29/10/2024 -

Thần học

357

  
Albert Schweitzer nói, “Đôi khi ánh sáng của chúng ta tắt đi nhưng lại bùng cháy lên khi gặp gỡ một người khác. Tất cả chúng ta đều biết ơn sâu xa những người đã khơi lại ánh sáng bên trong”. Cho dù có những trục trặc, khó khăn, phàn nàn trong đời sống tu trì, mỗi tu sĩ đều mắc nợ cộng đoàn thật nhiều, cộng đoàn nơi họ thuộc về, cho dù có thể người ta không hoàn toàn ý thức điều đó.

“Tất cả chúng ta là sự hiện diện của cộng đoàn
trải rộng cộng đoàn cởi mở yêu thương
Hoặc là một  cộng đoàn khép kín từ khước
làm cho chúng ta thành như chúng ta là”
E. Mcmahon; P. Campbell

Cộng đoàn mà chúng ta mong ước không bị vật chất hóa bởi chính nó; chúng ta phải xây dựng cộng đoàn. Mọi phần tử phải quan tâm tích cực tới việc xây dựng cộng đoàn và làm cho đóng góp của mình trở thành hữu hiệu. Tất cả đều phải canh tân tinh thần cộng đoàn, nơi họ có thể cảm nghiệm được niềm vui của tình huynh đệ chân thành, tham dự vào cùng một đời sống, một lý tưởng công việc và một lời cầu nguyện. Điều kiện để đạt được tình trạng là nhờ sự hội tụ của sáu thái độ sau đây.

1. ĐÓN NHẬN NHAU

Thái độ này còn hơn là nhân đức hiếu khách nhân bản và Kitô giáo qua việc mở cửa nhà bạn để đón tiếp người khác. Đó chính là sự sẵn sàng của tinh thần huynh đệ nhờ đó mọi phần tử cùng nhau làm thành một nơi đón tiếp mà mọi phần tử đều cảm thấy như ở nhà và cảm nghiệm được sự nồng ấm của tình người. Đây là một thái độ rất quan trọng đối với mọi cộng đoàn. Đừng ai có ý xấu với những anh/chị em sống trong cộng đoàn hay những người ghé qua. Bày tỏ sự tôn trọng người hèn kém, yếu đuối, tuổi tác, những người không thể tự lo cho mình, đó chính là chúng ta khiêm tốn vậy.

Thái độ tiếp đón huynh đệ bao gồm sự chú tâm để trở thành người cổ võ niềm vui trong nhau bằng cách làm điều thiện và tránh những lời nói hoặc hành động, những lời bóng gió hoặc những thông tin kém phần xây dựng có thể làm cho người khác tổn thương. Chúng ta nên kềm chế những liên hệ gần gũi về tuổi tác, chủng tộc, quê quán, ngôn ngữ, màu da, v.v… Chúng ta hiệp nhất trong một cộng đoàn không phải vì chúng ta được tạo dựng nên cùng một cách, không phải vì chúng ta có những liên hệ gần gũi tự nhiên, nhưng vì Chúa đã kêu gọi chúng ta lại với nhau và đặt chúng ta ở bên cạnh nhau.

Chúng ta không chọn lựa anh/chị em mình; Thiên Chúa chọn họ và ban họ cho chúng ta. Do đó chúng ta phải tôn trọng họ, không phải chỉ vì đó là kết quả của một nền giáo dục tốt, nhưng vì là hậu quả của việc Thiên Chúa chọn lựa họ. Động lực sự hiệp thông của chúng ta có tính cách siêu nhiên:
một ơn gọi,
một sứ mạng,
một hội dòng,
một niềm hy vọng thánh hóa.

Sau lời “Xin vâng” với Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi thưa “Xin vâng” với tất cả anh/chị em. Trong một cộng đoàn thân thiện, Thiên Chúa và anh/chị em luôn luôn tìm được chỗ thích hợp trong trái tim mọi phần tử.

2. CHẤP NHẬN LẪN NHAU

Trong cộng đoàn, các phần tử phải chấp nhận lẫn nhau như mỗi người là. Chúng ta chấp nhận họ không phải vì họ là những gì mà chúng ta muốn họ là hay những gì mà chúng ta sẽ là. Có nhiều khó khăn phát sinh do chúng ta không có khả năng chấp nhận các phần tử khác như họ là. Chúng ta muốn người khác phải là cái chúng ta là hay cái chúng ta tưởng chúng ta là. Đó là một đòi hỏi trái với tự nhiên. Mỗi cá nhân là một hữu thể độc đáo và không thể sao chép lại. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh và giống như Người, nhưng Người tạo dựng mỗi người mỗi khác. Thiên Chúa không tạo dựng các phần tử của cộng đoàn theo hình ảnh và giống như nhau. Vì thế chúng ta phải tôn trọng sự dị biệt về ý tưởng, ý kiến, khẩu vị, những cái thích và không thích. Hiệp nhất không phải là đồng nhất hay thậm chí là nhất trí.

Khi người ta biết cách làm thế nào để đâm thủng trái tim với mũi giáo huynh đệ, và khám phá đầy ngạc nhiên sự hiệp thông các ý chí hướng về Thiên Chúa và bước đi trên cùng một lộ trình, khi ấy người ta có thể thay đổi cách nghĩ về những người làm nên cộng đoàn. Rồi người ta chấp nhận rằng người anh/chị em thì khác biệt và không phải là những gì người ta muốn anh/chị em là, rằng mình có quyền là mình và không phải là bản sao của ai khác. Đa dạng không phải là phân rẽ, và sự khác biệt không được đưa dẫn tới sự dửng dưng.[1]

Có thể, và đôi khi thực sự xảy ra là một phần tử cho rằng chỉ có ý tưởng của anh ta là đúng và tìm cách áp đặt ý tưởng ấy trên người khác. Người bán rau cỏ có thể cho rằng rau cỏ mà anh ta thích là tốt nhất và mọi người khác cũng phải thích như thế. Hữu ý hay vô tình, những người như thế đang nhào nặn anh/chị em mình thành hình ảnh và giống như mình! Không phải là hiếm có những người không muốn người khác ảnh hưởng đến mình tí nào, mà tìm cách lèo lái người khác và bắt buộc họ phải giống như mình, cùng một ý tưởng, cùng một thị hiếu.

Khi không tôn trọng tính độc đáo của mỗi người, cộng đoàn chỉ trình bày một bức tranh xám xịt của sự đồng nhất và nhất trí, kết quả của sự thống trị về phía kẻ mạnh, và chủ nghĩa tuân thủ về phía kẻ yếu. Một cộng đoàn như vậy không có tình huynh đệ. Yêu thương đích thực sẽ khám phá và làm nổi bật sự độc đáo của người khác. Người không chấp nhận sự khác biệt nơi anh/chị em thì cũng không chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã muốn biểu lộ sự hiệp nhất trong tính đa dạng của thụ tạo.

3. BIẾT NHAU

Nền tảng của tình huynh đệ đích thực là sự hiệp thông trong chân lý. Điều này giả thiết phải biết đúng về chính mình và về người khác. Chúng ta nên biết những giới hạn cũng như giá trị và công lao của mình. Để cởi mở với người khác và gặp gỡ họ, trước hết chúng ta phải gặp gỡ chính mình và khám phá ra chúng ta là ai. Chúng ta không thể thực sự chấp nhận và tiếp đón người khác một khi chúng ta không biết thực tại bên trong và bên ngoài của chính mình.

Chúng ta chỉ có thể hiểu biết sâu xa một khi chúng ta yêu thương. Người nào yêu thương sẽ tập hợp thực tại sâu xa của người khác và dựa vào đó mà giải thích lời nói và hành động của họ. Đó không phải là những lời nói và hành động biệt lập, nhưng ở trong bối cảnh hiểu biết toàn thể tính của con người, bao gồm cả hậu cảnh, giáo dục, kinh nghiệm, quá khứ và thái độ quen thuộc. Hiểu một người là vấn đề sâu xa hơn là chỉ biết những gì người ta nói hay làm.

Người nào sống sự thật của mình trong yêu thương sẽ không dễ dàng ngồi phán xét kẻ khác. Trong các cộng đoàn tu trì thường có những trường hợp cá nhân phải đau khổ vì bị phán xét, bị phân loại và bị gán nhãn hiệu mà người ta chẳng biết gì về thực tế bên trong cũng như bên ngoài của họ. Đôi khi nhãn hiệu ấy theo đuổi họ suốt đời giống như thẻ chứng minh nhân dân bị sai mà không bao giờ được sửa. Điều này có thể trở thành một nỗi đau hành hạ họ lâu dài. Trái lại, có những người che giấu sự thật về mình, tạo nên một ấn tượng đẹp đẽ nhưng giả tạo đối với người khác. Họ đang phô bày điều không thật. Trong cả hai trường hợp, không thể có sự hiệp thông đích thực vì sự hiệp thông chỉ có thể dựa trên sự thật.

4. CHIA SẺ VỚI NHAU

Chia sẻ có nghĩa là để những gì mình là và những gì mình có làm của chung. Chia sẻ của cải vật chất là dấu chỉ sự hiệp thông tinh thần, như chúng ta thấy trong Cvtđ 2:42-47. Chia sẻ như thế sẽ cắt đứt gốc rễ mọi sự dữ như tính ích kỷ, tham lam. Sự khác biệt giữa các phần tử xét về phương diện tiền bạc hay của cải để tùy ý sử dụng – ngay cả vì những động lực hợp pháp như công việc – và những cảm nghĩ khác nhau trong cách hiểu về đức khó nghèo, sẽ làm ô nhiễm nặng nề mối tương quan cá nhân. Là anh/chị em có nghĩa là bình đẳng, và giữa anh/chị em không có ai là “bình đẳng hơn” người khác.

Chia sẻ công việc cũng là điều quan trọng, vì công việc là một trong những yếu tố ràng buộc chúng ta với cộng đoàn. Công việc làm trong cộng đoàn hay nhân danh cộng đoàn phải được mọi người nhìn nhận và chia sẻ. Phải biết tôn trọng công việc người khác làm, cho dù đó là công việc khiêm hạ. Đâu phải một mình ông kiến trúc sư xây nên ngôi nhà, mà là cả môt số đông như thợ nề, thợ mộc, thợ đặt ống nước, thợ điện và họa sĩ nữa. Chia sẻ sự mệt nhọc lẫn hoa trái của công việc.

Khi trách nhiệm được chia sẻ, nó trở thành đồng trách nhiệm. Tinh thần này có thể mở rộng đến mọi giai đoạn của công việc, từ lúc cày bừa cho đến lúc thu gặt, nghĩa là, thảo kế hoạch, thực hiện dự án, tập hợp ưu khuyết điểm. Mặc dù quyết định cuối cùng tùy thuộc vào bề trên, nhưng tất cả mọi phần tử đều được mời gọi góp phần vào quyết định ấy bằng cách cung cấp thông tin, ý kiến và đề nghị. Đồng trách nhiệm còn được biểu lộ trong việc tư vấn và bỏ phiếu chọn những người thích hợp nhất để điều hành cộng đoàn, và trong tiến trình quản trị một cách dân chủ.

Trong cộng đoàn tu trì, quản trị có sự tham gia là một bước lớn để thăng tiến. Lời cầu khẩn Thánh thần trở nên khả tín và hợp pháp xét như trong đó Người có khoảng trống để biểu lộ chính mình qua nhiều người. Đáng tiếc, người ta có cảm tưởng rằng nhiều hội dòng đã chấp nhận hình thức và phương pháp dân chủ mà không giáo dục các phần tử - bề trên và bề dưới - và khuyến khích họ trau dồi một đầu óc dân chủ đích thực. Việc này cũng giống như đặt cây đàn violon vào tay một người không được học đàn. Hậu quả là, buồn thay, nhiều chọn lựa được đưa ra là kết quả của sở thích cá nhân hơn là ước muốn vì thiện ích chung.

5. GIÚP NHAU TĂNG TRƯỞNG

Đây là một hình thức đẹp đẽ của sự chia sẻ huynh đệ. Người nào cải thiện được mình thì cũng cải thiện được thế giới. Điều này đúng đối với đời sống thiêng liêng, đời sống tu trì và sự trưởng thành nhân bản của cá nhân và cộng đoàn. Nếu mỗi phần tử dùng những tài nguyên và tài năng cá nhân để phục vụ cộng đoàn, cộng đoàn sẽ trở nên phong phú và có thể có tiềm năng lớn để tăng trưởng trong lãnh vực tâm linh, tri thức và tông đồ. Nếu thiếu những tác nhân kích thích ấy, những tác nhân lẽ ra phải phát xuất từ mọi phần tử, thì mức độ tổng quát của nếp sống cộng đoàn có thể sẽ tụt xuống. Đồng thời, chúng ta sẽ cảm nghiệm một nhu cầu khẩn thiết hơn bao giờ hết về sự thúc đẩy mạnh mẽ để nâng cao tinh thần của bầu khí trong cộng đoàn chúng ta.
Đố kỵ và ghen tỵ là những kẻ thù lớn nhất của đời sống cộng đoàn. Thái độ này thường xuất hiện trong vỏ bọc thánh thiện của sự khiêm nhường và phủ nhận người đồng bạn thành công trong công việc và được người khác trân trọng. Chính thành công của họ lại gây xáo trộn cho một số người. Giống như căn bệnh ung thư kín đáo, đố kỵ và ghen tương hủy diệt người mắc bệnh. Trong những năm đào tạo, mọi tu sĩ cần phải được ý thức về khuynh hướng tai hại này ẩn khuất đâu đó trong mỗi người.
Adrian Van Kaam nói, “Bước ngoặt của một cộng đoàn đích thực là khả năng đưa mỗi phần tử tới chỗ khám phá và thể hiện những khả năng tốt nhất và riêng biệt nhất của mình. Bao lâu cộng đoàn dửng dưng với mục tiêu này, cộng đoàn sẽ suy thoái thành một đám đông của cảm tính hay một tập thể cào bằng mà không có động lực hay hứng khởi” (Hoàn thiện nhân cách trong đời sống tu trì, New Jersey, 1969, 118).

6. NÂNG ĐỠ NHAU NHỜ LÒNG TRUNG THÀNH

Một cộng đoàn lành mạnh và vui tươi, nơi mối dây huynh đệ mạnh mẽ tràn ngập, sẽ hỗ trợ và củng cố ơn gọi của các phần tử. Thường không có mấy người có khả năng, ý chí, thời giờ và sự bình an nội tâm để lắng nghe và giúp đỡ những anh/chị em gặp khủng hoảng. Sự kiện thiếu vắng đời sống huynh đệ đã được chỉ ra như một trong những nguyên nhân chính đưa đến chuyện người linh mục hoặc tu sĩ ra đi. Người bại liệt cũng thường chẳng có bạn bè nào đưa anh ta đến với Chúa Giêsu để được chữa lành (x. Lc 5:17-25). Câu chuyện về người bại liệt trong tin mừng được các bạn hữu rỡ mái nhà thòng xuống bên dưới cho thấy rõ ràng thiện chí của cộng đoàn đã giúp người bệnh của họ tới chỗ lành mạnh. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu đã chữa cho người bại liệt. Hỗ trợ nhau, thăm viếng và khích lệ huynh đệ sẽ rất hiệu quả trong việc kiến tạo bầu không khí thân thiện cho sự trung thành và tăng trưởng của các phần tử.

Đúng là một tu sĩ phải thực hành các nhân đức đối thần trong đời sống hằng ngày và tiếp tục trung thành với cam kết của mình với Chúa và với đoàn sủng của hội dòng. Cũng đúng là nhóm người mà người tu sĩ được sáp nhập vào, tức là cộng đoàn, có bổn phận nâng đỡ các phần tử của mình. Cộng đoàn cần phải tạo ra và đem lại cho mỗi phần tử một bầu khí thoải mái để sống tin mừng của Chúa Giêsu, thực hành yêu thương lẫn nhau, và làm cho Chúa Phục sinh hiện diện. Chính là cùng với anh/chị em của mình mà người tu sĩ thể hiện đời sống của mình, trong sự tin tưởng vào lòng trung thành của họ.

Những gợi ý trên đây nhằm đưa ra một đường hướng và một sức đẩy mới cho cộng đoàn tu trì, làm cho đời sống huynh đệ của họ dễ chịu hơn và thân thiện hơn. Hy vọng là một bầu khí hiệp thông tốt hơn cũng sẽ cổ võ thêm ơn kêu gọi. Bạn có một loại hình cộng đoàn đúng nếu bạn bảo người đang tìm kiếm một kế hoạch cho đời mình và một cảm nghiệm đích thực về Thiên Chúa rằng, “Hãy đến nhà chúng tôi; chúng tôi có những điều kỳ diệu muốn cho bạn thấy. Hãy đến mà xem những điều rất hiếm và rất thú vị. Hãy đến mà xem nét đặc trưng của chúng tôi – chúng tôi mong muốn cho nhau lành mạnh như thế nào, chúng tôi sống hòa hợp thế nào, và chúng tôi cùng nhau hoạt động cho Thiên Chúa mà không ganh tỵ hoặc bon chen hay phân rẽ như thế nào. Và rồi bạn sẽ hiểu Thiên Chúa nghĩa là gì”.

Các ơn gọi sẽ tìm thấy môi trường thuận lợi khi đặc điểm của đời sống cộng đoàn là bầu khí trưởng thành riêng biệt, làm cho mỗi phần tử trở thành một con người có cá tính. Khi ấy các phần tử sẽ tăng trưởng và có được sự quân bình để nghĩ, muốn, và hành động như những người trưởng thành. Bị kiểm soát bởi cảm xúc và tùy thuộc thái quá là kiểu cách trẻ con, và gây trở ngại cho ơn gọi của người tu sĩ.

HỘI HỌP CỘNG ĐOÀN

Cuộc họp cộng đoàn nhằm chia sẻ huynh đệ về những kinh nghiệm, lượng giá, những ý kiến và những kế hoạch của các phần tử. Việc này giúp các phần tử hiểu nhau rõ hơn, tham dự vào đời sống và hoạt động của cộng đoàn đầy đủ hơn, chia sẻ trách nhiệm thảo kế hoạch, chương trình, và ra quyết định. Đến lượt những hoạt động này sẽ đào sâu sự hiệp thông huynh đệ và củng cố cộng đoàn.

Để được như vậy, bề trên, hoặc người điều hành cuộc họp, cần phải cởi mở và chân thành, và thoải mái chia sẻ thông tin với các phần tử. Tất cả phải cảm thấy mình được mời và tự do bộc lộ quan điểm của mình. Sẽ tốt hơn nhiều nếu mọi người được nói và mọi người nghe. Ý tưởng tập thể của anh/chị em sẽ nhận ra các sự kiện, phân tích và lượng định các dữ liệu. Bằng cách đó, cộng đoàn có thể sẽ khôn ngoan hơn và khách quan hơn khi phải quyết định. Trong khi bàn cãi, điểm chính của vấn đề sẽ nảy sinh và những giải pháp sẽ được đề ra. Chúng ta sẽ chọn lựa một biện pháp, hoặc phối hợp các biện pháp.

Thành công của cuộc họp cộng đoàn tùy thuộc vào việc các phần tử có thể và sẵn lòng thế nào để yêu thương và tin tưởng lẫn nhau, để chân thành chia sẻ ý nghĩ của mình và để lắng nghe nhau môt cách sâu xa. Cuộc họp cộng đoàn là một thực hành giao tiếp và tương tác có tổ chức và sâu sắc nhằm khuyến khích các phần tử cùng nhau thực hiện những mục tiêu riêng và chung. Phẩm chất sự giao tiếp của họ là dấu chỉ rõ rệt cho thấy hiệu quả của cuộc hội họp. Ý thức thuộc về, tin tưởng lẫn nhau, nhiệt tình trong công việc, ý thức trách nhiệm và niềm vui được sống cùng nhau sẽ tăng lên hay giảm sút tùy theo phẩm chất của sự giao tiếp tăng lên hay suy giảm.

Một tu sĩ lớn tuổi viết cho tôi, nói về quang cảnh đáng buồn của một cuộc họp cộng đoàn: “Hình như chúng tôi chỉ liên quan ở mức độ rất hời hợt. Có nhiều ảnh hưởng của những người nghĩ và nói tiêu cực về người khác. Chúng tôi không thấy có nhiều hiểu biết, chia sẻ cá nhân hoặc biết đánh giá. Đôi khi trong cuộc họp, có những cá nhân tấn công cá nhân một cách dữ dội, y như là núi lửa tuôn trào! Tất cả những chuyện này dẫn tới tinh thần bè phái. Ở đây làm sao có thể có cho và nhận? Chỉ có từ khước, loại bỏ và phân rẽ”.

Tất nhiên, có một vài cách hành xử không ích lợi trong tiến trình này. Mỗi phần tử đều có những phẩm tính riêng và những phản ứng đặc thù của họ đối với những vấn nạn và những đề nghị. Như vậy trong cộng đoàn chúng ta có những loại người khác nhau, họ cư xử khác nhau. Một cái nhìn vào trang trại súc vật hay sở thú sẽ giúp chúng ta hiểu vấn đề này rõ hơn, vì một số loài vật biểu thị rõ rệt một vài cách cư xử của con người. Bảng liệt kê sau đây trích trong cuốn Thảo luận Nhóm và Xây dựng Nhóm của Desmond A. D’Abreo, tr. 82-83:

a. Sư tử - nhảy vào và chiến đấu mỗi khi có ai bất đồng ý kiến với kế hoạch của anh ta hoặc can thiệp vào những ước muốn của anh ta.
b. Khỉ - làm trò hề khắp nơi, nói năng huyên thuyên không cho nhóm tập trung vào những vấn đề nghiêm chỉnh.
c. Công - luôn luôn khoa trương, tranh giành để được chú ý: “Này, xem tôi đẹp chưa nào!”
d. Lừa - cứng đầu, không thay đổi quan điểm.
e. Hươu cao cổ - nhìn xuống người khác và chương trình nói chung, nhận định: tôi ở trên tất cả những cái vớ vẩn này.
f. Rắn - ẩn mình trong đám cỏ và bất thình lình cắn người ta.
g. Đà điểu - vùi đầu vào cát và từ chối đối diện với thực tại hay chấp nhận một trục trặc nào đó.
h. Mèo - luôn luôn tìm kiếm sự đồng cảm: “Thật là khó đối với tôi… meo!”
i. Voi - cản đường, ngoan cố ngăn cản nhóm tiếp tục hành trình đi đến mục tiêu mong muốn.
j. Rùa - rút lui khỏi nhóm, từ chối đưa ra ý kiến.
k. Tê giác - chỉ trích lung tung, làm phiền người khác không cần thiết.
i. Cú - nhìn rất nghiêm chỉnh và giả bộ rất khôn ngoan, luôn luôn nói những câu dài và phức tạp.
m. Chuột – nhát đảm, không dám đề cập tới  bất cứ vấn đề gì.
n. Ếch - càu nhàu mãi về cũng một vấn đề với giọng đều đều.
o. Hà mã - lúc nào cũng ngủ, chẳng bao giờ ngẩng đầu lên trừ khi ngáp.
p. Cá - ngồi đó với cái nhìn lạnh lẽo không hồn, không trả lời ai hay vấn đề gì.
q. Tắc kè hoa - đổi màu tùy vào người mà anh ta có liên hệ. Nói một đằng với nhóm này và một nẻo với nhóm khác.
r. Thỏ - chạy lẹ khi cảm thấy căng thẳng, mâu thuẫn hoặc một việc không thú vị. Điều này có thể có nghĩa là nhanh chóng thay đổi đề tài.

Xin lưu ý là tôi đưa ra bảng liệt kê này ở đây là để giúp chúng ta hiểu cách ứng xử của mình và của người khác. Không nên dùng nó để gán nhãn hiệu hay biệt hiệu cho người này người khác hoặc là để xét đoán họ. Tuy nhiên, chẳng có gì là hại nếu dùng để bông đùa nhau khi mọi người đều vui vẻ.

Cuộc họp cộng đoàn sẽ là trò đùa nếu nó trở thành một tập hợp những người nói chuyện với nhau từng đôi một. Khi ấy không còn là một nhưng là nhiều cuộc họp diễn tiến cùng một lúc. Cũng thật tệ nếu một người độc quyền cuộc họp và bắt đầu giảng giải cho những người còn lại. Ở đây không có sự tương tác. Nếu mọi sự cứ để cho người điều hành và chẳng ai quan tâm hay có sáng kiến gì, thì cuộc họp thất bại. Đáng buồn khi suy tư về mức độ hiệp thông giữa các phần tử. Cuộc họp cộng đoàn lý tưởng là cuộc họp trong đó tất cả mọi phần tử đều tham gia một cách tích cực và sự giao tiếp giữa các phần tử là trọn vẹn.

Nếu cộng đoàn không quá lớn, tối đa 20 người, mọi người có thể ngồi thành một vòng tròn, như vậy người này có thể nhìn người kia mặt đối mặt. Người điều hành giới thiệu chủ đề, chia sẻ những thông tin thích hợp và mời gọi thảo luận. Người ấy để cho các phần tử được tự do nói lên quan điểm của mình mà không áp đặt giải pháp hay ý tưởng nhưng cùng với người khác tìm kiếm đâu là điều tốt nhất. Cả cộng đoàn đều có trách nhiệm với việc tìm kiếm này.

CỘNG ĐOÀN MÀ TÔI ƯỚC MƠ

Tôi ước mơ một cộng đoàn trong đó mọi người thốt ra tiếng “anh em” hay “chị em” không theo thói quen mọi ngày, nhưng xứng đáng và tốn công.
Tôi ước mơ một cộng đoàn trong đó tính ưu việt của con người được nhìn nhận, và mọi người đều xác tín rằng thiện ích chung không thể không trùng hợp với thiện ích của mỗi người.
Tôi ước mơ một cộng đoàn trong đó không ai tự coi mình là quá quan trọng, nhưng mọi người đều cảm thấy mình được người khác coi trọng.
Tôi ước mơ một cộng đoàn trong đó mọi nỗ lực nói xấu một người vắng mặt, cho dù là từ phía nào, đều nhanh chóng bị ngăn cản, và mọi người đều tránh nói lén.
Tôi ước mơ một cộng đoàn trong đó mọi người đều cảm thấy an toàn, mọi người đều cảm thấy yên ổn trong tự do, phẩm giá, tôn trọng, và nhất là, trách nhiệm cá nhân.
Tôi ước mơ một cộng đoàn trong đó mọi phần tử đều được mọi người coi là đáng tin cậy, và tất nhiên, mọi người đều cam kết để trở nên đáng tin cậy.
Tôi ước mơ một cộng đoàn trong đó sự hoài nghi duy nhất có giá trị là hoài nghi rằng có những anh/chị em không nhận được sự chia sẻ yêu thương xứng đáng.

SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG

1. Đọc và suy niệm 2 Cr 1:3-7; Mt 25:31-45; Ga 15:7-17
2. Bạn có cảm thấy anh/chị em của bạn đồng hành với bạn và nâng đỡ bạn trong các hoạt động của bạn không?
3. Bạn đóng góp vào việc củng cố tinh thần cộng đoàn ở giữa anh/chị em như thế nào? Bạn có thể làm gì hơn nữa về vấn đề này?
4. Liệt kê những việc mà bạn có thể làm cho cộng đoàn của bạn:
a) bình an hơn,
b) yêu thương hơn,
c) phấn khởi hơn,
d) hữu ích hơn,
e) vừa ý hơn,
f) có tính kitô hơn,
g) trung thành với ơn gọi của Chúa hơn,
h) dấn thân hơn với sứ vụ tông đồ,
i) chân thành và tự do hơn.
[1] Tác giả chơi chữ: difference (khác biệt) và indifference (dửng dưng). [ND]
114.864864865135.135135135250