Những ngày dịch bệnh như thế này, dường như tất cả mọi lo toan đều dồn vào chuyện cơm áo gạo tiền và sinh mệnh. Trước đây cũng lo đó nhưng từ ngày con Covid xuất hiện thì làm cho đời sống thay đổi, mạng người mong manh và cuộc sống lao đao đó để rồi mệt nhoài hơn.
Chính vì mãi cứ chạy theo kế mưu sinh nên đôi khi hôm nay là ngày thứ mấy thì cũng chẳng ai nhớ nữa. Với người dân Sài Thành họ chả quan tâm gì khác là mong đến ngày ... mở cửa.
Cũng chả nhớ Trung Thu như bao nhiêu người khác, thế nhưng rồi những trang phây búc nhắc nhớ kỷ niệm xưa nên chợt nhớ hôm nay là Trung Thu. Hay như là những người yêu mến trẻ thơ quen làm lồng đèn cho bạn nhỏ nên có lẽ là những người nhớ Trung Thu hơn ai hết. Đơn giản vì là niềm vui của các bạn nhỏ chính là niềm vui khi người lớn trao ban.
Buồn cười cái bà "chị già" Giám Tỉnh. Đầu tắt mặt tối nào rau, nào gạo, nào thực phẩm cho những vùng cách ly rồi kèm theo cả thuốc cho những người nhiễm F0 thế nhưng rồi tâm hồn trẻ thơ vẫn trào tràn trên Chị. Thế là Chị cùng chị em trong Tu Viện rước đèn với nhau chơi để vơi đi nỗi nhớ thương những đứa trẻ.
Vậy đó ! 1 năm trẻ nhỏ có được vài ngày như sinh nhật, quốc tế thiếu nhi và hôm nay nữa là Trung Thu. Tiếc thay rằng năm nay Trung Thu lặng vì "cô ấy
Thật ra mà nói Trung Thu dường như chỉ có được cách trọn vẹn nơi thành thị hay nhưng vùng phát triển. Phần thì cha mẹ, phần thì có người này lo cách này hay cách khác cũng đủ vui. Ở những vùng nghèo xa xôi hẻo lánh nghe đến Trung Thu quả chăng là xa xỉ.
Biết được điều đó để rồi nhiều bạn trẻ tự bảo nhau gói ghém và dắt díu nhau lên cái vùng xa để chia sẻ
Phây búc nhắc lại hình ảnh nhóm bạn trẻ từ Sài Thành ngược lên vùng núi để chia vui với các em thật dễ thương. Năm nay lại lỡ hẹn với các em vì hoàn cảnh dịch bệnh.
Ở cái nơi tôi ở, có lẽ những nơi nghèo như nơi được các anh các chị năm ngoái đến là vậy. Chiếc bánh Trung Thu dường như là ngoài tầm tay với của các em. Vả lại, người thiểu số thì dù cho là người lớn đi chăng nữa thì làm gì họ nếm được mùi vị của Trung Thu.
Trung Thu đến, lòng nhủ lòng cùng với sự chia sẻ, chắt chiu để rồi cùng với 2 bé nhỏ ở Nhà Thờ để đi học đi vào làng. Già nua tuổi tác nên sao biết được khẩu vị của mấy đứa nhỏ là gì nên để cho 2 chị lớn đi chợ.
Nhỏ bé thôi ! Nhỏ bé thôi ! Phần quà gói ghém gồm sữa cùng 5 loại bánh kẹo khác mà bọn nhỏ thích là đủ rồi.
Hết sức ngạc nhiên và bỡ ngỡ : Đâu ra mà con nít đông như thế ! Phần cũng lo là thiếu thốn nhưng cuối cũng cũng xong.
Chuyện là nếu như mình chia từng túi nhỏ thì khi quân số đông hơn dễ bị động. Thà cứ để trong gói, trong thùng đê khi chia mình linh động. Được cũng như đặc biệt là bọn trẻ ở đây không hề ... tham.
Ở cái làng kia, xem chừng ra dư một ít bánh kẹo. Nhanh mồm bảo người lớn chia nhau cho vui nhưng tất cả đều lắc đầu. Thì ra là những người lớn này bảo các em chưa ra ... đủ !
Cũng may là còn dư để dành cho những người ra muộn. Người lớn dễ thương cái là không nhận phận của bọn trẻ.
Chỉ trong chóng vánh là quà đã bay hết. Nhìn bọn trẻ cứ lấy cái vạt áo cuốn lên bỏ quà nhét bụng thấy mà dễ thương. Hồi nhỏ mình cũng giống như bọn trẻ này đó thôi.
Nhìn thằng bé độ 5 tuổi bóc luôn chiếc bánh vừa nhận được ra xơi luôn thật cảm động. Tôi đã khóc ! Tôi đã khóc khi nhìn về tuổi thơ của những trẻ bé ở nơi đây.
Trên đường về, con đường dẫu rằng sình và nước sau cơn mưa chiều quá vội làm cho con xe chòng chành hơn mọi lúc. Ấy vậy mà lòng cảm thấy vui. Và hình như vui lắm khi thấy được nụ cười, ánh mắt của trẻ thơ nhoẻn trên môi.
Vậy thôi ! Trung Thu chắc có lẽ cũng chả cần gì cao sang quý phái. Cũng chả mơ tưởng gì đến lồng đèn hay những chiếc bánh Trung Thu. Dăm ba cái bảnh, ba bốn cái kẹo và hộp sữa thôi vậy mà vui.
Thương và thương lắm những mảnh đời bất hạnh cũng như thương và thương lắm nụ cười trẻ thơ.
Trung Thu như vậy cũng tạm đủ ! Có còn hơn không ! Trung Thu năm nay lặng nhưng ánh trăng vẫn tròn và tuổi thơ của bọn nhỏ vẫn thật là dễ thương.
Lm. Anmai, C.Ss.R.