23/06/2015 -

Tản mạn, giải trí

1410

            Từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi đi học ở trường tiểu học của xã, tôi đã thấy bà ngồi bán hàng bên hiên, với mấy chiếc lọ đựng kẹo vừng, kẹo bột, thuốc lào và một ấm tích đựng nước trà nóng. Nhà bà ngay sát mặt đường nhựa, con đường nối thị xã với quốc lộ 2. Ngày ấy, nơi đó là khu chỉ có người… “Samari” ở, cách xóm nhà thờ chỉ một cây số. Mọi người thường gọi bà là: bà Thái Lan, sau này tôi mới biết, người ta gọi như vậy để phân biệt bà với bà cả, vì bà là vợ lẽ, lại là người… Thái Lan. Mà cũng lạ thật, bà là người Thái mà sao nói tiếng Việt siêu như người Việt. Càng lạ hơn nữa, khi hai bà chẳng bao giờ… “chõm chọe” nhau, mà vẫn vui vẻ, khi cứ thay phiên: “người đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” Cả hai bà cùng… sòn sòn thành lập một tiểu đội lính tí hon, bà Thái Lan bản lĩnh hơn, khi đóng góp đến bảy quân nhân.

   Ngày tháng cứ lơ đãng trôi đi không hề quay trở lại. Tôi cũng vậy, còn đâu cái thời tóc cháy khét, vì dãi nắng cả buổi trưa để dò bắt cho bằng được con chuồn chuồn cống, nó to và có hình dáng giống chiếc máy bay trực thăng, mà quê tôi quen gọi là máy bay… “bà già”. Rồi những ngày đi học thời chiến, mũ rơm đội đầu, bò từng bước trên cây cầu cọ vắt qua dòng kênh xanh để sang bờ bên kia, sau đó chạy thật nhanh đến quán bà Thái Lan mua cái kẹo bột và sung sướng nhấm nháp vị ngọt thời bao cấp. Cũng đã qua rồi cái thời tóc dài bay trong gió, với bao mơ ước của  thôn nữ mộc mạc…

 Tôi bây giờ đang… “ung dung” tụt từng bước xuống con dốc bên kia của cuộc đời, bên cạnh niềm vui với con cháu, tôi còn tìm được niềm vui khi tham gia vào các hội đoàn của giáo xứ. Giáo xứ tôi vốn có truyền thống tốt đẹp, thường xuyên đi thăm viếng các gia đình neo đơn, bệnh tật, già cả, không chỉ trong giáo xứ, mà còn mở rộng đến các tôn giáo bạn. Trong một lần tôi cùng ban bác ái đi thăm viếng một số gia đình, trong đó có bà Thái Lan, bà đã bước sang tuổi chín mươi, mái tóc bà bạc trắng như cước. Qua những lời tâm sự, giáo xứ tôi mới biết rõ ngọn nguồn đời bà.

   “Khi tình yêu con còn mơ, tin yêu con dệt thơ, thì tình Chúa hững hờ. Chúa vẫn đôi tay trông chờ, đôi mắt vương lệ mờ, nhưng con chối từ thôi…”

   Bà sinh ra trong một gia đình công giáo, quê ở Quảng Bình, trong thời chiến tranh, gia đình bà đã di cư sang Thái Lan. Thuở thiếu nữ, bà yêu tha thiết Anh Giêsu, nên đã theo làm đệ tử một dòng tu và luôn mong ước đến ngày được kết hôn với Anh, được Anh khắc vào con tim mình dấu ấn của Anh với sáu chữ vàng: vâng lời, khó nghèo, khiết tịnh. Khi bà đang ấp ủ giấc mộng, thì bỗng một… “chàng bướm” từ xa nhào tới, chàng vừa đẹp, vừa bay lượn rất dẻo, rất khéo. Bà mê mẩn như bị thôi miên, đã bỏ Anh Giêsu để chạy theo chàng, đến một… “khu rừng” xa xôi, rậm rạp, dây leo chằng chịt, quên cả lối về.

   “Ôi tình yêu của Chúa không bến bờ, con lại đắm say trần thế hơn cả tình Chúa…”

  Chàng đó chính là chồng bà bây giờ, quê ông ở Nam Định, hồi đó đã có vợ con. Ông làm nghề thợ xây, thường xuyên vắng nhà đi làm ăn xa, trong một lần sang Thái Lan xây dựng nhà dòng, ông đã… “hút hồn” bà, dù trái tim ông đã có chủ và vôi vữa dính đầy. Hai người đưa nhau về Việt Nam, sống ở Nam Kỳ một năm, sau đó ra Bắc đón vợ cả và các con lên Phú Thọ định cư. Thế là từ đó hai bà cùng với ông làm thành một… “tam ca” ăn ý. Bà giấu kín thân phận từ đó, bỏ lễ, bỏ tất cả những gì liên quan đến Anh Giêsu, con cái sinh ra, lớn lên và xây dựng gia đình, đều không được lãnh nhận một bí tích nào, dù nhà thờ chẳng cách bao xa.

  “Khi đường trần say nguồn vui, tương lai con rực cháy, con quên Chúa mất rồi. Chúa vẫn đôi tay rộng mời và thứ tha tội đời, nhưng con chối từ thôi…”

   Từ khi biết được cuộc đời bà như vậy, giáo xứ tôi càng quan tâm, thăm viếng và… “lôi kéo” bà về, bằng những việc làm thiết thực, những gợi ý tế nhị với bà và các con cháu. Khi ấy nhóm tam ca chỉ còn lại một mình bà, ông cùng bà cả đã rủ nhau đi thăm tổ tiên. Một dịp tết, con trai bà gọi điện tới ban hành giáo và cho biết: bà đang nằm ở bệnh viện, rất nguy kịch, gia đình xin Cha xứ và mọi người cầu nguyện cho bà. Được tin, giáo xứ và ban bác ái đã mời Cha đến tận bệnh viện, lo liệu những điều cần thiết cho bà, vì đã hơn sáu mươi năm, bà cắt đứt… “liên lạc” với Anh Giêsu.

   “Rồi khi đường trần con buồn đau, tương lai con mờ ảo, chạy đến Chúa kêu cầu. Chúa vẫn đôi tay rộng mời, tình Chúa không đổi rời, lòng Chúa bao dung đời đời.”

   Sau cuộc thập tử nhất sinh ấy, bà khỏe mạnh trở lại, sống vui vẻ bên con cháu thêm mấy năm nữa, trong thời gian đó, giáo xứ tôi vẫn luôn thăm hỏi, động viên bà. Cuối năm Giáp Ngọ 2014, bà thanh thản từ giã cõi trần, giáo xứ đã lo mọi việc chu đáo theo thủ tục công giáo. Thánh lễ An táng, mọi người hiệp ý với Cha chủ tế, sốt sắng cầu nguyện cho bà. Giêsu ơi! chắc Anh vui lắm, vì những năm tháng cuối đời, người tình nhỏ lạc lối năm nào, đã tìm về bên anh, vì… “nàng” đã nhận ra: chỉ có Anh là tình yêu vĩnh cửu.

                                                                           Mờ-inh

114.864864865135.135135135250