21/09/2021 -

Tản mạn, giải trí

2449
 
Đại dịch Covid-19 đã lan tràn, đe dọa mạng sống con người và gây ảnh hưởng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội kể cả tôn giáo. Riêng với Công giáo, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến tất cả mọi hoạt động như bị đóng băng, nhiều nơi các tín hữu không thể quy tụ trong các nhà thờ để cùng nhau thờ phượng Chúa: thánh đường vắng tiếng chuông, nhà thờ không thánh lễ, cộng đoàn hết quy tụ…Giống như các môn đệ ở trong căn phòng đóng kín khi Đức Giêsu hiện ra, những ngày qua cùng với toàn xã hội, chúng ta cũng đang phải sống trong sự bất an, hoang mang, sợ hãi và núp ở sau những cánh cửa đóng kín. Thế nhưng, trong giai đoạn này, chúng ta thấy có một sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống xã hội đặc biệt trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Phải chăng đây là dấu chỉ của những niềm hy vọng mới? “Niềm Hy Vọng Hậu Covid”.
Quả vậy, nếu như trước đây, cuộc sống thành thị vốn nhộn nhịp, con người bị cuốn vào những cuộc chạy đua, khi đó những điều tưởng chừng rất đỗi bình thường: bữa cơm gia đình, những phút giây các thành viên trong gia đình cùng sống đạo, cùng nguyện kinh chung với nhau lại trở nên như một điều xa xỉ, họa hiếm. Những tưởng, hình ảnh các gia đình sáng tối quây quần vui vẻ bên những bữa cơm gia đình và nếp sống đạo đọc kinh chung gia đình sáng tối, những điều đó chỉ có thể bắt gặp ở những vùng quê khi mọi người quanh năm với công việc thuần nông, cuộc sống ví như bên lũy tre làng. Thì nay, khi Covid-19 gây ra biết bao đau thương cho toàn nhân loại đồng thời cũng là cơ hội phản tỉnh con người. Dịch bệnh làm cho con người rơi vào tình trạng khủng hoảng, không chỉ thiếu lương thực, thiếu việc làm nhưng còn thiếu tình thương và sự đói khát tâm linh. Có thể nói, khủng hoảng là tất yếu, tuy nhiên, khủng hoảng giúp con người nhận ra những giá trị cốt lõi của sự hiện hữu.
Mới đây thôi, cuộc sống mưu sinh cứ vội vã cuốn mỗi người đi một hướng thì nay khi tất cả dường như bị ngưng trệ, nhiều gia đình, xóm trọ bắt đầu có những bữa cơm chung, các thành viên cùng chung tay góp phần vào bữa cơm gia đình ấm áp. Con người biết quý trọng, dành thời gian quan tâm và yêu thương nhau nhiều hơn. Hơn thế nữa, không những cảm nhận được những phút giây quý giá khi đồng bàn bên nhau trong bữa cơm gia đình, họ còn cùng nhau đồng bàn trong những bữa tiệc Lời Chúa. Nhiều gia đình Công giáo vốn khô khan, nay lại cùng nhau lên thời khóa biểu chung để tham dự thánh lễ trực tuyến và có những giờ kinh gia đình thật sốt sáng.
Quả vậy, trước Covid-19, con người bị cuốn hút vào những lễ hội, bám víu vào hình thức bên ngoài, nay khi các nhà thờ không có thánh lễ, các hội đoàn không thể tụ họp thì cách thức thực hành đức tin lại đi vào bên trong, về chiều sâu. Đối với một số bạn trẻ vẫn quen sống đạo nặng hình thức chiếu lệ thì nay trong sâu thẳm người trẻ lại có được sự khao khát, yêu mến thực sự. Thay vì chạy theo những niềm vui hào nhoáng chóng qua, nay họ đã cảm nếm được sự ngọt ngào của niềm vui vĩnh cửu. Là Kitô hữu, vẫn giữ đạo, vẫn tới nhà thờ đọc kinh, xem lễ, thế nhưng đến giờ này nhiều người mới cảm nhận được tự trong sâu thẳm mình thực sự khát Chúa và họ chợt nhận ra Chúa vẫn đang hiện diện trong gia đình của mình. Từ những điều kỳ diệu đó, nhiều người như vỡ òa hạnh phúc, bởi nhận được ơn biến đổi dường như đã có những phép lạ xảy đến cho từng thành viên trong gia đình và cho chính bản thân họ. Thật vậy, bên cạnh những đau thương mất mát của dịch bệnh thì những chuyển biến tích cực như những tín hiệu mở ra hy vọng mới. Sau tất cả những xáo trộn đó, con người nhận ra điều họ vẫn tưởng rằng cuộc đời mình do mình làm chủ, nhưng thực chất việc làm chủ đó chỉ ở một giới hạn nhất định. Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh giúp con người kiểm thảo lại đời sống của mình đồng thời đặt con người trước những lựa chọn và những chọn lựa đó buộc họ phải đối chiếu với hệ giá trị mà mình theo đuổi. Điều gì là quan trọng nhất!

Giáo Hội luôn xác tín: Gia đình là Hội Thánh tại gia, gia đình thật sự quan trọng. Gia đình là vườn ươm
đức tin và cũng chính nơi đó hạt giống sẽ nảy mầm và lớn lên. Đối với người Công giáo, việc cầu nguyện chung trong gia đình là yếu tố nền tảng để bảo vệ, duy trì và tăng trưởng hạnh phúc gia đình. Giờ kinh gia đình là bầu khí thánh thiện, hiệp nhất mọi thành phần gia đình trong ơn thánh. Bữa cơm gia đình là lúc đầm ấm, mọi người ngồi bên nhau chia sẻ lương thực thành quả của lao động trong tâm tình tri ân cảm mến. Tất cả những điều đó làm nên nếp sống và nét đẹp của các gia đình Công giáo.
Kinh nghiệm đức tin đã được minh chứng qua dòng lịch sử. Chính những lúc khó khăn, bị cấm chế và bị bách hại, chính lúc đó các tín hữu lại có đức tin mạnh mẽ nhất và họ can đảm, sẵn sàng tuyên xưng bảo vệ niềm tin của mình. Giữa cơn bão covid-19, nghĩ về hình ảnh các gia đình Công giáo từ thành thị tới nông thôn, từ các quốc gia, châu lục trên khắp thế giới đang cùng nhau và cùng với Mẹ dâng lên Thiên Chúa những lời kinh Mân côi “Kinh nguyện của gia đình”, chúng ta như nhận được một nguồn lực vô hình và tin tưởng vững vàng chính Thiên Chúa sẽ giải thoát thế giới khỏi tai họa này. Chúng ta có quyền hy vọng về một xã hội, đất nước bình an trong tương lai không xa.
Tắt một lời, Covid-19 là thảm kịch, là sự dữ đối với nhân loại, là điều không ai mong muốn nhưng con người vẫn cứ phải chấp nhận sự hiện hữu của nó. Trong lúc này, chúng ta được an ủi và nâng đỡ nhờ giáo huấn của Giáo Hội: “Thiên Chúa dẫn đưa ta tới điều thiện hảo từ những hậu quả của sự dữ” (Giáo Lý số 312), cũng như lời của thánh Phaolô đã khẳng định: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8, 28). Là người Kitô hữu, chúng ta tin những đau khổ mình đang phải gánh chịu không vô nghĩa, vì chính Đức Giêsu Kitô cũng đã phải chịu đau khổ cách bất công, nhưng cuối cùng, Người đã sống lại để chiến thắng sự dữ. Bởi vậy, chúng ta cùng tin tưởng và đặt hy vọng chắc chắn nơi Thiên Chúa nhân lành, Ngài vẫn đang quan phòng và đang thực hiện những điều tốt đẹp cho nhân loại, cho chính cuộc đời chúng ta.
 
Fx. Nguyễn Văn Chiến, OP.
Tu viện Rất Thánh Mân Côi, ngày 21 tháng 9 năm 2021
114.864864865135.135135135250