24/10/2021 -

Tản mạn, giải trí

2646

Trước hết phải xác định rằng Truyền giáo không phải là một lời mời gọi nhưng là một bổn phận bởi lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo…” (Mc 16,15). Do vậy, mọi Kitô hữu chúng ta đều bị chi phối bởi lệnh truyền này: đi loan báo Tin Mừng.
- Loan báo Tin Mừng  là loan báo về Chúa Giêsu; bởi Ngài chính là TIN MỪNG.
- Bạn có biết Chúa Giêsu chứ? Đối với bạn Chúa Giêsu là ai? Bạn có liên hệ gì với Ngài? Theo bạn, những câu kinh, những bài giáo lý, những bản thánh ca để tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, là Đấng Cứu độ, là niềm hy vọng, là hạnh phúc, là cùng đích của cuộc đời mỗi người bạn thấy đúng không? Là người Kitô hữu, thiết nghĩ bạn phải tìm kiếm, khám phá và cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu thật là quan trọng và tối cần thiết cho cuộc đời của bạn chứ. Và khi cảm nhận được Ngài đúng là Tin Mừng thì bạn sẵn sàng đi loan báo cho người khác (đi khoe) về niềm vui, niềm hy vọng, sự bình an mà Chúa Kitô mang lại cho mỗi người. Và khi làm như vậy là bạn đang truyền giáo đó…
- Hỡi bạn là những Kitô hữu. Có lẽ điều cần ở đây là đời sống chứng tá của chính bạn:  Bạn có thật sự vui không, và cho dầu đang sống giữa những cam go và sóng gió của kiếp người, đời bạn có tràn trề niềm hy vọng  và bình an không? Để có được sự bình an và hy vọng đó, điều thiết yếu là mình phải tạo cho được một mối thâm tình với Chúa qua việc đối thoại với Chúa mỗi ngày (cầu nguyện). Liệu cuộc sống của bạn và tôi - mỗi Kitô hữu – khi đang dàn trải trong mọi cảnh huống thường ngày, có là bằng chứng đủ sức thuyết phục cho người khác thấy được niềm vui, và sự bình an mà Chúa Kitô đã mang đến cho cuộc đời chúng ta không?
- Hai điều cần phải nhấn mạnh trong việc truyền giáo là: chất lượng và số lượng. Truyền giáo chất lượng là làm cho các kitô hữu luôn được ấm, nóng, sốt sắng, nhiệt thành trong bổn phận thờ phượng và cung cách sống đạo. Truyền giáo số lượng là làm cho tăng số nhiều người biết đến Chúa. Cả hai điều này đều cần những nhà truyền giáo nhiệt thành và những chứng nhân đích thực. Và một yếu tố khác quan trọng không kém của việc truyền giáo là cầu nguyện – Cầu nguyện là cách truyền giáo dễ dàng nhất, không điều kiện, không đòi hỏi, ai ai cũng có thể truyền giáo bằng lời cầu nguyện chân thành - Chúng ta cần cầu nguyện nhiều cho những nỗ lực của các thành phần dân Chúa trong việc truyền giáo được đơm bông kết trái và xin cho những ý cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha  được mau mau hiển hiện.
- Điều cuối cùng cần nói là trong việc truyền giáo, chúng ta không nôn nóng để thấy được kết quả theo kiểu mì ăn liền, bởi lẽ nhiều khi kết quả đến chậm chạp, trơ lỳ, và những đóng góp của mình ra như vô tác dụng… Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm điều này khi viết “Tôi trồng, Appolo tưới, Thiên Chúa cho mọc lên” (1 Cor 3,6tt). Và như vậy, việc gieo trồng hôm nay chúng ta cứ phải làm; còn ai sẽ tưới và kết quả mùa gặt ra sao là việc của Chúa. Cho nên, chúng ta cứ gieo vãi, cứ vun đắp cho trọn vẹn những bổn phận của ngày hôm nay; còn tương lai và kết quả thì chúng trao phó cho Thiên Chúa của mình.
- Xin Chúa chúc lành và hoàn tất cho những nỗ lực và thiện chí của chúng con trong việc mở mang Nước Chúa – Amen.
                                                               Lm La Vinh, OP
114.864864865135.135135135250