19/07/2021 -

Tản mạn, giải trí

1819

Thế là Sài Gòn cũng đã trải qua được một chặng đường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Và cũng từ đó đến nay hai chữ “Sài Gòn” được nhắc đến với sự cảm thương nhiều hơn bao giờ hết.
Trong khoảng thời gian này, nếu ai đó đã từng sống ở Sài Gòn nay trở lại thì chắc chắn họ sẽ không thể tượng tượng và hình dung nổi một Sài Gòn mà họ đã từng sống. Quả thật, một Sài Gòn nhộn nhịp, huyên náo đông đúc xe cộ nhưng nay trở nên ảm đạm, tĩnh lặng đến khiếp sợ, đến nỗi có những ngày tiếng hú của xe cứu thương nhiều hơn là tiếng còi của xe hơi. Một Sài Gòn hoa lệ mà trước giờ vẫn được ví như Hòn ngọc Viễn Đông nay xác xơ với hàng chục, hàng trăm chốt phong toả được dựng lên. Một Sài Gòn tấp nập người qua kẻ lại ở những bến xe, sân bay và chợ đầu mối nay vắng bóng. Thế nên có người vừa đùa vừa thật rằng Sài Gòn giờ này có một chợ duy nhất vẫn hoạt động và luôn đông người chỉ có thể là Chợ Rẫy (bệnh viện). Tắt một lời Sài Gòn chẳng khác gì như một người trở bệnh nặng với những vết thương bầm dập, chằng chịt khắp nơi đến nỗi không ai dám đến gần.

Bên cạnh đó, những ngày giãn cách xã hội cũng đã cho nhiều người có cái nhìn rõ hơn về một Sài Gòn thực sự ẩn khuất sau những ngôi nhà chọc trời, những khu vui chơi sang chảnh. Nếu như Sài Gòn vẫn được biết đến như là một thành phố hoa lệ thì nói đúng hơn những ngày này “hoa” chỉ dành cho người giàu, còn “lệ” lại dành cho người nghèo mà thôi. Bởi lẽ tiếng khóc, tiếng kêu ai oán vẫn đang thốt lên ở từng ngõ ngách của Sài Gòn. Họ, những người bán vé số, những người nhặt ve chai, những người buôn thúng bán bưng, những công nhân nghèo khắp nơi trong Sài Gòn vẫn đang kiếm miếng ăn qua ngày dựa vào từng bó rau, ký gạo của những nhà hảo tâm. Bởi chưng khi mà người người, nhà nhà không được ra ngoài, khi mà các công ty, xí nghiệp đóng cửa thì điều đó cũng đồng nghĩa với khoản thu nhập ít ỏi của họ cũng mất đi. Thêm vào đó giá cả thực phẩm những ngày này cũng tăng chóng mặt. Thế nên có không ít người phải chịu cảnh no bữa trưa đói bữa chiều, nhất là những người nghèo trọ ở cuối ngõ con phố, nơi dễ bị bỏ sót. Thực sự chưa bao giờ Sài Gòn lại cần đến sự trợ giúp của đồng bào cả nước đến vậy.

Những điều nói trên cho thấy một nghịch cảnh đang diễn ra ở Sài Gòn trong hoàn cảnh này. Sài Gòn, nơi đã từng cưu mang những phận người, nơi đã từng cứu trợ đồng bào cả nước mỗi lúc lâm nạn một cách hào sảng thì nay lại cần đến sự giúp đỡ nhiều nhất có thể, như lời Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh trong thư kêu gọi Đồng bào Công giáo Việt Nam đã viết “Chính người dân Sài Gòn hôm nay đang khốn khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm cơn hoạn nạn… Các tỉnh Miền Trung, qua trận bão lũ năm 2020, vẫn còn ghi lại dấu chân người Sài Gòn khắp hang cùng ngỏ hẻm.

Tuy nhiên, dù Sài Gòn đang phải chịu “băng bó” là vậy, đang phải nhận sự tiếp tế từ đồng bào mình là vậy, nhưng giữa lòng Sài Gòn vẫn sáng lên hình ảnh đẹp của những người dân Sài Gòn. Có nhiều bạn trẻ, nhóm nhỏ không quản ngại vất vả giữa đêm khuya để phân phát thức ăn cho những người vô gia cư, những người đói khổ. Có những người chủ xóm trọ sẵn sàng giảm hoặc miễn tiền cho những người thuê trọ. Có những doanh nhân kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp rồi nấu ăn miễn phí cho những khu cách ly, cho những bệnh nhân, cho những nhân viên y tế. Có những gian hàng 0 đồng của các nữ tu trong Sài Gòn dành cho mọi người. Có những Hội Dòng hay Giáo xứ sẵn sàng làm chiếc cầu nối để phân phối thực phẩm tới người dân không phân biệt lương giáo. Và hơn hết dường như khắp nơi mọi người trong đất nước đều dõi theo Sài Gòn với tình yêu trĩu nặng, với những chuyến hàng đầy ắp tình người.  Những điều này không chỉ đem lại niềm ai ủi cho Sài Gòn trong lúc khốn khó nhưng còn ánh lên niềm hy vọng cho một Sài Gòn tươi sáng phía trước vì sau cơn mưa trời lại sáng hơn và có ánh cầu vồng.

Nỗi đau của Sài Gòn cũng là nỗi đau của cả đồng bào Việt Nam. Hy vọng của Sài Gòn cũng là hy vọng của nước Việt Nam. Sài Gòn ơi! Hãy cố lên và mạnh khoẻ nhé.
Antôn Hoàng Văn Phúc, OP.
114.864864865135.135135135250