24/06/2021 -

Tản mạn, giải trí

3859


Xin cho một người vừa nằm xuống

thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang!
 
Cũng vào những ngày này, cách đây bảy năm, anh em Đa Minh Việt Nam vô cùng thương tiếc trước sự ra đi đầy ngỡ ngàng và đau xót của cha Giacôbê Vũ Văn Hanh, OP, một người anh em trẻ đang hăng say với sứ vụ nơi miền đất Thái. Để tiễn biệt cha Hanh, trang web Tỉnh Dòng cho đăng tải một bài viết với tựa đề: “Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng…”[1]. Khi ấy chúng tôi chỉ mới là thỉnh sinh, anh em truyền cho nhau đọc bài viết đầy cảm động và thắc mắc ai là tác giả của những dòng chữ chất chứa đầy nỗi niềm đó. Thật bất ngờ khi biết tác giả là người anh em cùng lớp với cha Hanh, giám đốc của chúng tôi - cha Giuse Lê Hoàng Thụy, OP. Bài viết như một lời tự sự thẫm đẫm tình người trước sự ra đi của người anh em đang khi cha mẹ già vẫn còn ở lại. Bài viết kết thúc với những dòng nặng trĩu tâm tư: Chiều nay, một nữ tu Đa Minh đang truyền giáo ở Lạng Sơn (lớp Tập 1996-1997 học chung với anh em chúng tôi môn Đời Sống Tâm Linh) gọi điện thoại hỏi tôi. Một câu hỏi tuy khác nhưng sắc thái ý nghĩa vẫn là như thế: Có phải anh Hanh chết rồi hay không? Tại sao lại như vậy? Tôi lại đứng chết trân. Tôi chỉ có thể trả lời rằng, H. hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai? Thôi, ráng mà sống cho tốt, làm được gì tốt thì làm…
Tôi trả lời như vậy là tự dối lòng mình, bởi tôi biết câu trả lời. Tôi chỉ có thể hát thầm trong lòng đang khi nghĩ đến người anh em: Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng… Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng…
Bảy năm sau, 23.6.2021, tác giả bài viết năm xưa có lẽ sẽ không ngờ rằng, chính mình lại cũng rơi vào hoàn cảnh bi thương như thế:Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng… Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng…. Từ lúc biết tin cha Giáo Giuse đau nặng, nhiều người cũng quan tâm hỏi thăm đến sức khoẻ ông bà cố của cha. Nghe đâu ông bà cố cũng đang dần đi hết nẻo đường của phận người. Thôi thì phó thác ông bà cố nơi tình thương của Thiên Chúa chứ biết làm sao hơn được.
Trở lại với câu chuyện tác giả bài viết, sở dĩ anh em chúng tôi ngạc nhiên khi biết tác giả là cha giám đốc của chúng tôi, bởi lẽ văn phong và tâm tình bộc lộ nên một kiểu người sống tình cảm và nội tâm. Điều này trái ngược hẳn với vẻ bề ngoài và tính cách của vị giám đốc mà anh em chúng tôi thường thấy. Mà đúng thế thật, với anh em chúng tôi khi đó, cha giám đốc là một người hướng dẫn mẫu mực và có phần khó gần. Cha ít nói, ít bộc lộ cảm xúc bên ngoài với anh em. Và đó là lý do mà phần đông anh em chúng tôi thường hay tránh né cha. Chắc anh em còn nhớ một trong những “cuộc chiến thường ngày” của anh em thỉnh sinh, đó là tranh nhau để không phải ngồi bàn cơm chung với cha giám đốc. Mà có phải là vì ngài khó khăn hay nóng tính gì đâu, chẳng qua là vì ngồi cùng bàn với cha giám đốc, anh em không biết phải nói chuyện gì, vả lại anh em còn hay bị ngài ép ăn cho bằng hết thức ăn. Tội cho những anh em nào chậm chân phải chịu ngồi bàn giữa. Có lần anh em chúng tôi tranh nhau căng thẳng quá nên có chút to tiếng, ngài hiểu nhưng lặng thinh như thể không biết chuyện gì.
“Cha giám đốc Thụy là người sống rất tình cảm nhưng lại cô đơn trong chính tình cảm của mình.” Đó là lời nhận định của một người em trong lớp. Chắc hẳn những anh em thỉnh sinh thời của ngài phần nào cảm nhận được điều này. Ngài là một người luôn quý trọng ơn gọi của anh em. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ngài chẳng hề cho về một anh em nào. Khi thấy anh em có điều gì chưa phù hợp với đầu đời ơn gọi, ngài ít khi gọi người đó lên gặp riêng, để tránh cho anh em phải lo sợ, nhưng ngài thường tế nhị nhắc nhở bằng cách kể một câu chuyện hay nói một câu bông đùa trên bàn cà phê, ngụ ý để người anh em hiểu và tự sửa mình. Ngài là một người cha nhân từ mà có lẽ cách riêng anh em chúng tôi cảm nhận được điều đó và phải mang ơn ngài suốt đời. Có những chuyện của lớp chúng tôi “mà người ngoài không thể tưởng tượng được”, nhưng với tấm lòng khoan dung và thông cảm cho tuổi trẻ, ngài nhẫn nại bỏ qua, ân cần sửa dạy và khai mở cho chúng tôi bước vào nẻo đường ơn gọi Đa Minh. Có lần ngài tâm sự với anh em: “Mình rất đắn đo khi phải quyết định cho một anh em ra về. Đó là mơ ước, là tương lai, là hy vọng không phải chỉ của anh em đó mà còn là của gia đình, người thân và biết bao mối liên hệ khác. Thế nên mình luôn cố hết sức để giữ anh em lại. Giai đoạn thỉnh viện không đòi hỏi anh em nhiều. Những đòi hỏi cao hơn, sau này anh em sẽ gặp ở những giai đoạn khác.” Muốn biết ngài quý ơn gọi thế nào, xin cứ hỏi những anh em nhóm G7.
Một kỷ niệm nữa về ngài càng khiến cho tôi kính phục trước tấm lòng hiền phụ của một người có trách nhiệm đào tạo. Anh H. khi đó đang chuẩn bị vào nhà Tập thì bề trên cho hoãn lại vì lý do sức khoẻ. Đó cũng là khoảng thời gian hè, anh em đã về thăm gia đình gần hết. Trưa hôm đó ăn cơm xong, ngài nói với tôi: “Nhờ T. chiều nay lấy xe của mình, chở mình ra bến xe, mình đi vắng vài hôm.” Thì ra cha đi về gia đình của anh H. tận ngoài Hà Tĩnh để thưa chuyện với gia đình về lý do tại sao anh bị tạm hoãn không được vào nhà Tập năm đó. Sau này anh H. kể rằng, lần đó cha giám đốc còn cẩn thận vào gặp cha xứ để nói rõ, tránh để cho anh bị những hiểu lầm đáng tiếc. Biết chuyện, mình hỏi sao cha không điện thoại là được rồi, đi làm gì vừa mất thời gian mà còn mệt vì đường dài. Ngài trầm ngâm một chút rồi trả lời: “Mình phải ra thưa với bố mẹ và cha xứ, vì mình là người chịu trách nhiệm về ơn gọi của anh em. Ngoài đó họ quý ơn gọi lắm, nên mình không muốn anh em phải khó xử.” Dưới ánh đèn vàng vọt hắt từ trần nhà xuống, khi đó mình nhận ra ngài đáng kính trọng biết bao!

Câu hỏi cuối cùng mình hỏi ngài trong lần cuối ghé thăm: “Nếu như cho chọn lại, cha có đồng ý làm giám đốc chúng con nữa không?” Ngài mỉm cười, nụ cười méo xệch đi vì cơn đau đang giày vò: “Làm nữa chứ!”.

Còn rất nhiều, rất nhiều kỷ niệm và câu chuyện về cha mà mỗi anh em chúng tôi ghi khắc riêng trong lòng mình. Trong thánh lễ bế mạc tuần tĩnh tâm chuẩn bị vào nhà Tập của lớp chúng tôi, hôm đó cũng là ngày giỗ cha Chu Quang Đương, OP., nguyên giám đốc thỉnh viện của ngài, lần đầu tiên anh em thấy ngài xúc động, rơi nước mắt khi đọc tới phần cầu nguyện cho người đã qua đời. Chúng tôi khi đó chưa cảm nhận được gì. Nhưng kể từ hôm nay, chúng tôi đã hiểu và đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng cao quý đó.
Ngày hôm qua, khi quỳ bên linh cữu của ngài trước giờ tẩn liệm, người em đứng bên cạnh rơi nước mắt và thưa với ngài: “Cha giám đốc yên tâm nhé! Anh em chúng con hứa sẽ đi trọn con đường mà cha đã gợi mở và hướng dẫn anh em chúng con bước vào…
Xin kính chào và tạm biệt cha giám đốc. Về bên Chúa, xin cha nhớ đến anh em chúng con…
O spem miram quam dedisti
mortis hora te flentibus,
dum post mortem promisisti
te profuturum fratribus
Imple Pater quod dixisti
nos tuis juvans precibus…
Tu viện Mân Côi, 24.6.2021
ĐTT,OP.
 
 
 
 
 
[1] http://daminhvn.net/tan-man-giai-tri/la-xanh-roi-rung-buon-chi-la-vang-8608.html
114.864864865135.135135135250