12/10/2015 -

Tản mạn, giải trí

2218
Được tin Cha Cố Tanila Hoàng Đắc Ánh OP. được Chúa gọi về từ một người Cháu cũng là Linh mục của Dòng Đa Minh. Tôi lên mạng, vào trang web của Tỉnh dòng. Tôi vội tìm đến mục Lễ an táng Cha Cố Tanila với lòng thành của một người con thông công dự Lễ. Tôi đọc đôi dòng giới thiệu về buổi Lễ. Tôi cầm trí nghe lời chia sẻ đầu lễ của Đức Cha Mathêu, Giám mục GP Quy Nhơn, chủ tế. Tôi lần về những kỷ niệm và hình dung ra Cha qua bài giảng của Cố Andrê Đỗ Xuân Quế cũng có một năm làm giám đốc cư xá SV Phục Hưng Cần Thơ. Ấn tượng nhất là tôi bị cuốn hút vào chúc thư ngắn gọn, cảm động, đầy cậy trông phó thác và vâng lời của Cha được đánh bằng thứ máy chữ của những thời xưa. Tôi đọc đi đọc lại chúc thư của Ngài và liên hệ tới di chúc của Cha Bào Huynh của tôi. Tôi biết rõ hơn và càng khâm phục cuộc đời dâng hiến.

Lòng tôi trĩu nặng với những tâm tư từ quá khứ ùa về. Đầu năm học 1971-1972, tôi thằng học trò vùng quê miền Cái Sắn khăn gói lên Cần Thơ nhập học, trong gói hành trang vào đời có một lá thư giới thiệu của cha anh gởi cha Giám đốc cư xá sinh viên Phục Hưng Cần Thơ. Tôi tìm tới địa chỉ 20/5, Mạc Tử Sanh. Sau khi đọc thư giới thiệu, tôi được Cha nhận vào cư xá.

Lần đầu tiên xa nhà, sống tập thể trong căn phòng 9m2 với 3 người bạn không quen biết, tôi càng nhớ nhà da diết và phải mất cả tháng trời mới hoà nhập được với cuộc sống mới. Từ bé, chưa từng sống trong khuôn khổ, tôi cảm thấy choáng với những nội quy và thời khắc biểu cứng ngắc: - 7 giờ tối, tập trung tại phòng khách đọc kinh, nghe Cha huấn giáo, sau đó ai về phòng nấy học bài. – 9 giờ tối, tuyệt đối im lặng. – 5 giờ sáng, đi lễ nhưng không bắt buộc. – 6 giờ, đi học (trong buổi sinh hoạt tối, chúng tôi phải thông qua lịch học ngày sau nếu có thay đổi để Cha kiểm soát xem có ai cúp cua). – Không được đưa khách vào phòng riêng mà phải tiếp tại phòng khách. – Chiều thứ bảy hàng tuần, lao động, - 3 tháng một lần lại bốc thăm đổi phòng. – Cuối năm học nếu không được lên lớp là ra khỏi cư xá… Nếp sinh hoạt rồi cũng quen và chúng tôi bọn sinh viên Công giáo vùng Cái Sắn vẫn luôn được Cha đánh giá là ngoan.

Tôi không thể nào quên được kỷ niệm thứ Năm tuần Thánh trong nghi thức rửa chân, tôi được phân công giúp lễ hôm ấy và phải múc cả thùng nước để rửa chân. Phòng nguyện được xếp ghế thành hình vòng cung, bàn thờ ở giữa, Cha Chủ sự rửa chân cho người ngồi đầu, người thứ nhất rửa chân cho người thứ hai, rồi thứ hai cho người thứ ba, và cứ vậy tiếp tục cho đến hết. Sau Thánh lễ, chúng tôi hả hê vì ai cũng được làm Tông Đồ! Rồi những ngày Chúa nhật, chúng tôi được sinh hoạt chung với các Sinh Viên và Thầy Cô Công Giáo, chúng tôi được đoàn ngũ hoá trong Tráng Đoàn Hướng đạo sinh. Những ngày Cha sang ĐCV Vĩnh Long dạy học, ở nhà chúng tôi được dịp phá rào vui vẻ. Tôi đã có bài thơ “Ngày trong đời” từ năm 1972 với câu lục bát mà tôi cho là tả thực “Trưa nay cư xá vắng Cha, Anh em bỏ ngủ hát-la-vui cười”…

Thế rồi năm 1974, Cha đổi về Sài Gòn làm việc trong Ban phiện dịch Kinh Thánh. Chúng tôi luyến tiếc nhưng cũng rất trầm trồ, với tài năng của Cha: Cử nhân Kinh Thánh, cựu SV trường khảo cổ Giêrusalem, biết mấy ngoại ngữ kể cả ngôn ngữ cổ thì phải về làm việc ở Tỉnh Dòng chứ không rất uổng.

Tôi còn ngưỡng mộ Cha vì được biết Ngài là con của Nhà giàu vào bậc có hạng tại Quy Nhơn đã dám bỏ hết mọi sự sang Pháp gia nhập Dòng Đa Minh chi Lion… Còn tôi vì hoàn cảnh gia đình tôi trở về vùng quê Cái Sắn dạy tư thục kiếm tiền vừa học vừa làm và giúp đỡ Cha Mẹ già. Tháng 5 năm 1975 chỉ còn mấy tháng nữa, tôi đành dang dở với tấm bằng Cử nhân Văn khoa Việt Hán…

Thời gian trôi qua, tôi bận rộn với công việc và gia đình. Internet bùng nổ tôi cũng có máy tính và một lần lên mạng, tôi đọc được bài “Tôi người con hoang đàng” của một người có bút danh là Phanxicô N- người tự xưng là Thầy giáo và cũng từng sinh hoạt sinh viên Công Giáo ở Cư xá Phục Hưng, nhờ Cha Tanila lôi kéo Anh đã trở lại sau những ngày dài đi hoang. Về hưu, tôi được Anh Em Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh mời gọi. Hình như có một chút gì tinh thần Đa Minh từ Cha Hoàng Đắc Anh thôi thúc. Tôi gia nhập HĐ Têrêsa. Trong một lần tĩnh tâm mừng bổn mạng. Lần đầu tiên được phân công phụ trách chia sẻ. Tôi vôi vàng lên mạng tìm tài liệu chuẩn bị. Tôi gặp được bài “Thái độ trước cuộc đời gian khổ” của Cha Tanila Hoàng Đắc Ánh OP giảng vào ngày 1 tháng 10 năm 1988 tại Đan viện Cát Minh Sài gòn. Bài có 3 ý: Thứ nhất cuộc sống thánh nữ Tê-rê-sa là một đời gian khổ; thứ hai thái độ của Thánh Nữ đối với gian khổ rất anh hùng và thứ ba một đời sống như vậy là một tấm gương chúng ta phải học bao lâu còn sống. Tôi ngấu nghiến ba ý tưởng ấy và trình bầy lại khá thành công…

Giờ đây, ngồi viết những dòng này, tôi càng nhớ Cha. Cầu nguyện cho Cha, tôi nhớ đến lời Thánh thi trong giờ kinh sáng lễ Thánh Mục tử. Tôi thầm đọc: “Đây Linh mục, những con người thánh hiến, Suốt cuộc đời, làm chủ tế trung kiên… Hồng ân Chúa, những hồng ân đặc biệt, Lãnh nhận rồi, phân phát cả cho dân… Không mỏi mệt nhưng kiên trì tỉnh thức, Suốt đêm trường hay mãi tới canh khuya…”

Và thành tâm cầu xin: “Xin cho Linh hồn Thầy Cả Tanila được nghỉ yên muôn đời.

(Fx. Đoàn Đức HạnhCSV Phục Hưng, Cần Thơ)
114.864864865135.135135135250