01/10/2019 -

Thần Học Online

4567
Ý nghĩa từ nguyên
Trong kinh Tin Kính, khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, chúng ta đọc thấy hạn từ “đồng bản thể”. Thuật ngữ này được dịch từ tiếng Latin consubstantialis và Hy lạp homoousios. Xét về mặt từ nguyên, ta có thể hiểu: Đồng nghĩa là cùng; Bản thể: cái chính yếu cấu thành sự vật, Đồng bản thể được hiểu là cùng một bản thể. Như vậy, khi nói rằng Đức Giêsu đồng bản thể với Chúa Cha, chúng ta tuyên tín rằng Người chính là Thiên Chúa. Đây là thuật ngữ rất quan trọng và có thể nói đặt nền tảng cho niềm tin Kitô giáo của chúng ta. Trong suốt các thể kỷ đầu, thiên tính của Đức Giêsu là vấn đề gây tranh luận nhiều nhất trong Giáo hội.
Khởi đi với lạc thuyết Ariô
Trước khi tìm hiểu ý nghĩa “Đồng bản thể”, thiết nghĩ chúng ta nên tìm hiểu lạc thuyết Ariô là căn nguyên dẫn đến thuật ngữ này. Ariô (256-336) là một linh mục gốc xứ Lybia, được đào tạo thần học tại Antiôkhia. Khoảng năm 320, tại Alexandria, ông bắt đầu phổ biến lý thuyết của mình. Trong lá thư gửi cho Eusebiô thành Nicomedia, Ariô khẳng định lập trường rằng: “Chúng tôi đã bị bắt bớ vì đã nói rằng Ngôi Lời được rút ra từ hư vô. Chúng tôi đã nói như vậy về Chúa Con vì Ngài không phải là một thành phần của Thiên Chúa và Ngài không phát sinh từ thực tại đã có”. Như vậy, đối với Ariô, chỉ một mình Chúa Cha là Đấng không được sinh ra. Còn Chúa Con là Đấng được tạo thành, có khởi đầu, bởi hư vô. Ariô đưa khuynh hướng hạ-phục-thuyết (subordinatianism) thời bấy giờ đến hệ luận cuối cùng. Ông không chấp nhận ý niệm “Nhiệm Sinh Vĩnh Hằng” của Origene, không phân biệt nhiệm sinh vĩnh hằng với sự sinh ra trong thời gian. Chính vì thế, ông đã đặt Chúa Con trong hàng tạo vật. Theo Ariô, Chúa Cha là Đấng tuyệt đối siêu việt so với Chúa Con. Chúa Con thấp hơn Chúa Cha về bản tính, uy quyền và vinh quang. Chúa Con được gọi là Thiên Chúa, thực ra là một vị “thần linh thấp hơn”. Thiên Chúa thật là Đấng Duy Nhất Tuyệt Đối, đó là Chúa Cha. Ngoài Ngài ra, bất cứ thực tại nào cũng chỉ là tạo vật được dựng nên từ hư vô. Ngôi Lời cũng thế, là tạo vật của Chúa Cha và tùy thuộc vào Ngài. Ngôi Lời là tạo vật hoàn hảo của Thiên Chúa, không đồng vĩnh cửu với Thiên Chúa.
Lạc thuyết đã sớm bị Giáo hội tố cáo là đi ngược với truyền thống. Trên thực tế, nó tấn công vào bản chất của Kitô giáo, bởi vì quan điểm này quy ơn cứu độ cho một Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa thực sự và vì thế, không có khả năng cứu chuộc nhân loại.
Thuật ngữ “Đồng Bản thể” trong Công đồng Nicea 325
Để giải quyết sự xáo trộn do cuộc tranh luận của Ariô gây ra và đem lại bình an cho Giáo hội, mùa thu năm 324, hoàng đế Constantinô triệu tập Công đồng chung đầu tiên tại Nicea. Đến ngày 20/05/325, Công đồng chính thức được khai mạc, với con số khoảng 300 giám mục. Ngày 19/06/325, Công đồng biểu quyết chấp nhận một bản tuyên xưng đức tin (Kinh Tin Kính Nicea), trong đó, khẳng định rõ lập trường của Giáo hội về thiên tính của Đức Giêsu Kitô: “Chúng tôi tin một Thiên Chúa là Cha toàn năng tạo dựng muôn vật hữu hình và vô hình. Một Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng duy nhất sinh bởi Chúa Cha, nghĩa là từ bản thể Chúa Cha, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Người được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Nhờ Người muôn vật được tạo thành trên trời dưới đất. Vì chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, đã nhập thể làm người, đã chịu khổ hình, đã sống lại ngày thứ ba, đã lên trời và sẽ trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chết. Chúng tôi tin Thánh Thần”.
Ở phần kết thúc, Công đồng còn thêm một lời kết án như sau: “Giáo hội công giáo và tông truyền kết án những ai nói rằng: ‘đã có lúc Ngôi Lời không hiện hữu’ hay là ‘Người không hiện hữu trước khi được sinh ra’ - ‘Người được dựng nên từ hư vô’ - ‘Người bởi một bản thể khác mà ra’ - ‘Người hay thay đổi, biến dịch’”.
Từ những điểm chính yếu này, chúng ta nhận thấy Công đồng Nicea (325) dùng thuật ngữ “đồng bản thể” để diễn tả rõ ràng và dứt khoát rằng Ngôi Con không thuộc hàng thụ tạo, nhưng ở trong Chúa Cha và cùng với Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất (x. GLHTCG 262). Giáo hội tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi đồng bản thể vì mỗi Ngôi vị đều có trọn vẹn bản thể duy nhất mà không thể phân chia của Thiên Chúa (x. GLHTCG 48).
Học viện Đa Minh
Tài liệu tham khảo
Phan Tấn Thành. Về nguồn- Tập 2. Tp. HCM: Nhà sách Đức Bà Hòa Bình, 2017.
Marthaler B.L.. The Creed. Washington, DC: Congress Catalog, 2008.
Hamman, Adalbert G.. Để Đọc Các Giáo Phụ. Dg. Minh Thanh Thuỷ & Trần Ngọc Anh Tp. HCM: Tôn Giáo, 2014.

114.864864865135.135135135250