kiện 11/9

Vào ngày 14/11/2001, Hội nghị Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB) phát hành một thông điệp mục vụ quan trọng với tựa đề Sống đức tin và hy vọng sau sự kiện 11/9. Các Giám mục Hoa Kỳ nói lời an ủi đối với các nạn nhân, đồng thời đưa ra tiêu chuẩn cho nhận định luân lý và kêu gọi hành động, đoàn kết trong giai đoạn đầy thách đố và khó khăn này.

Đứng trên quan điểm luân lý, các Giám mục Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng: “Không một sự bất công nào có thể biện minh cho điều khủng khiếp mà chúng ta vừa trải qua. Không một lý do, một mối bất bình nào có thể bào chữa cho việc lái những phi cơ dân dụng đâm vào tòa nhà Tháp Đôi hay biện hộ cho việc đầu độc nhân viên bưu chính và các viên chức chính phủ. Lợi ích chung bị đe dọa khi những người dân vô tội trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố.”

Trên lập trường đức tin, không một tôn giáo nào có thể biện hộ cho những cuộc tấn công người dân vô tội: “Thật là sai lầm khi sử dụng tôn giáo làm vỏ bọc cho những động cơ ý thức hệ, tôn giáo, động cơ kinh tế hay chính trị.” “Chỉ có một đức tin méo mó mới có thể biện minh cho bạo lực, hận thù.” Ngày 14/9/2001, tức chỉ 3 ngày sau sự kiện tấn công khủng bố, các Giám mục Công giáo và những nhà lãnh đạo Hồi giáo đã đưa ra lời Tuyên bố chung, trong đó có đoạn viết rằng:

“Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa kêu mời mọi dân tộc sống hòa bình. Không một lời nào trong Kinh Thánh, trong hiểu biết của chúng ta về mạc khải của Thiên Chúa, của cả Công giáo lẫn Hồi giáo, biện minh cho những hành vi khủng bố, những hoạt động hủy diệt hàng ngàn mạng sống con người mà chúng ta chứng kiến trong tuần này. Tất cả chúng tôi cùng lên án những hành vi đó là tội ác và hoàn toàn đi ngược lại với tôn giáo đích thật.”

Đứng trên cái nhìn về phẩm giá và niềm tin, con người có thể xét xử như thế nào về những hành vi khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 vừa qua? Những hành vi gây chết người đó không thể tự biện hộ được! “Quả thế, có một quyền luân lý và trách nhiệm quan trọng cho tất cả mọi người, đó là bảo vệ lợi ích chung, chống lại chính sách khủng bố hàng loạt.” Vào ngày 14/10, các Giám mục Công giáo và những nhà lãnh đạo Hồi giáo đã đưa ra tuyên bố chung khẳng định rằng: “Tất cả chúng tôi đều ủng hộ chính phủ trong việc truy đuổi những kẻ chịu trách nhiệm những hành vi khủng bố trong ngày thứ 3 vừa qua, và chúng tôi luôn lưu tâm đến trách nhiệm đạo đức trong việc bảo vệ và tôn trọng sinh mạng của người dân.”

Cần phải nhấn mạnh rằng các Giám mục Hoa Kỳ chủ trương tìm những giải pháp bất bạo động để đương đầu với chiến tranh và chính sách khủng bố. Mặc dù, hoạt động quân sự chưa phải là giải pháp thích đáng để đối chọi với chính sách khủng bố loại này, giải pháp đó đôi lúc có thể là cần thiết dù chỉ là tạm thời, bất đắc dĩ. Có nhiều cách đối phó khác nhau. Có thể dùng biện pháp kinh tế, ngoai giao, sự hiểu biết cần thiết, chú trọng hơn vấn đề an ninh quê nhà, và việc sử dụng sức mạnh chính đáng. Quan tâm chính của chúng ta ở đây là như thế nào thì gọi là sử dụng sức mạnh một cách chính đáng. Ngay cả khi phải đối diện với chính sách khủng bố, những nguyên tắc truyền thống về việc sử dụng sức mạnh vẫn phải được áp dụng.

Trong những tình huống cá biệt, khi mà những biện pháp hòa bình đều thất bại thì có thể phát động một cuộc chiến chính nghĩa theo truyền thống. Cuộc chiến đó luôn có những nguyên tắc đi kèm với những hạn chế trong việc sử dụng sức mạnh quân sự. Trong thông điệp mục vụ năm 2001, các Giám mục Hoa Kỳ đưa vào trong phần phụ lục hai nguồn tài liệu có bàn đến Học thuyết chiến tranh chính nghĩa đó là Giáo lý Hội Thánh Công giáo và bức thư mục vụ năm 1993.

Trong bức thư mục vụ năm 1993 với nhan đề Vụ mùa công lý được gieo trong hòa bình, các Giám mục Hoa Kỳ viết: “Trong một thế giới bất ổn, một thế giới mà những giải pháp hòa bình cho những xung đột đôi khi tỏ ra không hiệu quả, thì Học thuyết chiến tranh chính nghĩa cổ điển sẽ quy định khuôn khổ pháp lý nền tảng nhằm kiềm chế và điều chỉnh quyền hạn của các chính phủ hay của những tổ chức quốc tế.” Trong bức thư quan trọng này, các Giám mục Hoa Kỳ giải thích phần chính yếu của Học thuyết chiến tranh chính nghĩa cổ điển bao gồm ius ad bellum và ius in bellum – quyền phát động chiến tranh và quyền trong chiến tranh.

Lý do chính đáng. Chỉ được quyền sử dụng vũ lực với mục đích ngăn chặn tội ác công khai và nghiêm trọng, chẳng hạn như sự xâm lược hay sự vi phạm một cách thô bạo đến quyền lợi nền tảng của toàn thể dân cư.

Sự công bằng tương ứng. Có thể có cả những điều đúng lẫn sai trái nơi cả đôi bên xung đột, để bác bỏ được những lý chứng chống lại việc sử dụng vũ lực, thì phải chứng tỏ sự bất công do đối phương gây ra quá lớn so với bất công mà mình gây ra cho họ.

Cơ quan hợp pháp. Chỉ có những cơ quan chính phủ được thiết lập một cách công khai, chính đáng mới có quyền sử dụng sức mạnh gây chết người và phát động chiến tranh.

Mục đích đúng đắn. Chỉ có thể sử dụng vũ lực vì mục đích chính nghĩa đích thật và chỉ mục đích đó mà thôi.

Có khả năng thành công. Không thể sử dụng sức mạnh trong trường hợp vì một lý do không đáng kể, hay trong trường hợp để đạt được thành công đòi hỏi những phương tiện không phù hợp.

Tính cân xứng. Việc sử dụng vũ lực có thể gây ra sự hủy diệt trên phạm vi lớn phải được cân nhắc cẩn thận, phải so chiếu với sự thiện đạt được từ việc sử dụng đó. Sự thiện đó bao gồm cả nguyên tắc không phân biệt đối xử, hay nguyên tắc miễn chước cho những người không trực tiếp tham chiến: “Trong việc định lượng những thiệt hại và sự công bằng đón nhận những thiệt hại đó, điều quan trọng nhất đó là quan tâm đến người nghèo, người bất hạnh. Bởi vì họ luôn là những người phải chịu nhiều thiệt hại nhất khi bạo lực chiến tranh tác động đến đời sống của họ.”

Giải pháp cuối cùng. Chỉ được sử dụng đến vũ lực khi mọi phương cách hòa bình đã được thực hiện một cách nghiêm túc, nhưng đều thất bại.

Các Giám mục Hoa Kỳ đưa ra những giải pháp bất bạo động để đương đầu với chiến tranh. Trong bức thư mục vụ, các ngài đề cao mô hình sức mạnh của dân tộc Philippines như là mẫu gương cho một giải pháp đấu tranh bất bạo động thành công. Các ngài miễn cưỡng chấp nhận một cuộc chiến tự vệ chính nghĩa có điều kiện khi những đường lối hòa bình đều thất bại.

Kết thúc chương mục này, tôi có thể đặt câu hỏi: Khi nào người ta có thể nói rằng những giải pháp bất bạo động bị thất bại?

Để đạt đến hòa bình, tôi chọn tình yêu bất bạo động

Khi còn là một sinh viên thần học, tôi ủng hộ Học thuyết chiến tranh chính nghĩa được thánh Tôma diễn giải trong luận thuyết về đức ái (II–II, 40): thánh nhân đề cập đến một cuộc chiến chính nghĩa và hầu như ngài đã trình bày một điều là không thể nào có một cuộc chiến chính nghĩa đúng nghĩa được. Có một lời tuyên bố tôi đã in trong lần xuất bản bộ Summa, đã trở thành một vấn nạn nhức nhối cho tôi. Lời tuyên bố đó của một tu sĩ Đa Minh người Pháp, la Labourdette: “Việc trình bày về chiến tranh theo lối cổ điển xuất phát trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn hơn chúng ta. Những bản văn của thánh Tôma rất tuyệt vời, tuy thế đó lại là một sự nhầm lẫn.” Nhầm lẫn chăng? Quả thực, thánh Tôma là một con người rất thông minh – có thể nói là một thần học gia của mọi thời đại – nhưng dĩ nhiên cũng chỉ là một con người trong một thời đại nhất định. Ngày nay, tôi tìm thấy một học thuyết mới về chiến tranh, khắt khe hơn học thuyết thánh Tôma, nhưng vẫn còn một chút lầm lẫn về quan điểm chủ nghĩa nhân đạo mới và về niềm tin Kitô giáo được đổi mới.

Tôi còn nhớ hình ảnh sống động của Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI, trong tấm áo choàng trắng tinh khiết, ngài đứng trước Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York vào ngày 4/10/1965. Và tôi sẽ không bao giờ quên lời thỉnh cầu đã làm tất cả mọi người xúc động: “Xin đừng để xảy ra chiến tranh nữa! Đừng để lặp lại chiến tranh! Hòa bình! phải có hòa bình hướng dẫn các dân tộc và toàn thể nhân loại.”

Tôi biết rằng chúng ta sống trong một thế giới đang còn dở dang, thậm chí con có bạo lực, và vì thế cuộc chiến tự vệ vẫn có thể xảy ra. Nếu đó không phải là cuộc chiến chính nghĩa thì ít ra đó là cuộc chiến ít bất công hơn những cuộc chiến kinh tởm khác, một cuộc xâm lăng bất chính hay những vụ tấn công khủng bố. Điều này trông có vẻ hợp lý nhưng lại không cụ thể, trừu tượng. Theo quan điểm thần học luân lý, đạo đức học, điều trừu tượng thì không bao giờ tồn tại. Thánh Tôma nói rằng chúng ta phải xét đến từng sự kiện cụ thể, từng hành vi đặc thù của con người. trong những trường hợp cụ thể, chẳng hạn như cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991, hay cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan năm 2001 của phe đồng minh do Mỹ đứng đầu, chúng ta có thể nói rằng những phương tiện của phe đồng minh sử dụng để đương đầu với những kẻ thù khủng bố ở đó là tương xứng không? (cùng với nhiều người khác, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho rằng cuộc chiến đó là bất công. Tám người được giải Nobel Hòa Bình đã viết thư lên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Koffi Anna, lên án cuộc tấn công quân sự tại Afghanistan).[58]

Tôi có thể tin vào mục đích chính đáng của các nhà lãnh đạo chính trị không? Thần học gia Rafael Larraneta nói rằng: “Quê hương tổ quốc đã trở thành miếng mồi ngon cho lòng tham quyền lực, kinh tế.”[59] Thậm chí chúng ta có thể bàn về một cuộc chiến tự vệ cùng những phương tiện xứng hợp để đương đầu với những kẻ xâm lược bất chính và những kẻ khủng bố hay không? Cuộc chiến đó, hay bất kỳ cuộc chiến nào, chẳng lẽ không làm phát sinh những bất công mới, hình thức bạo động mới, tạo ra những hủy hoại khủng khiếp và hận thù nơi những dân tộc tham chiến hay sao? Theo nguyên tắc không phân biệt đối xử, làm thế nào cuộc chiến đó có thể là chính nghĩa khi người dân vô tội bị giết hại, bị trọng thương và những phương tiện sinh sống của họ bị phá hủy? Hay phải chăng đây là những thiệt hại phụ? Khi nào thì được sử dụng đến giải pháp sau cùng đó? Tại sao lại không là bằng những phương tiện hòa bình (chính trị, kinh tế, đàm phán) – chẳng lẽ không thể dùng lại những giải pháp hòa bình thêm một lần nữa sao?

Người ta nói: “Muốn sống hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum). Tôi không nghĩ như vậy. Ngày nay phải nói rằng: “Muốn sống hòa bình, hãy chuẩn bị hòa bình” (Si vis pacem, para pacem).

Là người Kitô hữu, khi đối chiếu với Tin Mừng của Đức Giêsu, nhất là Bài giảng trên núi, tôi thấy thật là khó khăn để biện minh cho một cuộc chiến tự vệ chính nghĩa. Một nhà luân lý nói rằng:

“Nơi những nhà luân lý chấp nhận một Học thuyết chiến tranh chính nghĩa, chắc chắn họ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì họ luôn đặt những lý lẽ thần học của mình trên nền tảng Cựu Ước. Mặc dù Cựu Ước cũng là lời được mạc khải, nhưng mạc khải đó chưa được hoàn trọn, chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho mạc khải quyết định ngang qua Đức Giêsu.” Nhà luân lý còn nói thêm: “Tin Mừng không đưa ra bất kỳ một mô hình nào nhằm biện minh cho những hành vi giết người hàng loạt do chiến tranh gây ra... Tin Mừng chỉ đưa ra mẫu gương của những người tử đạo, hoàn toàn ngược lại với hành vi giết người ở trên.”

Là người theo Đức Giêsu, tôi thấy không thể nào tìm được một lời biện minh cho một cuộc chiến chính nghĩa, dù nó là cuộc chiến tự vệ. Nhân đức trong đời sống của tôi là đức ái: mến Chúa yêu người; yêu người cũng là yêu kẻ thù, kể cả những kẻ khủng bố, và như thế phải tha thứ cho họ và sau đó hòa giải với họ. Tôi biết rằng tha thứ không phải là hủy bỏ sự công bằng, nhưng tôi tự hỏi chả lẽ không loại trừ được hành vi giết người khác?! Tự vệ chăng? Nhưng cũng có thể dám chấp nhận chịu đau khổ, thậm chí bị những kẻ gây hấn một cách bất công giết chết mình, thì đó cũng là một sự lựa chọn! Còn việc tự vệ chống lại tội ác thì thế nào? Việc duy trì án tử hình là một lý lẽ sai lầm mà tôi cũng như bao người khác phải chấp nhận. Việc đấu tranh bằng vũ lực để bảo vệ cộng đồng thì sao? Đó có phải một lựa chọn chính đáng để tìm kiếm hòa bình hay không? Có thể, nhưng tôi rất nghi ngờ.

Là tín hữu Công giáo, vấn nạn cốt lõi nhất của tôi, nó luôn hiển hiện, đó là: Đức Kitô của tôi có ủng hộ một cuộc chiến chính nghĩa, cuộc chiến tự vệ không? Nhiều người đã trả lời là “có”. Tôi không nghĩ như vậy! Chắc chắn Đức Giêsu có thể tự bảo vệ mình khi Người bị bắt tại vườn Giêtsimani. Ngài nói với Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần” (Mt 26,52–53). Phải chăng Đức Giêsu cũng không chấp nhận việc sử dụng bạo lực để bảo vệ tập thể, hay bảo vệ người khác? Có lẽ như vậy, ít là đối với các tông đồ của Người. Brian Wicker viết rằng:

Thế giới ngày nay đầu dẫy bạo động và luôn dùng đến phương thế bạo lực như là giải pháp cuối cùng để tự vệ. Điều đã xảy ra như vậy vì như lời thánh vịnh (69,4) mà Đức Giêsu thường nói: “Chúng ghét con vô cớ.” Tuy nhiên các tông đồ không thuộc về thế gian này. Nhiệm vụ của các ngài đơn giản là làm chứng cho Đấng Phù Trợ mà Thầy Giêsu gửi đến để bảo vệ các ngài. Không thể cho rằng Chúa Thánh Thần là vũ khí cho giải pháp sau cùng. Tóm lại, Đức Giêsu tin tưởng tuyệt đối vào Cha của Người, vì lý do đó, Người không cần đến nguyên tắc “giải pháp cuối cùng” và các tông đồ cũng không.[60]

Ngày nay tôi nghiêng về xu hướng chống lại Học thuyết chiến tranh chính nghĩa cả trên bình diện lý thuyết lẫn thực hành. Người ta từng nói rằng Học thuyết chính nghĩa có thể hạn chế được bạo lực trong chiến tranh, và thậm chí ngăn chặn được những chiến tranh có thể xảy ra. Tôi tự hỏi có phải chăng, đôi khi, chính điều đó đã biện minh cho chiến tranh. Có một luận chứng luân lý trong lãnh vực đạo đức sinh học gọi là “chiều hướng hành động có thể dễ dàng dẫn đến tai hại”. Tôi đã cố gắng trình bày truyền thống về Học thuyết chiến tranh chính nghĩa theo ba đường hướng chính yếu: đường hướng triển khai của thánh Tôma, của Đức Piô XII và Công đồng Vatican II, và của Đức Gioan Phaolô II và Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ.

Tôi tin chắc rằng cách tốt nhất để đương đầu với nền văn hóa chiến tranh không phải là sử dụng thêm chiến tranh, nhưng phải bằng một nền văn hóa hòa bình. Gandhi nói: “Không có con đường nào khác dẫn đến hòa bình, ngoại trừ bằng con đường hòa bình.” Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Chỉ có bằng cách thực thi hòa bình mới đưa tới hòa bình được.”[61] Tôi muốn hành động cho hòa bình, một nền hòa bình đích thực. Hòa bình không chỉ là không có chiến tranh, mặc dù nó bao gồm cả chuyện đó. Hòa bình còn có công lý, tình liên đới, và cả việc không ngừng thi hành công lsy và tình liên đới bao gồm việc tôn trọng quyền của con người – mà đầu tiên đó là quyền được sống của mọi người, của những con người đã sinh ra và sẽ sinh ra, cho dù họ là phạm nhân hay người vô tội – quyền được giáo dục các giá trị, chống lại nghèo đói cũng là chống lại sự bất công và sự lãng phí tài nguyên. Đây chính là hòa bình mà Đức Gioan XXIII đã tiên đoán một cách mạnh mẽ trong thông điệp Pacem in terris (Hòa bình trên địa cầu); là hòa bình năng động; hòa bình để sống với nhau trong công lý và tình yêu. Quả thật, không thể có hòa bình đích thật nếu không có sự ngay chính, chân thật, công bằng và tình huynh đệ. Giáo lý Hội Thánh Công giáo trình bày Học thuyết chiến tranh chính nghĩa cổ điển chỉ như một khảo luận về việc ngăn chặn chiến tranh. Sách Giáo lý tuyên bố:

“Hòa bình không ngừng bị đe dọa và chiến tranh nổ ra vì những bất công, bất bình đẳng thái quá về kinh tế hoặc xã hội, vì lòng tham, sự ngờ vực và tính kiêu căng đang hoành hành giữa những con người và các quốc gia. Tất cả những gì được thực hiện nhằm khắc phục các tệ hại này đều góp phần vào việc kiến tạo hòa bình và xa lánh chiến tranh.”[62]

Tôi kính trọng những con người với sự trung thành và lòng nhân đạo, trong những tình huống bạo lực và bất công cụ thể, họ đã kiên vững theo đuổi truyền thống chiến tranh chính nghĩa đổi mới này. Với tính cách cá nhân, tôi càng lúc càng có khuynh hướng theo đường lối bất bạo động đang lớn mạnh sau những gương mặt Gandhi, Martin Luther King, và nhất là gương sáng con người Giêsu Kitô Nazareth, Con Thiên Chúa và là con của Mẹ Maria.[63]

Tôi tin tưởng và hy vọng rằng với một chủ nghĩa nhân đạo mới, con người không chỉ đề cao những giá trị của quốc gia, nhưng còn quan tâm đến giá trị nền tảng của cả cộng đồng nhân loại. Đó chính là những giá trị của một nền văn minh, nơi đó nhân phẩm, quyền lợi, tự do, công bằng, sự thật và tình liên đới được tôn trọng.

Chúng ta có thể làm được điều gì? Tôi không chủ trương một Học thuyết chiến tranh chính nghĩa. Lựa chọn của tôi là hòa bình chứ không phải chiến tranh, tình yêu chứ không phải bạo lực, hợp tác chứ không phải đua tranh, lòng trắc ẩn chứ không phải quyền lực. Tôi sẽ nỗ lực để trở thành người kiến tạo hòa bình, một công cụ của hòa bình trong gia đình, trong đoàn thể, quốc gia và thế giới này.[64]

Là một người kiến tạo hòa bình vì Đức Kitô, tôi phải thuận hòa với chính tôi: thân xác quy phục tinh thần, tinh thần quy phục Thiên Chúa (St. Augustine). Tôi còn nhớ những lời thách đố của thánh Seraphim: “Nếu bạn tìm được bình an bên trong và hòa bình cho hàng ngàn người xung quanh, bạn sẽ được giải phóng.”

Để được bình an, tôi cần phải hòa thuận với Thiên Chúa. Tội lỗi là sự chia rẽ, sự đổ vỡ là tình trạng nô lệ. Thánh Tôma đã viết: “Nơi không có ân sủng có thể có bình an, nhưng thực ra đó không phải là bình an đích thực.” (II–II, 29,3 ad 1).

Tôi phải nỗ lực sống hòa thuận với tất cả mọi người: “Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người (Rm 12,18). Tôi phải hành động với anh em vì hòa bình và công lsy được đặt nền tảng sự thật và trong tình liên đới với mọi người: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Tôi phải yêu thương người nghèo và đối xử với những người bị áp bức bằng tình yêu trên hết. “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống” (Is 55,2).

Tôi phải hòa thuận với toàn thể thụ tạo. “Và Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp” (St 1). Lời tuyên bố rất thú vị của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Nếu con người không hòa thuận với Thiên Chúa, thì địa cầu sẽ không được bình an.”[65]

Dù không phải là tiên tri, tôi cũng tiên đoán rằng trong tương lai – hy vọng cũng gần thôi – sẽ có nhiều người, nhiều quốc gia hủy bỏ án tử hình vì cho đó là hình thức tàn nhẫn và không cần thiết; Học thuyết chiến tranh chính nghĩa sẽ được thay thế bằng những phương thế hòa bình như đối thoại, đàm phán; Liên Hiệp Quốc sẽ trở thành cơ quan nhấn mạnh đến đời sống luân lý; và kẻ yếu đuối cũng được mạnh mẽ. Tôi phải cầu nguyện cho điều đó, cầu nguyện cho thị kiến đầy sức mạnh của ngôn sứ Isaia được thành hiện thực: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4).

Tôi là tội nhân, luôn cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa và của anh em. Tôi biết rằng hòa bình là hồng ân Thiên Chúa. Vì thế tôi nài xin Thiên Chúa cũng như anh em hồng ân được bình an. Hồng ân mà chúng ta luôn cầu xin trong lời nguyện:

Xin hòa bình hãy đến trên địa cầu
Và hãy khởi đi từ đáy tim tôi
Xin hòa bình hãy đến trên địa cần
Mang ý nghĩa thâm sâu cho vạn thể.
Lạy Cha là Chúa trời đất,
chúng con là anh em với nhau
xin để cúng con hòa chung nhịp bước
cùng hòa theo nhịp đập con tim.


Fr. FAUSTO B. GOMEZ, O.P.
UST Faculty of Theology, Theo Week 3
Manila. 10/04/2002
[1] Edmund Ryden, SJ, Just War and Pacifism. Chinese and Christian Perspectives in Dialogue, Taipei Ricci institute: Varietes Sino Logiques New Series 89, 2001.
[2] St. Tôma, Suma Theologiae, Vol. 35, Consequences of Charity (II–II, 35–46), Commentaries and Appendices by Toma R. Heathe, O.P., Great Britian: Blackfriars, 1972, Appendix 2, pp.193–197.
[3] Bruno Solages, La theorie de la guerre just, Paris, 1946, p.9: quodted by Marceliano Llamera, O.P., Introducciones a la Suma Tiológica, VII, Madrid: BAC, 1959, pp.1014–1015.
[4] Germain Grsez, Living a Christian Life, Vol. 2 of his The Way of the Lord Jesus, Quincy, Illinois: Franciscan Press, 1993, pp.900–902: Fausto B. Gomez, O.P., “Abolition of the Death Penalty: Christian Perspective,” Unitas, Vol. 74, No. 3 September 2001, pp.376–405.
[5] St. Tôma, Contra Gentes, III, 34.
[6] II–II, 29,2 ad 2.
[7] II–II, 64, 6.
[8] R. Bose, Sociologia de la paz, Barvelona: Ed. Estela, S.A., 1967: Id., Evangelio, violencia y paz, Madrid: Ed. Morova, 1977, pp.53–55.
[9] R. Coste, Moral internacional, Barcelona: Herder, 1967, pp.479–480; Fausto Gomez, O.P., “The Justice of the ‘Just War’,” in his book, The Praxis of Justice and Solidarity, Manila: USTSRC, 1998, pp.131–136.
[10] Corintô, José Luis Guti é rrez Gacía, “Guerra”, Conceptos fundamentals en la doctrina social de la Iglesia, II, Madrid: Centro de Estudios Sociates del Valle de los Caidos, 1971, pp.225–236.
[11] Pius XII, Negli ultimi, 1946, số 29.
[12] Pius XII, Gravi, 1949, số 28; Corinto, José Luis Gutiérrez García, O.C., p.230.
[13] Edmund Ryden, O.C., các trang 50–53.
[14] La Decimoterza, 1952, 32–34; in Gutiérrez García, O.C., p.233.
[15] John XXIII, Pacem in Terris, 112.
[16] Pacem in Terris, số 55 và trong G. Grisez, O.C., p.901.
[17] Paul VI, PP. số 53.
[18] GS. Số 80.
[19] GS. Số 82.
[20] Marceliano Llamera, O.P., Introducciones a la Summa Teológica, VII, Madrid: BAC, 1959, 1015.
[21] GS. Số 81.
[22] Sách Giáo lý Công giáo 1992, số 2314.
[23] GS. Số 80.
[24] GS. Số 80–81.
[25] GS. Số 79.
[26] GS. Số 79.
[27] GS. Số 79.
[28] Karl Peschke, Christian Ethics 2, Manila: Divine Word Publecations, 6th Printing, 1997, pp.592–600.
[29] Cantessimus Annus, số 51.
[30] Cantessimus Annus, số 52.
[31] René Coste, Moral international, Barcelona: Herder, 1967, pp.478–480.
[32] Thông điệp ngày thế giới hòa bình, 1/1/2002, số 2,4.
[33] Thông điệp ngày thế giới hòa bình, 1/1/2002, số 4.
[34] Thông điệp ngày thế giới hòa bình, 1/1/2002, số 5.
[35] Thông điệp ngày thế giới hòa bình, 1/1/2002, số 5.
[36] Address 10.1.2002, số 3.
[37] Address 10.1.2002, số 5.
[38] Address 10.1.2002, số 5.
[39] 2002 Message, no.6.
[40] 2002 Message, nos. 6 and 7.
[41] Message of the 2002 World Day of Peace, no.14.
[42] Ibid., no.7.
[43] Ibid., no.12.
[44] Ibid., no.12.
[45] 2002 Message, no.7.
[46] x. Gaudium et Spes, no. 78.
[47] De Civitate Dei, 19,13.
[48] 2002 Message, no.3.
[49] 2002 Message, no.12.
[50] 1997 Message, no.5.
[51] 2002 Message, no. 3 and 2.
[52] No. 5: John Paul II. Dives in Misericordia, no. 14.
[53] 2002 Message, no.8.
[54] Ibid; no.9.
[55] Ibid; no.9.
[56] 2002 Message, no.14.
[57] X. John Paul II, Message 1997 World Day of Peace, no.6.
[58] http://www.elmundo,es/elmundo/2001/10/09/enespecial/1002585462.html
[59] Rafael Larraneta, “Ya no hay guerras Justas,” in La maldición de la Guerra. Salamance: Editorial San Esteban, 1984, p.117.
[60] Brian Wicker, The Gulf War and the Criterion of Last Resort,” New Black friars, Vol. 73, No. 859, April 1992, p.223.
[61] Message, January 1, 1979.
[62] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2317. x. Gaudium et Spes, no.78.
[63] x. Fausto Gomez, OP, Promoting Justice through Active Nonviolence, trong tác phẩm The Praxis of Justice and Solidarity, Manila: UST SRC, 1998, pp.130–160.
[64] x. Fausto Gomez, OP, Peace and Peacemaking, Manila: UST SRC, 1990, pp.1–48.
[65] Message for World Day of Peace, January 1, 1990.
114.864864865135.135135135250